Tuesday, October 22, 2019

20191022 TỬ CHIẾN HẠ LÀO 1971 18


20191022 TỬ CHIẾN HẠ LÀO 1971 18

*** Với những tài liệu bằng Anh ngữ trong đường nối kết bên dưới làm sáng to vấn đề hơn.
LAM SON 719: The “Moment of Truth” trang 1-17
Final Collapse Cao Van Vien

TỬ CHIẾN HẠ LÀO 1971, (18) NỖI ĐAU CỦA 2 ÔNG TƯỚNG

*(Trích sách “Gải Mã Những Bí Ẩn của Chiến Tranh Việt Nam của Bùi Anh Trinh)
Tổng tư lệnh Nguyễn Văn Thiệu
Linh tính đã cho Tướng Thiệu cảm thấy có rất nhiều phi lý ngay sau khi cuộc hành quân khai diễn, nhất là trong ngày 28-2-1971 nghị sĩ Trần Văn Hương đã công khai lên tiếng báo động về việc các phi công Mỹ không chịu bay hành quân thì báo chí Mỹ và Washington liên miệng chỉ trích quân đội VNCH hèn nhát (Tài liệu của Buker).
Cho tới sau 1975 cựu Tổng thống Thiệu vẫn không thấy được mưu thâm của Kissinger, ông nói với Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng:
“Nếu như Thiệu đã chậm chạp trong quyết định đổ thêm quân, thì ông rất mau lẹ đã nhận ra được rằng ông đã bị sa bẫy.  Ông ra lệnh cho Tướng Hoàng Xuân Lãm, vị chỉ huy cuộc hành quân, tiến chiếm Tchepone nhưng không cố thủ ở đó vì ông sợ một vụ Điện Biên Phủ thứ hai : Lực lượng của mình bị cầm chân tại một tiền đồn bất khả bảo vệ và không có đường tiếp tế, ông đã ra lệnh cho Tướng Lãm : “Anh vô đó đái một bãi rồi ra ngay cho tôi” (Nguyễn Tiến Hưng, Bí Mật Dinh Độc Lập, trang 75).
Tướng Thiệu đã biến đổi hoàn toàn cục diện, phá vỡ mọi toan tính đen tối bằng một quyết định rất đơn giản: “đái một bãi”.  Mặc dầu chỉ cần đái một bãi nhưng vẫn thành công mà không ai phiền trách gì được.  Thực tế của chiến trường cho thấy chỉ cần “đái chậm một chút” là quân CSVN đã khóa chặt đường về, mà một khi đã hết đường về thì chỉ còn bom B.52.
Sau này hồi ký của Tướng Westmoreland, cấp chỉ huy của Abrams tại Ngũ Giác Đài, bào chữa cho Abrams và Cao Văn Viên:
“Nhiều sĩ quan Việt Nam không đủ sức cáng đáng khiến cho Tổng thống Thiệu phải can thiệp và tự mình ra lệnh cho các đơn vị, xuống đến cấp Trung đoàn.  Nhiều khi các lệnh này ban ra mà Abrams chẳng hề hay biết”?
Ý của Westmoreland là các tướng Hoàng Xuân Lãm, Dư Quốc Đống, Lê Nguyên Khang không biết chỉ huy cho nên Thiệu phải đứng ra chỉ huy tới cấp Trung đoàn.  Và vì Thiệu dành chỉ huy cho nên Cao Văn Viên và Abrams bị cho ra rìa.  Nhưng bên trong nội bộ QLVNCH không đúng như vậy, Tướng Thiệu chỉ ra lệnh cho một mình Tướng Lãm.
Sở dĩ Tướng Thiệu phải can thiệp là vì tướng Lê Nguyên Khang và Tướng Dư Quốc Đống không chịu nghe lệnh Tướng Lãm vì không phục.  Trong khi đó cấp trên của cả 3 tướng là Tướng Cao Văn Viên thì lại bị cả 3 tướng không phục *(Vì ông xuất thân từ trường Hạ Sĩ Quan, chưa bao giờ theo học trường sĩ quan. Từ Trung sĩ lên đến Đại Tướng là nhờ phe đảng chứ không nhờ chiến trận).
Tướng Hoàng Xuân Lãm
Trong khi báo chí Mỹ nguyền rủa binh lính VNCH chết nhát trong trận Hạ Lào thì báo chí VNCH lại thi nhau đổ tội cho tài chỉ huy yếu kém của Tướng Hoàng Xuân Lãm…(!?).   Đa số các nhà báo không ưa Tướng Lãm vì nghĩ rằng Tướng Lãm là phe đảng của Tướng Thiệu nên mới được làm tư lệnh Quân khu 1.
Tuy nhiên rà lại biến cố “Biến động Miền Trung” năm 1966 thì tướng Lãm được Hội đồng tướng lãnh giao cho chức Tư lệnh Quân khu 1 bởi vì lúc bấy giờ ông là ông tướng duy nhất đang chỉ huy một sư đoàn Bộ binh tại Miền Trung, các ông tướng khác đều bị cách chức vì ngã theo phe làm loạn của Thượng tọa Thích Trí Quang *(Thi, Đính, Nhuận, Cao, Có, Chuân).  Như vậy chức Tư lệnh Quân khu 1 của Tướng Lãm là do tình thế đưa đẩy chứ không phải do phe đảng.
Nhưng đến năm 1967 có cuộc tranh nhau ra ứng cử Tổng thống giữa Tướng Thiệu và Tướng Kỳ.  Theo hồi ký của Tướng Lâm Quang Thi thì trong cuộc họp quyết định của Hội đồng tướng lãnh thì Tướng Lãm quyết liệt chống đối Nguyễn Cao Kỳ làm Tổng thống, thậm chí ông tháo lon trên cổ áo và tuyên bố sẽ ra khỏi quân đội nếu Hội đồng tướng lãnh đề cử Tướng Kỳ làm Tổng thống.  Sở dĩ ông làm như vậy bởi vì ông là một ông tướng chính trị (Đại Việt Miền Trung), ông thấy rõ nếu Kỳ làm Tổng thống thì mọi chuyện hỏng cả.
Cũng trong cuộc họp đó Tướng Lê Nguyên Khang và Tướng Nguyễn Đức Thắng cực lực ủng hộ Tướng Kỳ (Cùng khóa 1 Nam Định).  Ngoài ra trong cuộc họp đó Tướng Dư Quốc Đống không thích thái độ quá đáng của Tướng Lãm, ông cho rằng như vậy là trái với khí phách của người làm tướng.
Tuy trận Hạ Lào là một chứng minh tài năng chỉ huy xuất chúng của Tướng Lãm nhưng Tướng Thiệu không dám ghi công cho ông bởi vì tướng Cao Văn Viên không công nhận chiến công của Tướng Lãm, trái lại ông cáo buộc Tướng Lãm đã vượt hệ thống quân giai để làm việc thẳng với Tướng Thiệu.
Nhưng điều này là oan cho Tướng Lãm, ông đã thực sự mắc nghẹn khi tướng Lê Nguyên Khang, tư lệnh TQLC, không chịu ra Quảng Trị chỉ huy hành quân dưới quyền của Tướng Lãm.  Còn Tướng Dư Quốc Đống có ra nhưng ngay trong mấy ngày đầu đã bùng nổ xung khắc với tướng Lãm trong khi tướng Cao Văn Viên không giải quyết được.  Cho nên Tướng Thiệu phải đích thân ra Khe Sanh để xác định quyền chỉ huy của Tướng Lãm.
Có thể nói kế hoạch dùng Sư đoàn 1 Bộ binh tiến vào Tchepone của Tướng Lãm còn hay hơn kế hoạch “đái một bãi” của Tướng Thiệu.  Thuở đó các pilot Mỹ không chịu bay bởi vì quân CSVN đã thiết trí súng phòng không dày đặc từ A Lưới đến Tchepone.  Các pilot Mỹ có lý của họ và họ có quyền từ chối bay.  Tình hình có vẻ như bế tắc đối với Tướng Abrams là người chỉ huy tổng quát Liên quân Việt-Mỹ.
Thế nhưng Tướng Lãm đã gỡ thế bí cho Abrams bằng cách mở một hành lang trực thăng vận sâu về phía Nam sông Tchepone (Dọc theo đường 914), là vùng không có bố trí lực lượng phòng không.  Tuyệt vời hơn nữa là không đổ quân xuống tại Tchepone hay tại phía Nam Tchepone, mà lại đổ xuống cứ điểm Hope ở phía Bắc Tchepone rồi từ đó mới hành quân tạt về Tchepone để tập trung tại khu vực phía Nam Tchepone là khu vực an toàn đối với quân VNCH.
Và hay hơn hết là không dùng lực lượng trừ bị TQLC để tiến vào Tchepone như kế hoạch hành quân đã định sẵn, mà lại dùng TQLC trám chỗ cho Sư đoàn 1 Bộ binh để cho sư đoàn Bộ binh có thể tiến tới Chepone với một đoạn hành trình ngắn hơn.
Rốt cuộc Sư đoàn 1 Bộ binh trở về nguyên vẹn mà vẫn thành công cho nên Chuẩn tướng Phạm Văn Phú được ghi công đầu và được vinh thăng Thiếu tướng, Đại tá Tư lệnh phó Vũ Văn Giai được vinh thăng Chuẩn tướng.  Trong khi công đầu đáng lẽ là của tướng Lãm, ông rất xứng đáng được vinh thăng Đại tướng, nhưng đáng tiếc là ông đã phạm lỗi qua mặt Tướng Cao Văn Viên, một cái lỗi mà Tướng Viên không thể nào bỏ qua.
Thêm nữa, khi trận chiến vừa kết thúc, ngày 14-4-1971, Tướng Kỳ họp báo quy trách nhiệm thua trận Hạ Lào cho Tướng Thiệu….! Căn cứ vào tuyên bố của Tướng Kỳ, cả thế giới tin rằng Quân VNCH đã đại bại tại Hạ Lào.  Trong khi đó Tổng thống Thiệu không phản ứng đối với lời tuyên bố của Tướng Kỳ bởi sự phân hóa trong hàng ngũ lãnh đạo VNCH đã đi tới mấp mé của sự tranh giành quyền lực.
BÙI ANH TRINH
Chú thích của người viết: Tập tài liệu “Trận Hạ Lào 1971” trên đây đã viết xong vào năm 2010 (Nằm trong sách “Giải Mã Những Bí Ẩn Của Chiến Tranh Việt Nam”) nhưng chỉ chuyền đọc trong giới nghiên cứu và trích đăng nhiều đoạn trên net chứ không thể in thành sách;  bởi vì thời đó, 2010, Mỹ đang còn thuyết phục CSVN chuyển hướng ngã theo Mỹ để chống Trung Cọng;  cho nên không thể để cho tập tài liệu (Vạch trần âm mưu của Mỹ trong chiến tranh VN) làm ảnh hưởng tới bước tiến chiến lược mà chính phủ Mỹ đang thực hiện.
“Trận Hạ Lào 1971” là đoạn mắc nghẹn nhất trong tập tài liệu.  Nhưng giờ đây khi CSVN đã hoàn toàn ngã về phía Mỹ để chống lại TC, và ông Trump đã cho lật ngữa bài, thì tập tài liệu được đưa ra nhằm làm sáng tỏ những uẩn khúc về chiến tranh Việt Nam.
Trước đây người viết cũng đã lần lượt đưa lên net nhiều bí ẩn “mắc nghẹn” về chiến tranh VN như sự thật về trận Mậu Thân 1986 (“Trận Mậu Thân 1968”), hay sự thật về cuộc lui binh trên Liên tỉnh lộ 7 (“Các trận đánh năm 1975”), sự thật về việc mất Hoàng Sa 1974 (“Nguồn gốc chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa”, “Ai ra lệnh khai hỏa trong trận Hoàng Sa 1974 ?”, “Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc”)…
Ngày nay hầu hết những bí ẩn đen tối trong chiến tranh Việt Nam đã được Mỹ cho giải mã gần hết nhưng chưa có ai tổng hợp lại bởi vì tình thế bang giao giữa Mỹ và CSVN chưa cho phép.  Ngay cả chuyện tại sao 500.000 lính Mỹ đến chiến đấu tại Việt Nam thì cho tới nay con cháu Mỹ cũng chưa được biết.
BÙI ANH TRINH


No comments:

Post a Comment