Friday, August 30, 2019

20190831 “Hương Tràm Trà Tiên” Bài 25: Những tư tưởng lớn.


20190831 “Hương Tràm Trà Tiên” Bài 25: Những tư tưởng lớn.

*** Để hiểu rõ những khu Trù Mật, Dinh Điền của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm tại miền Tây, chúng tôi đính kèm thêm những đường link bản đồ của các vùng nầy. Đây là những bản đồ hành quân củ của Vùng IV. Một điều bất ngờ kỳ thú khác là nguồn gốc của đạo phái Bửu Sơn Kỳ Hương phát tích ra Tứ Ân Hiếu Nghỉa trùng hợp với chủ đạo của tộc Việt lại phát tích từ vùng Bảy Núi tức Thất Sơn.

Bản đồ Kiên Lương.
Bản đồ Rạch Giá.
Tri Tôn.
Châu Phú.
Long Xuyên.
hoànglonghải – “Hương Tràm Trà Tiên” Bài 26: “Phát triển một chiều…”
hoànglonghải – “Hương Tràm Trà Tiên” Bài 27: Dinh Điền Cái Sắn
hoànglonghải – “Hương Tràm Trà Tiên” Bài 28: Trở lại Dinh Điền Cái Sắn
hoànglonghải – “Hương Tràm Trà Tiên” Bài 30: Cây Số 15


20190703 Huong Tram Tra Tien Bai 25
Posted on Tháng Chín 24, 2014 by VietnamDaily.News in Hồi kýhoànglonghải // 1 Comment 

*** Vietnam Topographic Maps 1:50,000, U.S. Army Map Service, Series L7014
(Dinh Điền, Khu Trù Mật của Tổng thống Ngô Đình Diệm, Minh Đạo của Hồ Hữu Tường và Trại Ruộng của ông Đoàn Minh Huyên)
            Từ Côn Đảo về, được tha sau vụ đảo chánh 1 tháng 11 năm 1963, ông Hồ Hữu Tường viết một loạt bài đăng trên báo Bách Khoa của ông Huỳnh Văn Lang, nhan đề là “Trầm Tư Của Một Người Tội Tử hình”. Loạt bài nầy sau được in thành sách, lại nhan đề là “Minh Đạo”.
May mắn tôi đã đọc loạt bài ấy khi đang đăng nhiều kỳ trên Bách Khoa. Khi nó được in thành sách, tôi lại mua và đọc một lần nữa. Tôi nghĩ rằng điều ông Hồ Hữu Tường gọi là “trầm tư” quả thật là những tư tưởng mới mẻ, sáng suốt, và là con đường phát triển Nông – Công nghiệp nước ta, làm cho đất nước phát triển và giàu mạnh. Những nước nông nghiệp ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, muốn cho đất phát triển thì con đường “Minh Đạo” còn con đường hữu hiệu và đạt kết quả nhanh chóng.
            Hồi bấy giờ chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa mới sụp đổ, trong cái nhìn chung và hời hợt của nhiều người không thiếu định kiến xấu về chế độ đó, nên những chương trình như “Ấp Chiến Lược”, “Dinh Điền”, “Khu Trù Mật”, khu Kỹ Nghệ Biên Hòa…, bất cứ cái gì Tổng thống Ngô Đình Diệm xây dựng đều không… tốt; trong khi những chính phủ mới, không có chính phủ nào tồn tại được lâu vì những cuộc đảo chính, “biểu dương lực lượng” liên tiếp xảy ra.
Chính phủ tồn tại không lâu thì không có chương trình, kế hoạch nào lớn, lâu dài được đem ra áp dụng. Hơn thế nữa, các nhà lãnh đạo đất nước hồi ấy cũng chẳng có chương trình gì cả. Ngay cả ông Nguyễn Ngọc Thơ, khi được Dương Văn Minh mời làm thủ tướng Chính Phủ Cách Mạng. Trong một cuộc họp báo, báo chí hỏi chương trình cách mạng của chính phủ ông là gì, ông Nguyễn Ngọc Thơ chỉ vào bụng ông, nói: “Chương trình cách mạng ở đây.” Có lẽ ông muốn nói tới câu của người xưa: “Binh giáp tàng hung trung”.
            Thế rồi tôi cũng lăn lóc theo dòng đời, mãi đến năm 1972, khi tôi về Cái Sắn, nhìn quang cảnh dinh điền nầy, thấy đời sống dân chúng sung túc, giàu có, ngoài mặt thì tôi hỏi đùa bà con nông dân “Sao? Còn muốn lấp sông Bến Hải, trở về đất Bắc nữa không?” Dĩ nhiên ai cũng cười và lắc đầu. Nhưng điều tôi lấy làm ngạc nhiên là tại sao Dinh Điền Cái Sắn nầy được thực hiện y như trong “Trầm Tư Của Một Người Tội Tử Hình” của Hồ Hữu Tường?
Cái ý niệm về việc thiết lập những khu dinh điền, khu trù mật như thế nầy, ông Ngô Đình Diệm (và kể cả ông Nhu) được gợi ý từ đâu, trong sách vở nào? Có phải khi nằm ở Côn Đảo, ông Hồ Hữu Tường mới có cái “trầm tư” nầy hay ông đã có từ trước khi ông bị tù. Có thể nào anh em ông Diệm đã biết được cái tư tưởng của Hồ Hữu Tường từ trước, hay hai anh em ông tìm tòi trong những sách vở khác và “Những tư tưởng lớn gặp nhau”? Tại sao việc hình thành dinh điền, khu trù mật lại giống như việc thực hiện tư tưởng của ông Hồ Hữu Tường? Cho đến giờ, tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời cho sự trùng hợp nầy!
Tuy nhiên, trong tư tưởng của ông Hồ Hữu Tường, việc hình thành các khu kinh tế chỉ nhắm vào mục đích phát triển kinh tế Công-Nông nghiệp là chính, trong chương trình dinh điền của anh em ông Diệm, nó còn có vai trò chiến lược quân sự. Do đó, khi Cộng Sản miền Nam càng lúc càng mạnh thì dinh điền, khu trù mật là những mục tiêu đánh phá của chúng. Việc đánh phá đó có mục tiêu chiến lược hơn là chiến thuật.
            Cứ nhìn những vị trí Dinh Điền, khu Trù Mật, hay khu định cư của người Miền Bắc di cư, người ta có thể thấy vị trí chiến lược của những khu ấy.
Ví dụ 1:
Khu định cư Xóm Mới là nút chặn quân Cộng Sản từ An Phú Đông vào Saigon. Hồi chiến tranh chống Pháp (1945-54), từ An Phú Đông, qua ngã Xóm Mới, du kích Việt Minh xâm nhập tới Phú Nhuận. Anh rể tôi, dân Saigon chính cống, trước 1954 còn đi học và… đá banh, kể lại có lần Việt Minh ám sát người quốc gia ngay tại một sân đá bóng nhỏ ở Phú Nhuận. Giết người xong, bọn chúng rút lui theo ngã Xóm Mới về An Phú Đông.
Ví dụ 2:
Trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, La Ngà, Định Quán là nơi Việt Minh thường phục kích binh lính Pháp và Quân Đội Quốc Gia. Nhờ khu định cư Giốc Mơ, Gia Kiệm, Định Quán, La Ngà,… trong cuộc chiến tranh chống Cộng Sản Bắc Việt xâm luợc, quân Cộng Sản không thực hiện những việc chúng đã làm như trong cuộc chiến tranh trước.
Như trong quá trình lịch sử chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất đã cho thấy, vùng nầy có tính cách chiến lược quân sự nên sau 1975, để ngăn ngừa hoạt động quân sự của các tổ chức “Phục Quốc”, mặt khác Việt Cộng lại còn sợ đồng bào theo đạo Thiên Chúa ở đây giúp đỡ, tiếp tế… cho “Phục Quốc”, bọn chúng lập các trại cải tạo Xuân Lộc, Xuyên Mộc, “khai thác trắng” (tức là phá hết rừng) từ Trị An, đến Sóc Lu, Gia Kiệm, Định Quán qua tới Xuân Lộc, Chứa Chan, Long Khánh để “Phục Quốc” không thể lập căn cứ, hoạt động được. Do đó, về mặt quân sự thì có lợi cho Cộng Sản nhưng về kinh tế và môi sinh, thì cả một vùng rộng lớn như thế, bị đốn hết cây rừng, sự di hại không thể nói hết được.
            Trên chỉ là một vài ví dụ. Quí độc giả có thể tìm hiểu thêm qua vị trí những khu Trù Mật, khu định cư khác như khu Bắc Đậu ở Gia Nghĩa, (Đắc-Nông), Bảo Lộc, Bình Giả ở Phước Tuy, ở Hậu Nghĩa, ở Tây Ninh, v.v…
            Trở lại việc tìm hiểu vị trí của Dinh Điền Cái Sắn, như tôi đã trình bày trước, trong chiến tranh chống Pháp, quân đội Việt Minh di chuyển một cách dễ dàng từ Kampuchia qua mật khu Trà Tiên, theo kinh Kháng Chiến về Cái Sắn, rồi vượt LTL 8A mà đi về U-Minh hoặc di chuyển ngược lại.
            Việc thành lập khu Dinh Điền Cái Sắn như một cái rào cản vững chắc, kín, một “con muỗi Cộng Sản” cũng không lọt qua, nói chi tới những toán quân đông đảo, vũ khí kềnh càng. Toàn bộ điểm vượt tuyến dài hơn 70 Km trên LTL 8A chỉ còn một nút thắt họng tại ấp Hòa Bình, xã Mông Thọ, quận Kiên Tân, thường gọi là Cây Số 15. Quân Cộng Sản cố sống cố chết vượt qua cái nút thắt họng nầy như tôi đã trình bày ở các bài trước.
            Trước 1958, năm khu Đinh Điền được thành lập, vùng nầy được người dân địa phương gọi là “Vùng Nước Nổi”, có nghĩa là khi tới mùa nước sông Hậu lên cao thì toàn bộ đất đai bị ngập nước, mênh mông những nước là nước. Chỉ những nhà cửa dân cư dọc theo hai bên LTL 8A mới không bị ngập vì người dân đắp nền cao. Ngay cả LTL 8A nhiều năm nước lên cao hơn bình thường, vẫn bị ngập, xe cộ không lưu thông được.
            Trước khi thành lập khu dinh điền, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa hồi ấy đã cho đào những “kinh ngang” (như bậc ngang của một cái thang, nối liền hai kinh lớn, nằm dọc là kinh Cái Sắn (Từ Hậu Giang vào tới thị xã Rạch Giá) và Kinh Núi Sập, nối từ Hậu Giang với kinh Rạch Giá Hà Tiên rồi đổ ra vịnh Thái Lan. Những kinh ngang nầy cách nhau 2Km, được đặt tên theo vần chữ cái A, B, C…. và theo số 1, 2, 3, 4… Từ kinh B, – ranh giới hai tỉnh Long Xuyên và Kiên Giang, trở về hướng Rạch Giá (thuộc địa phận tỉnh Kiên Giang) có kinh A, kinh 1, 2, 3, 4… Từ kinh B trở ra hướng Long Xuyên thì có kinh C, D, E, F, G, H. Nói chung, khu dinh Điền Cái Sắn kéo dài từ xã Vĩnh Trinh, quận Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên, gần “Ngã Ba Lộ Tẻ”, tức là chỗ bắt đầu LTL 8A, LTL 9 (đi Châu Đốc), LTL 27 (đi Cần Thơ), kéo dài tới xã Mông Thọ ở phía bắc thị xã Rạch Giá. Chiều dài dinh điền Cái Sắn, kể dọc theo LTL 8A là khoảng 70Km. Bề ngang từ kinh Núi Sập tới kinh Cái Sắn là 12Km. Kinh Núi Sập và kinh Cái Sắn được đào từ thời kỳ Pháp đô hộ. Khoảng cách giữa hai kinh nầy là 12Km. Khi thành lập khu dinh điền nầy, chính quyền Ngô Đình Diệm cho đào thêm một kinh ở giữa hai kinh ấy, cách mỗi bên là 6Km, thường gọi là kinh Đòn Dông để việc tháo nước xã phèn cho vùng Cái Sắn được nhanh hơn. Trên hướng Long Xuyên – Rạch Giá, vùng tôi vừa nói là ở phía tay mặt. Phía trái, cũng là khu dinh điền, nhưng dân chúng ở thưa thớt hơn, không phồn vinh như phía phải, lẫn lộn những kinh do chủ điền đào trước 1945 như kinh Rọc Bà Ke, kinh Thạnh Tây, kinh Đông Bình và những kinh mới đào khi thành lập dinh điền như kinh Tân Hiệp, kinh 10, kinh 8, v.v… Việc đặt tên lộn xộn, không thứ tự như phía tay phải. Vùng nầy cũng có kinh Giữa (Thay vì gọi là kinh Đòn Dông). Những kinh nầy dẫn nước ra kinh Cái Bé, có khi còn gọi là kinh Thốt Nốt, thuộc địa phận Long Xuyên, ngang qua địa phận dinh điền Thới Lai, Cờ Đỏ của Tây hồi thuộc địa.
Trước 1945, vùng nầy rất phát triển, vừa trồng lúa vừa giao thông bằng ghe thuyền vì hồi đó xe cộ không nhiều, thường người dân di chuyển, vận tải hàng hóa bằng ghe. Điểm hội tụ của 6 con kinh là ở Thuận Trung, thuộc tỉnh Phong Dinh cũ là nơi buôn bán, trên quán, dưới thuyền ghe, rất tấp nập.
            Dân di cư từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định, v.v… được đưa về dịnh cư ở khu dinh điền nầy. Thật ra, từ Bắc vô Nam, thấy đời sống miền Nam dễ dàng, no đủ, không ai muốn về vùng “đồng chua nước nổi”, “nắng bụi mưa bùn” nầy làm gì. Tuy nhiên, hầu hết họ là người theo đạo Thiên Chúa, các linh mục khuyến khích họ về nên họ nghe theo. Phần đông, khi ở miền Bắc, họ là nông dân nên cũng muốn về đây làm ruộng. Nhiều gia đình sống “hai chân”. Phần đông gia đình trụ lại Saigon, vợ buôn bán sống qua ngày, tiện cho con cái đi học. Chồng và con trai lớn về dinh điền, nhận đất, nhận ruộng và … lảnh đồ “Mỹ quốc Viện trợ”.
            Tình hình lúc ban đầu rất chán nản. Tới mùa nước nổi, nước tràn lan khắp cả, ngoại trừ cái giường, cái bếp trong gian nhà tôn nhỏ bé mà vật liệu làm nhà là do chính phủ cấp phát. Mùa nầy kéo dài bốn, năm tháng, người nông dân không làm ăn gì được.
Tới mùa khô, nông dân ra đồng đốt rẩy, bắt rùa, rắn, cá, tôm ê hề, làm thịt phơi khô đem về cho vợ con ở Saigon. Tuy nhiên, mùa khô cũng là mùa nóng dữ dội. Không ít người làm biếng, khi ra đồng tìm bóng cây ẩn núp và … đánh bài. Hồi ấy chưa có máy cày, chính quyền Ngô Đình Diệm nhập trâu Murat ở Ấn Độ đem về phát không cho nông dân. Lại cũng có người đập cho trâu què chân để xin mổ thịt. Nông dân miền Bắc khoái ăn thịt trâu hơn thịt bò.
            Chính quyền Ngô Đình Diệm đặc biệt chú trọng các chương trình dinh điền, khu trù mật để ổn định gần một triệu người miền Bắc di cư, coi đó như là một quốc sách nên sau khi giải tán Phủ Tổng Ủy Di Cư thì thành lập Phủ Tổng Ủy Dinh Điền, đặc trách về chương trình khu dinh điền, khu trù mật.
Khi người nông dân đến vùng đất mới, chính quyền không “đem con bỏ chợ”. Họ được giúp đỡ nhiều mặt: “tôn”, ximăng, sắt để làm nhà, làm đường, làm cầu, xây trường học, trạm y tế… và gạo, tiền. Khu dinh điền Cái Sắn hồi mới thành lập đã có nhà máy điện, có dựng cột đèn dọc theo trục lộ.
            Mỗi nông dân được cấp 3 mẫu ruộng: Bề ngang (dọc theo bờ kinh rộng 30mét, kéo dài tới khoảng giữa của hai kinh là 1Km. Hồi 1972, giá mỗi mẫu ruộng ở đây là khoảng trên 500 ngàn đồng Việt Nam Cộng Hòa. Nhìn chung, mỗi gia đình có một tài sản ít nhất là 1 triệụ 500 ngàn, chưa kể trị giá căn nhà, vườn cây quanh nhà và gia súc, v.v…
            Vai trò của các linh mục ở mỗi kinh (tương đương với 1 ấp) là rất quan trọng. Khi người dân dinh điền thiếu thốn cái gì chính đáng, nhất là xi măng, tôn, gạo… thì các linh mục đi xin (nói theo địa phương). Có khi họ lên ngay phủ Tổng Ủy Dinh Điền hay phủ Tổng Thống xin giúp đỡ. Có người nói với tôi: “Không có các cha thì người dân đã bỏ đi hết rồi”. Suy nghiệm với vai trò các tu sĩ mà ông Hồ Hữu Tường nói trong Minh Đạo, tôi lại càng khâm phục viễn kiến của tác giả.
Trại Ruộng là gì?
            Tôi cứ nghĩ tôi viết như trên là xong, ai ngờ có điều ly thú hơn:
            Mấy lâu nay, đọc mấy tờ báo của Phật giáo Hòa Hảo Hải ngoại, kể cả trên các web site, tôi thắc mắc không hiểu tại sao một số bài viết về lịch sử đạo Phật Hòa Hảo, họ chỉ kể từ khi Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ khai sáng đạo mà thôi. Vậy thì thời gian trước nữa để chi, và vai trò ông Đoàn Minh Huyên trong công việc củng cố và truyền bá đạo Phật ở miền Tây Nam Bộ hồi giữa thế kỷ 18, cũng như việc ông thành lập tông phái Bửu Sơn Kỳ Huơng, tiền thân của đạo Phật Hòa Hảo, bỏ qua sao được?!
            Khoảng năm 1969, sau khi thuyên chuyển về phục vụ cho bộ chỉ huy binh chủng Thiết Giáp ở Saigon, một lần tôi tới liên lạc công việc với Cục Quân Huấn ở trong khu doanh trại Lê Văn Duyệt, tình cờ tôi thấy có một cuốn sách nhan đề hình như là “Lịch Sử các tôn giáo Việt Nam” để trong kệ sách, dành cho những người phục vụ trong đơn vị đọc hay nhiên cứu. Cuốn sách có lẽ được in sau thời kỳ Đệ Nhất Cộng Hòa, nhưng trước năm 1968, năm tôi nhập ngũ, ít ra cũng vài năm. Sách của Cục Quân Huấn in và phát hành. Nếu sách mới in thì thế nào tôi cũng kiếm được một cuốn vì sách cơ quan nầy in ra, thường được phát không cho các đơn vị, nhất là các đơn vị trực thuộc bộ Tổng Tham Mưu. Thấy cuốn sách lịch sử, tôi thích lắm. Nhưng trên kệ chỉ còn một cuốn độc nhứt, xin thì chắc không được, mà mượn có lẽ cũng không xong. Nhìn tới nhìn lui, tôi thấy cô nữ quân nhân phụ trách ở đây đang nói cười vui vẻ khi anh bạn đi cùng tôi đang tán cô ta, tôi liền nhân cơ hội, “chôm” cuốn sách bỏ vào túi quần treillis, đem về. Nếu bị bắt tại trận đang ăn cắp sách, có lẽ ông đại tá Cao Đăng Tường, cục trưởng cũng không nỡ nặng tay với một người mê sách như tôi. Tôi hy vọng như thế.
            Đem cuốn sách về đọc, tới phần lịch sử đạo Phật Hòa Hảo, tôi biết thêm về sự tích ông Đoàn Minh Huyên, mà trước đó, tôi chỉ thấy xuất hiện đâu đó tên ông với vài ba dòng, không rõ ràng gì cả.
            Thật ra, công trạng của ông Đoàn Minh Huyên đối với dân chúng miền Tây Nam Bộ lớn lắm, ơn nghĩa của ông ta cũng lớn lắm, nên dân chúng nhắc tới ông không ít, và cũng từ đó mà nảy sinh nhiều huyền thoại về ông.
            Ông Đoàn Minh Huyên là một nhà truyền giáo, một nhà đạo đức, một nhà khai sáng tôn giáo, một ông thầy thuốc cứu nhân độ thế, cứu giúp hàng ngàn người khỏi chết, và một nhà kinh tế chiến lược về nông nghiệp, mà “Trầm Tư của một người tội tử hình” của ông hồ Hữu Tường hay chương trình dinh điền khu trù mật của tổng thống Ngô Đình Diệm chỉ là kẻ đi sau. Chương trình của ông Ngô Đình Diệm có thành công, thì vai trò “Viện Trợ Mỹ” không phải là nhỏ.
Chương trình “Trại Ruộng” của ông Đoàn Minh Huyên chỉ là “tự lực cánh sinh”. Trong khi đó, sáng kiến của ông Đoàn Minh Huyên đi trước thời đại ông Hồ Hữu Tường, ông Ngô Đình Diệm khoảng một trăm năm.
            Để rõ ràng hơn, tôi xin trình bày về lai lịch ông Đoàn Minh Huyên.
Đoàn Minh Huyên sinh ngày 14 tháng 11 năm 1807 – mất ngày 10 tháng 9 năm 1856, là người sáng lập ra giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương, thường được các tín đồ và dân chúng miền Tây Nam Bộ, gọi tôn ông là “Đức Phật Thầy Tây An”.
Ông tên thật là Đoàn Văn Huyên (Minh Huyên là pháp danh), đạo hiệu: Giác Linh, quê ở Tòng Sơn, Cái Tàu Thượng, tỉnh Sa Đéc.
Những năm đầu đời Tự Đức, vùng Cái Tàu Thượng (Một nhánh kinh bên tả ngạn sông Hậu, thuộc Sadec sau nầy, bị mất mùa, và bị bệnh dịch tả lớn, hàng ngàn người chết, không kịp chôn. Đêm tối dân chúng không dám ra khỏi nhà, gà không gáy, chó không sủa. Đúng là một vùng lặng thinh, đất chết.
Ông Đoàn Minh Huyên đi thăm bệnh, cho thuốc. Theo dư luận thì ông có bùa phép vì thuốc của ông cho chỉ là than tro và nước lã. Vậy mà ông đẩy lui được bệnh dịch, trong khi quan quân chỉ ngồi khoanh tay mà coi dịch tả hoành hành.
Từ chỗ có công chữa bệnh cứu người, được uy tín, dân chúng ngưỡng mộ, ông bèn bắt đầu đi thuyết giảng đạo Phật, chính yếu là nhắm vào thực tế, điều nhân nghĩa, hiếu thảo với cha mẹ anh em, kính thờ Trời Phật.
Người theo ông càng ngày càng đông, ông bèn thành lập tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Ông dựng chùa thờ Phật, tập trung  dân chúng thành nhiều vùng, giúp nhau khai phá đất đai, làm ruộng, gọi nôm na là Trại Ruộng.
Các Trại Ruộng nổi tiếng gồm có:
Trại Ruộng vùng Cần Lố (Đồng Tháp Mười) vùng Láng Linh, vùng núi Két (thuộc Thất Sơn), sau thành ra hai làng Hưng Thới, Xuân Sơn; vùng Cái Dầu.
Vì có công chữa bệnh cho dân và hướng dẫn dân chúng trong việc hợp tác giúp nhau khai khẩn đất hoang làm ruộng, lại truyền bá đạo Phật nên uy tín của ông ngày càng lớn, khiến quan quân triều đình lo ngại. Ông bị bắt giam nhưng không xử tội ông được vì việc làm của ông không trái với luật pháp triều đình nên ông lại được thả ra. Tuy nhiên, chính quyền cũng buộc ông vào tu ở chùa, không được lang thang qua nhiều vùng như trước. Ông về sống ở chùa Tây An, sau nầy gọi là Tây An Cổ Tự ở An Giang. (1)
            Sau khi Pháp chiếm Nam Bộ, trại ruộng Láng Linh trở thành nơi kháng chiến chống Pháp rất quyết liệt.
            Đạo Phật Hòa Hảo do Huỳnh Phú Sổ khai đạo, là đời thứ tư do ông Đoàn Minh Huyên chuyển kiếp cho Phật Trùm, Ngô Lợi, Sư Vãi Bán Khoai và Đức Thầy (HPS) để giáo hóa chúng sanh nên chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng của tông phái Bửu Hương Kỳ Sơn, lấy đạo Phật làm căn bản, tu hiền, và gìn giữ bảo trọng Tứ Ân, thường gọi là Tứ Ân Hiếu Nghĩa.
Tứ Ân gồm có:
            1.Ân tổ tiên cha mẹ;
2.Ân đất nước;
3.Ân Tam Bảo;
4.Ân đồng bào và nhân loại (với kẻ xuất gia thì ân đàn na thí chủ).
Phụ lục:
            Một vài nhân vật đặc biệt, tiền thân của Phật Giáo Hòa Hảo (Trích từ Wikipedia):
Phật Trùm (? – 1875) tên thật: Tà – Pênh, người Việt gốc Khmer, ở ấp Sàlon, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ông được tín đồ các giáo phái Bửu Sơn Kỳ HươngTứ Ân Hiếu NghĩaPhật Giáo Hòa Hảo gọi tôn là Phật Trùm.
Từ nhỏ đến lớn, Phật Trùm có cuộc sống như một người bình thường, có vợ và 4 người con gái. Là người Việt gốc Khmer ít học, nói tiếng Việt không thạo; vậy mà vào năm 1866, sau những ngày lâm bệnh nặng đến hôn mê, ông bỗng dưng tỉnh táo và khỏe lại, tự nhận mình là hậu thân của Phật Thầy Tây An tức Đoàn Minh Huyên, là hồn Trùm của Phật (nên được tín đồ gọi tôn là Phật Trùm).
Từ đấy, Phật Trùm bắt đầu giảng giáo lý toàn bằng tiếng Việt. Bà Néang-Suông xưng là cháu chắt Phật Trùm cho biết ông có để lại một cuốn Kinh bằng tiếng Việt, nhưng Tà-Sao là cháu của Phật Trùm đã đem nạp cho Pháp.
Và cũng tương tự lối hành đạo của Đoàn Minh Huyên, Phật Trùm cho phân phát “lòng phái”, trổ tài trị bệnh thật lạ thường.
Nhà Phật Trùm sinh sống khi xưa tại ấp Sàlon, nay trở thành nơi thờ cúng ông.
Khoảng năm 1870, lúc này tín đồ người Việt theo ông đã khá đông. Thấy vậy, một số người Việt gốc Khmer trong xóm vu cáo là ông mượn chuyện đạo, chuyện trị bệnh để quy tụ, để cổ xúy nhân dân nổi loạn, nên nhà cầm quyền Pháp cho bắt giam ông rồi kết án tù đày. Trong tù, ông chăn heo. Sau vài năm, Pháp thấy ông hiền lành, không có biểu hiện gì chống đối, nên ông được trả tự do.
Về lại quê nhà, Phật Trùm tiếp tục hành đạo, có khi rao giảng đạo sang tận Campuchia.
Ngày 13 tháng 3 âm lịch năm Ất Hợi (1875), Phật Trùm viên tịch.
Hiện mộ Phật Trùm nằm lưng chừng núi Salon, một núi nhỏ, thấp thuộc ấp Sàlon, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Mộ không đấp nấm, theo chủ trương của giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương.
Ngô Lợi người Mỏ CàyBến Tre. Cha tên Ngô Nhàn (? – 1937), làm nghề thợ mộc, mẹ tên Phạm Thị Xuyến, người Bình An, tỉnh Định Tường.Tương truyền từ nhỏ cho đến lúc trưởng thành, Ngô Lợi cũng không có biểu hiện gì khác lạ. Cho đến năm 1851, lúc 20 tuổi, ông viết Bà La Ni Kinh dài 223 chữ Hán, mà sau này trở thành quyển kinh quan trọng của đạo Hiếu Nghĩa.
Năm 37 tuổi, vào ngày mùng 5 tháng 5 năm Đinh Mão (1867), bỗng nhiên ông bất tỉnh. Sau 7 ngày 7 đêm, ông hồi tỉnh lại, trở thành người giải thoát, rũ sạch lòng trần, dạy người theo đạo.
Bởi đi “thiếp” vào ngày trên và thỉnh thoảng ông lại có những cuộc đi thiếp như thế, nên người đời còn gọi ông là Năm Thiếp. Mỗi lần đi thiếp xong, ông thường nói những việc quá khứ và đoán định việc tương lai, nên được nhiều người tin nghe.
Sau khi liễu đạo, Ngô Lợi đi nhiều nơi vừa trị bệnh (nhất là trận dịch hoành hành dữ dội vào năm 1876), vừa thu nhận và dạy tín đồ thuyết học Phật tu nhân, báo đáp tứ ân, hành xử theo thập nhị giáo điều. Năm 1876, ông cho một tín đồ tên Trần Tịnh đi khảo sát vùng Núi Tượng. Năm 1870, ông đưa một số đệ tử vào theo để khai hoang, lập chùa miếu và mở thôn ấp mới.
Những năm 1877 – 1879, ông tổ chức hai cuộc làm chay để che mắt Pháp, lần đầu vào ngày 16 tháng 2 năm 1878 qui tựu hơn 200 người, rao giảng thuyết Hội Long Hoa và tuyên bố “đời Minh Hoàng được thành lập, ai không theo thì bị thú dữ, cọp beo trong rừng ăn thịt”
Lần thứ nhì vào ngày 30 tháng 4 năm 1878, ông phong cùng Võ Văn Khả làm chánh tướng, Lê Văn Ong làm phó tướng để nổi dậy kháng Pháp ở Cai Lậy (Mỹ Tho) vào ngày 2 tháng 5 năm 1878 nhưng đã bị dẹp tan nhanh chóng. Hai ông Lê Văn Ong và Võ Văn Khả bị xử chém tại Thuộc Nhiêu năm 1879. Còn Ngô Lợi cùng nhiều nghĩa quân trốn thoát về làng An Ðịnh. Căn cứ của đạo Hiếu Nghĩa, do ông cùng tín đồ khai hoang, lập ấp thuở trước.
Bọn mật thám của Pháp liền được lệnh truy lùng Ngô Lợi ráo riết, nhưng rốt cuộc không thu được kết quả nào, bởi ông được tin đồ và đồng bào mến mộ che giấu. Ngay cả thuộc hạ đắc lực của đốc phủ Trần Bá Lộc là Hai Phép lãnh trách nhiệm theo dõi ông, cũng bị ông cảm hóa rồi theo phe kháng Pháp luôn. Đốc phủ Đỗ Hữu Phương cho tên Bửu, người Minh Hương, mua ba ngàn xâu chuỗi bồ đề từ Chợ Lớn xuống Núi Tượng, cúng cho bổn đạo vẫn không dò hỏi được tin tức gì.
Pháp nhiều lần tổ chức ruồng bố. Chỉ tính trong 12 năm (1876 – 1888), Pháp đã đến đốt phá, bắt bớ, tra tấn, tù dày những tín đồ ở làng An Ðịnh cả thảy bảy lần, tín đồ Hiếu Nghĩa gọi là “đạo nạn”, đơn cử như vào năm 1885, Ngô Lợi cùng với tín đồ đạo Hiếu Nghĩa kết hợp với nghĩa quân của Hoàng Thân Sivôtha (Campuchia) nổi dậy, đánh chiếm hai bờ kênh Vĩnh Tế và làm chủ Tịnh Biên. Nhưng ngay đó, quân Pháp do đại úy Ferussac đem quân chiếm lại và còn tấn công vào An Định, khiến Ngô Lợi phải cùng với nhiều tín đồ phải chạy sang Vườn Dầu, thuộc Campuchia để lánh nạn. Ngày 2 tháng 6 năm 1886, quân Pháp mở cuộc hành quân sang Campuchia, đánh vào căn cứ Vườn Dầu nhưng thất bại. Mặc dù cản ngăn được đối phương, nhưng khi Ngô Lợi trở về núi Tượng, nhà cửa, chùa chiền ở An Định chỉ còn là những đống tro tàn.
Bi thảm nhất là vào năm 1887, quân Pháp do thiếu tá Peiqnaux ở Châu Đốc chỉ huy, cùng hai cộng sự là Trần Bá Lộc và cai tổng Trương Văn Keo kéo quân vào An Định. Bị kháng cự ở núi Trà Sư. Khi Pháp tràn được vào làng, họ đã đốt sạch nhà cửa, chùa chiền, bắt nhiều người tra tấn để tìm Ngô Lợi.
Kết cuộc, Pháp xử bắn 8 người, đày ra Côn Đảo 13 người, cưỡng bức 407 gia đình gồm gần hai ngàn người già trẻ xuống tàu về quê quán và giải tán làng An Định (sáp nhập vào làng Vĩnh Lạc).
Ngày 13 tháng 10 âm lịch năm Canh Dần 1890, ông Ngô Lợi mất vì bệnh tại thôn An Hòa, gần Núi Tượng, lúc 59 tuổi.
Sau khi ông mất, phong trào kháng Pháp tan rã, chỉ còn lại đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa.
Ngoài bản kinh Bà La Ni Kinh, từ năm 1879 đến năm 1884, Ngô Lợi còn truyền dạy cho tín đồ nhiều bài cung văn sớ điệp, nhiều nghi tiết cúng lễ. Các vị đại đệ tử của ông đã ghi chép lại thành tập sách Ngọc Lịch Đồ Thơ Tập Chú.
(1) Một phần vì tài chữa bệnh, đẩy lui được bệnh dịch tả, cứu sống hàng ngàn người, một phần vì ông là người đạo đức, sáng lập tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương nên ông được nhiều người tôn sùng, kính mến, và đồn đãi nhiều huyền thoại về ông.
Người ta thuật lại rằng vì hành tung của ông, thực dân Pháp sợ ông gây loạn, khởi nghĩa chống Pháp nên chúng theo dõi, bắt giam ông. Có chuyện kể rằng tên Tây thực dân, cảnh sát trưởng thị xã Long Xuyên bắt ông giam vào ngục, trước khi y ra về. Trên đường về nhà, y lại thấy ông đang đi bộ bên đường. Y nghi ngại bèn cố đạp xem chạy nhanh lên, xem thử có phải người đang đi bên đường là ông Đoàn Minh Huyên hay không. Mặc dầu y đi xe đạp, ông Đoàn Minh Huyên đi bộ, nhưng y đạp mãi vẫn không theo kịp ông ta. Y bèn quay trở lại bót cảnh sát cua y, mở cửa ngục xem, thì lại thấy ông đang ngồi trong ngục.
Thực ra, khi Tây đặt được nên cai trị ở ba tỉnh miền Tây, sau khi ông Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự tử (1867) thì ông Đoàn Minh Huyên đã qua đời từ năm 1856 rồi. Những người bị Pháp bắt có thể là những đệ tử của ông Đoàn Minh Huyên trong tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương mà thôi. Dù sao, huyền thoại nói trên, dù đúng hay sai, cũng nói lên lòng sùng kính của dân chúng miền Tây đối với Đức Phật Thầy Tây An vậy.
            Viết thêm vài điều:
            Không thể phủ nhận vai trò của các linh mục ở các khu Dinh Điền và khu Trù Mật, cũng như trong chủ trương Minh Đạo của ông Hồ Hữu Tường. Tuy nhiên, việc đưa các tu sĩ vào lãnh đạo ở mỗi địa phương sẽ tạo ra một không khí thời Trung Cổ bên Âu Tây: Đưa “Thần quyền” vào “Thế quyền” là đi ngược dòng lịch sử, là điều dân chúng ngày nay vẫn thường chống đối.
hoànglonghải


20190830 “Hương Tràm Trà Tiên” Bài 22: Nhà Máy Ximăng Hà Tiên


20190703 Huong Tram Tra Tien Bai 22
hoànglonghải – “Hương Tràm Trà Tiên” Bài 22: Nhà Máy Ximăng Hà Tiên
Posted on Tháng Chín 15, 2014 by VietnamDaily.News in Hồi ký, hoànglonghải // 0 Comments

*** Vietnam Topographic Maps 1:50,000, U.S. Army Map Service, Series L7014

Trước khi nói tới việc xây dựng nhà máy ximăng Hà Tiên, phải nói tới công lao Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ông Ngô Đình Diệm “chấp chánh” ngày 7 tháng 7 năm 1954 (Hồi ấy gọi là ngày Song Thất). Hai tuần lễ sau (chính là ngày 21 tháng 7 năm 1954), các nước đầu sỏ hè nhau lấy con dao bén cát đôi nước Việt Nam ở vĩ tuyến 17, mà nhà thơ Trần Dần gọi là:
                         Bỗng nhói ngang lưng
                                                            máu rỏ xuống bùn
                        Lưng tôi có tên nào chém trộm?
                        …
                        Lưng Tổ quốc hôm nay rớm máu
                        …
                        Bắc Nam ơi đứt ruột chia đôi
            Tổng thống Ngô Đình Diệm chỉ còn cai trị có một nửa nước Việt Nam, từ vĩ tuyến 17 trở vào. Với một nửa nước đó, ông lo chỉnh đốn và xây dựng (1) các công trình giáo dục, hành chánh, quân sự, kỹ nghệ …
            Nhà máy ximăng Hà Tiên hình thành trong bối cảnh đó và bắt đầu hoạt động năm 1962.
            Vùng Kiên Lương – Rạch Đùng – Chùa Hang – Ba Hòn – Hòn Phụ Tử là vùng núi đá vôi tốt, tương đương với đá vôi Portland của tiểu bang Oregon, với hàng trăm ngọn núi lớn nhỏ khác nhau, trên đất liền hoặc sát bờ biển. Những ngọn núi sát bờ biển có hình ngọn viết lá tre, có nghĩa là chỗ gần giáp với mặt nước, ngọn núi bị thắt lại vì nước xoi mòn. Đó là lý do tại sao Hòn Phụ Tử năm kia bị đổ. Khi phần dưới bị thắt lại, phần trên nặng, và nếu như bị một tác động mạnh nào đó, thường là do địa chấn, phần trên sẽ đổ xuống. Người ta thường cho rằng đó là điềm báo trước chuyện chẳng lành. Núi đổ, đá đổ là báo hiệu sự sụp đổ. Năm 1953, núi Bãng Lãng ở thượng nguồn sông Hương bị đổ, năm sau “23 tháng mười Bảo Đại dân truất ngôi”(Câu hát tuyên truyền cho ông Ngô Đình Diệm). Năm 1974, Núi Đá Dao ở Tri Thủy, quê tổng thống Nguyễn VănThiệu bị đổ, năm sau là “Tháng Tư đen”. Bây giờ Hòn Phụ Tử đổ, không biết chuyện gì sẽ xảy ra…
            Tuy nhiên, dân chúng Kiên Giang bỗng có câu hò ru em:
                        Than ôi hòn Phụ đổ rồi,
                 Dũng còn chi nữa mà ngồi khóc than!
            Cuối năm 1973, đại tá Huỳnh Thanh Sơn cùng trung tá Ngô Tấn Đức đến thanh tra cơ quan của tôi. Đại tá Huỳnh Thanh Sơn hỏi tôi tại sao những núi đá bị khuyết đi như vây. Tôi giải thích rằng chỗ khuyết là do qua hàng triệu năm, sóng biển đánh vào bào mòn. Rồi bỗng có một trận địa chấn lớn làm nâng đáy biển lên hay làm nước biển giựt xuống, nên chỗ khuyết đó bỗng lộ cao lên, cao hơn mặt nước. Điều tôi nói là căn cứ vào sách địa lý tôi dùng dạy học trò lớp đệ Tam của Sư Huynh Jérôme Lê Văn Ba, có thời làm hiệu trưởng trường Pellerin Huế, sau vô làm hiệu trưởng trường Taberd Saigon và cours tôi học với linh mục Nguyễn Hòa Nhã, giáo sư địa lý đại học Huế, chớ tôi không nói tầm bậy. Vậy mà ông đại tá Huỳnh Thanh Sơn cười mỉa tôi, cho rằng tôi nói dốc. Cái cười của ông đại tá được kèm theo cái cười mỉa thứ hai của ông trung tá Đức, ông cũng là người có bằng cử nhân luật của đại học Saigon đấy!
            Nhà máy ximăng Hà Tiên được xây dựng bên chân núi Còm, là ngọn núi lớn nhứt. Đồng thời quận hành chánh Kiên Lương cũng được thành lập để giúp đỡ về hành chánh cho nhà máy.
            Thời Tây đô hộ, qua khỏi xã Đức Phương (Vàm Rầy), – quê hương của vợ thủ tướng Khiêm – một đỗi là ranh giới hai tỉnh Rạch Giá – Hà Tiên. Nay (1972), cái mốc ranh giới vẫn còn. Từ Vàm Rầy trở ra Rạch Giá, xuống tới U-Minh là thuộc tỉnh Rạch Giá – tên cũ- , diện tích rộng lớn. Còn từ quá Vàm Rầy trở lên Hà Tiên là thuộc tỉnh Hà Tiên. Tỉnh Hà Tiên nhỏ hẹp, chỉ có ba quận: Phú Quốc, Giang Thành và Hòn Chông (sau nầy là Kiên Lương).
Thời nhà Nguyễn, tỉnh Hà Tiên rộng hơn bây giờ, xuống tới tận cầu Lình Quỳnh, gần tới Sóc Soài, Sóc Sơn của tỉnh Rạch Giá.
Khi Tây chiếm xong ba tỉnh miền Tây Nam bộ, tuy ông Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự vẫn, giao thành cho địch để tránh tai họa cho sinh linh, thì trong giới sĩ phu, nhiều người vẫn tiếp tục chiến đấu. Kiệt hiệt nhứt trong số đó có ông Nguyễn Trung Trực. Ông khởi binh đánh Tây, thắng nhiều trận lớn, như trận đốt tàu Tây mà sử gọi là “Hỏa Hồng Nhựt Tảo” trên song Lòng Tào. Nhưng về sau, sức yếu thế cùng, ông lui về “Đám Lá Tối Trời” ở Gò Công, rồi rút về lập căn cứ ở núi Hòn Chông, kế Chùa Hang, Hòn Phụ Tử.
Sau khi dẹp được cuộc khởi nghĩa của ông Nguyễn Trung  Trực, Tây thu nhỏ tỉnh Hà Tiên lại cho dễ kiểm soát. Riêng vùng Kiên Lương và núi Hòn Chông được lập thành một quận, gọi là quận Hòn Chông, diện tích nhỏ hẹp, dễ kiểm soát, dân chúng ít, dân khó nổi lên chống Tây như trước. Khi tôi đi thăm Chùa Hang năm 1973, ở đầu núi Hòn Chông còn thấy cảnh đổ nát của quận đường cũ. Cơ sở nầy bị tàn phá, một phần vì Việt Minh “tiêu thổ kháng chiến”, một phần vì nơi đây không ít lần là trận địa. Quận Kiên Lương là thoái thân của quận Hòn Chông, diện tích có mấy xã: Hai xã Tín Đạo (Tri Tôn, thuộc Rạch Giá), Đức Phương (Vàm Rầy) là đất cũ của tỉnh Rạch Giá, và các xã thuộc quận Hòn Chông cũ như An Bình (quận lỵ), Dương Hòa (Ba Hòn), An Hòa (Núi Trầu), Bình Trị (Hòn Chông). Lãnh thổ xã Bình Trị gồm những ấp quanh núi Hòn Chông là ấp Hòn Chông, ấp Rạch Đùng và các hòn cù lao trong vịnh Thái Lan, lớn nhứt là Hòn Nghệ, thứ đến là Hòn Ngang (Hòn Đội Trương), Hòn Heo, Hòn Đầm và vài đảo khác, vì thiếu nước ngọt nên chỉ có vài ba nhà dân.
            Nhà máy ximăng ở kế quận lỵ, thuộc xã An Bình.
            Nhà máy ximăng được xây dựng thành hai khu: Khu cư xá thuộc xã An Bình, ngay quận lỵ gồm có một dãy biệt thự dành cho các kỹ sư và viên chức hành chánh. Khu nhà dài là nhà ở của công nhân. Khu trường học (tiểu học và trung học). Khu thể thao, và khu thị tứ gồm Chợ Tròn (nhà lồng chợ hình tròn), các dãy phố quanh chợ, với đường xá rộng rải và khu nhà máy, ở bên kia kinh An Bình – Ba Hòn, sát chân núi Còm.  Đường từ bên nầy (quận lỵ) qua bên kia (nhà máy) nối bằng nột cây cầu đúc ximăng khá đẹp. Nhìn qua, các công trình xây dựng nầy hiện đại, tiện nghi, quang cảnh giống như bên Tây. Công trình nầy là của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ.
            Cũng không thể không nói thêm về hồ nước Kiên Lương. Theo kế hoạch ban đầu, chính phủ dự tính cho đào một con kinh lớn, nối liền từ sông Bassac, – sông Hậu -, chỗ gần tỉnh lỵ Châu Đốc kéo thẳng một đường về tới kinh Rạch Giá – Hà Tiên, gần An Bình – , để lấy nước cho nhà máy. Tuy nhiên, khi chương trình đào kinh mới bắt đầu, cho cắm cọc, làm dấu thì Việt Cộng rình bắt hết công nhân làm công việc đào kinh nầy. Những người bị bắt, có người được tha sau khi bị Việt Cộng giam giữ ít lâu, có người không về. Con kinh sắp đào nầy cắt ngang đường giây 1-C là con đường huyết mạch của Việt Cộng từ Kampuchia qua, làm sao chúng có thể để yên được. Vì vậy, việc đào kinh phải bỏ. Chính phủ bèn cho đào một cái hồ rộng, phía sau cơ sở quận Kiên Lương. Hồ nầy mỗi bề dài 1 cây số, tha hồ cho nhà máy xử dụng. Mỗi năm, khi nước sông đổ về, – thường gọi là “mùa nước nổi” – độ phèn trong nước giảm bớt thì nhà máy cho bơm nước từ kinh An Bình – Ba Hòn vào hồ cho tới khi đầy hồ mới thôi. Nhà máy lại cho bơm nước vào một cái château d’eau ở gần cư xá cho công nhân dùng, và một château d’eau khác phía bên kia cho nhà máy. Vì việc canh gác, tuần phòng có khi lơi lỏng, Việt Cộng mấy lần về đặt chất nổ cố phá cái château d’eau ở cư xá nhưng không thành công.
Hồ nước có nhiều cá và vịt le, dân chúng tha hồ đánh bắt, không ai cấm cản gì cả.
            Nhà máy ximăng Kiên Lương chỉ mới khai thác đá ở núi Còm.
            Tại sao có tên núi Còm?
            Trong hồi ký “40 năm, nhớ lại tết Mậu Thân – bài thứ 9 “Chiều Đi Qua Bãi Dâu…” ở phần chú thích, tôi có viết:
            “Về mặt tôn giáo, khi triều đình nhà Nguyễn đang còn, người ta thấy xã hội miền Bắc thiên về đạo Nho, nhất là Tống Nho, hơn về Phật; miền Nam thiên về đạo Phật, khuynh hướng dân giả, pha tạp tà ma bùa chú hơn đạo Nho. Huế ở giữa, là điểm tiếp nối của hai miền, vừa “thâm” Nho trong triều chính, và “đậm” Phật trong đời sống xã hội.”
            Trước khi “lưu lạc” về miền Tây Nam Bộ, xuống tới chỗ tận cùng đất nước: Hà Tiên, tôi có đọc một số truyện của Hồ Biểu Chánh, Lê Xuyên hay tin tức báo chí, tôi thấy đạo Phật Đại Thừa, là hành trang tinh thần của người Việt trong cuộc Nam tiến, từ miền Trung, miền Bắc vào miền Tây Nam Bộ. Những lưu dân nầy, khi định cư nơi vùng đất mới, tính Đại Thừa pha hợp với tính Tiểu Thừa trong đạo Phật của người Miên vùng Khmer Krom. Rõ nhất là trong tính cách tu cho riêng mình được giải thoát. Do đó, bên cạnh chùa, như ở miền Bắc thì lại xuất hiện những cái cốc của các ông đạo. Đạo của các ông đạo lại pha hợp với tu tiên của đạo Lão và bùa phép của người Miên. Bên cạnh những ông đạo Liếm, đạo Sờ bậy bạ, không ít người tu hành một cách chân chính nhưng có vài nét khác lạ. Ông “bác vật” Lang quê ở Sadec đi xuống cái hang sâu (dân chúng gọi là đường xuống âm phủ) ở Thạch Động thuộc Hà Tiên (Thạch Động là nơi Thạch Sanh cứu công chúa trong truyện Thạch Sanh – Lý Thông), có thạch nhũ hình dáng như Phật Bà Quan Âm, ông ta thấy “cái gì đó” mà khi về, ông tịnh khẩu cho đến khi qua đời vì Phật thánh cấm ông nói lại. Ông “bác vật” Lang là đệ tử của Phật Bà Quan Âm, người ta nghĩ vậy, nhưng cách tu tịnh khẩu cho đến chết như ông không phải là việc tu hành thông thường. Tôi không rành lịch sử Phật Giáo Việt Nam, nên không biết hai ngàn năm Phật giáo truyền vào Việt Nam, ở miền Bắc có ai tu tịnh khẩu trọn đời như ông “bác vật” Lang hay không?
            Ông đạo Dừa ở Kiến Hòa cũng là một “dạng” của mấy ông đạo miền Nam.
Thông thường các ông đạo nầy là người Việt Nam, không phải người Miên hay người Tàu lai Miên (Thường gọi là “đầu gà đít vịt”), lại là người có học hành. Ông “bác vật” Lang đậu cử nhân sinh học ở Pháp về, biết hết các loài động vật thực vật nên người ta gọi ông “bác vật” là vì vậy. “Bác” là uyên bác đấy, không phải “bác Hồ” “bác(t) cháo gì đâu! Ông đạo Dừa nguyên là kỹ sư canh nông. Người Miên tu ở chùa, dùng bùa Cà Tha và không lập cốc. Bùa Cà Tha, là bùa “truyền thống” của người Miên. Nhiều ông đạo tu luyện bày thêm bùa phép lung tung.
            Đặc biệt nhứt là trường hợp ông Đoàn Minh Huyên, tín đồ gọi là Đức Phật Thầy Tây An (2).
            Núi non vùng Kiên Lương, Hà Tiên, và Thất Sơn bên Châu Đốc không thiếu hang động. Do đó, nhiều ông đạo không dựng cốc. Mấy ông tu trong những hang động đó, mỗi người một hang. Ông Còm, hay ông đạo Còm cũng là người tu trong hang theo cách đó.
            Trong bản đồ quân sự, ngọn núi nhà máy ximăng Hà Tiên khai thác đá, được gọi là núi Còm, là nơi ông đạo Còm tu hành. Người ta không biết tên thật ông ta là gì nhưng ông thọ lắm, lưng ông còm, – cong như cái cung -, nên người ta gọi là ông đạo Còm, tu trên ngọn núi đó là ngọn núi người ta đặt tên theo cái tên người ta đã đặt cho ông. Không ai biết quê quán ông ở đâu, tu luyện ở đây từ bao giờ, thời gian nào, lâu lâu ông ta mới xuống núi khất thực. Xong, ông ta lại về núi. Khi công nhân đến khai thác đá ở núi Còm, người ta tìm thấy trong một cái hang có một bộ xương người, – bộ xương ông đạo Còm? -, da thịt đã rữa mục hết, thành đất bụi, không rõ ông đạo chết tự bao giờ.
            Tôi lấy làm tiếc đã không tìm hiểu thêm về ông đạo Còm. Không biết bộ xương ông đạo chôn cất ở đâu. Vã lại, dân chúng quanh vùng nầy, không ai là cố cựu, phần nhiều là người mới tới định cư  sau khi quận được thành lập. Xóm Xà Ngách của ông Đinh Nam Triều – người viết bài 20: Tiểu Đoàn 66 Biệt Động Quân Biên Phòng – cư ngụ ở xóm nầy cũng chỉ từ sau hiệp định Genève 1954. Có lẽ dân núi Trầu (xã An Hòa), vài người biết đôi chút về ông dạo Còm nhưng tôi đã không tìm gặp để hỏi chuyện.
            Núi Còm, bắt đầu lấy đá từ 1962. Khi tôi về đó, hơn 10 năm sau, nhà máy ximăng chỉ mới khai thác được một phần mười ngọn núi đá. Một mặt thì nhà máy khai thác chậm, mặt khác thì núi lớn quá. Theo ông giám đốc Lê Hữu Phước nói cho tôi nghe, thì đó chỉ là phần nổi trên mặt đất, phần nầy chỉ có một phần ba. Phần chìm dưới mặt đất là hai phần ba. Nếu khai thác hết đá ở núi nầy, với tiến độ như thế, phải mất một trăm năm nữa mới lấy hết đá.
            Giữa năm 1974, kỹ sư Nguyễn Văn Thành, đứng ra chỉ huy việc tính toán, đặt chất nổ, để bắn chỏm núi, cao khoảng một phần ba ngọn núi (Phần nổi trên mặt đất). Một hôm, ngồi uống càphê buổi sáng với tôi, trước khi đi làm, kỹ sư Thành báo cho tôi biết việc chuẩn bị ấy và hẹn hôm nào cho bắn đá thì sẽ báo cho tôi biết để xem chơi. (Kỹ sư Thành, tốt nghiệp kỹ sư công chánh, nguyên là học sinh trường Phan Bội Châu, Phan Thiết, học sinh môn Anh Văn với Phan Văn Hộ, một người bạn học cũ của tôi dạy ở đấy.)
            Quả thật anh ta tính toán rất hay. Hôm đó, trời tốt, khoảng mười giờ sáng, tôi qua nhà máy chờ xem bắn đá. Tới 10 giờ, sau khi lệnh lạc đâu đó, giữ khoảng cách an toàn cách chân núi 2 Km, thì kỹ sư Thành cho lệnh bắn. Trong tích tắc, tiếng nổ dữ dội vang lên, bụi đá mù mịt, tiếng đá rơi xuống ào ào như mưa, kéo dài hơn một giờ đồng hồ. Khi bụi tan thì phần chỏm núi không còn.            Bắn một lần mà thành công như thế là kỹ sư giỏi.
            Thời gian tôi làm việc ở đây, gần 2 năm có ba tai nạn chết người. Trước hết là tai nạn bà Huỳnh thị Chè. Trước kia bà làm cho hãng RMK-BRJ của Mỹ, từng lái xe xúc. Hôm ấy, bà cũng lái xe xúc đưa đá lên cối thì xe tuột thắng, rơi khỏi cầu, xe lật úp, bà bị xe đè chết tại chỗ. Tai nạn thứ hai là một thanh sắt lớn rơi trúng đầu ông Thanh, cán sự cao cấp, tương đương kỹ sư, du học ở Pháp về. Tai nạn thứ ba là sau khi bắn chỏm núi đá, thì một ông tài xế nhà máy, lái xe ủi để ủi một đường quanh núi thì bị đá rơi trúng đầu, chết tại chỗ.
            Cũng trong thời gian đó, Việt Cộng tấn công vào nhà máy ximăng hai lần, không kể lần trước đó, 1972 mà anh Đinh Nam Triều đã kể trong bài 20.
            Lần đầu, Việt Cộng chưa vào tới nhà máy, chỉ có đặc công chui hàng rào kẽm gai vào đốt kho dầu. Nửa đêm, tôi bị nhân viên đánh thức, báo cho biết nhà máy ximăng đang cháy. Tôi lo lắng chạy qua hầm truyền tin, biểu nhân viên báo cáo về Rạch Giá, rồi đi bộ sang chi khu theo dõi tình hình. Thiếu tá Sầm Long, chi khu trưởng, đang ngồi sẵn ở đó, nét mặt hơi có vẽ lo lắng. Tôi nói:
            – “Nếu nhà máy bị nội tuyến là tui lãnh đủ. Còn như tụi nó ở ngoài chui vào là phần ông đấy.”
            Thiếu tá Long cười mà không vui:
            – “Địa Phương Quân (ĐPQ) báo cáo rồi, tụi nó cắt hàng rào chui vô.”
            Tôi cười, thấy khỏe. Nhà máy có hơn bốn trăm nhân viên, lý lịch khá phức tạp, Việt Cộng dễ trà rộn vào để phá hoại.
            Nhà máy cũng có một kho chất nổ lớn, dùng để bắn đá. Chất nổ để trong một cái hang núi, cửa sắt chắc chắn. Mỗi khi mở cửa lấy chất nổ ra, phải có một ủy ban với nhiều thành viên thuộc các cơ quan, bộ phận an ninh ở địa phương để ngăn ngừa việc mất cắp có thể xẩy ra: Việt Cộng hay bán cho các chủ lò vôi để họ bắn đá. Việc nầy tôi rất e ngại, theo dõi khá kỹ, giao cho thượng sĩ Lâm Tấn Tài, cảnh sát đặc biệt, đảm nhận. Anh ta là người cẩn thận, chăm chỉ và, như tôi gọi đùa “Thổ công nhà máy.” Anh biết hầu hết, tên tuổi, gia cảnh, gốc gác… từng công nhân làm việc cho nhà máy.
            Sau đó, tôi cùng thiếu tá Long qua nhà máy. Nhà máy có bốn bồn dầu lớn dùng để đốt lò, một đang bị cháy. Các bồn kia an toàn. Tôi nói với thiếu úy Kiệt:
            – “Ông lấy máy hình chụp “lỗ chó chui” nầy. Mai mốt thượng cấp có khiển trách thì mình có cớ để chạy tội.”
            “Lỗ chó chui” là chỗ đặc công cắt kẽm gai chui vào.
            Lần thứ hai, Việt Cộng tấn công, tình hình căng hơn.
            Thời gian cuối năm 1974, tình hình toàn quốc khá căng nên tôi ít khi ngủ ở nhà, thường ngủ chung với binh lính của tôi trên các sân thượng của vài cao ốc trong quận lỵ. Quá nửa đêm súng nổ dữ dội ở phía nhà máy, tiếng súng nhỏ và cả mìn hay lựu đạn nữa. Tôi dùng máy truyền tin liên lạc với chi khu thì được biết đại tá Nguyễn Hữu Kiểm, tư lệnh phó sư đoàn 21 và thiếu tá Sầm Long đang ở trong hầm chỉ huy.
Việt Cộng đột nhập vào trong nhà máy nhưng chưa làm chủ tình hình được. Hai bên đang đánh nhau. Một bên là đặc công và một số Việt Cộng đã lọt vào sân sau nhà máy rồi; sân nầy ở hướng núi Còm. Bên phía kia, – phe phòng ngự, không phải là binh sĩ tiểu đoàn 530 Địa Phương Quân (ĐPQ), đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ nhà máy mà lại Nhân Dân Tự Vệ (NDTV) nhà máy, chỉ khoảng 4 hay 5 người gì đó, đang núp trên cối xay đá, phản công bằng súng Carbine.
            Tôi vào hầm hành quân gặp đại tá Kiểm và thiếu tá Long. Đại tá Kiểm đang liên lạc với tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Địa Phương Quân nói trên. Liên lạc xong, ông ta bỏ ống nói xuống, mặt không vui, nói với thiếu tá Long và tôi:
            – “Không biết tụi nó chém vè hay ngủ quên. Mấy “thằng cùi” (ám danh truyền tin thường chỉ Việt Cộng) lọt vô nhà máy rồi, súng nổ ầm ầm, tụi nó mới hay.”
            Đơn vị ĐPQ canh gác, tuần tiểu, phục kích phía ngoài hàng rào phòng thủ. Vậy mà khi Việt Cộng tiến vào, họ chẳng biết gì cả.
            Khi mấy tên đặc công lọt vào được sân sau, NDTV gác trên cối xay đá phát hiện ra, bắn xuống. Bọn chúng quăng lựu đạn beta lên cối đá nhưng không tới. NDTV có lợi thế hơn, từ trên cao bắn xuống nên chẳng tên đặc công nào sống sót. Vừa khi đó, khoảng một tiểu đội Việt Cộng từ ngoài lọt qua được hàng rào, nhưng các toán NDTV quanh đấy đã cảnh giác vì súng nổ rồi. Vì vậy, toàn bộ toán Việt Cộng bị mắc kẹt ở hàng rào. Vào thì không được, lệnh rút lui chưa có.
            Tiểu đoàn trưởng cùng với ban chỉ huy tiểu đoàn phối hợp với NDTV bảo vệ nhà máy, không cho chúng tiến sâu vào nữa. Tuy nhiên, toán đặc công thứ hai, có nhiệm vụ đốt bồn dầu thì đã đốt cháy 2 trong 4 bồn dầu, nhưng toàn thể toán của chúng gồm bốn tên đều bị hạ sát. Hai bồn dầu đang cháy, rực sáng, lửa cao ngất, khói um tùm.
            Bấy giờ đại tá Kiểm đã liên lạc được với Sư Đoàn 21. Sư đoàn liền cho trực thăng vận đổ xuống một đại đội. Trực thăng đổ quân dọc theo trục lộ, ngang ấp Xà Ngách, bên kia nhà máy. Tôi núp trong hầm hành quân, nhìn ra ngoài, quan sát đơn vị tiếp viện vượt cầu sang bên kia kinh. Trong ánh lửa chập chùng của các bồn dầu đang cháy, hình ảnh những người lính vượt cầu hiện lên khá rõ, vừa đẹp vừa hùng tráng. Tôi nói với thiếu tá Long:
            – “Đẹp ghê! Y như trong ciné.”
            Sau đó, chưa được nửa giờ, súng êm. Việt Cộng rút ra xa, nhưng cuộc tấn công chưa chấm dứt.
            Trời đã sáng, tôi còn ngồi trong hầm hành quân. Đại tá Kiểm nói:
            – “Việt Cộng tấn công mà tình báo chẳng biết trước gì cả. May nhờ NDTV phát hiện chớ với mấy trăm kí lô chất nổ như vậy, nhà máy chẳng còn viên gạch nào nguyên.”
            Hồi gần sáng, trung úy đại đội trưởng tiếp viện, sau khi vào lục soát trong nhà máy, báo cáo tịch thu được khoảng bốn trăm kg chất nổ TNT. Việt Cộng muốn triệt hạ hoàn toàn nhà máy ximăng Hà Tiên.
            Câu nói của đại tá Kiểm làm tôi chột dạ, mặc dù ông không khiển trách hay trách cứ gì tôi.
            Sau 7 giờ sáng, tôi về cơ quan. Lúc đó Việt Cộng chưa rút đi hẳn, còn bám các vị trí chung quanh nhà máy. Có thể chúng nó chờ trời tối lại tấn công nữa. Đại tá Kiểm tiên đoán như vậy.
Tôi họp đám Cảnh Sát Đặc Biệt của thiếu úy Kiệt, nhắc lại nhận xét của đại tá Kiểm. Năm Hùng nói:
            – “Bên quân đội có tình báo chiến thuật, chiến lược, phạm vị hoạt động rộng khắp, còn chưa biết gì. Mình chỉ nhờ có mấy người dân đốn tràm, giăng câu, làm sao biết tới việc đó.”
            Tôi nói:
            – “Chỗ dựa của chiến tranh du kích là nhân dân. Mình cũng phải dựa vào nhân dân mà chống Việt Cộng. Tình báo nhân đân chỉ góp được phần trong việc giải hóa hạ tầng cơ sở Cộng Sản mà thôi. Thôi! Kệ họ, họ có trách cứ gì mình đâu mà suy nghĩ cho mệt. Bữa nay thiếu úy Kiệt nên cho rải nhân viên rộng ra, xem tình hình như thế nào.”(3)
            Tôi gọi riêng Năm Hùng, “thổ công Kiên Lương”(4) với thiếu úy Kiệt lại, gọi càphê và dặn dò công việc. Tôi nói:
            – “Hồi “Hùng móm”, em tôi đánh trận Dambe, đọc tờ Diều Hâu, tôi thấy họ bình luận, sở dĩ Việt Cộng thua là vì tướng Dư Quốc Đống tìm ra được vị trí bộ tư lệnh chiến trường của Việt Cộng. Thay vì tấn công vào phòng tuyến chúng đang giàn sẵn, ông cho rút tiểu đoàn 11 Dù tấn công ngay vào cái đầu rắn. Bọn nầy bị bất ngờ, chạy trối chết. Bên phía mặt trận kia, không đánh Việt Cộng cũng rút lui.”
            Thiếu úy Kiệt góp ý:
            – “Tui cũng nghe nhiều người nói vậy.”
            Tôi nói:
            – “Thật ra, Thủ Đức ra như tôi, chỉ làm trung đội trưởng, chỉ học tuần tiểu, di hành, hành quân đêm, lội sông. Biết mẹ gì chuyện nầy. Chuyện nầy cao cấp hơn. Biết cũng vì tò mò mà thôi.”
            Thượng sĩ Hùng nói:
            – “Ông quận Long đánh giặc cũng hay lắm.”
            Tôi cười:
            – “Ông không biết à? Việt Cộng nghe tới đại úy Long Sư Đoàn 9 là ngán lắm. Ổng nổi tiếng từ cấp úy kia.”
            Thiếu úy Kiệt hỏi:
            – “Ông vô mục tiêu kinh lắm. Mười lần cả chục, Việt Cộng chạy dài.”
            Tôi giải thích:
            – “Ông ta có sự phỏng đoán tài tình lắm. Khi trực thăng đổ lính xuống rồi, dàn hàng ngang, vô mục tiêu. Việt Cộng nổ súng. Ông ta gan lắm, đứng quan sát. Nhìn hỏa lực, ổng biết cấp chỉ huy bên kia ở đâu, rồi tập trung mấy tay gan cùng mình, đánh ngay vào chỗ ấy. Thằng nào mà dám trụ lại. Rút chạy là chắc.”
            Một lúc, tôi hỏi Năm Hùng:
            – Ông là “thổ công” ở đây. Theo ông dự đoán, bọn chỉ huy mặt trận nằm ở đâu?” 

            – “Thiếu gì chỗ. Núi Nai, phía sau núi Còm, khu đó còn nhiều ngọn núi nhỏ nữa, có hang. Tụi nó núp trong đó an toàn lắm.” Năm Hùng giải thích.
            – “Mấy núi đó, ông vào chưa?” Tôi hỏi.
            – “Tui lội khắp. Mấy năm tình hình yên yên, chẳng nơi nào tui chẳng tới.” Năm Hùng trả lời.
            – “Còn vùng Mo-So?” Tôi hỏi.
            Thiếu úy Kiệt nói ngay:
            – “Phía đó là phía biển, mình tấn công, tụi nó rút đi đâu? Phía núi Nai tụi nó dễ rút về Trà Tiên.”
            Tôi thấy thiếu úy Kiêt nói có lý. Một lúc, tôi nói:
            – Nếu chắc ở núi Nai, tui nghĩ bên Biệt Khu họ dám chơi kiểu “diều hâu” (5), cho nhảy trực thăng.”
            Đến trưa, tôi đang ăn cơm, Năm Hùng vào gặp tôi, nói:
            – “Có chỗ nầy tôi hơi nghi nghi!”
            – “Chỗ nào?” Tôi ngừng ăn, hỏi.
            – “Chỗ cái lung, phía đông bắc núi Trầu. Tui đứng ở cầu Cống Tre, nhìn vô thấy cái lung đó.”
            Tôi bỏ ngang bữa ăn, nói với Năm Hùng: “Anh đi xuống đó với tui. Biểu tụi nó gọi thiếu úy Kiệt xuống đó luôn.”
            Ngang đầu núi Trầu, xã An hòa, có một con kinh đào nhỏ, thẳng, chạy từ đó về hướng đông bắc, có thể nối với kinh Kháng Chiến (Tôi không rõ vì bản đồ không vẽ gì cả mà tôi cũng chưa từng lội vào đó bao giờ). Cách xã An Hòa khoảng hai cây số, ngay trên kinh nầy, có một vùng đất hơi cao, khô, cây tràm rậm rạp. Vì vậy, người ta gọi là lung, tiếng địa phương. Nếu Việt Cộng núp trong đám rừng tràm nầy, máy bay cũng khó phát hiện.
            Tôi hỏi:
            – “Năm Hùng đoán tụi nó làm gì chỗ nầy?”
            – “Mấy lần trước, bộ chỉ huy đóng ở núi Nai. Nay tụi nó phải đổi vùng, đánh lạc hướng. Đóng một chỗ hoài, dễ bị lộ, nguy hiểm.” Năm Hùng giải thích.
            – “Nhưng có cái gì nữa, anh mới nghi chớ?
            – “Kinh nầy là đường dân An Hòa đi đốn tràm. Bữa nay, gần tới chỗ lung, họ bị chận lại, đuổi lui. Dân chúng cũng thấy mấy cái cần câu chỉa lên trời. Tui đoán có lẽ là ăngten truyền tin.” Năm Hùng nói rõ hơn.
            Khi đó, thiếu úy Kiệt vừa tới. Tôi nói với Năm Hùng:
            – “Anh ở đây canh chừng coi có thêm tin gì không. Cần thì gọi thêm người phụ với anh. Tui qua Biệt Khu với thiếu úy Kiệt.
            Gặp đại tá Kiểm, tôi trình bày những gì Năm Hùng đã nói với tôi. Đại tá Kiểm và tôi, thiếu úy Kiệt, khoanh chỗ cái lung trên bản đồ, chấm tọa độ. Xong xuôi, đại tá Kiểm nói:
            – “Tôi có hai phi tuần, nay chỉ lại mục tiêu nầy cho phi công oanh tạc.”
            Thế rồi đại tá Kiểm đổi tần số truyền tin, liên lạc với bộ tư lệnh Sư Đoàn 21.
            Nửa giờ sau, trên đường tôi trở lại cầu Tre thì gặp Năm Hùng đang hớt hãi chạy về. Gặp tôi, Năm Hùng nói:
            “Chết rồi, máy bay bỏ bom lầm, ngay xã An Hòa, cháy mấy cái nhà. Dân vừa chạy ra báo cáo. Tui cũng thấy máy bay chúc xuống oanh tạc ngay đó.”
            Vậy là tôi quay trở lại Biệt Khu báo cáo với đại tá Kiểm. Chúng tôi xác minh lại tọa độ mục tiêu, đại tá Kiểm lại gọi về bộ tư lệnh. Mười lăm phút sau, hai chiếc A-37 đổi hướng, oanh tạc ngay mục tiêu chúng tôi báo cáo.
            Khoảng một giờ đồng hồ sau, Năm Hùng vào An Hòa, tìm gặp các mật báo viên của anh ta. Đến chiều, tôi còn ngồi trong văn phòng, tính chuyện đêm nay canh gác như thế nào đề phòng Việt Cọng tấn công lần nữa thì Năm Hùng vào, nói:
            – “Rút rồi.”
            Tôi hỏi:
            – “Ai? Việt Cộng hả?”
            Năm Hùng cười:
            – “Tui cho người vô chỗ hồi sáng. Không còn Việt Cộng canh gác gì cả, dân không bị đuổi lui. Họ chèo vô tuốt một khúc nữa, qua gần hết cái lung, không thấy gì hết.”
            Lúc đó, thiếu úy Kiệt cũng đã vào, đứng nghe Năm Hùng nói chuyện với tôi, bèn nói:
            – “Đêm nay yên. Bộ chỉ huy mà rút rồi thì đánh chác gì nữa. Bị máy bay oanh tạc, chúng nó biết là lộ rồi. Lo chém vè cho xong.”
            Tôi lại qua Biệt Khu, báo cáo tình hình với đại tá Kiểm. Ông ấy nói:
            – “Đêm nay ngủ ngon. Tuy vậy, anh cũng cho lính canh gác, không nên ỷ y.”
            Tôi ra về, lòng vui lắm, biểu tài xế của tôi: “Mai mầy ra hòn Heo đón cô và mấy đứa về.”
Hồi sáng, đề phòng Việt Cộng tấn công tối nay, nên tôi đã mượn chiếc ghe đánh cá cho vợ và các con tôi ra ngoài đảo. Vợ con mấy người lính của tôi, như tài xế Thành, tài xế Trang, tài xế Nuôi cùng mấy đứa tà lọt tôi, cho vợ con chúng đi theo vợ con tôi ra ngoài ấy cả.
            Đêm đó ngủ yên thật. Việt Cộng chờ trời tối rút đi chớ đánh chác gì nữa nên suốt đêm không nghe một tiếng súng. Sáng ra, mới sáng sớm, khi tôi đang ngồi trong văn phòng thì Năm Hùng đưa cho tôi xem một cây súng M-79 do một người đánh cá dọc theo con kinh vào núi Nai bắt được đem cho.
Tôi lấy ít tiền đem cho người ấy để thưởng công, đồng thời gọi thiếu úy Ký, trung đội trưởng Cảnh Sát Dã Chiến, đi “bắt hôi”, đem trung đội lục soát dọc theo con đường vào núi Nai là con đường Việt Cộng rút, sau khi chúng tấn công nhà máy ximăng mà không vào được. Trên đường rút lui, bọn chúng bỏ lại vương vải mấy cây súng AK, balô, nhiều nhứt là những bánh thuốc nổ TNT. Chúng muốn dùng số chất nổ nầy để phá sập nhà máy. Tôi báo cáo việc ấy với thiếu tá Long. Ông ta cười, nói:
            – “Ông già – ý nói đại tá Kiểm – đánh giặc hay lắm. Sau khi đơn vị tiếp viện tăng cường phòng thủ nhà máy, ông già đoán chừng chúng sẽ rút lui; đoán ngay con đường rút là đường vào núi Nai. Ổng cho nổ chụp từ đầu tới cuối, chụp đi chụp lại mấy lần. Chúng nó hốt hoảng bỏ chạy, bỏ lại súng đạn như vậy là chết, bị thương không ít đâu. Một lần cho tởn. Đừng tưởng bở, đâu có ngon ăn!”
            Nhà máy ximăng Hà Tiên hoạt động kém hữu hiệu!
            Tại sao tôi nói thế?
            Nhân dịp tết đầu năm 1974, ông Mai, phó giám đốc nhà máy, (xin lỗi, tôi quên mất họ, hình như là Lương Ngọc Mai), sang gặp tôi, tại văn phòng, nói:
            – “Không như các năm trước, năm nay có lệnh chính phủ cấm biếu tiền, nên chúng tôi không có tiền để tặng Bộ Chỉ Huy ăn tết. Tuy nhiên, chúng tôi dự trù biếu các anh năm chục bao ximăng, có thể bán lấy tiền vui xuân được. Mỗi năm, nhà máy nhờ Bộ Chỉ Huy giúp đỡ nhiều việc, nhất là về an ninh. Nay tới tết mà không biết ơn, kỳ quá!”
            “Xuân, thu nhị kỳ” là cái tục hối lộ của người Tàu, người Việt noi theo khá kỹ. Tuy nhiên, ở đây khác chút ít vì là của một cơ quan tặng một cơ quan, chứ không phải của một ông “kinh doanh” tặng ông quan… cách mạng như hiện nay ở “quê hương… ta”.
            Cũng như thường năm, tết và rằm tháng Bảy, tôi thường mua quay heo cúng tổ, – mặc dù không tôi không rõ ông tổ Cảnh Sát là ông nào, mặt mũi ra làm sao, tròn hay méo, đen hay trắng, chắc là không gầy mà mập ú? Tuy nhiên, tôi cũng phải cúng tổ “xuân thu nhị kỳ” cho đúng ý của tổ, không phải để mua may bán đắt, mà trước hết, là để tránh tai họa, khỏi bị Việt Cộng đặt chất nổ ngay ghế mình ngồi, sau là để nhậu một bữa cho đúng với phong tục dân Nam bộ. Tết nhứt mà không có nhậu thì… buồn lắm!
            Tôi nhận cái bông 50 chục bao ximăng, giao cho năm Hùng, bán lại cho ông Hồng Ràng, chủ tiệm vật liệu xây dựng, lấy tiền, đặt cho ông Tư Để quay một con heo và năm Hùng giao cho ai đó, tôi không nhớ, lo mấy mâm xôi, đồ nhắm và bia. Cũng không thiếu mấy chai Hennessy “cổ vàng” – giấy bịt cổ chai màu vàng -. “Cổ vàng” rẻ hơn “cổ đen” – giấy bịt cổ chai màu đen- . Nhậu tập thể, đâu đủ tiền mua cổ đen. Kinh nghiệm nhậu cho tôi thấy dân Biên Hòa thì khoái Martel, dân Rạch Gia thì khoái Hennessy, cổ đen cổ vàng tùy túi tiền. Dân nhậu hai nơi khác nhau một chỗ nhưng giống nhau một chỗ khác. Ấy là nói theo tục ngữ “Nhứt phá sơn lâm, nhì đâm hà bá.” Phá sơn lâm là nghề làm rừng, hàng đầu là ông Đỗ Cao Lụa ở Biên Hòa. Ông nầy là bố của Đại tướng Đỗ Cao Trí. Đứng đầu đâm Hà Bá là công ty Tuhuco, chủ công ty cũng là một ông tướng họ Đỗ, từng làm đô trưởng Saigon. Ông nầy dân quận Bình Phước tỉnh Long An nhưng vợ lại cùng quê với “chị Tư Nết” – tiếng gọi của dân Vàm Rầy. Bố “chị Tư Nết” là ông chủ Ri. Ông nầy quen nghề làm ruộng, không quen nghề “hạ bạc”. Hạ bạc là làm nghề đánh cá. Không rõ đây là tiếng Hải Nàm, tiếng Tiều hay Phúc Kiến. Người Việt gọi nghề đánh cá là đánh cá, – hay danh ca, chữ không bỏ dấu, – là ca sĩ nổi tiếng – chớ không gọi là nghề hạ bạc. Tiếng nầy cũng chỉ ở địa phương nầy mới dùng mà thôi.
            Hôm nhận cái “bông” ximăng “xuân thu nhị kỳ”, tôi nói chuyện với ông phó giám đốc Mai: “Đúng ra ximăng nội phải rẻ hơn ximăng ngoại nhiều lắm. Sao nhà máy bán mắt quá vậy? Ximăng ngoại khoảng 110 đồng một bao, ximăng Hà tiên giá 92 đồng, có rẻ gì đâu. Dân chúng không có lợi mà ximăng Hà Tiên cũng khó bán. Hay vì phẩm chất kém xa?”
            Ông phó giám đốc Mai giải thích:
            – “Không kém thua bao nhiêu đâu! Cứ đem đúc móng cầu, xây building, cũng không thua gì ximăng ngoại. Tuy nhiên, muốn bán rẻ cũng không được vì các phụ gia của ximăng phải nhập, giá cao quá!
            Rồi ông ấy lấy ví dụ dầu đốt lò. Dầu đốt lò phải nhập, qua ngân sách viện trợ Mỹ, giá cao quá, nên giá thành phải cao. Đó là một.
            Thật tình là vậy. Một hôm, tôi gặp anh Đoàn Phục, nguyên là một học sinh của tôi cả chục năm trước. Nay anh làm ở phòng thí nghiệm (nghiên cứu và kiểm soát phẩm chất – tên phòng nầy tôi nhớ không chính xác) của nhà máy ximăng. Hỏi thăm công việc của anh ta xong, tôi hẹn tới chơi. Vì tò mò, tôi tới thiệt.
            Dụng cụ trong phòng tuy không đơn giản nhưng dễ hiểu. Ximăng anh ta nhận từ lò về, – hay anh ta lấy đá đốt trong một cái lò nhỏ của phòng thí nghiệm -, trộn với nước (theo đúng công thức) để đúng 21 ngày đưa lên máy thử sức chịu đựng, độ bền, v.v… và làm báo cáo. Theo anh ta giải thích, phẩm chất không thua ximăng nhập cảng.
            Thành ra, nhà máy ximăng Hà Tiên trở thành một “vật trang trí” cho chế độ miền Nam. Miền Nam xây dựng đủ thứ: Vải (Sicovina), giấy (Cogido), ximăng Hà Tiên. Bộ mặt đẹp thế mà kém hữu ích. Đó là điều đáng buồn.
            Thời ông Thiệu, không hiểu ông ta mần cách chi mà nước Mỹ chịu cho nước Đức bỏ vốn xây thêm lò. Từ khởi thủy đến giờ, nhà máy ximăng chỉ có 2 lò nung. Nay chính phủ Đức viện trợ xây thêm 2 lò nữa. Hôm chuyên viên Đức làm việc ở Saigon xong, đi máy bay của hãng xuống Hà tiên, ông Lê Hữu Phước, giám đốc, tốt nghiệp ở Ý về, rủ tôi cùng đi đón… cho vui. Tôi đi theo. Chuyên viên Đức đi thăm thú các nơi và chê hai cái lò nung cũ quá. Thăm núi Còm, chỗ đang lấy đá, và núi Trầu bên cạnh, chỗ dự tính phát triển sang đó, chuyên viên Đức chỉ vào cái ống khói nhà máy đang thờ thẩn nhả khói ra, nói: “Ở Âu Mỹ, với khối lượng núi đá như ở đây, phải có cả trăm ông khói như thế nầy mới đúng với khả năng của nó.”
            Cũng may, ông chuyên viên nầy nói tiếng Pháp nên tôi cũng hiểu ít nhiều, khỏi phải nhờ thông dịch viên.
            Ít lâu sau đó, nhà  máy ximăng cho di chuyển một cái xà lan lớn qua núi Trầu với máy phát điện, xe xích khoan đá, lấy đá về giao cho phòng thí nghiệm của Đoàn Phục nung thử, kiểm soát phẩm chất như thế nào!
            Nếu phát triển ra, nhà máy ximăng sẽ dựng thêm một nhà máy xay và vô bao (như ở Thủ Đức lúc đó vậy) tại Cần Thơ. Việc chuyển vận clinker gần hơn và phân phối thành phẩm cho miền Tây cũng gần hơn, giá rẻ hơn ít nhiều, v.v…
            Tuy nhiên, đối với việc phát triển đó, những người vui mừng nhất không phải là công nhân nhà máy, hay dân chúng mà chính là xã An Hòa. Dân núi Trầu chẳng vui gì vì họ sẽ bị đuổi đi xa chân núi hơn để được an toàn, mất nhà, mất ruộng, mất vườn. Nhất là vườn. Đất ở chân núi Trầu là đất đen, – gọi là than bùn – trồng rau, nhất là rau muống thì “hết sẩy”. Dân ở đây hơn 90 phần trăm là Bắc kỳ (rau muống! như cô Thái Thanh có lần xác nhận với thính giả ở Queenbee năm 1973 vậy). Họ theo Tây mộ phu đi làm ruộng dinh điền ở miền Nam khoảng các năm 1939, 40. Khi chiến tranh Việt Pháp xảy ra, (1945-54), Tây bỏ chạy về Tây, bỏ luôn cả dân mộ phu. Dân đi phu bây giờ tự lo kiếm sống lấy. Họ cũng theo kháng chiến. Núi Trầu có nhiều hang động, trở thành công binh xưởng của Việt Cộng hồi đó. May mắn, phần đông khi đã vào Nam, họ theo đạo Thiên Chúa nên theo kháng chiến mà không theo Việt Minh. Họ theo kháng chiến một thời gian, theo bộ đội đi đánh Tây, qua tận Kampuchia đánh Tây như ông Hồng Ràng, ông Năm Vịnh có lần kể cho tôi nghe, nhưng không ai theo Cộng Sản và cũng không ai tập kết năm 1954.
            Tuy nhiên, xã An Hòa sẽ giàu lên.
            Núi Còm là thổ địa của xã An Bình. Khi thác đá ở núi Còm, nhà máy ximăng phải trả tiền “thổ địa” cho xã An Bình. Cả chục năm nay nhà máy chẳng trả xu nào, bỗng năm 1974, xã An Bình ôm được vài triệu, do nhà máy trả cho, mặc sức xã tiêu xài, xây dựng xã, v.v…. Vì vậy nên xã An Hòa hí hững chờ tiền. Xã Dương Hòa có núi Xà Ngách kế cận nhà máy, cũng hy vọng nhà máy mó tới đá núi Xà Ngách, kiếm mớ tiền tiêu chơi, v.v…
            Hồi họp nhứt là ông linh mục Nguyễn Thượng Hiền ở núi Trầu. Mới nghe phong thanh nhà máy ximăng sẽ khai thác núi Trầu, ông cho đệ tử dựng ngay một cái thánh giá trắng bóc, cao ngất, ở xa ai ai cũng thấy rõ. Muốn lấy đá, nhà máy sẽ phải dời bỏ cái thánh giá đi, phải bồi thường cho ông hai triệu, như lời ông yêu cầu.
            Tự nhiên chi ra hai triệu cho một cái thánh giá dựng lên với giấy phép của ông xã Long, xã trưởng An Hòa, con chiên của cha Hiền, nhà máy ximăng không có ý kiến. Đâu có phải là tiền túi của ông giám đốc hay ông phó giám đốc mà lo, nhưng họ phải trình về trung ương, ở đường Võ Di Nguy, Saigon.
            Công việc thăm dò phải ngưng lại cho tới khi… Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Văn Thôn tự Tiếu, bí thư xã An Bình ra tiếp thu thị trấn Kiên Lương.
            Không rõ Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Văn Thôn tự Tiếu giải quyết yêu cầu của cha Hiền như thế nào vì lúc ấy, tôi đã “đóng tiền xin đi ở tù” rồi.
            Riêng linh mục Nguyễn Thượng Hiền, mặc dù ông khéo léo không tỏ ra là người chống Cộng hay thiên Cộng, nhưng chỉ mấy ngày sau khi bọn Nguyễn Văn Tiếu, Nguyễn Tấn Dũng tiếp thu quận Kiên Lương thì chúng vào bắt cha Hiền ở nhà thờ An Hòa. Chúng nó trói tay cha ngược ra đằng sau, dẫn cha xuống ghe. Không hiểu vì cha Hiền quá sợ hãi hay vì tuổi già sức yếu, lụm cụm khi bước lên ghe, bị một tên du kích đạp cha một đạp. Cha té sấp mặt xuống sàn ghe, máu me chảy đầy miệng, đầy cằm. Giáo dân có người nhìn theo cha, nước mắt đầm đìa, thầm gọi Chúa Mẹ, thương tình mà cứu cha qua cơn khổ nạn.
            Hơn năm năm ở trong tù, cha mới được tha, bèn trở về họ đạo cũ, nơi vẫn chưa có linh mục nào đến thế chỗ cha.
hoànglonghải
(1)-Công việc chỉnh đốn gồm có: Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt thành Trường Võ bị Quốc Gia, ngang tầm với các trường võ bị nổi tiếng trên thế giới, đào tạo sĩ quan hiện dịch; trường Hải Quân, Không Quân, trường Bộ Binh Thủ Đức để đào tạo sĩ quan trừ bị. Trường hành chánh thành Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, thành lập viện Đại Học Huế, Đà Lạt với phân khoa đại học sư phạm tương đương cấp cử nhân, các trường sư phạm đào tạo giáo viên cấp tiểu học,… Về kinh tế, thành lập khu kỹ nghệ Biên Hòa, đặc biệt có các hãng dệt Sicovina (Biên Hòa và Đà Nẵng), nâng cấp nhà máy vôi Long Thọ, khu mõ than Nông Sơn, nhà máy Ximăng Kiên Lương (Hà Tiên)… Khi xây dựng xa lộ Saigon – Biên Hòa, chính quyền Cộng Sản Hà Nội tổ chức biểu tình phản đối dữ dội, vu cáo là xây dựng phi trường quân sự trá hình.
(2)-Ông sinh trưởng vào đầu thế kỷ thứ 19, và qua đời sau khi Tây đã đô hộ đất Nam Kỳ. Theo truyền thuyết, ông là người có nhiều phép tắc thần thông, nhưng chính ông lại là người bài trừ mê tín dị đoan. Sau khi Tây chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Bộ, một trận dịch tả xảy ra ở vùng Cái Tàu Thượng, (ngang với Long Xuyên, nhưng ở phía tả ngạn), khiến hàng ngàn người chết. Ông Đoàn Minh Huyên đến phát thuốc cứu dân ở đây, đẩy lùi trận dịch. Do đó, người dân tôn sùng ông như một vị Phật Sống (sau đó, họ gọi ông là Phật Thầy Tây An). Ông ổn định được cuộc sống dân chúng, phát triển nông nghiệp. Thấy ông được dân chúng tôn sùng, Tây lo ngại, bắt ông đem giam ở thị xã Long Xuyên. Trên đường đi làm về, tên cò Tây thấy ông đang đi bộ bên đường. Tên nầy lấy làm lạ, vừa giam ông vào ngục sao bây giờ thấy ông ở đây. Nó cố đi nhanh để xem mặt nhưng không theo kịp. Tên cò Tây nghi ngờ bèn quay trở lại bót, xem lại phòng giam, lại thấy ông còn trong đó.
            Ông là người sáng lập tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương, lo tu học và đền đáp Tứ Ân nên có khi người ta còn gọi là đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Bửu Sơn Kỳ Hương là nguồn gốc trực tiếp của đạo Phật Hòa Hảo. Tuy nhiên, trong lịch sử đạo Phật Hòa Hảo, người ta thường tính từ khi Đức Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ sáng lập đạo nầy mà thôi, ít thấy bàn tới vai trò của ông Đoàn Minh Huyên. Độc giả có thể tìm hiểu thêm ở bài viết của sử gia Trần Gia Phụng, trên Việt Báo Online.
            (3) Tôi quan niệm cuộc chiến vừa 1960-75 là chiến tranh nhân dân. Do đó, vai trò nhân dân là rất quan trọng. “Tình báo nhân dân” là yếu tố căn bản để triệt tiêu hạ tầng cơ sở Cộng Sản. Không có hạ tầng cơ sở, Việt Cộng không xây dựng lực lượng địa phương được. Tôi tới trại tỵ nạn Bidong sau ngày “đóng cửa đảo” nên phải qua “thanh lọc” mới được đi định cư. Người phỏng vấn thanh lọc tôi là một luật sư Cao Ủy Tỵ Nạn, người Hòa Lan và một viên thiếu tá tình báo Mã Lai. Khi tôi trình bày về “Chiến Tranh Nhân Dân, Tình Báo Nhân Dân”, – Cuốn sách tôi đang viết khi ở trại tỵ nạn -, viên thiếu tá tình báo Mã Lai ngồi nghe ba tiếng đồng hồ. Sau đó, khi chấm dứt, ông ta bắt tay tôi, nói: “Chúc mừng ông và hy vọng cuốn sách của ông sẽ được phổ biến, giúp ích cho các cơ quan tình báo.”
            (4) Năm Hùng làm việc ở đây khá lâu, ban đầu làm trưởng ấp Ngã Ba, sau lên “Hội viên Cảnh Sát xã”. Khi làm việc với tôi, ông mang loon thượng sĩ. Ông biết hầu hết người, địa hình, địa vật ở đây, nên tôi gọi đùa là “thổ công”. Ông giúp tôi rất nhiều, việc gì không rõ thì hỏi ngay ông.
            (5) Xin xem bài sau, cũng nói về nhà máy ximăng Kiên Lương.
(xem tiếp bài 23)