Wednesday, November 24, 2021

20211124 Cong Dong Tham Luan

20211124 Cong Dong Tham Luan

 

NỀN ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM CỘNG HOÀ

https://www.facebook.com/groups/1060192741127138/permalink/1255441168268960/  

Như giọt sương khuya / Like drops of dew at night / Don't call me Uncle (1972)

https://www.youtube.com/watch?v=4f9PH-2PeAk

 

Vũ Anh Khoa shared a link.

Yesterday at 1:31 AM  · 

NỀN ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM CỘNG HOÀ

Hôm nay lại mời cả nhà cùng xem bộ phim “Như Giọt Sương Khuya” được sản xuất trước 1975 do Trần Quang, Bạch Tuyết thủ vai chính. Nhưng trước khi xem phim, chúng ta cùng nhìn lại nền điện ảnh miền nam trước 1975 dưới thời Việt Nam Cộng Hoà phát triển rực rỡ thế nào.

Điện ảnh Việt Nam Cộng hòa là nền công nghiệp điện ảnh thương mại của nước Việt Nam Cộng hòa trong giai đoạn từ 1954 đến 1975. Ở miền Nam Việt Nam, với thị trường tự do nên các hãng phim chủ yếu sản xuất phim thương mại phục vụ khán giả với nhiều thể loại như hành động, tình cảm, tâm lý xã hội, kinh dị. Khi người Mỹ chính thức tham chiến vào Chiến tranh Việt Nam, cùng với quân đội họ đã mang theo cả văn hóa Âu Mỹ và những công nghệ kỹ thuật mới vào Việt Nam. Điều này ảnh hưởng đến văn hóa nói chung trong đó có điện ảnh.

Lịch sử hình thành và phát triển.

Giai đoạn 1954 đến 1960

Hiệp định Genève năm 1954 đã đánh dấu sự chấm dứt hiện diện của người Pháp trên lãnh thổ Việt Nam. Đất nước Việt Nam sau đó chia làm hai miền với hai chế độ chính trị, xã hội khác nhau. Làn sóng di cư của người Bắc vào miền Nam kéo theo những ảnh hưởng đến đời sống chính trị, văn hóa, xã hội của người miền Nam, và của cả nền điện ảnh. Trong cuốn hồi ký của mình, Phạm Duy cho biết trong thời gian đầu của chính phủ Ngô Đình Diệm, các hoạt động văn nghệ diễn ra "tưng bừng". Ngoài những ngành về văn nghệ và mỹ thuật thì chính quyền Đệ nhất Cộng hòa còn chú trọng vào điện ảnh. Theo Phạm Duy, "một mặt, nhà nước khuyến khích các hãng sản xuất phim tư nhân như Đông Phương của Đỗ Bá Thế, Tân Việt của Bùi Diễm, Alpha của Thái Thúc Nha. Mặt khác, Trung tâm điện ảnh được xây dựng ở đường Thi Sách để đào tạo các chuyên viên". Ngoài các hãng phim của người Việt, còn có một số hãng phim của người Hoa, ví dụ như Việt Thanh. Đây là hãng sản xuất nhiều phim nhất trong giai đoạn 1954 đến 1960 tại miền Nam. Bên cạnh việc khuyến khích các hãng phim tư nhân, chính quyền Diệm cũng quan tâm đến việc đào tạo nhân sự cho điện ảnh. Năm 1955, TT Ngô Đình Diệm cho thành lập Phòng Điện ảnh, sau đến Trung tâm Quốc gia Điện ảnh trực thuộc Nha Thông tin, bao gồm đội ngũ gồm 19 đạo diễn, 13 quay phim, 5 chuyên viên thu thanh và 2 chuyên viên dựng phim. Những người này hoặc được đào tạo tại chỗ, hoặc du học nước ngoài trong giai đoạn 1957 đến 1959. Ngoài ra, chính quyền còn mời chuyên gia từ Philippines sang Sài Gòn để hợp tác xây dựng một số bộ phim tuyên truyền chính trị. Trung tâm Điện ảnh là nơi đào tạo ra những chuyên viên điện ảnh đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa.

Nền điện ảnh Việt Nam Cộng hòa phát triển rực rỡ vào năm 1957, tiêu biểu là phim Lục Vân Tiên, phim màu đầu tiên của Việt Nam. Tính riêng trong năm này, ngành điện ảnh sản xuất ra 37 bộ phim. Sự phát triển mạnh mẽ của các hãng phim tư nhân đã tạo ra những thế hệ diễn viên mới, hầu hết xuất thân từ những nghệ sĩ sân khấu. Đây còn là giai đoạn mà các đoàn làm phim lớn trên thế giới đến Việt Nam để thực hiện các bộ phim, tạo cơ hội cho các đạo diễn, diễn viên người Việt hợp tác cùng. Sức hút của điện ảnh cũng khiến cho một số người trong lĩnh vực âm nhạc như Lê Thương và Phạm Duy tiếp cận với vai trò kịch bản và đạo diễn. Tuy nhiên, sau năm 1957, nền điện ảnh miền Nam bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Từ năm 1958 đến 1960, chỉ có 9 trong số 37 hãng phim đã đăng ký hoạt động có chiếu phim, nhưng số lượng không nhiều. Nổi bật nhất trong giai đoạn này là phim Đất lành của hãng Đông Phương, còn lại là những phim tài liệu và âm nhạc. Bên cạnh đó, chính quyền Việt Nam Cộng hòa phải dùng các đội chiếu phim lưu động tại thành thị và nông thôn, trong khi báo chí miền Nam không còn ủng hộ phim nội địa. Điều này dẫn tới sự du nhập của một số phim ngoại địa. Trong giai đoạn từ năm 1954 đến 1960, có đến 1.850 bộ phim nước ngoài du nhập vào miền Nam Việt Nam, phổ biến là các phim Mỹ lồng tiếng Pháp. Theo ký giả Lê Hoàng Hoa, năm 1957 là năm "điện ảnh Việt Nam có điều kiện phát triển mạnh nhưng chưa có lối thoát, vừa vì kĩ thuật kém, vừa thiếu thị trường"

Trên tờ Truyện Phim số phát hành năm 1958, tác giả Thái Thúc Nha nhận định nguyên nhân thoái trào của điện ảnh Việt Nam Cộng hòa giai đoạn này đó là nhà sản xuất bỏ vốn quá nhiều nhưng thu lợi nhuận thấp. Theo ông, để làm được một cuốn phim xem được, nhà sản xuất phải bỏ ra số tiền hơn một triệu đồng, gồm các chi phí quay phim và phụ phí khác. Cuốn phim đem ra chiếu tại ba rạp ở Sài Gòn có thể thu về 400 nghìn đồng trong một tuần, tuy nhiên họ phải trả thêm thuế thuê rạp khiến doanh thu giảm còn 133 nghìn đồng, chưa kể tiền trả cho quảng cáo báo chí. Trong thời gian 6 tháng sau đó có thể thu thêm 300 nghìn đồng từ việc công chiếu ở các tỉnh lẻ và các nước lân cận, nhưng vẫn không đủ hòa vốn. Mặc dù vậy, nhà sản xuất vẫn phải đi khai thuế lợi tức và đóng tiền cho Nha Thuế. Để giải quyết tình trạng này, Đỗ Bá Thế, giám đốc hãng phim Đông Phương đứng ra thành lập Nghiệp đoàn Điện ảnh Việt Nam và trở thành Chủ tịch Ban quản trị Lâm thời. Theo ông Thế, vai trò của tổ chức này là "đoàn kết các nhà sản xuất phim ảnh trong nước, nghiên cứu và giải quyết các vấn đề liên quan đến nghệ thuật thứ bảy, bênh vực quyền lợi những người hành nghề, nâng cao kĩ thuật chuyên môn và tìm cách xuất cảng phim Việt ra ngoại quốc". Lúc bấy giờ, có 15 hãng phim đã tham gia tổ chức này. Trong khi các hãng phim Việt sa sút thì các hãng phim gốc Hoa như Việt Thanh nhân cơ hội chiếm lĩnh thị trường, đồng thời thu hút được nhiều diễn viên có tên tuổi. Mặc dù vậy, các phim do Việt Thanh sản xuất cũng gặp thất bại về doanh thu. Trong khi chờ Nghiệp đoàn Điện ảnh Việt Nam chính thức hoạt động, nhiều hãng phim Việt cũng đã cộng tác với nhau thông qua việc thành lập công ty sản xuất và góp vốn chung.

Giai đoạn 1960 đến 1968

Đầu những năm 1960, bên cạnh những hãng phim hoạt động "cầm chừng" thì vẫn còn một số hãng mới thành lập hoặc nhóm nhỏ các nhà làm phim tự góp vốn dựng phim. Để cạnh tranh với các phim ngoại quốc, một số hãng phim lớn như Alpha quyết định chuyển thể một số vở cải lương lên màn ảnh, nhưng không nhận được sự đánh giá cao. Đến giai đoạn 1962 và 1963, điện ảnh Việt Nam Cộng hòa bắt đầu cho thấy dấu hiệu khởi sắc. Đây là thời kì kĩ thuật quay phim màu đơn chiếm ưu thế. Tác phẩm Mưa rừng của hãng Alpha, chuyển thể từ vở kịch cùng tên của Hà Triều và Hoa Phượng đã giành được một số thành công nhờ lối quay phim đặc biệt. Sau đó là một số phim như Đôi mắt người xưa của hãng Liêm Phim, Tơ tình và Bóng người đi của hãng Mỹ Vân. Đây cũng là thời kỳ nổi tiếng của một số tên tuổi như Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh, Thanh Nga, Kim Cương cùng một số diễn viên như Kim Vui, Mộng Tuyền, Thảo Sương, Kim Xuân, Thanh Lan, Thiên Trang, Ngọc Minh. Một số đạo diễn, diễn viên Việt Nam Cộng hòa giai đoạn này đã gặt hái được những thành tích. Bộ phim Chờ sáng do Thân Trọng Kỳ làm đạo diễn đã nhận được một giải thưởng điện ảnh tại Liên hoan phim quốc tế Berlin. Hai diễn viên chính là Lê Quỳnh và Kiều Chinh đã có mặt trong lễ trao giải, đánh dấu lần đầu tiên các diễn viên Việt Nam Cộng hòa đại diện cho lĩnh vực điện ảnh do chính phủ tài trợ tham dự một liên hoan phim quốc tế. Tại Đại hội Điện ảnh Á Châu năm 1966, diễn viên Xuân Dung đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất cho phim Đôi mắt người xưa. Đây được cho là giải thưởng quốc tế lớn đầu tiên của các diễn viên miền Nam. Trước đó một năm, đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc của Trung tâm Điện ảnh Quốc gia cũng giành giải Golden Harvest Award cho phim Con búp bê nhồi bông tại Đại hội Điện ảnh Á Châu ở Đông Kinh. Thời kỳ này cũng là giai đoạn chói sáng của một số tên tuổi như Trần Quang, Kiều Chinh, Thẩm Thúy Hằng, trong đó Trần Quang trở thành nam diễn viên trụ cột trong nền điện ảnh Việt Nam Cộng hòa thời điểm đó, trong khi Thẩm Thúy Hằng góp mặt trong 20 bộ phim và tham dự một số liên hoan phim quốc tế.

Vào giữa những năm 1960, khi chiến tranh leo thang và quân đội Mỹ chính thức tham chiến, kỹ thuật truyền hình cũng đến Việt Nam. Ban đầu, các đài truyền hình quân sự của Hoa Kỳ phát sóng từ máy bay, với ăng-ten được giấu kín, bay lơ lửng trên thành phố. Sau này, hệ thống truyền hình Việt Nam chính thức được thành lập, cơ sở vật chất kỹ thuật lần lượt được xây dựng, từng bước phủ sóng trên toàn quốc. Với năm đài truyền hình địa phương và hơn 350.000 máy thu hình, 80% dân số miền Nam lúc đó có thể xem truyền hình tại nhà. Nhận biết được tầm quan trọng của điện ảnh, Sở Thông tin Hoa Kỳ cùng với Nha thông tin Việt Nam Cộng hòa và Nha Chiến tranh Tâm lý đã tiến hành nhiều chiến dịch chiếu phim lưu động ở vùng nông thôn, tuy nhiên phạm vi thực hiện của chiến dịch này bị hạn chế do điều kiện chiến tranh. Sở Thông tin Hoa Kỳ cung cấp khoảng 70% số lượng phim. Năm 1964, có hơn 10.000 phim của cơ quan này được trình chiếu. Sở Thông tin cũng cung cấp các thiết bị kĩ thuật cho quá trình chiếu phim, trong đó bao gồm 600 trên tổng số 800 máy chiếu loại 16 milimét. Hoa Kỳ cũng cung cấp một số phụ kiện như máy phát điện, đầu ghi băng, máy phát thanh cùng một số phương tiện khác.

Theo tác giả Harvey Henry Smith, Việt Nam Cộng hòa có tổng cộng 156 rạp chiếu phim trên toàn quốc, với tổng sức chứa lên đến 65.000 người, trong đó riêng ở Sài Gòn đã có 100 rạp, với sức chứa 35.000 người. Hầu hết các phim điện ảnh đều được nhập khẩu từ Chính phủ Quốc dân Trung Hoa Dân Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Pháp. Từ năm 1965 trở đi thì thị hiếu công chúng dần bắt đầu chuộng phim Mỹ nhiều hơn phim Pháp. Sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ và đồng minh tại Việt Nam đã dẫn đến nhiều thay đổi sâu sắc, thu hút sự chú ý của truyền thông toàn cầu. Sài Gòn trở thành một trung tâm giao lưu quốc tế. Nhiều kỹ thuật mới như nhạc điện tử và các bộ phim mới nhất luôn được cập nhật. Do ảnh hưởng từ truyền hình vô tuyến và màn ảnh rộng tại các rạp mới xây dựng như Đại Nam, Rex, lượng khán giả có hứng thú với điện ảnh ở Việt Nam tăng lên nhanh chóng, nên dù đã phục hồi từ những năm 1950, nhưng chỉ đến những năm 1960 ở thời Đệ nhị Cộng hòa, nền điện ảnh của quốc gia này mới thực sự trưởng thành và chính thức được công nhận là một loại hình nghệ thuật quan trọng.

Giai đoạn 1969 đến 1975

Nhằm kích thích sự phát triển của điện ảnh miền Nam, năm 1969, chính quyền Đệ Nhị Cộng hòa thành lập Ngày Điện ảnh Việt Nam, với chủ trương chiếu phim trên toàn quốc và không thu tiền vé. Ngày 10 tháng 7 năm 1969, Trung tâm Quốc gia Điện ảnh tổ chức hội thảo với đề tài "Yếu tố phát triển điện ảnh quốc gia", tạo điều kiện để những người làm điện ảnh có thể trao đổi ý kiến lẫn nhau. Nghị định số 449-BTT-NĐ của Tổng trưởng Thông tin Việt Nam Cộng hòa ban hành ngày 7 tháng 8 năm 1969 đã cho phép các hãng phim tư nhân hợp tác với Trung tâm Quốc gia Điện ảnh và nhận hỗ trợ kĩ thuật, nhân lực từ trung tâm này. Đến ngày 28 tháng 10 cùng năm, một dự luật có tên "Đại cương về một bộ luật điện ảnh Việt Nam" được trình lên Quốc hội xem xét. Từ năm 1969 đến 1970, hai hợp đồng dựng phim được Bộ Thông tin ký kết với các đơn vị Công ty Liên Ảnh (phim Chân trời tím) và hãng phim Giao Chỉ (phim Người tình không chân dung). Một số phim tiêu biểu thời kỳ này có thể kể đến Từ Sài Gòn đến Điện Biên Phủ, Chiều kỷ niệm, Loan mắt nhung. Bên cạnh đó là những tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết, những câu chuyện về những cô gái lầm lỡ. Với việc thị trường mở rộng và khán giả bắt đầu đón nhận phim trở lại, nền điện ảnh bắt đầu thu được lợi nhuận, giúp số lượng phim tăng dần theo từng năm. Trong vòng 2 năm từ 1960 đến 1962, số phim sản xuất ở miền Nam tăng từ 6 lên 29 phim.

Khôi phục những di sản điện ảnh Sài Gòn trước 1975 - Tác giả Lê Hồng Lâm

Sau 1975, nếu văn chương và âm nhạc của miền Nam vẫn được lưu trữ chủ yếu thông qua các tác giả rồi dần dần được phổ biến trở lại qua các nhà xuất bản, các nhà xuất bản, trung tâm âm nhạc trong và ngoài nước, thì điện ảnh - vốn là một bộ môn nghệ thuật tổng hợp tốn kém và chủ yếu được quay bằng phim âm bản (negative) 35mm nên khó lưu trữ hơn.

Nền điện ảnh miền Nam trong gần 20 năm tồn tại và phát triển đã sản xuất khoảng 300 bộ phim, nhưng sau năm 1975, hầu hết các bộ phim đều hư hỏng hoặc biến mất vĩnh viễn. Một số hãng phim còn lưu trữ được một số phim âm bản qua nguồn tư liệu của gia đình bắt đầu khôi phục trở lại những di sản của điện ảnh miền Nam thông qua các bản phim DVD nhưng chất lượng hình ảnh và âm thanh đều hư hỏng khá nhiều.

Tại Đại hội Điện ảnh Việt Nam Quốc Tế (Viet Film Fest) lần thứ nhất tổ chức vào năm 2003 ở California (Mỹ), bộ phim Người tình không chân dung được mang trình chiếu lại sau đúng 30 năm bộ phim ra mắt lần đầu tiên (1973). Ghi nhận lại buổi chiếu đặc biệt này và trao giải Lifetime Achiviement Award (Thành tựu trọn đời) cho nữ tài tử Kiều Chinh, ký giả Phạm Xuân Đài viết trên tờ Tập san Thế kỷ 21:

"Người tình không chân dung có thể nói là một phim bề thế nhất về đề tài chiến tranh của miền Nam, do hãng phim Giao Chỉ sản xuất. Tuy là sản phẩm của hãng tư do Kiều Chinh thành lập và Hoàng Vĩnh Lộc đạo diễn, phim vẫn được sự hỗ trợ của chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng Hòa trong việc thực hiện. Ngoài Kiều Chinh là nhân vật nữ duy nhất, các diễn viên còn lại khá đông đảo, hầu hết là quân nhân đang tại ngũ: Vũ Xuân Thông, Nguyễn Mộng Hùng, Hà Huyền Chi, Dương Hùng Cường, Minh Trường Sơn, Trần Quang, Tâm Phan… Điều đặc biệt là sau khi quay xong, phim này đã bị cấm chiếu trong hai năm sau cùng phải do một cuộc bỏ phiếu cả chính Hội đồng Nội các (20/21 phiếu thuận) phim mới được trình chiếu cho công chúng vào năm 1973. Lý do cũng chỉ vì những hình ảnh hiện thực của chiến tranh (những 'mộ bia như nấm' trong nghĩa trang, cảnh quân nhân bị thương, bị chết…) mà Hội đồng Duyệt phim các cấp đều chùn tay không dám thông qua, vì lý do "dễ làm nản lòng chiến sĩ'. Tuy nhiên, tại Đại hội Điện ảnh Á châu 1973, phim đã được hai giải thưởng cao quý: Giải phim chiến tranh xuất sắc nhất và giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất dành cho Kiều Chinh.

Đúng 30 năm sau ngày Người tình không chân dung ra mắt ở Sài Gòn, nay xem lại tại đất Mỹ, đa số khán giả bàng hoàng. Thứ nhất, phim rất khá, dù đã qua đãi lọc của thời gian và của lòng người với biết bao ảnh hưởng mới mẻ của điện ảnh hiện đại. Thứ hai, cảm phục ý thức của nhóm thực hiện, mà ngày nay, khi cuộc chiến xong đã lâu và mọi sự đã lắng xuống, người ta mới càng thấy rõ ý thức cuộc chiến là 'của chúng ta' để bảo vệ những lý tưởng của chúng ta, đồng thời không che giấu cái cảm thức nhức nhối trước một quê hương tan hoang do chiến tranh mang lại.

Một mình diễn xuất của Kiều Chinh đã mang hết gánh nặng chuyển tải thông điệp ấy. Là một phụ nữ có người yêu tử trận, đang làm trong chương trình 'tâm tình với chiến sĩ' trên đài phát thanh Quân đội, Mỹ Lan (Kiều Chinh) một hôm quyết định xin, ra mặt trận để đi tìm một người mà cô chưa từng quen biết, một thính giả chương trình của cô mà cô chọn một cách bất chợt trong số hàng trăm lá thư gửi về đài hàng ngày.(…)

Một mình Kiều Chinh trong Người tình không chân dung ở tuổi 30, với một diễn xuất trầm lắng diễn tả một nội tâm mênh mông, nặng trĩu những đổ vỡ mất mát do cuộc chiến mang lại, đủ để đại diện cho lương tâm của người Việt trong cuộc chiến ấy. Cuộc chiến ấy đã qua, may mắn chúng ta vẫn còn 'của tin còn một chút này'.

Đạo diễn Tony Bùi, đại diện cho thế hệ người làm phim ảnh trẻ (nói cách khác thuộc thế hệ di dân thứ hai) đã được vinh dự là người trao giải Lifetime Achievement Award cho tài tử Kiều Chinh. Cử chỉ ấy như một kết nối đầy thân ái giữa hai thế hệ, và là một biểu tượng ý nghĩa cho bước đường sắp tới của nền điện ảnh Việt Nam tại hải ngoại."

Cùng với Người tình không chân dung, nhiều bộ phim khác như Chiếc bóng bên đường, Giỡn mặt tử thần, Chân trời tím, Nàng, Như hạt mưa sa, Như giọt sương khuya, Nắng chiều, Bão tình, Sóng tình… đều được tái phát hành dưới dạng đĩa DVD và được một vài nhà sưu tập cá nhân phổ biến thông qua kênh youtube. Tất nhiên, như đã nói, chất lượng của các bản phim này đều không được đảm bảo, đặc biệt là hình ảnh và âm thanh đều rất kém.

Tháng 9, năm 2013, một nhóm làm phim thuộc miền Nam cũ bao gồm đạo diễn Đỗ Tiến Đức, kiến trúc sư Trần Quang Đôn và ký giả Trùng Dương đã hội ngộ tại Westminter (California, Mỹ) nhân cuốn sách truyện phim Yêu được tìm thấy và dự định tái bản tại Mỹ. Yêu là bộ phim của hãng phim Nghệ thuật của một nhóm trí thức mong muốn thể nghiệm một hình thức kể chuyện mới trước 1975 nhưng bộ phim không thành công về mặt thương mại khiến hãng phim này nhanh chóng sụp đổ. Bản phim Yêu hoàn toàn thất lạc, nhưng kịch bản phân cảnh của bộ phim được in thành sách xuất bản trước 1975 thì được tìm thấy.

Trong bài viết "Cuộc đời trôi nổi của một cuốn sách", ký giả Trùng Dương - một trong những nhà sản xuất của bộ phim, viết rằng:

"Cuốn sách mang tựa đề Yêu - phỏng theo tiểu thuyết Yêu của Chu Tử - nhóm Phim Nghệ Thuật thực hiện, truyện phim và phân cảnh do Đỗ Tiến Đức viết. Cuốn sách nay do nhóm Phim Nghệ Thuật xuất bản năm 1972 tại Sài Gòn."

Trong chuyến công tác đến Mỹ để thực hiện dự án khảo cứu về điện ảnh Sài Gòn trước 75, tôi được ký giả Trùng Dương cung cấp một số thông tin về bộ phim và cuốn truyện phim được tìm thấy sau nhiều năm thất lạc. Bà cho biết đây là cuốn truyện phim và bản phân cảnh duy nhất được in ra và phát hành ở Sài Gòn trước 75. Nhờ nhà văn Nhật Tiến, đúng 41 năm sau, cuốn sách được trao tận tay đạo diễn Đỗ Tiến Đức và họ dự định in lại tập sách này với một số lượng hạn chế cho các thân hữu và thư viện.

"Thú thật là tuy tác phẩm này in từ năm 1972 ở Sài Gòn, nhưng nay thì tôi mới có dịp đọc tới", nhà văn Nhật Tiến kể. "Nó đã mang cho tôi nhiều ngạc nhiên, không phải vì nội dung hấp dẫn của nó dựa theo tác phẩm Yêu của Chu Tử mà chính vì cái kỹ thuật viết phân cảnh rất công phu, rất tỉ mỉ, rõ ra là của một nhà đạo diễn chuyên nghiệp nắm vững nội dung và biết tính toán những thước phim sử dung trong mỗi cảnh đến từng giây đồng hồ. Nó đảm bảo cho cuốn phim phải được thực hiện chặt chẽ không dông dài và đồng thời tiết kiệm được những thước phim quý báu do xứ mình còn nghèo phương tiện"

Ký giả Trùng Dương cho biết thêm, kịch bản phân cảnh của Yêu sau đó được in lại tại Mỹ để lưu trữ lại một di sản của điện ảnh miền Nam và nhóm làm phim Nghệ thuật.

Tuy nhiên, các dự án khôi phục nói trên đều khá đơn lẻ và thông qua một vài cá nhân hay nhóm làm phim trước 1975 tại Sài Gòn dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa mong muốn lưu giữ những di sản cũ.

Dự án khôi phục điện ảnh miền Nam công phu và bài bản nhất đến nay là Project #SAVEOURFILMS của hãng phim Mỹ Vân. Đây là một trong vài hãng phim lớn nhất và sản xuất nhiều phim nhất tại Sài Gòn trước 1975.

Gần đây, nhờ một nguồn tài trợ của trường Đại học UCLA (Film and Television Archives), 10 bộ phim nhựa (35mm Positive prints) và bản phim gốc (35mm Color Negatives Films) của hãng phim Mỹ Vân đã được lưu trữ và bảo tồn trong tòa nhà mang kiến trúc Hy Lạp cổ do hội Packard Humanities Institute xây dựng (PHI STOA) để dành riêng cho việc cất giữ những bộ phim nhựa (cellulose base films) điện ảnh trên toàn thế giới.

10 bộ phim nhựa được phục chế và bảo tồn của hãng Mỹ Vân bao gồm:

1. Năm vua hề về làng (1974)

2. Triệu phú bất đắc dĩ (1973)

3. Người chồng bất đắc dĩ (1974)

4. Việt Nam trong ly loạn (1975)

5. Đứa con trong lửa đỏ (1975)

6. Sau giờ giới nghiêm (1972)

7. Chân trời tím (1971)

8. Từ Saigon đến Điện Biên Phủ (1970)

9. Quái nữ Việt quyền đạo (1974)

10. Sợ vợ mới anh hùng (1974)

Đến nay, Mỹ Vân đã hoàn thành bản phục chế bộ phim bề thế Chân trời tím với chất lượng 4K và phát hành dưới dạng đĩa Bluray và bản digital (kỹ thuật số) phát hành ở khu vực Bắc Mỹ.

Chân trời tím được quay tại miền Nam, Việt Nam vào năm 1970. Phim dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn quân đội Văn Quang, được 3 giải thưởng văn học nghệ thuật do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trao tặng năm 1970; và giải Best Artitistic Expression tại LHP Châu Á năm 1971. Sau gần 47 năm, bản phim gốc đã được gia đình hãng phim Mỹ Vân tìm được như một nhân duyên. Bộ phim nay đã được phục hồi màu sắc và âm thanh với kỹ thuật digital của Hollywood rất tốn kém. Phim do đạo diễn Lê Hoàng Hoa thực hiện với sự diễn xuất của Hùng Cường, Kim Vui, Mộng Tuyền, Bảo Ân, Hà Huyền Chi, Ngọc Phu, Ngọc Đức, Bà Năm Sa Đéc, Khả Năng…

Trong cuộc trả lời phỏng vấn ký giả Tôn Thất Hùng ở Canada nhân bộ phim Chân trời tím được phục chế và tái phát hành, nhà văn Văn Quang chia sẻ:

"Tôi nhớ không lầm thì hãng phim Mỹ Vân ngày xưa ở Việt Nam cũng là một trong 7 nhà sản xuất phim Chân trời tím. Ngày nay hậu duệ của hãng Mỹ Vân đã được anh Phi Hà công phu làm mới lại để giới thiệu dưới danh hiệu Mỹ Vân Films 21. Phi Hà là cháu ngoại thừa kế của ông bà Mỹ Vân. Phim nhựa 35 ly xưa cũ trải qua trên 50 năm đã hư hỏng qua thời gian nhưng với kỹ thuật tân tiến của phim trường Hollywood đã được làm mới lại đến 90%.

Thật ra điện ảnh VN thời xưa còn khá nhiều những tác phẩm nổi tiếng rất hay, vậy mà phim Chân trời tím đã được chú ý đến đầu tiên. Tôi tự hỏi tôi đã làm gì trong thời gian đó? Câu trả lời này gần như không có đáp số. Có lẽ cần phải hỏi những vị đã có công phu tìm tòi khám phá ra giá trị của cuốn phim này".

Cùng với Chân trời tím, hiện hãng Mỹ Vân đang tiến hành phục chế song song hai bộ phim Năm vua hề về làng (phim hài do nhiều đạo diễn và diễn viên ngôi sao đóng, chiếu Tết năm 1974) và Từ Sài Gòn đến Điện Biên Phủ, một bộ phim tình báo của đạo diễn Lê Mộng Hoàng quay năm 1969 tại Sài Gòn, Đài Loan, Hongkong. Nếu Năm vua hề về làng là một bộ phim hài với sự tham gia đông đảo của các diễn viên nổi tiếng thì Từ Sài Gòn đến Điện Biên Phủ là một tác phẩm tình báo, hình sự hấp dẫn với sự tham gia của Hoàng Vĩnh Lộc, Kiều Chinh, Thẩm Thúy Hằng... và các diễn viên Đài Loan, Hongkong. Bản phim này được Spectra Film and Video, N. Hollywood, khôi phục lại từ bản phim nhựa 35 ly positive, do hãng post-production Imagica (Far East Laboratory) Tokyo, Japan lưu trữ trước 30/4/1975 với chất lượng khá tốt.

Như vậy, dự án phục chế #saveourfilms của hãng Mỹ Vân có thể nói là dự án công phu và chuyên nghiệp nhất để phục hồi những di sản của điện ảnh miền Nam trước 1975 và tái phát hành đến công chúng của ngày hôm nay.

Dự án này cũng mở ra một triển vọng tìm kiếm và phục chế những bộ phim khác đang nằm ở đâu đó trong các bộ sưu tập cá nhân hay qua những Viện lưu trữ tại Việt Nam hoặc hải ngoại.

Như giọt sương khuya / Like drops of dew at night / Don't call me Uncle (1972)

https://www.facebook.com/groups/1060192741127138/permalink/1255441168268960/

 

Phiet Pham thephiet_2002@yahoo.com

Tue, Nov 23 at 12:21 PM

Câu chuyên này đã được chuyển nhiều lần.  Trong bối cảnh hiện tại nước Mỹ đang do đảng Dân chủ và Joe Biden nhắc chúng ta nhớ lại đảng Dân Chửi Mỹ đã làm cuộc đảo chánh tại Việt Nam vào năm 1963.

NHỮNG GIỜ PHÚT CUỐI CÙNG CỦA 

TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM

Thằng Bờm đã gặp người lính già ấy vào một buổi tối mùa đông mưa gió sụt sùi ở một căn flat trọ ở Melbourne. Người lính già ở một mình. Gọi là người lính già bởi tuổi ông đã già, riêng tuổi lính tính sơ sơ chỉ 28 năm. Râu tóc đã bạc, nhưng bộ pháp vẫn còn ung dung vững chãi, giọng nói vẫn còn sang sảng như chuông đồng, nụ cười vẫn ngạo nghễ, tinh thần vẫn oai phong, tráng kiện, cốt cách giản dị, hào sảng, rất chịu chơi, rất lính và rất kỷ luật quân đội.

Tâm sự Người Lính Già: Khóc Cho Một Lãnh Tụ

63 tuổi đời, 36 vết thẹo kéo dài từ đầu đến chân, có cái đỏ hỏn, có cái lõm sâu, có cái nhăn nhúm chằng chịt… Vừa vuốt ve những vết thương, ông vừa luận: “Đã khá nhiều người bảo đó là kỷ niệm của một thời để yêu. Người khác cho đó là dấu tích của hận thù, là báo hiệu của thần chết, là huân chương của một cuộc chiến tranh giữ nước…” Chỉ tấm thẻ bài vẫn còn đeo lủng lẳng trên cổ, ông nghẹn ngào: “Gia tài của tao đó, lẽ sống của tao cũng đó. Tao đã mang nó suốt 28 năm đi lính và suốt 15 năm mất nước, và sẽ còn tiếp tục mang cho đến phút cuối cùng của cuộc đời. Nó chính là tao, chính là những chiến hữu của tao, chính là những chiến binh đã ngã xuống ngoài chiến trường, nó là KBC, là quân lực VNCH…”

- Mày thấy đó! Sau hơn 28 năm cầm súng đánh nhau với giặc, bỗng dưng tao bị mất nước.

- Trong suốt 63 năm, cuộc đời tao đã 5 lần phải bật… khóc. Một con người ngang dọc như tao mà cũng biết khóc cũng là lạ. Lần thứ nhất khóc cho cha, thứ nhì khóc cho một mối tình, thứ ba khóc cho một lãnh tụ, thứ tư khóc cho một người lính, và lần thứ năm là mới hôm qua đây thôi, tao phải khóc cho thân phận nổi trôi của tao, của người tỵ nạn trên đất Úc.

Trong các vết thương, không vết thương nào đau dai dẳng như vết thương lòng. Tao nhức nhối, tao khổ sở, tao căm hờn đến suốt mấy năm trời. Nó chỉ thật sự chấm dứt vào sáng ngày 2-11-1963, khi tao tận mắt chứng kiến cái chết của cố TT Ngô Đình Diệm. Cái chết bi thảm oan nghiệt của một lãnh tụ, và tao một lần nữa đã không thể cầm được nước mắt. Tao đã khóc! Đúng ra, đời tao, tao cóc coi ai là lãnh tụ. Tánh tao là phè, ngang ngược đã quen, thế nên trong đời, ngoài việc thờ phượng Đức Phật và thờ bố, tao đếch có coi ai ra gì. Với tao, ai cũng thế thôi, cũng có bằng đó cái đầu, bằng đó cái tay và bằng đó cái chân, chứ nào có nhiều hơn tao cái gì?

Tao nghĩ tao đi lính là để trả thù nhà, đền nợ nước, chứ có phải vì ông kẹ, ông lãnh tụ nào đâu. Ngay cả khi ông Diệm về chấp chính, lòng tao cứ thản nhiên, không mảy may xúc động. Ông không về thì ông khác về. Ông không làm thủ tướng thì ông khác làm thủ tướng. Trong suốt 9 năm dưới triều đại uy nghi của ông, tao chớ có bao giờ đứng lên ngoác mồm ra hát bài… suy tôn Ngô Tổng thống: “Ai bao năm vì sông núi quên thân mình. Cứu đất nước thề tranh đấu cho tự do...” Nhìn lại trong dòng sử Việt, thiếu gì người vì sông núi quên thân mình, thiếu gì người vì nước mà tranh đấu cho tự do, chứ đâu phải chỉ có mình ông Diệm mà phải đem ông ấy ra suy tôn. Chưa hết, nào là “Ngô tổng thống muôn năm.” Sao lại muôn năm? Muôn năm có nghĩa là hơn một ngàn năm. Con người ta sống thọ lắm chỉ được trăm năm. Rán gân cổ lên mà tung hô chúc tụng thì cũng không cướp quyền tạo hoá được. Nếu định ám chỉ là danh thơm của ông sẽ lưu truyền đến muôn năm thì cũng đúng là nói phét. Ông đã chết đâu, ông đã làm xong việc đâu mà biết ông thơm hay thối để dựa vào đó mà bốc hay chửi. Ôi, hát với hò cái kiểu như vậy chẳng khác gì hại ông, cho ông uống viên thuốc độc bọc đường. Cũng chỉ vì cho là như thế nên thế giới giữa tao và ông Tổng thống nó nhạt nhẽo, nó xa lắc xa lơ. Tao chưa bao giờ được nhìn con người thật của ông, ngoại trừ một lần thoáng thấy ông xa xa, tay đang cầm ba-toong, đầu đội mũ nỉ, mặc com lê xám đang đi kinh lý tại thị xã Đông Hà.

Đầu năm 1963. Chán đời. Tao đâm đơn xin sang ngành thiết giáp và được cử đi học khoá chuyên môn về binh chủng này. Mãn khoá, lãnh Sự vụ lệnh về một đơn vị thiết vận xa tại Bến Cát, Bình Dương, thuộc quyền sở hữu của Sư đoàn 5 mà Tư lệnh là Đại tá Nguyễn Văn Thiệu. So với ông Tư lệnh này thì đường binh nghiệp của tao có điều… rùng rợn. Khi tao là Trung sĩ thì ông đang là dân. Khi tao lên Thượng sĩ thì ông ra trường Thiếu úy. Và bây giờ ông là Đại tá thì tao vẫn là… Thượng sĩ. Đấy, đời kỳ quái như vậy bố ai mà hiểu được.

Trưa 1.11.1963, chi đoàn thiết giáp của tao được lệnh xếp hàng về Sài Gòn, nói là để tăng cường bảo vệ thủ đô. Qua một lần kinh nghiệm, tao biết lại giở trò với nhau đây. Thua keo nầy nữa thì có hy vọng từ Thượng sĩ lên một phát trở thành… Binh sĩ. Chẳng sao. Đã từ lâu tao không còn thiết tha gì với cái lon nữa rồi, nó bạc bẽo quá, nhớ nó làm chi cho tủi.

Đến Sài Gòn, chi đội được chia ra làm 2 toán. Toán thứ nhất hợp lực với quân bạn đánh dinh Gia Long. Toán thứ nhì, có tao, làm vòng đai an ninh cho Bộ Tổng Tham Mưu, nơi đặt bản doanh của quân đảo chánh. Thế là đêm đó mặc cho thiên hạ bắn nhau chí choé ở bên ngoài, tao ghếch súng ngồi dựa lưng vào thành xe tăng ngẫm nghĩ chuyện đời. Thấy đời chán bỏ mẹ, đánh đấm cho lắm thì cũng là quân ta bắn quân mình.

Đảo chánh thắng thì mấy cha nội chóp bu thành người hùng cách mạng để có ghế mới, lon mới, địa vị phe phẩy, tiền bạc rủng rỉnh và oai quyền hét ra lửa. Thua thì các đấng dông cha nó ra ngoại quốc, để bổng chốc thành chính khách lưu vong. Chỉ khổ cho mấy thằng lính, chẳng được cái đếch gì mà lại lãnh trọn đòn thù thay cho sếp.

Khi trời vừa sáng tỏ thì đồng hồ chỉ 6 giờ 15 phút. Lời hiệu triệu phát ra từ một chiếc máy transitor vang lên đều đặn: “Quân đội đã đứng lên làm cách mạng để lật đổ chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm và hiện đang làm chủ tình hình mọi nơi trên toàn lãnh thổ cũng như tại Dinh Gia Long, cứ điểm cuối cùng của nhà Ngô, đã hoàn toàn lọt vào tay quân cách mạng. Trung tướng Nguyễn Khánh, Tư lệnh Quân đoàn 2 kiêm Tư lệnh Vùng 2 Chiến thuật, vừa đánh điện ủng hộ Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng.”

Tao chợt nghe tiếng nói vu vơ của một thằng lính:

- Thế ông Diệm đâu?

Một giọng khác văng vẳng:

- Hãy cầu nguyện cho ông ta!

Vừa lúc ấy toán của tao được lệnh di chuyển. Khẩu lệnh cho biết đây là cuộc hành quân phối hợp. Ai cũng ngỡ là đi tăng viện cho một chốt nào đó. Khi lọt ra khỏi cổng chính Tổng Tham Mưu, tao thấy lực lượng gồm có 3 chiếc jeep đi đầu. Chiếc tiên phong có tướng Mai Hữu Xuân và 3 cận vệ. Chiếc thứ nhì gồm đại tá Dương Ngọc Lắm cùng hai đại úy Nguyễn Văn Nhung, Dương Hiếu Nghĩa. Chiếc thứ ba chở 4 người, trong đó có đại úy Phan Hoà Hiệp. Tiếp theo sau là 2 xe M113, tao thủ thế ở chiếc thứ nhì. Và cuối cùng là 2 GMC chở đầy nhóc lính tráng, vũ khí trang bị đầy đủ.

Nửa giờ sau xe chạy vào Chợ Lớn, khi gần tới một ngôi nhà thờ, đoàn xe đi chậm lại, lính từ 2 GMC nhảy túa xuống, nhanh như cắt toả ra đứng thế thủ, mỗi người một gốc cây. Khoảng chục người khác cũng lăm lăm đứng gác chung quanh các cửa hông nhà thờ. Xe của tướng Mai Hữu Xuân chạy lòng vòng rồi de đít lại, đậu xa tít mãi bên kia đường.

Hai xe jeep chở các quan lớn lượn quanh một vòng rồi tiến vào sân chính diện ngôi nhà thờ. Hai chiếc M113 cũng dọt lẹ theo. Sau cái phất tay của đại tá Lắm thì đoàn xe ngừng lại. Đại tá Lắm bước xuống, rồi đại uý Nhung, Nghĩa, Hiệp cũng hăm hở bước xuống. Lúc ấy tao chợt thấy đại tá Lắm đưa mắt nhìn vào thiết vận xa của tao, rồi đưa tay ngoắc một cái, tao cũng chẳng hiểu ông ta ngoắc để làm gì.

Do phản ứng tự nhiên, tao nhanh nhẹn nhảy xuống xe chạy lại. Còn cách ông Lắm hai bước, tao giật mình đánh thót một cái vì thấy trên bậc thềm trước nhà thờ có 4 người bước ra. Người đi đầu đúng là Tổng thống Ngô Đình Diệm, sau ông là ông Nhu, còn 2 người kia tao không biết. Ông Lắm bước tới mấy bước, đứng nghiêm trước mặt ông Diệm, tay phải đưa lên chào. Vì đang ở tư thế gần nhất nên tao nghe rõ mồn một cuộc đối thoại ngắn ngủi giữa 2 người:

Đại tá Lắm: Thừa lệnh Trung tướng Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng chúng tôi đến đón Cụ và ông Cố vấn.

Ông Diệm: Ông Minh và ông Đôn đâu hè?

Đại tá Lắm: Thưa Cụ, hai ông đang làm việc ở Tổng Tham Mưu.

Ông Diệm: Thôi được. Thế tôi và ông Cố vấn cùng đi xe kia với ông.

Đại tá Lắm quay người lại chỉ vào xe M113 của tao:

– Thưa Cụ, xin mời Cụ lên xe này cho.

Thật ra cho mãi lúc tới nhà thờ Cha Tam và khi tận mắt nhìn thấy ông Diệm tao mới biết công tác của đoàn xe là đi đón ông Diệm và cho đến lúc này tao bàng hoàng, không thể nghĩ được rằng một ông Tổng thống, dù là Tổng thống bị đảo chánh, lại được người ta đón bằng một chiếc xe tăng… Ngày xưa hành quân bắt được Việt cộng, khi giải về hậu cứ thì cứ tốt nhất cũng tông nó lên chiếc GMC chứ không chơi cái trò đút vào xe bọc thép.

Khi nghe ông Lắm nói xong, bấy giờ tao thấy nét mặt ông Diệm rất bình thản, đôi mắt ông bỗng ngước lên nhìn quanh mọi người, nhìn tới ông Lắm cúi đầu xuống, nhìn tới tao, tao cũng cúi mặt xuống.

Chao ôi! Gần 30 năm rồi, đến hôm nay tao vẫn còn nhớ như in cái nhìn ấy, cái nhìn trong ánh mắt rất hiền từ, rất bao dung, rất nhẫn nhục, và tao nhớ ngày xưa mẹ tao cũng có cái nhìn như thế khi tiễn tao lên đường nhập ngũ. Nhìn xong ông Diệm vẫn im lặng.

Riêng ông Nhu khẽ nhíu mày, lên tiếng:

- Không thể đón Tổng thống bằng chiếc xe như vậy. Để tôi liên lạc với ông Đôn, ông Đính coi xem.

Đại tá Lắm khẽ nhún vai:

– Tôi không biết. Đây là lệnh của Trung tướng Chủ tịch.

Hướng về ông Diệm, đại tá Lắm giơ tay lên chào trong tư thế nghiêm rồi quay người bước ra. Đại úy Nhung bước lên mấy bước, không chào hỏi gì cả, tay chỉ về thiết vận xa, miệng oang oang:

- Xin mời hai ông lên xe ngay cho.

Mặt ông Nhu đỏ bừng, giọng nói rất quyết liệt:

- Không được. Để tôi hỏi lại ông Minh, ông Đôn. Tôi đi xe nào cũng được, nhưng còn Tổng thống?

- Ở đây không còn Tổng thống nào cả, các ông là tù binh. Chúng tôi được lệnh bắt các ông.

Đại úy Nhung vừa nói xong thì có 2 quân nhân đến sau lưng Tổng thống Diệm, một người cầm tay phải, một người cầm tay trái đẩy ông về phía trước. Bất giác ông Nhu quay người lại, hai tay ông đưa lên nắm vai 2 quân nhân kéo về phía sau, ông nói như quát:

- Để yên! Không được nhục mạ Tổng thống!

Hổn độn xảy ra trong chớp nhoáng, tao đứng đực người ra vì không biết phải làm sao. Đại úy Nhung luýnh quýnh rút súng ngắn bên hông ra, mũi súng chĩa thẳng vào người ông Nhu rồi đưa qua đưa lại chĩa vào ông Diệm, xong lại chĩa vào ông Nhu.

Đột nhiên, bằng một cử chỉ rất nhanh, tao thấy ông Diệm bước lên 2 bước, đứng chắn trước mặt ông Nhu, đôi mắt ông nhìn thẳng vào người đại úy Nhung, giọng ông cất lên rất gọn, rất đanh thép:

- Bỏ súng xuống!

Đại úy Nhung run run khẩu súng trong tay chợt thõng xuống, ngưng trong giây lát, rồi được đút vào bao. Ông Diệm quay đầu xuống nói với ông Nhu:

- Lính nó không biết gì… Đừng chấp… Ta đi thôi.

Ông Nhu vượt qua ông Diệm, bước đi trước, ông Diệm đi sau, đi qua nữa là 2 người lạ mặt (sau này mới biết đó là tùy viên Đỗ Thọ và Linh mục Jean). Đại úy Nghĩa chạy nhanh đến trước M113, miệng nói lớn:

- Hạ bửng xuống! Hạ bửng xuống!

Cửa sau xe kêu rè rè và từ từ mở xuống. Trong hầm xe đồ đạc lỉnh kỉnh, nào bi đông nước, nào ca sắt muỗng sắt. Tùy viên Đỗ Thọ chạy lại đưa ông Diệm chiếc cặp đen. Tay trái ông Diệm vừa sờ vào chiếc cặp thì đại úy Nhung chạy tới giật mạnh một cái, chiếc cặp da nằm gọn trong tay đại úy Nhung. Đại úy Dương Hiếu Nghĩa đẩy nhẹ Đỗ Thọ sang một bên rồi chỉ vào nền nhà thờ:

- Anh này lên trên kia.

Lúc ấy, tao vẫn đứng ngoài, vẫn nhìn trâng tráo, vẫn đứng yên như phỗng đá. Giây phút ấy tao chẳng hiểu tao nghĩ gì, có cảm giác gì, chỉ thấy nó có cái gì lạ lùng quá, khó hiểu quá. Năm bảy người lính đang vây quanh ông Diệm, ông Nhu để phụ đưa 2 ông vào lòng xe. Đại úy Nhung trợn mắt, nhìn ngang nhìn ngửa, bỗng thấy tao hình như tư thế không giống ai, ông ta la lên:

- Ủa, thằng này đứng làm gì đây?

Tao chạy vội vào phía sau xe M113. Vừa lúc đó tao nghe thấy tiếng nói rất rõ của một Hạ sĩ xạ thủ đại liên:

- Dạ dạ, Tổng thống cứ bước lên, đã có con đỡ bên hông rồi… Ê mày, nhẹ nhẹ thôi, coi chừng làm đau Tổng thống.

Cánh cửa xe M113 từ từ đóng lại, tao tự nhiên thấy người mình nặng như chì, leo lên xe 2 lần đều trượt xuống. Lần thứ 3 mới hì hục lên được. Đứng bên cạnh tao lúc đó là 2 anh hạ sĩ xạ thủ đại liên. Tao vừa thở hào hển vừa nói:

- Sao không để 2 ông ấy đi xe jeep cho tiện, đút vào đây làm chi cho cực?

Anh Hạ sĩ ghé vào tai tao, giọng nói lạnh như tiền:

- Ông ngu bỏ mẹ đi ấy. Nếu người ta muốn “đón” thì đi bằng xe jeep. Còn muốn “giết” thì còn gì kín đáo hơn là hầm chiếc xe này.

Nghe xong tao bất giác lạnh từ xương sống lên tới đầu. Giết? Sao lại giết? Có gì mà đến nỗi phải giết? Đối phương đã đầu hàng, đã xin chịu thua, nhất là đã chỉ chỗ cho mình đến mà đưa người ta đi. Vậy thì cách chức, đuổi cổ người ra khỏi nước đã là nhục lắm rồi, cớ chi mà phải giết? Nghĩ tới đó tao thấy kinh hoàng, thấy hoảng hốt, thấy rõ ràng rằng đi đón người theo cái cung cách ấy thì đúng là đem đi “làm thịt”.

Đồng thời, một cảm giác khác làm tao tê điếng, run rẩy cả người khi nhớ ra rằng tao đang “ngồi” trên đầu một vị Tổng thống. Quả thực tao chỉ muốn co giò nhảy mẹ nó xuống đất, rồi muốn ra sao thì ra.

Chiếc M113 rú lên từng hồi, rồi rầm rộ rời nhà thờ cha Tam, chạy đến đường Đồng Khánh. Khi tới đường Nguyễn Trãi thì tao thấy đoàn xe đâu mất hết. Ngoài chiếc M113 của tao chở Tổng thống Diệm và ông Nhu, chỉ còn một chiếc xe jeep chạy đầu. Xe này tao biết chắc như bắp là xe của tướng Mai Hữu Xuân lúc đi, nhưng bây giờ thì ông ta biến đi đâu mất, trên xe ngồi đứng 5, 6 người, súng ống chỉa lên trời, lựu đạn đeo lủng lẳng xem đến là hùng dũng. Hết đường Nguyễn Trãi, xe tiến vào đường Võ Tánh và ngừng ngay trước trụ sở Tổng Nha Cảnh sát Quốc Gia.

Hôm ấy, Tổng Nha CSQG không còn một bóng dáng cảnh sát. Đâu đó chung quanh các ngả đường, trước trụ sở toàn là anh em binh sĩ của Sư Đoàn 5, súng lăm lăm cầm tay canh gác rất cẩn mật. Từ trong một xe jeep khác chạy ra, trên xe có một Đại tá, ông ta chỉ tay lên chiếc xe của tao rồi ra lệnh:

- Xuống! Xuống hết! Tất cả ở ngoài đứng chờ lệnh, chỉ có chiếc xe này được chạy vào với một tài xế và… anh kia.

Theo tay chỉ thì anh kia là anh chàng Hạ sĩ xạ thủ đại liên. Bảy người trên xe nhảy xuống cùng với tao. Anh em bên chiếc xe jeep chạy đầu chung số phận… là ở bên ngoài ngắm cảnh.

Đúng ra, lúc này tao cứ ngỡ đến đây là hết. Giết hay giam ông Diệm thì chắc hẳn là nơi này. Tao định bụng chờ một tiếng đồng hồ mà không có lệnh lạc gì thì dù về nhà ngủ một phát cho quên cái sự đời. Mà nào ngờ, 20 phút sau, chiếc M113 lại lù lù chạy ra, tới cửa nó chạy chậm lại để chúng tao đu lên. Rồi a lê hấp xe rú lên vọt chạy như ma đuổi.

Xe chạy ngược lại đường Võ Tánh rồi quẹo phải, đến đường Cộng Hoà. Tao nhìn chàng Hạ sĩ, thấy mắt nó dại đi, mặt tái mét, mười ngón tay như muốn co rúm lại. Tao thì thầm bên tai nó :

- Ông Diệm ông Nhu đâu?

– Ở dưới.

– Sao rồi?

– Ông Nhu bị tra tấn khủng khiếp rồi bị xiết cổ chết bằng dây điện.

– Còn ông Diệm?

– Ông bị đè cổ ra trói thúc ké rồi ném vào thùng xe.

– Chết hay sống?

– Không biết.

– Người ta là ai?

– Không biết.

Xe tao cùng chiếc xe jeep chạy qua đường Pétrus Ký thì tới ngã rẽ Hồng Thập Tự, bên kia là Lý Thái Tổ, đường Hùng Vương, bên trái là đường Nguyễn Hoàng, thì gặp lại đoàn xe của Đại tá Lắm, Đại úy Nguyễn Văn Nhung – Phan Hòa Hiệp – Dương Hiếu Nghĩa, gồm 2 xe jeep và một M113, hai GMC, chở đầy nhóc binh sĩ. Mới thoáng qua thì cuộc gặp gỡ tưởng là vô tình, nhưng tao đoán trước là có bố trí sẵn. Thế là đội hình mau chóng được xếp lại.

Xe đại tá Lắm đi đầu, kế là xe tao, sau đó xe của đại úy Nhung… Tao quay đầu lại thì thấy mấy chiếc kia hình như đang bị khựng lại vì bị dân chúng ùa ra hoan hô. Tuy nhiên, ba chiến xe dẫn đầu cứ chạy. Qua ngã tư Cao Thắng – Hồng Thập Tự, khoảng bên hông bệnh viện Từ Dũ thì tạm ngừng lại, vì bên kia chạy ngược chiều là đoàn xe nhiều chiếc của tướng Mai Hữu Xuân. Lúc đó có một số đồng bào thấy lạ nên đổ xô đến. Tướng Xuân xuống xe đứng bên này đường.

Ông nhìn về xe đại úy Nhung, ra tay trái 3 lần đưa lên 2 ngón tay, rồi đưa tay phải qua khỏi đầu, ngón tay trỏ được duỗi ra co vào đến 4 lần (giống như bóp cò súng).

Lúc ấy, tao chẳng hiểu ông Tướng chơi cái trò gì, chỉ thấy đại úy Nhung gật đầu rồi đưa tay lên chào. Đoàn xe của tướng Xuân chạy đi thì 3 chiếc xe bên này cũng lăn bánh. Mới chạy được một quãng ngắn thì phải ngừng vì có đoàn xe lửa sắp chạy qua.

Trong giây phút chờ đợi, đột nhiên đại úy Nhung từ trên xe jeep bên hông xe M113 nhảy sang xe tao. Miệng hét :

- Xuống! Xuống!

Tao cóc đoán được chuyện gì. Bảo xuống thì tao nhảy xuống. Mấy thằng khác cũng xuống theo. Chân vừa chạm đất, tao bỗng nghe nhiều tiếng súng nổ. Âm thanh không chát chúa, chỉ nghe văng vẳng, vì không phải nổ ở bên ngoài mà nổ ở trong lòng chiếc thiết vận xa. Tao biết chuyện gì đã xảy ra. Tao ngửa cổ nhìn lên trời, trời cao xanh thăm thẳm. Tao cắn chặt môi cố ngăn những giọt nước mắt không chảy ra để thấy tâm hồn như bị chẻ đôi, để thấy cõi lòng như đang trải qua cơn giông bão tang thương thê thảm nhất cuộc đời.

Người lính già châm điếu thuốc thứ mười, qua làn khói mờ mịt, trông dáng dấp, khuôn mặt và tư thế ngồi của ông như bức tượng “Thương Tiếc” ngày nào trước nghĩa trang quân đội. Ông tâm sự với Thằng Bờm giọng đều đều như kể chuyện:

- Mày đã đọc nhiều sách báo viết về những giây phút cuối cùng của ông Diệm. Tao cũng có đọc một số, đọc để thấy thiên hạ bị lừa đến một nửa. Thật ra các tác giả không ai lừa người đọc, vì chính họ cũng bị lừa, và họ chỉ biết sự thật có phân nửa, để rồi mọi người chỉ biết một cách đại khái rằng ông Diệm, ông Nhu bị bắt ở nhà thờ cha Tam và trên đường giải về Bộ Tổng Tham Mưu thì bị đại úy Nhung bắn ở đường Hồng Thập Tự.

Nhưng nếu mọi người tinh ý một chút, một chút thôi, thì sẽ có ngay một dấu hỏi, vì qua tấm hình do phóng viên ngoại quốc chụp được khi ông Diệm, ông Nhu bị bắn chết thì hai ông BỊ TRÓI giật cánh khuỷu và trên đầu ngoài những vết đạn lỗ chỗ, thì trên người còn đầy những vết dao đâm. Như thế thì hai ông BỊ TRÓI ở đâu? Bị ĐÂM ở đâu? Nếu không phải là cái thời gian 20 phút ở trụ sở Tổng Nha Cảnh sát Quốc Gia thì còn ở chỗ nào nữa?

Tiếc thay chỉ không quá 8 người biết được rằng trên đường về, chiếc xe định mệnh chở một vị Tổng thống còn được lệnh ghé qua bộ chỉ huy cảnh sát ấy! Và hỡi ơi, nếu thực đúng như lời anh chàng Hạ sĩ xạ thủ đại liên, thì cả 2 ông Diệm Nhu đã bị thanh toán tại nơi này, thì đại úy Nhung cũng “bị lừa” ông ta chẳng qua chỉ là con vật tế thần cho các sếp lớn dùng mẹo đổ vấy lên ông cái tội đã dám bắn một Tổng thống, nhằm giấu đi cái bản mặt và đôi tay đẫm máu của họ. Ôi, đời đểu giả thật!

Thằng Bờm

“Tâm Sự Người Lính Già” của tác giả Thằng Bờm đăng trên tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong số 355 tháng 11-1990.

 

No comments:

Post a Comment