Tuesday, November 9, 2021

20211110 Cong Dong Tham Luan

 20211110 Cong Dong Tham Luan

 

Phiet Pham thephiet_2002@yahoo.com

Mon, Nov 8 at 12:24 PM

Một câu chuyện hay, rất lãng mạn ... rất Huế.   Cũng có thể là kỷ niệm của vài vị, nay đã ...bát tuần!

Bài Hát Đêm Cuối Năm

Trần Thùy Mai

Giai điệu ngọt ngào của bài hát thời thơ ấu cất lên qua điện thoại có lẽ là thứ âm nhạc kỳ diệu nhất đối với người nghe từ bên kia đại dương, trong giờ phút linh thiêng của đêm cuối năm, khi lòng đang hướng về quê nhà.

Hồi đó tôi tám tuổi, Tư "sư cụ" lên chín. Ðầu nó lúc nào cũng trọc tếu, lún phún mấy sợi tóc con. Trong lớp Tư ngồi gần tôi. Mỗi lần làm toán, Tư bảo tôi nhìn vào bài nó. Còn nhỏ tí nhưng tôi đã biết kiêu hãnh, thà chịu điểm 0 (không) chứ không thèm cóp-pi của con trai. Tuy vậy, nhiều khi tôi cũng lâm vào thế kẹt, vì cô giáo ra nhiều bài khó quá. Ðể đền đáp lại việc phải thỉnh thoảng nhờ làm giùm toán, tôi giao hẹn sẽ dạy cho Tư những bài hát "của tôi".

Tôi học giỏi tiếng Pháp. Ở nhà, anh tôi lại học nhạc, dạy cho tôi nhiều bài hát hay, Tư thích lắm. Tôi dạy nó hát bài Joli tambour, bài Alouette, bài Auprès de ma blonde. Không hiểu sao nó còn nhỏ mà giọng đã ồ ề. Còn tôi hát giọng mũi, y như đầm hát: Dans le jardin de mon père, Les lilas sont fleuris... (Trong khu vườn của cha, những bông tử đinh hương bừng nở...) Cả tôi và Tư chưa thấy hoa tử đinh hương bao giờ. Nhưng khi tôi hát, tôi thấy tử đinh hương nở đầy trên khoảng sân hoang dại sau trường. Hoa nhiều mầu lắm, đỏ thắm, vàng tươi, và có rất nhiều bướm bay lượn. Rồi trống giục vào lớp, tôi không hát nữa. Những bông hoa biến mất, khoảng sân chỉ còn lại những lùm cỏ um tùm, những con châu chấu nhảy tanh tách, tanh tách...

Năm cuối cùng ở trường huyện, chúng tôi thi sơ học yếu lược. Nhà nghèo, nên mẹ tôi định cho nghỉ học ở nhà, tôi không dám nói gì, sợ mẹ buồn thêm. Nhưng đến lớp, tôi khóc. Ðứa nào cũng thương tôi. Thằng Tiến trưởng lớp cho tôi một cái kèn ắc-mô-ni-ca nhỏ bằng quả bắp non. Con Lan Huê cho tôi tấm ảnh...

Tôi hỏi Tư "sư cụ":

- Ðằng ấy không cho mình cái chi cả à?

"Tui à? Tui không có cái chi cả". Nó nói rồi lầm lũi đi vào góc lớp. Một lát sau, Tư trở lại:

- Này tui cho đằng ấy cái ảnh.

Trong tấm ảnh có hình thằng bé con đầu trọc tếu. Một góc ảnh có dính phần tư khuôn dấu đỏ. Ðó là cái hình nó gỡ ra từ trong tấm bằng sơ học yếu lược.

Hôm ấy tôi về nhà, khoe với anh tôi những món quà kỷ niệm. Anh tôi trừng mắt:

- Ai cho Miên cái hình ni?

- Thằng Tư "sư cụ" cho.

Một cái bợp tai làm tôi choáng váng, khóc òa. "Mi ngu lắm! Lần sau không được nhận ảnh của con trai, nghe không?". Tôi khóc tấm tức mãi, không hiểu vì sao mình bị đánh. Hôm sau gặp lại Tư, tự nhiên tôi thấy ngượng ngùng và xa cách thế nào ấy. Tôi trả tấm ảnh cho Tư. Nó có vẻ không vui:

- Răng Miên không cất đi?

- Anh Miên nói không được lấy hình của con trai.

"Rứa à?". Tư "sư cụ" nhìn tôi, hai con mắt nó buồn, buồn ghê lắm.

Ðó là lần đầu tiên tôi nhận ra nó có đôi mắt to, đen, sâu hút, hiền như mắt con gái. "Thôi rứa để lần sau tui tìm có cái chi đẹp, tui cho Miên nghe".

Ðó là những ngày cuối cùng của chúng tôi trên cái sân chơi um tùm cỏ dại của ngôi trường huyện thời Pháp thuộc.

Biết rằng mình phải thôi học, nhưng tôi cứ nạp đơn thi thử vào Trường Ðồng Khánh. Không ngờ, tôi đậu khá cao, được học bổng, lại được nội trú ở trường. Số phận đã phù hộ tôi, cho tôi có một thời nữ sinh. Khác hẳn với trường huyện, trường tôi bây giờ thật đẹp. Những dãy lầu vươn lên khỏi tán lá phượng, những hành lang dài im mát, tất cả nhuộm một mầu hồng thiếu nữ. Chiều chiều, tôi và các bạn ngồi sau cửa sổ hát theo tiếng dương cầm thỉnh thoảng vọng lên từ căn phòng dưới cầu thang gỗ. Những lúc ấy, sân trường chìm trong yên lặng, một thứ lặng yên trong sáng và thuần khiết lạ lùng.

Cuối tháng, đến chiều thứ bảy, anh tôi đến đón ở cổng trường. Hai anh em đi ra bến đò Thừa Phủ. Tiếng guốc học trò gõ trên mặt đường nghe lạ lắm. Ðò qua sông, sương buổi chiều bắt đầu giăng phủ trên mặt nước. Không nghe tiếng chèo khua, thì không biết thuyền đang lướt sang qua bên kia bờ.

Một lần, tôi lên phòng giám thị làm trực nhật. Cô giám thị đeo kính trắng, người dong dỏng mảnh mai, không đẹp lắm nhưng rất đài các. Không hiểu sao, bất ngờ, cô hỏi tôi:

- Chiều nào em rời trường cũng có một người con trai đến đón phải không?

Tôi sợ hãi run cả người, mãi sau mới lí nhí trả lời:

- Dạ... thưa cô, đó là anh ruột của em.

Cô vẫn nhìn tôi chăm chăm, có vẻ nghi ngờ. Sau tôi kể lại, anh tôi bảo: "Ngu, vì mi sợ cho nên cô nghĩ là mi nói láo". Tôi cười thú nhận. "Em run quá, ngó vô mắt cô là em đã khiếp rồi".

Thời gian qua, tôi đã lớn. Cái áo dài phin đã căng lên và nỗi ngượng ngùng càng lúc càng tăng. Anh tôi đã đi làm xa. Chiều cuối tháng tôi về một mình. Chiều nào tôi cũng ra sớm, chờ đò dưới gốc cây me. Ở đó có ông xẩm già vừa kéo nhị vừa hát vè:... Ơi em ơi, em ăn ở làm răng cho có đất có trời. Ðừng ham duyên mới phụ dời nước non... Một hôm, bến vắng, tôi thấy có người ngồi cạnh cụ xẩm mù. Người ấy nhìn tôi, se sẽ gọi:

- Miên!

Tôi ngẩn người một lúc, rồi nhìn ra thằng Tư "sư cụ"! Nhưng bây giờ hắn đâu còn sư cụ nữa. Hắn đã có tóc, cao lớn dềnh dàng như ông Tây. Hắn ngồi nghe hát xẩm, vừa nghe vừa lẩm nhẩm hát theo. À, bây giờ hắn lại có "sư phụ" mới rồi đây. Tôi buồn cười nhớ lại những ngày ở trường huyện. Bây giờ đã lớn, tôi không dám chuyện trò mạnh bạo với Tư nữa, chỉ hỏi nhát gừng vài câu.

- Lâu ni đi mô mà không ai thấy mặt?

- Ði mô mà đi, mình học ngay cạnh trường Miên thôi.

A, thì ra hắn học ở Quốc học. Tôi không nhìn thẳng vào mặt Tư như ngày xưa, vậy mà tôi vẫn thấy đôi mắt hắn to, đen như mắt con gái.

Xuống đò, Tư đi theo tôi. Hôm nay đò chỉ có hai người. Tư nằng nằng đòi tôi hát cho hắn nghe. "Ai mà làm rứa, dị òm". Tôi từ chối. Nhưng Tư cứ năn nỉ. Tôi hát đại một bài quấy quá cho qua, giọng tôi lí nhí chẳng ra gì. Tư thất vọng.

- Không được, hát lại. Hát như hồi ở trường huyện ấy.

- Dở dở rứa thôi, hành người ta vừa vừa...

Ðò cập bến, tôi bết bát lên bờ, sợ nhất Tư đi theo, rủi có ai quen nhìn thấy, họ trêu chọc thì chết. Nhưng Tư chỉ ngồi lại trong lòng thuyền chờ sang lại bến cũ. "Thôi, đằng ấy về, mình qua sông nghe hát vè vậy". Có lẽ hắn mê bác xẩm mù thật. Người chi mà quái dị...

Bẵng đi một thời gian, một hôm chủ nhật, tôi nghe báo có người anh họ đến thăm. Cô giám thị hỏi tôi khi tôi bước vào phòng khách: "C'est votre cousin?". Giọng cô cao đến xé tai. Tôi nhìn ra: Tư "sư cụ"! Tự nhiên tôi đỏ mặt tía tai, cái mặt đỏ tức thì tố cáo ngay mọi chuyện. Nguây nguẩy đi vào, tôi nói cấm cẳn:

- Tui không hát nữa mô! Không hát nữa mô!

Lúc ấy tôi đinh ninh rằng anh đến để bắt tôi hát. Tôi có phải ông xẩm già bên sông đâu.

Từ đó, tôi không gặp Tư nữa, dù anh ở rất gần tôi, cách có một con đường hiền hòa nằm giữa hai ngôi trường. Rất lâu sau, tình cờ tôi mới gặp Tư giữa chuyến đò đông. Tụi con trai nghịch ngợm nhảy lên mũi thuyền, thay nhau chèo đò, những đứa khác thì dậm chân thình thình làm cho thuyền rung lên, chao đảo. Tụi con gái mặc áo trắng không muốn ngồi xuống mạn thuyền, cũng không muốn vịn vào người tụi con trai, chỉ biết vừa đứng chếnh choáng vừa kêu lên í ới. Tư đứng gần tôi, cũng dậm chân thật dữ, mắt anh ta nhìn tôi như bốc lửa. Tôi sợ ngã người đụng vào Tư thì thực xấu hổ đành ngồi thụp xuống, tà áo dài vấy bẩn cả. Tức quá, tôi òa khóc...

Mấy hôm sau, trở lại trường, tôi chỉ thấy tấm bảng lớn: "Trường đóng cửa vì thời cuộc". Rồi ít lâu sau, trường học dời ra Quảng Bình. Cả nước đi vào thời kỳ toàn quốc kháng chiến.

Ra Quảng Bình được hai hôm thì đường đi bị cắt đứt. Từ đó, tôi không còn gặp lại mẹ và anh em tôi nữa. Khung trời Ðồng Khánh, bến đò xưa, làn sương trắng trên sông, tất cả đã thuộc về một không gian khác. Một không gian kỷ niệm mà mãi ba mươi năm sau, tôi mới trở về.

Hai lần lập gia đình, tôi chỉ được một đứa con trai. Ngày về, mẹ tôi đã mất. Anh tôi đã ra nước ngoài. Trong ngôi nhà xưa tôi chỉ gặp em gái út. Tôi hỏi hồi 56 (năm 1956), tôi có nhờ một người quen đi Pháp gửi hộ bức thư, em có nhận được không. Em tôi òa khóc.

- Có, em có nhận. Nhưng hồi đó em là nữ quân nhân, trưởng đơn vị gọi lên bảo lần sau không nên nhận thư nữa. Vì thế nên...

Tôi ôm lấy em. Ba mươi năm, những gian khó tôi đã chịu, những hoàn cảnh đã trải qua dạy cho tôi chấp nhận và thông cảm được mọi điều. Em tôi hỏi về cuộc hôn nhân dang dở của tôi. Tôi chỉ bảo "Lúc ấy chị chỉ có một mình, chẳng khác dây bầu, dây bí mới mọc. Ngã vào đâu leo được thì nó leo". Hai chị em tôi giở album ra xem: Ảnh mẹ tôi, anh tôi, những bạn gái cũ ở Ðồng Khánh. "Chị nhớ hình người này không?". Tôi ngờ ngợ một lát:

- Chắc là ở bên ngoại, chứ bên nội không có cái mặt này!

"Anh Tư đấy!". "Ủa, sao em biết?". "Thỉnh thoảng em vẫn gặp. Hỏi thăm chị hoài!". Tôi chợt mỉm cười nhớ đến người bạn trẻ con. "Bây giờ anh Tư còn đây không?". Em tôi lắc đầu...

Ðiều làm tôi vui là con trai tôi rất hiếu thảo. Nó luôn trách tôi:

- Sao mẹ không đến ở nhà mới với chúng con. Mẹ ở một mình, con không sao yên tâm được.

- Mẹ chỉ muốn ở lại căn hộ này. Mẹ con mình ở đây từ lúc vừa trở về. Khi mẹ đến ở ngày đầu, mẹ đã cảm thấy đây là chỗ dừng chân của đời mẹ rồi...

Con tôi phì cười: "Mẹ lại lãng mạn kiểu lẩm cẩm rồi. Thôi, con biết mẹ ưa yên tĩnh, mẹ chẳng muốn về chỗ tụi con, khách khứa ra vào phiền toái. Vậy thì con bắt điện thoại cho mẹ, lỡ có gì trái nắng trở trời, mẹ gọi ngay cho con".

Có điện thoại rồi, con tôi vẫn chưa yên tâm, nó sợ tôi buồn, bảo vợ cho thằng cu Bi sang ở với tôi.

Hằng ngày, tôi lại đưa cháu đi học. Hai bà cháu dắt nhau đi trên con đường lá xanh. Tôi vừa đi vừa kể cho cháu nghe thời thơ ấu của tôi. Có lúc cháu lắng nghe, có lúc lơ đãng nhìn ra đường. "Xe này là Toyota phải không bà? Còn xe này là Serious hay Future bà nhỉ?". "Bà không biết, khi nào cháu hỏi mẹ xem, mẹ rành lắm. Ngày xưa con đường này yên tĩnh, người nào giàu nhất cũng chỉ đi xe đạp...". Cháu tôi tiếp tục nhìn những chiếc xe, còn tôi tiếp tục với ngày xưa của tôi.

Một hôm, cu Bi bảo tôi:

- Bà ơi, cháu có thư từ nước ngoài gửi về đấy, bà ạ.

- Ai ở nước ngoài mà lại viết thư cho cháu?

- Bố bạn Trần Ngọc Tuấn gửi cho chúng cháu. Bạn Tuấn đi Mỹ với cả nhà đầu năm nay. Trong thư, bố bạn Tuấn nói là bạn Tuấn buồn và lạc lõng lắm vì đến trường ai cũng nói tiếng Anh. Có nhiều trẻ em người Việt nhưng không nói chuyện được, vì tụi nó không biết tiếng Việt. Bố bạn Tuấn gửi thư cho chúng cháu, gửi kèm cả tem để trả lời nữa bà ạ.

Cu Bi đưa bức thư cho tôi xem. Tôi đọc, hình dung ra căn nhà rộng, bên ngoài là mùa đông lạnh giá. Ðứa bé ở trường về, nó buồn tủi, đau khổ vì không thể hội nhập với bạn bè. Nó ngồi lọt thỏm trong ghế bành, khóc nức nở. Bố nó dỗ dành con, nhưng không sao an ủi nổi thằng bé, ông cầu cứu đến tình cảm của những bạn bè của con mình ở quê hương...

Ngày nghỉ, cháu tôi rủ bạn hàng xóm sang, nhảy dây, đánh bi, quên hẳn bức thư. Tôi nhắc cháu. Một lần, hai lần. Cháu ở đây với bao trò chơi vui vẻ. Cháu còn bé thế làm sao hiểu nỗi buồn lẻ loi của bạn nó. Còn tôi, tôi đã hiểu điều đó nhiều lần, thấm thía nhất là khi con tôi rời khỏi nơi này.

Kỳ nghỉ cuối năm đến. Con dâu tôi sang đón con về ăn Tết. Tôi lại nhắc cháu viết thư cho bạn. Con dâu tôi gật đầu tán thành:

- Cũng cần có một số chỗ quen biết bên ấy, sau này có khi được việc lắm. À, mà mẹ nghĩ con nên viết thư bằng tiếng Anh, cũng là một dịp để rèn luyện ngoại ngữ...

Cu Bi dãy nảy: "Không, không, con chỉ viết mấy câu thôi! Mẹ ơi, khi nào có hội chợ thì mẹ cho con đi chợ chim, mẹ nhé!".

Cháu về rồi. Tôi còn lại một mình. Bánh mứt, con dâu tôi đã đem sang đủ cả. Tôi không phải làm gì, cũng không biết làm gì. Bỏ thư cho cháu xong, tôi về nhà.

Sáng sáng, tôi lặng lẽ thắp nhang bàn thờ rồi tưới hàng chậu kiểng, những cây kiểng con trai tôi mua về cho tôi chơi Tết.

Ðêm cuối năm. Yên lặng. Tôi ra sân nhìn trời rồi lại vào. Tiếng chân tôi vang trên nền gạch bóng. Tôi biết mình đang bước trên những giờ khắc cuối cùng của năm sắp hết.

Bỗng có tiếng điện thoại reo. Cu Bi gọi tôi đây, chơi chán chắc nó lại nhớ bà rồi. Nhưng không, một giọng người lớn. "Alô, đây có phải nhà của em Lê Gia Huy? Tôi là bố của Trần Ngọc Tuấn muốn gặp em Huy".

Tôi sửng sốt:

- Alô, xin lỗi ông, Huy là cháu tôi. Xin chúc ông năm mới tốt lành!

- Cảm ơn bà, chúc bà năm mới hạnh phúc. Cháu Huy có viết thư và cho số điện thoại, cho nên tôi muốn gọi điện chúc Tết gia đình và cho hai cháu nói chuyện với nhau.

- Tiếc quá, Huy đã về nhà ăn Tết với bố mẹ. Nhà chỉ còn mình tôi.

"Thế à?". Giọng nói ở đầu dây bên kia có vẻ thất vọng. Tôi tưởng ông ta sẽ chào ngay, nhưng ông chỉ hơi ngần ngừ một lát. Có lẽ hình ảnh một người đàn bà một mình đón giao thừa đã khiến ông ta bất giác muốn nán lại:

- Thưa bà, lâu lắm mới nghe tiếng nói từ quê nhà... Tôi có thể hầu chuyện bà năm mười phút được chứ? Xin giới thiệu, tôi là Trần Ngọc Tư...

Chút nữa ống điện thoại rơi khỏi tay tôi. "Trời đất! Có phải anh là anh... Tư "sư cụ"?

- Ðúng, đó là hỗn danh của tôi hồi nhỏ! Sao bà biết?

- Tôi là Miên, anh còn nhớ không?

Ðến lượt người bên kia la lên, như thấy Trời Phật giữa ban ngày.

Gần một giờ đồng hồ, chúng tôi nói chuyện với nhau như những đứa trẻ. Những chuyện của nửa thế kỷ trước, những chuyện nay đã thuộc về chiêm bao và cổ tích. Trước mắt tôi lúc đó không phải là người đàn ông ngoài sáu mươi lưu lạc nơi đất khách, mà là chú bé con có cái đầu trọc tếu và đôi mắt đen thui, hiền như mắt con gái. "Anh Tư! Anh có nhớ hồi đó anh cho tôi cái chi không?".

- Nhớ chứ. Tôi cho Miên cái ảnh lột ở bằng Primaire ra. Ngày đó về nhà, thầy tôi đập cho tôi một trận nên thân. Sau đó Miên trả, tôi mới dán vào lại... Nhờ tấm bằng mà tôi đi sĩ quan. Hồi đó, nếu Miên đừng trả lại, thì cuộc đời tôi chắc rẽ sang hướng khác!

Tôi cười... "Sang bên ấy có nhớ Huế không anh Tư". Im lặng vài giây, rồi giọng nói bên kia chợt trầm hơn:

- Ðứa trẻ con còn buồn nhớ, huống gì tôi? À mà này. Miên hát đi! Hát cho tôi nghe bài gì đấy cũng được!

- Quỷ! Cái anh này, đến già vẫn thế! Hồi ở Ðồng Khánh, tôi tức ghê vì thấy cái mặt tôi là anh đuổi theo đòi hát.

Ðến lượt Tư cười. "Miên dại lắm, chẳng biết gì cả. Người ta lúc đó muốn xin nhiều, chứ không phải là xin nghe hát thôi đâu. Nhưng giờ thì muộn rồi. Giờ thì điều duy nhất tôi còn xin được, là nghe Miên hát, trong đêm giao thừa này".

Bất giác, sau nhiều năm, tôi lại chợt thấy máu mình dồn lên má. Lúng túng một lúc, tôi mới nói được:

- Tôi hát "Auprès de ma blonde" nhé?

- Vâng, tuyệt vời!

"Dans le jardin de mon père, les lilas sont fleuris...". Giọng tôi bây giờ đã run rồi. Nhưng thật lạ, nó vẫn còn giữ những âm sắc cũ. Bỗng dưng, đang hát, nước mắt tôi lặng lẽ ứa ra, lặng lẽ tuôn trên má. Ô hay! Có gì đâu mà khóc? Có gì đâu mà tiếc thương?

Chung quanh tôi là cỏ xanh, với thật nhiều châu chấu nhảy tanh tách, tanh tách... Rồi những bông tử đinh hương huyền thoại mọc lên, nở ra, muôn mầu dưới bầu trời non dại vô cùng. Tôi thấy mình đã đi hết vòng đời và đang quay trở lại buổi ban đầu. Không biết ở cách tôi bao núi rừng và đại dương, Tư có cảm thấy như thế không, người bạn thời thơ ấu của tôi ơi!

 

Phiet Pham thephiet_2002@yahoo.com

Vĩnh biệt Sài Gòn

BY MAY – 04 NOV 2021 – VIEW ONLINE →

Những người dân trên đường rời thành phố. Ảnh: Người Lao Động, VnExpress, Afamily. Thiết kế: Luật Khoa.

Ngày đầu công ty mở cửa, kêu gọi công nhân trở lại nhà máy sau thời gian giãn cách vì dịch COVID-19, Thanh (29 tuổi) đâm đơn nghỉ việc. Cô muốn rời Sài Gòn, về quê Trà Vinh, ngay trong thời điểm thành phố tung ra nhiều chính sách đãi ngộ, thu hút người lao động.

Lẽ ra, Thanh đã cùng chồng đi xe máy về quê hồi đầu tháng Mười như hàng chục ngàn lao động khác, nhưng nếu nghỉ ngang, không làm thủ tục chấm dứt hợp đồng, cô sẽ mất trắng bảo hiểm xã hội - khoản tích góp cuối cùng sau hơn một năm lên Sài Gòn làm công nhân. Trong đơn, lý do nghỉ, Thanh viết: “Sợ chết nơi đất khách quê người”. Con số lẫn hình ảnh người chết do COVID-19 ở TP. Hồ Chí Minh đã ám ảnh Thanh.

“Em sợ cả đói nữa”, cô nói với tôi một nguyên do khác thôi thúc cô rời thành phố, dù không được trình bày trong đơn nghỉ việc.

Chồng Thanh làm thợ hồ, anh thất nghiệp từ tháng Sáu. Nhà máy gia công giày Đài Loan nơi Thanh làm việc thì đóng cửa một tháng sau đó. Công ty hỗ trợ cho người lao động hơn 1 triệu đồng/ tháng, vừa đủ để Thanh trả tiền nhà. Cặp vợ chồng trẻ không có tiền tiết kiệm, sống sót qua mùa dịch nhờ những túi gạo, chai nước tương từ các hội nhóm từ thiện. Đã không có gói hỗ trợ nào của thành phố đến với họ.

“Ba tháng rồi em chưa ăn thịt”, Thanh kể qua điện thoại. Bữa ăn trong hơn 100 ngày phong tỏa của vợ chồng cô là “cơm trắng chan mắm hoặc nước tương”.

“Về quê bắt ốc, hái rau ít tiền nhưng không lo đói. Em sẽ không ở lại đây.”

Cô (cũng như nhiều đồng nghiệp khác) dứt khoát giữ nguyên lá đơn, dù công ty hứa tăng lương cho những ai quay lại làm. “Nếu hồi dịch, chính quyền có hỗ trợ thì giờ em còn nghĩ lại, chứ họ nói không à, em chờ từ tháng Bảy đến tháng Mười vẫn không thấy tiền đâu.”

Bây giờ, dù số ca nhiễm của thành phố đã xuống thấp, nhưng Thanh sợ dịch có thể bùng lại bất cứ lúc nào. Khi ấy, liệu có ai chìa tay giúp đỡ?

Vợ chồng cô quyết định sẽ về quê ngay khi công ty giải quyết xong hồ sơ và không hẹn ngày quay lại.

“Em sợ đất Sài Gòn rồi”, Thanh nói.

***

Cuối tháng Mười, vợ chồng Hoa (28 tuổi) đã xong thời hạn cách ly tại quê nhà Sóc Trăng. Họ đã có mặt trong dòng người tháo chạy khỏi Sài Gòn, đổ về cửa ngõ miền Tây khi thành phố vừa nới lỏng giãn cách.

Công ty sản xuất thú bông Hàn Quốc nơi cả hai từng làm ở Sài Gòn đã hoạt động trở lại, nhưng Hoa cương quyết: “Họ thưởng 10 triệu đồng, em cũng không lên.”

Có hai lý do khiến cô không muốn quay lại Sài Gòn: “Em không tin tưởng… Công ty đã không quan tâm, không hỗ trợ người lao động trong dịch. Còn chính quyền không lo cho dân bao nhiêu. Nghe hỗ trợ thì mừng nhưng không thấy đâu.”

Những người lao động ôm con chờ rời thành phố theo chuyến xe 0 đồng của một nhóm từ thiện, ngày 11/10/2021. Ảnh: Người Sài Gòn.

Suốt ba tháng thất nghiệp, duy nhất một lần vợ chồng cô nhận được 1,5 triệu đồng trong gói hỗ trợ đợt 1 của thành phố, nhưng số tiền ấy chỉ vừa đủ một tháng thuê trọ. May mắn hơn nhiều người, sau hơn hai năm làm công nhân, vợ chồng Hoa để dành được 1,5 chỉ vàng. Số tiền ấy cùng vài khoản vay đã giúp họ không bị đứt bữa, nhưng cũng chỉ có thể cầm hơi đến hết tháng Chín. Tháng Mười sang, họ rơi vào cảnh “cạn kiệt”, không còn sức trụ lại Sài Gòn. Về quê là cách duy nhất để sinh tồn.

“Bọn em tới quê rồi mới thấy tổ dân phố kêu ra nhận hỗ trợ đợt 4”, Hoa kể. “Nếu tiền đó đến sớm hơn, bọn em đã ráng ở lại, chờ ngày công ty mở cửa.”

Cô và chồng đang làm hồ sơ xin việc tại một nhà máy ở Vị Thanh (Hậu Giang). Sài Gòn đã không còn nằm trong hoạch định tương lai của gia đình nhỏ này, ngay cả khi đại dịch qua đi.

“Em sẽ không lên lại Sài Gòn”, giọng cương quyết, Hoa nhắc lại nhiều lần trong cuộc trò chuyện với người viết.

***

Hoa và Thanh là hai trong số các công nhân mà tôi được trò chuyện trong tháng Mười qua. Có nhiều mẫu số chung giữa họ, nhưng rõ nét nhất là sự rơi rụng niềm tin với chính quyền hiện tại. Sau tất cả những gì trải qua, Sài Gòn đã không còn là vùng đất hứa của hai cô gái cũng như của rất nhiều công nhân khác, không phải vì ở đó hết cơ hội, mà vì họ không tin rằng chính quyền có thể giúp mình trong nguy cấp.

Đó có thể không phải là suy nghĩ điển hình, đại diện cho tiếng nói toàn thể công nhân, nhưng có một điều chắc chắn: nỗi sợ của họ là có cơ sở. Nhìn lại suốt ba tháng đỉnh dịch của Sài Gòn, hay dài hơi hơn là hơn 30 năm kể từ những đồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tiên đổ vào Việt Nam, quyền lợi của lực lượng công nhân - tuyến đầu của nền kinh tế quốc gia - vẫn luôn là một thứ nhạt nhòa trong các chính sách.

Tháng Bảy, TP. Hồ Chí Minh bắt đầu chỉ thị 16, nhiều nhà máy đóng cửa, công nhân thất nghiệp. Trước đó hai tháng, hàng ngàn công nhân cũng đã bị cho nghỉ việc vì công ty thiếu đơn hàng sản xuất. Con số người nhiễm, người chết sau đó tăng vọt. Người đói cũng không ngoại lệ. Không có con số thống kê cụ thể cho những công nhân phải ăn mì gói, cơm trắng, tệ hơn nữa là bị đứt bữa nhiều ngày liền. Cũng không có thống kê số người ốm đau phải ngưng thuốc vì hết tiền điều trị và xét nghiệm COVID-19 mỗi lần đến viện. Càng không có thống kê những đứa trẻ bị cắt sữa khi cha mẹ đang phập phồng lo bị chủ trọ đuổi ra ngoài do hết tiền đóng. Những con số ấy không xuất hiện trên một báo cáo nào nhưng bạn có thể nhìn thấy những lời cầu xin tiền, gạo, thuốc, sữa dày đặc trên các nhóm Facebook; hoặc chứng thực từ những cá nhân giúp đỡ người túng đói thông qua Zalo Connect hay SOS Map.

Những khó khăn chồng chất đã đẩy cuộc sống của công nhân lùi xa khỏi ngưỡng phúc lợi an toàn. Chỉ cần một biến cố xảy ra mà không có một tấm lưới an sinh nào hứng đỡ, mọi thứ dễ dàng sụp đổ.

Chính quyền làm gì trong khoảng thời gian này? Lần lượt ba gói an sinh được túc tắc triển khai như những chính sách rơi vãi sau một loạt quyết sách chống dịch của thành phố. Nói là “túc tắc", “rơi vãi", bởi so với các chỉ thị giãn cách được tung ra và thực thi một cách nhanh chóng, quyết liệt, đồng bộ từ ngõ ra đường, từ phường đến quận; thì tiền hỗ trợ vì lý do nào đó vẫn không thể đến được tay nhiều người, hoặc đến trong muộn màng (bạn có thể xem lại chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” để kiểm chứng). [1] Ra đường kiếm ăn có thể sẽ bị phạt vài triệu ngay tắp lự (và bị chửi là thiếu ý thức), nhưng ở nhà dài cổ vẫn không thấy tăm hơi tiền nhà nước, nhiều người đói quá phải đánh liều. Sự cứng rắn của các chỉ thị có thể đã ngăn không cho virus chui qua cánh cửa phòng trọ nhưng cũng đã bịt đường sống của hàng ngàn công nhân (cũng như hàng ngàn người lao động tự do khác), khi mà những chính sách cứu trợ đã không cùng song hành.

Một cách thẳng thắn, nếu đại dịch bùng phát ở một nơi không có bề dày hoạt động từ thiện, không có nhiều cá nhân, tổ chức, hội nhóm cứu trợ như ở Sài Gòn, rất có thể nhiều người chưa kịp chết vì virus đã chết vì đói. Và đến cuối cùng, người dân cũng phải tự mình xoay xở ở cửa sinh tồn. Dòng người cả trẻ con, người già, bà bầu tháo chạy khỏi Sài Gòn trong mưa gió hồi đầu tháng Mười không đơn thuần là một cuộc hồi hương, mà đó là một cuộc trốn chạy khỏi cửa chết. Ngay cả khi ấy, đường sống của những công nhân, người lao động một lần nữa vẫn bị chặn lại, đối đầu với những quy định hẳn là được ban hành trong phòng lạnh khô ráo.

***

Sẽ có người xem việc tiêm vaccine cho công nhân hồi tháng Sáu, trước cả nhiều nhóm có nguy cơ tử vong cao khi nhiễm, là một chính sách ưu tiên của thành phố. [2] Tiếc là sự ưu ái này chỉ làm lộ ra rằng, cái giá sinh mạng của công nhân được đo đếm bằng đồng tiền họ làm ra cho đất nước.

Có thể giá trị gia tăng mà họ tạo ra rất thấp do đặc thù của nền kinh tế thâm dụng lao động, nhưng hàng triệu công nhân vẫn là nhân tố không thể thiếu đằng sau con số tăng trưởng hàng năm của Việt Nam (khu vực FDI hiện đóng góp khoảng 20% GDP, theo Niên giám thống kê 2020). [3] Chính quyền lúc đó thừa hiểu công nhân là một tài sản đặc biệt; vì vậy, bảo vệ họ khỏi virus cũng là bảo vệ nền kinh tế đang hụt hơi do COVID-19, cũng là níu kéo đồng ngoại tệ không chạy sang quốc gia khác. Thế nhưng, đến khi lực lượng này không thể tham gia sản xuất, đã không có mấy chính sách được thiết kế kịp thời nhằm hỗ trợ cho một gia đình công nhân điển hình: phòng trọ 12 mét vuông giá thuê 1 - 1,5 triệu đồng/ tháng; với những con người có mức lương cơ bản mỗi tháng chưa đầy 5 triệu đồng, không hoặc có rất ít tiền tích lũy.

Trong hơn ba thập niên sau Đổi mới, Việt Nam đã tự định vị mình là nền kinh tế dựa nhiều vào dòng vốn FDI, dùng “nhân công giá rẻ" như một thương hiệu thu hút nhà đầu tư. Đánh đổi với nền kinh tế thâm dụng lao động là sức vóc, tuổi trẻ, tương lai, phẩm giá của hàng trăm ngàn người đã bỏ lại nơi công xưởng. Công nhân gia công lắp ráp, dệt may, da giày, v.v. nếu không tăng ca sẽ không thể “đủ sống” với mức lương cơ bản như quy định hiện tại.

Một gia đình trên đường về quê, ngày 7/10/2021. Ảnh: Afamily.

Theo báo cáo của Oxfam năm 2019, 69% công nhân dệt may cho biết họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt của mình; 28% công nhân nói rằng tiền lương không đủ để đảm bảo chi tiêu ăn uống cho gia đình trong cả tháng, trong đó 50% cho biết họ phải vay tiền để mua thức ăn; 53% không đủ khả năng điều trị khi ốm đau và có tới 94% công nhân không dám nghỉ ốm khi cần. [4]

Đây không chỉ là thực trạng của riêng công nhân dệt may. Để có thể đảm bảo mức sống tối thiểu của bản thân và nuôi con, Hoa - công nhân dán đế giày, Thanh - công nhân may thú nhồi bông, đã không có lựa chọn nào khác ngoài “tình nguyện" lao vào tăng ca. Nhưng cũng như hơn 30% công nhân trong khảo sát của Oxfam, họ không tiết kiệm được gì từ tiền lương, ngoại trừ một khoản tiền từ bảo hiểm xã hội nếu họ mất việc.

Hết thế hệ công nhân này đến thế hệ công nhân khác, họ đã quen nai lưng ra tự tìm cách xoay xở. Khu công nghiệp mọc lên nhưng thiếu trường mẫu giáo, thiếu lớp bán trú cho con công nhân: họ gửi con lại cho ông bà ở quê (Thanh, Hoa cũng vậy). Lương cơ bản tăng chậm so với vật giá leo thang: họ tăng ca và tiết kiệm, ở phòng trọ chật hẹp là một giải pháp lý tưởng. Kỳ kinh nguyệt không được nghỉ 30 phút như luật lao động quy định: họ im lặng và chịu đựng.

Những khó khăn chồng chất đã đẩy cuộc sống của công nhân lùi xa khỏi ngưỡng phúc lợi an toàn. Chỉ cần một biến cố xảy ra mà không có một tấm lưới an sinh nào hứng đỡ, mọi thứ dễ dàng sụp đổ. Thể tích một giọt nước không là gì so với một ly nước, nhưng nếu liên tục nhỏ nước vào ly, hẳn sẽ đến lúc có một giọt nước tràn ly. Một con lạc đà có thể gồng gánh rất nhiều hàng hoá, nhưng khi đến sát ngưỡng chịu đựng, chỉ một cọng rơm cũng có thể làm nó gục ngã. Mà COVID-19 thì đâu chỉ là cọng rơm.

Không ai khác, hàng trăm ngàn công nhân phải hứng chịu cái giá phải trả cho một nền kinh tế đứng trên đôi chân nhân công giá rẻ. Sức lực, tương lai của họ và cả những đứa con mà họ phải chia xa khi còn chưa dứt sữa đã trở thành vật nhẹ tênh, bị hy sinh trên bàn cân kinh tế. Trước hay trong đại dịch, quyền sống và phẩm giá của công nhân vẫn luôn đi sau, thậm chí là bị bỏ rơi trong nhiều quyết sách của chính quyền.

Khi được hỏi tại sao không viết đơn khiếu nại tiền hỗ trợ, Hoa đã thẳng thắn “mình nghèo từ bao giờ, họ [nhà nước] cho thì nhận không cho thì thôi, mình chỉ biết đi làm…”. Hơn ba thập niên qua, nhín nhịn chỗ này sang chỗ khác, từ vật chất cho tới tinh thần, các công nhân đã quen với việc tự mình vượt qua những lỗ hổng của chính sách trong cuộc mưu sinh. Vĩnh biệt Sài Gòn, bỏ lại niềm tin với chính quyền như cách họ chọn lựa bây giờ, cũng là một sự xoay xở để sống tiếp.

Tên của các nhân vật đã được thay đổi hoặc lược bớt để đảm bảo an toàn.

Chú thích

1.  Ngày 27/8 - Dân Hỏi Thành Phố Trả Lời. Trung tâm Báo chí TP. HCM. https://www.facebook.com/trungtambaochi.tphcm/videos/4642604815784631

2.  TP.HCM ưu tiên tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho công nhân. TUOI TRE ONLINE. (2021, June 19). https://tuoitre.vn/tp-hcm-uu-tien-tiem-vac-xin-ngua-covid-19-cho-cong-nhan-20210619000134435.htm

3.  Niên giám thống kê 2020, trang 200. https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2021/07/Sach-NGTK-2020Ban-quyen.pdf

4.  OXFAM. (2019). Tiền lương không đủ sống và hệ lụy - Nghiên cứu một số doanh nghiệp may xuất khẩu ở Việt Nam.. https://cng-cdn.oxfam.org/vietnam.oxfam.org/s3fs-public/file_attachments/Tien%20luong%20khong%20du%20song%20va%20he%20luy%20-%20Nghien%20cuu%20mot%20so%20doanh%20nghiep%20may%20xuat%20khau%20o%20Viet%20Nam%20(screen)_0.pdf

No comments:

Post a Comment