Monday, December 21, 2020

20201222 Cong Dong Tham Luan

 20201222 Cong Dong Tham Luan


Phải chăng chúng ta diễn giải sai ý của cụ Phan Châu Trinh? 

* Khi lập kế hoạch, phải theo thứ tự ngược: hậu dân sinh, chấn dân khí, khai dân trí

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 20 tháng 12, 2020

http://machsongmedia.org 

Phần lớn chúng ta thuộc nằm lòng lời cổ vũ của cụ Phan Châu Trinh: khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Vấn đề là, lời cổ vũ ấy vẫn mang nguyên giá trị ngày hôm nay, nghĩa là sau 100 năm nó vẫn chưa thực hiện được. Trong suốt 100 năm ấy, không ít những người trăn trở và những nỗ lực thử nghiệm. Ngay lúc này, trên Facebook có những trang cổ xuý khai dân trí và chấn dân khí. Ở Việt Nam có Viện Phan Châu Trinh được thành lập và điều hành bởi những người có lòng và đáng kính.

Không mấy ai tranh cãi là "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" là việc đúng, phải làm. Câu hỏi đặt ra là, phải chăng chúng ta, hơn 100 năm qua, đã làm sai cách nên chưa tạo ra được sự thay đổi mong muốn?

Cụ Phan Châu Trinh đề ra chủ trương, nhưng không cho công thức thực hiện. Những người cùng thời và các thế hệ hậu bối phải tự mày mò. Và trong sự mày mò ấy, chúng ta cho rằng phải đi tuần tự từ khai dân trí, rồi đến chấn dân khí và khi đã xong cả 2 công đoạn ấy thì mới tính đến hậu dân sinh. Theo tôi, lối tư duy xuôi như vậy dẫn đến tình trạng mất phương hướng, không hiệu quả. 

20201222 CDTL 01

Khi lập kế hoạch, phải khởi đầu ở điểm cuối

Cụ Phan Châu Trinh đặt hậu dân sinh làm cùng đích cho công cuộc thay đổi xã hội, thoát nạn thuộc địa và phát triển đất nước. Nghĩa là xã hội văn minh, quốc gia độc lập, và đất nước phú cường chỉ là phương tiện để phục vụ dân sinh. Đó là cách nhìn sáng suốt và nhân bản.

Trong ngôn ngữ cận đại, hậu dân sinh được hiểu là "tạo phúc lợi" cho người dân. Và "tạo phúc lợi" là tiêu chuẩn vàng để đánh giá mọi nỗ lực thay đổi xã hội.

Nói đến đánh giá thì trước khi hành động đã phải đề ra các mục tiêu cụ thể, định lượng được, khả thi, phù hợp với phúc lợi mong muốn, và có thời hạn. Đến khi hành động thì cứ đối chiếu kết quả công việc với các mục tiêu đề ra trước ấy để đánh giá một nỗ lực, một chương trình, một đề án, một chính sách.

Để đáp ứng tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất, là "cụ thể", các mục tiêu đề ra phải thể hiện phúc lợi của một thành phần đối tượng đặc thù. Ví dụ, thành phần đối tượng là các phụ nữ ở Phường A có con nhỏ và thu nhập tháng của gia đình dưới 3 triệu đồng; một nhu cầu phúc lợi của họ có thể là con cái không bị suy dinh dưỡng. Khi đề ra một chương trình để đáp ứng nhu cầu này, thì người lập chương trình phải đề ra các mục tiêu phúc lợi tương ứng, như là trẻ em ở mỗi độ tuổi phải cân năng tối thiểu bao nhiêu, có chiều cao tối thiểu bao nhiêu.

Đề ra mục tiêu phúc lợi với đầy đủ các yếu tính (cụ thể, định lượng được, khả thi, phù hợp với phúc lợi mong muốn, và có thời hạn) đồng nghĩa với chốt lại điểm đến, tức điểm B, tức thành quả của hậu dân sinh.

Để lập kế hoạch hành động, chúng ta đi lùi từ điểm B ấy về vạch xuất phát. Thực chất, đấy là vẽ ra một lộ trình với sự bảo đảm điểm đến sẽ là B. Nếu theo đúng quy trình lập kế hoạch này thì dù ở bất kỳ điểm nào trên lộ trình được vẽ ra ấy, người đi không bị mất phương hướng.

Nếu không khởi đầu bằng hậu dân sinh thì mất phương hướng là đương nhiên. 

Chặng xuất phát

Khai dân trí theo ý của cụ Phan Châu Trinh phải là chặng khởi đầu của lộ trình dẫn từ điểm A, là hiện trạng của thành phần đối tượng, đến điểm B, là phúc lợi mong muốn. Nhưng kiến thức nói chung thì mênh mông bể Sở; khai dân trí đến ngày tận thế cũng chưa xong. Chúng ta phải lọc lựa. Nhưng theo tiêu chí nào, giới hạn vào nội dung nào?

Khi đã chốt điểm B, "khai dân trí" chỉ có ý nghĩa khi nó hữu dụng cho việc đạt các mục tiêu phúc lợi đã đề ra. Chẳng hạn với nhóm phụ nữ ở Phường A kể trên thì việc khai dân trí phải tập trung vào các quyền của phụ nữ và trẻ em chiếu theo luật Việt Nam và các công ước quốc tế, vào những dịch vụ và chương trình có sẵn và cách nào để tiếp cận, vào cách thức vận động cho những dịch vụ và chương trình chưa có, vào kỹ năng bảo vệ quyền và lợi ích của mình và con cái trước những bất cập của luật pháp hay tập quán xã hội...

Trong ngôn ngữ tân thời, loại kiến thức ấy được gọi là vốn tri thức mà thành phần đối tượng cần được trang bị một cách phù hợp cho từng chặng đường dọc suốt lộ trình từ A đến B.

Một điểm lưu ý: Vốn tri thức rất quan trọng nhưng không là loại vốn duy nhất cần thiết cho hành trình từ A đến B. Thành phần đối tượng cần được trang bị hoặc tự trang bị các loại vốn khác nữa, gồm có: tài chánh, nhân lực, tổ chức và xã hội. Tôi đã viết về các loại vốn này trong sách Thông Điệp Hy Vọng và Trách Nhiệm, phát hành cách đây 10 năm.

Ai làm?

Nhưng ai là người dấn bước hoặc dẫn đường trên lộ trình từ A đến B?

Khi nói đến "chấn dân khí" thì Cụ Phan Châu Trinh ngụ ý là chính ngưởi Việt phải chủ động giải quyết các vấn đề của người Việt. Một cách cụ thể, những người đang mưu cầu phúc lợi phải đủ tự tin và quyết tâm để thay đổi vận mạng của chính mình. Trong một số trường hợp, họ cần một đội ngũ tiên phong mở đường cho đoàn người theo sau thì đội ngu~ tiên phong ấy phải thể hiện "dân khí" trước mọi người.

Chấn dân khí, tương đương với "empower" trong tiếng Anh, là một điều kiện cần cho tiến trình hậu dân sinh. Chỉ khi nào mỗi người dân và mỗi cộng đồng người dân chủ động mưu cầu phúc lợi cho chính mình thì mới tạo được sự thay đổi thực sự và bền vững. Điều này dễ hiểu thôi. Nếu một nhóm người muốn đến điểm B nhưng nhờ người khác đi hộ thì người ấy sẽ đến đích chứ không phải là mình. Hoặc, nguy hiểm hơn, khi người ấy dẫn dắt đi đâu, kể cả theo hướng ngược lại, thì nhóm người cu~ng chỉ ngù ngờ đi theo.

Dân khí là cần, rất cần, nhưng chưa đủ. Còn nhiều yếu tố khác tác động đến triển vọng đạt phúc lợi. Cách nhìn ra các yếu tố này là một tri thức thuộc về "khai dân trí".

Tóm tắt

Muốn ứng dụng chủ trương "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" của cụ Phan Châu Trinh, chúng ta phải bắt đầu bằng "hậu dân sinh" chứ không phải "khai dân trí". Hậu dân sinh là điểm đến còn khai dân trí chỉ là một trong nhiều phương tiện cần thiết để tiến đến điểm ấy. Khi mục tiêu phúc lợi cho một thành phần đối tượng đặc thù đã có, chúng ta mới ấn định được nội dung phù hợp cho việc khai dân trí.

Chấn dân khí ám chỉ là những người có nhu cầu phúc lợi phải chủ động mưu cầu các phúc lợi ấy. Họ có thể cần sự hỗ trợ, nhưng chính họ phải dấn bước trên hành trình tiến đến điểm đích vì chỉ có họ mới biết được là đã đến đích hay chưa; chỉ có họ mới đánh giá được thành quả đích thực của một nỗ lực, một chương trình, một đề án, một chính sách.

Cách đánh giá thành quả là đối chiếu các kết quả thu hoạch được với các mục tiêu phúc lợi đã đề ra từ trước. Các mục tiêu này phải hội đủ các yếu tính là cụ thể, định lượng được, khả thi, phù hợp với phúc lợi mong muốn, và có thời hạn.

Từ năm 2015, BPSOS đã có chương trình đào tạo 12 tháng về lãnh đạo và quản trị trong xã hội dân sự. Lãnh đạo là dẫn đường từ A đến B, còn quản trị là quản trị các loại vốn đang có để hoàn tất từng chặng đường một. 

Bài liên quan:

Vốn tri thức:

https://dvov.org/wp-content/uploads/2020/12/Von_tri_thuc.pdf 

Từ biết đến biết cách:

https://dvov.org/wp-content/uploads/2020/12/Tu_biet_den_biet_cach.pdf 

Thông điệp hy vọng và trách nhiệm:

https://dvov.org/wp-content/uploads/2020/12/2010-Thong-Diep-Hy-Vong-Trach-Nhiem-Ts-Ng.D.Thang_.pdf 

 

No comments:

Post a Comment