20220109 An Loc Chien Su 1972 Phan 24
South Vietnam population and administrative divisions, September 1972. 3-73.
https://www.loc.gov/resource/g8021e.ct003581/?r=-0.355,0.603,1.047,0.496,0
https://www.loc.gov/collections/general-maps/
https://www.loc.gov/search/?fa=partof:geography+and+map+division
https://www.loc.gov/search/?fa=partof:american+memory
https://www.loc.gov/search/?fa=partof:catalog
Ban do VN-Muc luc
https://maps.lib.utexas.edu/maps/topo/vietnam/vietnam_index.html
An Loc-6332-3
https://maps.lib.utexas.edu/maps/topo/vietnam/an_loc-6332-3.pdf
Loc Ninh-6332-4
https://maps.lib.utexas.edu/maps/topo/vietnam/loc_ninh-6332-4.pdf
Xom Ruong-6331-4
https://maps.lib.utexas.edu/maps/topo/vietnam/xom_ruong-6331-4%20.pdf
184/ 421
CHƯƠNG 11
TỔNG KẾT LUẬN
11- 1 CÔNG TRẠNG:
Chiến thắng An Lộc một cách vẻ vang và hào hùng là do công lao của tất cả Chiến Sĩ các cấp quyết tâm tử thủ; Quân Dân một lòng, cùng chịu đựng hiểm nguy gian khổ, cùng ý chí chống quân Cộng Sản xâm lăng.
Tuy nhiên, cũng phải nói, là nhờ có những cấp Chỉ Huy cùng Bộ Tham Mưu tài giỏi mới đủ sức đương đầu với cả trên một Quân Đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt, ồ ạt mở cuộc tấn công vào Thành Phố An Lộc.
Vị trước tiên được đề cập tới là Cố Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Quân Đoàn 3/Quân Khu III kiêm Tư Lệnh Chiến Trường An Lộc. Ông đã lượng định đúng tình hình chiến trận: “Lực Lượng Cộng Quân ở cấp Quân Đoàn”. Ông nhận biết tương quan lực lượng đôi bên. Ông biết mưu đồ và cường độ tấn kích của Cộng Quân.
Trước khi Cộng Quân khởi phát cuộc tấn công, Ông tăng cường cho mặt trận An Lộc Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân, kế tiếp Trung Đoàn 8 thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh VIệt Nam Cộng Hoà. Ông đã nghe thấy được nhịp đập của “con tim” An Lộc đang khắc khoải từng hồi, và biết làm thế nào để cứu tỉnh, đem lại nhịp đập bình thường cho con tim vĩ đại đó, bằng cách đổ quân tăng viện cấp thời và kịp lúc Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù và Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù. Ông còn tính xa hơn đến vận mệnh của đất nước, phòng ngừa trận tuyến An Lộc bị đổ vỡ, bằng cách trình trước Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, xin tăng cường Sư Đoàn 21 Bộ Binh thuộc Quân Đoàn 4/Quân Khu IV Việt Nam Cộng Hoà cho mặt trận Quân Khu III. Với lực lượng thiện chiến cấp Sư Đoàn này, Ông có thể kịp thời điều động chận được bước tiến của Cộng Quân đang manh nha tiến chiếm Thủ Đô Sài Gòn.
Vị Chỉ Huy kế tiếp là Cố Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Mặt Trận An Lộc. Ông lượng định được cường độ tấn công của địch quân sẽ đè nặng trên tuyến phòng thủ phía Bắc, nên chỉ định nguyên Trung Đoàn 8 Bộ Binh cơ hữu, với 2,500 tay súng trấn ngự ngay tuyến đầu mặt Bắc. Ngoài ra, Ông phối trí các đơn vị khác tạo thành một vòng đai phòng thủ vững chắc, và tuyên bố quyết chiến “Tử Thủ”. Ông nhận biết cứ điểm tiếp vận của Quân Khu III được thiết lập thời cố Đại Tướng Đỗ Cao Trí dùng cho những cuộc hành quân trên Chiến Trường Ngoại Biên, tại sân bay L.19 (300 thuớc hướng Đông Bắc An Lộc), do hai Đại Đội Địa Phương Quân của Tiểu Khu Bình Long và một Trung Đội của Bộ Chỉ Huy 3 Tiếp vận phụ trách việc xuất nhập kế toán, sẽ bị tấn chiếm, khi Cộng quân khởi phát cuộc tấn công. Ông ra lệnh cho Trung Đội của Bộ Chỉ Huy 3 Tiếp Vận phân phối tối đa (không cần kế toán) cho tất cả các đơn vị đang trấn thủ, kể cả các đơn vị Địa Phương Quân, chở về tích trữ tại đơn vị của mình, nhờ vậy mà quân trú phòng có được số dự trữ đạn dược và nhiên liệu đủ dùng hơn một tháng, kể từ khi Cộng quân phát khởi cuộc tấn công.
Ngay từ khi Ông mới đặt chân xuống An Lộc, lúc căn cứ Cầu Cần Lê bị vây hãm, Chiến Đoàn 52 (-) buộc phải rút lui, Ông đã ra lệnh cho phá huỷ hết chiến cụ “nặng”, để Chiến Đoàn 52 (-) rảnh tay quần thảo với quân Địch, nhờ vậy mà lực lượng Bạn không bị thiêt hại nhiều khi về đến An Lộc.
Trong cuộc tấn công lần Thứ Tư, vào đêm 10 tháng 05 năm 1972, Cộng quân đánh xuyên thủng tuyến của Trung Đoàn 7 Bộ Binh ở mặt phía Tây và đang trên đà tiến gần đến hầm Chỉ Huy đầu não cũa Sư Đoàn; mặc dầu trong thời gian cấp bách, nhưng Ông cũng điều động được một lực lượng “phản kích” cấp Trung Đoàn hỗn hợp (Dù, Biệt Động Quân, Bộ Binh), đánh lui quân địch ra khỏi chu vi phòng thủ của Thị Trấn. Trận phản kích nầy công lao lớn nhất là nhờ Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù do Trung Tá Nguyễn Chí Hiếu, Tiểu Đoàn Trưởng, từ tuyến phía Nam được điều động lên kịp lúc để chận đứng mũi dùi tấn công của địch khi còn cách Bộ Chỉ Huy của Tướng Hưng khoảng 200 thước…
Những điều này chứng tỏ Ông là một Tướng Lãnh có thực tài điều quân để trấn thủ, coi sinh mạng của Binh Sĩ trọng hơn là chiến cụ, dù trong tay không có lực lượng “trừ bị” để lấp vào những tuyến bị đánh “thủng” hay dùng cho việc “phản kích” như trường hợp kể trên.
Vị Chỉ Huy kế tiếp là Cố Chuẩn Tướng Lê Quang Lưỡng, Cựu Tư Lệnh Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù (1972) nguyên Tư Lệnh Sư Đoàn Dù (1975). Ông đã đem đến cho Quân Dân An Lộc một luồng “sinh khí” mới, bằng cách thiết lập một căn cứ pháo binh dã chiến trên sườn đồi Gió và đồi 169. Ông chỉ huy và điều động quân Dù xuyên thủng được lưới bao vây An Lộc, điều quân xuyên qua thành phố và mở rộng vòng đai phòng thủ 2 cây số về phía Nam Quốc Lộ 13 (dự định đón chờ đoàn quân tiếp viện từ phía Nam lên). Ông đã chỉ thị cho Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù tức tốc kéo quân về cứu nguy Bộ Chỉ Huy của Tướng Hưng vào lúc tình thế khẩn cấp. Và sau cùng cũng chính một trong những Tiểu Đoàn trực thuộc Lữ Đoàn 1 Dù do Ông chỉ huy (Tiểu Đoàn 6 Dù), lãnh ấn tiên phong bứng chốt Xa Cam và bắt tay được với Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù đang trấn thủ vùng phía Nam. Từ đó hàng đoàn trực thăng tản thương và tiếp tế được dễ dàng thi hành nhiệm vụ khẩn thiết. An Lộc kể như được giải toả từ ngày đó 08 tháng 06 năm 1972.
Vị Chỉ Huy Trung Đoàn 7 thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà là Cố Chuẩn Tướng Lý Đức Quân. An Lộc nằm trong vùng trách nhiệm hành quân của Trung Đoàn 7 Bộ Binh. Trung Đoàn 7 đã có mặt trên lãnh thổ An Lộc từ trước ngày An Lộc bị bao vây. Trung Đoàn 7 đã phải chịu hy sinh tổn thất hơn phân nửa Tiểu Đoàn.
Vào những ngày đầu cuộc chiến, Trung Đoàn 7 do Ông Chỉ Huy đã kiên quyết chống giữ mặt phía Tây, nơi bị Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt dồn nổ lực tấn công và chọc thủng tuyến phòng thủ, phải lui về gần đến hầm Chỉ Huy của Tướng Hưng, hao hụt thêm một số quân sĩ. Sau cùng các chiến sĩ Trung Đoàn 7 phối hợp cùng lực lượng phản kích hỗn hợp gồm có quân Dù, Biệt Động Quân và Bộ Binh, đẩy lui Địch ra khỏi tuyến phòng thủ lúc ban đầu, tiêu diệt hơn một Trung Đoàn Bộ Binh và bắn hạ thêm 6 T.54 của Địch. Sau trận An Lộc, Trung Tá Quân được vinh thăng Đại Tá, sau đó Trung đoàn 7/ SĐ5 BB được chỉ định trấn giữ Quận Chơn Thành Tỉnh Bình Long; trong chuyến bay từ Quận Chơn Thành trở về thăm hậu cứ ở Quận Phú Giáo Tỉnh Bình Dương, chẳng may trực thăng chỉ huy của Ông bị trúng đạn phòng không của Địch nổ tung trên vòm trời. Ông đền xong nợ nước, và được truy thăng Chuẩn Tướng vào năm 1973.
Kế tiếp là Đại Tá Mạch Văn Trường, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 8 thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà. Ông lượng định trước khi Cộng quân xua bộ binh và chiến xa tấn công vào Thành Phố, Địch sẽ mở cuộc pháo kích nặng nề, vì vậy Ông ra lệnh cho các đơn vị trực thuộc đang án ngữ tuyến đầu, phải ngày đêm tức tốc đào và thiết trí hầm hố phải “có nắp che” chống pháo. Để chống lại đoàn chiến xa Địch, Ông yêu cầu Tiểu Đoàn 52 Pháo Binh (cứ điểm tại An Lộc, đang đặt dưới quyền điều khiển của Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 5 Bộ Binh), thiết lập một trận địa pháo tiên liệu, trước vòng đai phòng thủ 1,5 cây số về phía Bắc dọc theo Quốc Lộ 13 (lộ trình tiến quân của địch từ hướng Bắc xuyên vào Thành Phố An Lộc), và gọi trình Tướng Hưng xin ưu tiên hỏa lực không yểm cho mặt trận phía Bắc khi lâm chiến. Ông còn can đảm vượt huấn lệnh của Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, trang bị vũ khí cho 400 lao công đào binh, để hoà nhập, cùng các chiến binh của Trung Đoàn 8, chiến đấu tiêu diệt bộ binh và chiến xa địch. Ông còn ban lệnh thu nhặt hết các loại vũ khí công phá của Địch như B.40 và B.41, để dùng công phá hầm hố của lực lượng Địch đang bám trụ và bắn hạ chiến xa của Địch. Đến 1974 Đại Tá Trường được bổ nhậm nắm giữ chức Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh đến 1975 được thăng cấp Chuẩn Tướng.
Vị Chỉ Huy kế tiếp là Đại Tá Phan Văn Huấn, Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù (1972). Ông đã có công rất lớn trong việc cứu tỉnh con tim An Lộc đang hồi hấp hối. Khi lực lượng Biệt Cách Dù vừa đến trận địa, Ông liền điều động đơn vị tấn công địch ngay trong đêm, quét sạch địch quân ra khỏi vùng diện địa ½ phía Bắc Thành Phố và giải thoát cho hơn 100 gia đình dân cư đang còn kẹt lại trong vùng Cộng quân kiểm soát. Sau đó chính Ông đích thân chỉ huy đơn vị “đột kích” tấn công đồi Đồng Long (khoảng 600 thước và trên cao độ 128 thước về phía Bắc thành phố, thu đạt được một chiến tích lẫy lừng, có một không hai, được tóm lược qua hai câu: “Lấy ít đánh nhiều (300 quân tấn công 1,200 địch trên cao thế), sát hại địch nhiều mà thương vong lại ít (Hạ 600 và bắt sống 12 cán binh Cộng Sản, Bạn 4 tử trận 14 bị thương, tịch thu được hàng vài trăm vũ khí cá nhân và cộng đồng).
Vị Chỉ Huy kế tiếp là Đại Tá Nguyễn Văn Biết, Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân. Đơn vị của Ông được thả xuống An Lộc đầu tiên, lãnh trách nhiệm phòng thủ toàn diện tuyến phía Bắc và phía Đông, lại còn phải cắt ra một Tiểu Đoàn trấn cửa ải từ phi trường Quản Lợi vào Thành Phố An Lộc. Ông đã chỉ huy đơn vị quần thảo và đẩy lui quân Địch nhiều lần. Lực lượng Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân dưới quyền Chỉ Huy của Ông, đã sát hại trên một Trung Đoàn quân bộ chiến và bắn hạ trên 10 chiến xa của Địch tại mặt trận An Lộc.
Vị Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Bình Long là Đại Tá Trần Văn Nhựt. Ngay khi Quận Lộc Ninh bị quân địch tấn công, Ông ra lệnh cho đóng cửa Tòa Hành Chánh Tỉnh cùng các Ty Sở, ngoại trừ Ty Y Tế, cho phép những nhân viên dân sự cùng gia đình tạm thời rời khỏi Tỉnh Lỵ, trong đó có cả gia đình của Ông. Tại Phi Trường Quản Lợi, tấp nập những viên chức cán bộ vội vã rời khỏi Tỉnh Bình Long trên những chuyến bay của hãng hành không dân sự “Hàng Không Việt Nam”. Ông đã làm tròn chức vụ hành chánh “Tỉnh Trưởng”. Còn chức vụ Tiểu Khu Trưởng, thì thật là đa đoan công việc, không làm sao gánh vác hết được. Khi chiến sự bùng nổ, hằng ngàn Dân cư đổ xô vào Tỉnh, nhiều nhất là tại các Xã Ấp chung quang Tỉnh Lỵ và vùng Phi Trường Quản Lợi. Vấn đề An Ninh, lương thực, y tế đều trút hết lên vai của vị Tỉnh Trưởng kiêm Tiêu Khu Trưởng. Đúng thật là một gánh nặng “ngàn cân” đặt trên vai của Vị “Đầu Tỉnh” (đến 1/11/1972 Đại Tá Nhựt được bổ nhậm chức Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh và được cấp thăng lên Chuẩn Tướng).
11- 2 KẾT CUỘC
Trận chiến An Lộc đã xảy ra từ năm 1972, tính ra cho đến ngày quyển sách Chiến Thắng An Lộc nầy tạm được hoàn tất (năm 2012), đã trải dài 40 năm, biết bao vật đổi sao dời, cho cả hai phía Quốc Gia lẫn Cộng Sản, người còn kẻ mất hay đã già nua bệnh tật!
Đối với những Chiến Hữu được nêu tên trong “PHẦN MỘT tổng lược” của quyển sách nầy, có người đã hy sinh Anh Dũng ngay từ lúc khởi đầu cuộc chiến; có người sau đó đã “tử trận” trên đường phục vụ Quê Hương Dân Tộc; có người đã oanh liệt “tuẫn tiết” hay bị quân thù Cộng Sản bắt được, và đem ra “hành quyết” trong những ngày của “Tháng Tư ĐEN” năm 1975; có người đã bị sát hại “Chết” một cách âm thầm và tức tưởi trong các trại tù “cải tạo” của bạo quyền Cộng Sản sau năm 1975; có người đã làm mồi cho cá mập, vợ con là nạn nhân của “hải tặc” Thái Lan ở giữa Đại Dương, hay thú dữ nơi rừng sâu trong lúc đào thoát cái địa ngục trần gian của Cộng Sản đi tìm Tự Do Dân Chủ; cũng có người đã qua đời vì tuổi già sức yếu hay vì bệnh tật, khắp cùng tại các Quốc Gia Tự Do trên Thế Giới.
Một số không nhiều lắm, các Chiến Hữu còn sống, những người đã từng chiến đấu hay chứng kiến trận Chiến Thắng An Lộc, cho đến nay người nào cũng đã đạt đến cái tuổi Lục, Thất, Bát Tuần (sáu mươi, bảy mươi, tám mươi).
Chúng tôi cố gắng sưu tập và kiểm đìểm lại danh sách những Chiến Hữu: Những Vị còn sống hay đã chết, ghi lại "DANH TÁNH" để lưu truyền cho hậu thế mai sau.
Chúng tôi biết rằng vẫn còn nhiều thiếu sót, xin Quí Vị độc giả cao minh, những thân nhân của những Chiến Sĩ vô danh khác, hãy niệm tính tha thứ cho, và vui lòng đóng góp thêm những tài liệu bổ khuyết cho những ấn bản về sau.
11- 2- 1 THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ HAI BÊN:
Chúng tôi đề cập đến hiện tình về “thể chế” hay “chế độ” giữa hai bên Quốc, Cộng sau năm 1975 cho đến năm 2010.
a-.Phía Cộng Sản, khi thôn tính xong Miền Nam Nước Việt, sau đó một năm, Cộng Sản Miền Bắc cho khai tử cái công cụ bù nhìn Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam; cả về thể chế lẫn lá cờ “ngôi sao vàng trên nền nửa xanh nửa đỏ”, mà đoàn quân xâm lược miền Bắc, nhân danh Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, khi mới vào tiếp thu Sài Gòn và các Tỉnh Thành Miền Nam nước Việt; lá cờ gọi là Giải Phóng Miền Nam, đã tung ra trên khắp các nẻo đường tại những nơi mà họ chiếm cứ, điển hình là trước tiền đình Dinh Độc Lập.
Cờ máu “nền Đỏ Sao Vàng”, được thay thế cho Cờ “Ngôi sao Vàng trên nền nữa Đỏ nữa Xanh”, tượng trưng cho một chính thể chuyên chế độc tài đảng trị cho đến hôm nay, năm 2012.
Các nhân vật đầu não của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam mới vỡ lẽ ra rằng, mình chính thật là công cụ bù nhìn của quan thầy Hà Nội… Nhưng đã lỡ ra rồi, có muốn chống đối thì cũng chỉ có trong tư tưởng, còn muốn hành động thì không còn đủ thực lực nữa, vì bao nhiêu lực lượng võ trang cơ hữu của Mặt Trận Giải Phóng đã bị đàn anh Hà Nội xúi dại, nướng hết trong kỳ Tổng công kích Tết Mậu Thân năm 1968 rồi.
Sau năm 1968, Hà Nội gửi nhiều Sư Đoàn quân chính quy Bắc Việt trám vào lỗ khuyết to lớn binh lực đó, có thể nói là từ 80% trở lên thuộc cán binh miền Bắc. Ðiển hình, trong trận chiến An Lộc, ba Công Trường 5, 7, 9, từ Tư Lệnh Sư Đoàn đến hàng cán bộ và cán binh đều là “người miền Bắc” xâm nhập vào Nam.
Các nhân vật đầu não của Chính Phủ bù nhìn Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam như Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Thị Bình, Hoàng Văn Hoan, Dương Quỳnh Hoa, v.v... dự định ra mắt với Thế Giới vào ngày 20 tháng 04 năm 1972, khi chiếm được An Lộc, mà Đài phát Thanh Hà Nội đã huyênh hoang loan tin, phải đắng cay chịu đựng sự áp lực giải thể “không kèn không trống” của đám đảng viên Cộng Sản Bắc Bộ Phủ Hà Nội.
b- Chế độ Việt Nam Cộng Hoà, sau khi bị Đồng Minh Hoa Kỳ bỏ rơi và bức tử, hàng mấy trăm ngàn chiến binh cán bộ công chức các cấp bị “tù đày” ở các trại tù khổ sai mà bọn Cộng Sản gọi là trại tập trung cải tạo. Hàng trăm ngàn thân nhân của những chiến sĩ quân lực VNCH bị tước đọat tài sản và bị lưu đày đến những vùng “kinh tế mới”; hàng triệu đồng bào phải vượt Biển vượt Biên để đi tìm Tự Do Dân Chủ; hàng mấy trăm ngàn người là nạn nhân của hải tặc Thái Lan; là mồi ngon cho cá mập giữa đại dương hay thú dữ nơi rừng sâu trên lãnh thổ Cambodia và Thái Lan, trên đường đào thoát khỏi các địa ngục trần gian do Đảng Cộng Sản Việt Nam toàn trị.
Một số Đồng Bào và Chiến Hữu các cấp khác, may mắn vượt thoát được vòng cương tỏa của Cộng Sản, tìm được đến bến bờ Tư Do. Hiện nay tại Hải Ngoại có khoảng trên 3,000.000 (ba triệu) người, đang sinh sống và làm ăn ổn định tại các Quốc Gia Tự Do tạm dung; nhiều nhất là tại Hoa Kỳ, đến Úc Châu, Canada, Âu Châu và nhiều nước khác trên khắp cùng Thế Giới.
Thế hệ thứ hai của những Người Việt Quốc Gia tỵ nạn Cộng Sản ở Hải Ngoại, hiện nay đã trưởng thành, ước tính có trên 25,000. Thế hệ này đã làm rạng danh cho tất cả người Việt Nam Tỵ Nạn Cộng Sản tại Hải Ngoại; đóng góp một cách thiết thực trong cộng đồng của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ và Cộng Đồng của các Quốc Gia Tự Do trên Thế Giới; đã cống hiến cho Xã Hội và Cộng Đồng Nhân Lọai những kiến thức và khả năng vượt bực, tại các Quốc Gia Tự Do mà Cha Ông đã cưu mang họ trốn chạy Cộng Sản Việt Nam, đến định cư, sinh sống, lập nghiệp. Thế hệ thứ hai này, hiện nay đã có người là nhà Bác học, Khoa Học Gia, Phi Hành Gia, Giáo sư Đại Học,Bác Sĩ, Dược sĩ, Nha sĩ, Kỹ Sư, và hằng chục nghìn chuyên viên xuất sắc đủ mọi ngành nghề, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong cơ quan công quyền cũng như trong các cơ xưởng kỹ nghệ của Hoa Kỳ và tại nhiều Quốc Gia trong khối Tự Do trên Thế Giới.
Riêng trong lãnh vực Quân Sự và Chính trị tại Hoa Kỳ, Thế Hệ thứ Hai này, có rất nhiều người tốt nghiệp “ưu hạng” tại các Hàn Lâm Viện Quân Sự HẢI, LỤC, KHÔNG, QUÂN nổi tiếng của Hoa Kỳ; có người hiện nay đã được thăng tiến đến cấp Đại Tá nắm giữ chức Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù; Hạm Trưởng Hải Quân, chỉ huy một trong những chiến hạm thuộc Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ đang đảm trách an ninh tại vùng biển Thái Bình Dương. (Tháng 4 năm 2010, với tư cách là Hạm Trưởng của Hải Quân Hoa Kỳ, chỉ huy chiến hạm này cập bến “thăm xã giao nước Xã hội chủ nghĩa Việt Nam); còn về Quân chủng Không Quân cũng thấy xuất hiện một vị nữ lưu hiện là Đại Tá Quân Y của Không Quân Hoa Kỳ, và một Nữ phi công được đánh giá là một trong những phi công xuất sắc nhất trong Không Đoàn chiến đấu oanh tạc tối tân của Không Lực Hoa Kỳ.
Về phương diện Chính trị, có người đã là Dân Biểu Liên Bang, Nghị Sĩ, Dân Biểu Tiểu Bang, Giám Sát Viên, Nghị Viên Hội Đồng Thành Phố…
Lá Quốc Kỳ “NỀN VÀNG BA SỌC ĐỎ” tượng trưng cho khối Người Việt Quốc Gia Tỵ nạn Cộng Sản tại Hải Ngoại, hiện nay vẫn còn tung bay cùng khắp Năm Châu Bốn Bể và càng ngày càng được vinh danh, nhất là tại Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi, Canada, Âu Châu, và được công nhận là lá CỜ duy nhất của khối người Việt Quốc Gia Tự Do tại Hải Ngoại.
Kết luận: Năm 2010, có một học giả uyên thâm về chính trị viết ra nhận định như sau:
“CHẾ ĐỘ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA ĐÃ CHẾT RỒI MÀ CHƯA CHÔN, CHẾ ĐỘ VIỆT NAM CỘNG HOÀ ĐÃ CHÔN RỒI NHƯNG CHƯA CHẾT”
11- 3 DANH SÁCH NHỮNG VỊ “ANH HÙNG” CÓ LIÊN QUAN ĐẾN TRẬN CHIẾN AN LỘC ĐÃ HY SINH VÌ “ĐẠI NGHĨA QUỐC GIA DÂN TỘC”, HAY QUA ĐỜI VÌ BẠO BỆNH:
- Cố Tổng Thống NGUYỄN VĂN THIỆU, Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà từ trần tại Hoa Kỳ. Ông đã đáp xuống An Lộc vào ngày 07 tháng 07 năm 1972. Trước đó Tổng Thống Thiệu có tuyên bố cho tất cả các chiến sĩ có tham chiến trận An Lộc đều được lên một cấp bậc. Lệnh này được thi hành qua hai nhân vật điển hình là Đại Tá nhiệm chức Trần Văn Nhựt, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu BÌnh Long, được thăng cấp đặc cách mặt trận, Đại Tá Thực Thụ kèm theo Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương với Anh Dũng Bội Tinh nhành Duơng Liễu (07-07-1972); sau đó khoảng 3 tháng (01-11-1972), Đại Tá Nhựt tiếp tục được thăng lên Chuẩn Tướng và được bổ nhậm giữ chức Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà. Người thứ hai là Đại Tá Nhiệm Chức Mạch Văn Trường, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 8 thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, được thăng cấp đặc cách tại mặt trận lên Đại Tá thực thụ kèm theo Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương với Anh Dũng Bội Tinh nhành Dương Liễu (07-07-1972), và sau đó khoảng gần 3 năm (1975) được thăng cấp ChuẩnTướng khi nắm giữ chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà.
- Cố Đại Tướng CAO VĂN VIÊN, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, từ trần tại Hoa Kỳ. ĐạiTướng Cao Văn Viên đã có mặt trong phái đoàn của TổngThống Nguyễn Văn Thiệu đáp xuống An Lộc ngày 07-07-72, Ông đã tận tính giúp đỡ cho Quân Đoàn 3/Quân Khu III qua những sự kiện như sau:
a- Tăng phái Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù cho chiến trường An Lộc.
b- Trình với Tổng Thống Thiệu cho rút Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù đang giữ dinh Độc Lập để đặt dưới quyền sử dụng của Quân Đoàn 3/Quân Khu III.
c- Trong cuộc họp Hội Đồng An Ninh Quốc Gia ngày 09 tháng 04 năm 1972, Ông tán đồng quan điểm tăng cường Sư Đoàn 21 Bộ Binh cho Quân Đoàn 3/ Quân Khu III.
d- Chấp thuận kế hoạch thả dù “GIẢ” Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù vào ngày 14 tháng 04 năm 1972, trong vùng Đông Bắc phi trường Quản Lợi, để cho Lữ Đoàn 1 Ngảy Dù và Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù bảo toàn lực lượng, được trực thăng vận đến giải vây An Lộc.
“Hai tháng trước ngày Đại Tướng qua đời, Ban Biên soạn có được cái hân hạnh gửi tặng Đại Tướng quyển Chiến Thắng An Lộc 1972, với những dòng có Highlight màu vàng được nêu lên ở các mục a,b,c,d và đoạn văn trong tác phẩm “Chiến Trường Đi Không Hẹn của tác giả Biệt Cách Dù Phạm Châu Tài, về chuyến đổ quân Biệt Cách Dù Chiếm Ấp Srock Gòn..”
- Cố Trung Tướng NGUYỄN VĂN MINH, cựu Tư Lệnh Quân Đoàn 3/Quân Khu III kiêm Tư Lệnh Chiến Trường An Lộc, từ trần tại Hoa Kỳ. Công trạng của Ông đối với Đồng Bào Việt Nam Hải Ngoại thật là “to lớn”. Nếu Ông nông nổi nghe theo chỉ thị của “Thượng Cấp “rút bỏ An Lộc vào năm 1972, đất nước Miền Nam đã lọt vào tay Cộng Sản vào thời buổi đó rồi. Và cái hệ quả của tất cả Quân Dân Cán Chính cùng Gia Đình và 17 triệu Dân Miền Nam sẻ phải ra sao? Ông và Tướng Lê Văn Hưng là cấp chỉ huy đầu não của trận chiến thắng oai hùng đó, không được tưởng thưởng công lao, mà lần hồi bị “mất chức”, phải trả lại binh quyền, trong lúc Quốc Gia đang cần những Tướng Lãnh “TÔI HIỀN LƯƠNG ĐỐNG” như thế, để làm rường cột cho NGÔI NHÀ MẸ MIỀN NAM NƯỚC VIỆT, đang đứng trước phong ba bão táp của giặc Cộng phương Bắc, và kẻ nội thù Đồng Minh phương Nam! (Xin đọc chi tiết phần tang lễ ở cuối chương).
- Cố Trung Tướng NGÔ QUANG TRƯỞNG, cựu Tư Lệnh Quân Đoàn 4/Quân Khu IV nguyên Tư Lệnh Quân Đoàn 1/Quân Khu I, từ trần tại Hoa Kỳ. Trong cuộc họp Hội Đồng An Ninh Quốc Gia ngày 09 tháng 04 năm 1972, tại Dinh Độc Lập (Sài Gòn), Ông có ý kiến muốn để Sư Đoàn 21 Bộ Binh do Thiếu Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi đang là Tư Lệnh và Chiến Đoàn 15 thuộc Sư Đoàn 9 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, do Trung Tá Hồ Ngọc Cẩn chỉ huy được tăng phái cho Quân Đoàn 3/Quân Khu III, thay vì cho Quân Đoàn 1/Quân Khu I. Về công trạng của Ông đối với Đất nước Dân Tộc, đã được người đời ca tụng, còn về uẩn khúc của những ngày gần kề 30 tháng 04 năm 1975, mời Quí độc giả sưu tầm lại đề tài “Tại sao tôi phải rời bỏ Quân Đoàn 1/ Quân Khu I, tác Giả Ngô Quang Trưởng.
- Cố Trung Tướng DƯ QUỐC ĐỐNG, cựu Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù, từ trần tại Hoa Kỳ. Vào năm 1972, Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù được tăng phái cho Quân Đoàn 3/Quân khu III, có đôi lần Ông đến Bộ Chỉ Huy tiền phương của Quân Đoàn đặt tại căn cứ Lai Khê, để thảo luận với Tướng Minh về tình hình chiến sự toàn quốc, đặc biệt là chỉ thị cho Khối bổ sung Sư Đoàn Dù, dồn hết các tân binh Dù để bổ sung quân số cho Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù tiếp tục có đủ khả năng tác chiến, đạt đến thành quả, giải tỏa được An Lộc.
- Cố Chuẩn Tướng LÊ VĂN HƯNG. Từ lúc Ông đặt chân xuống địa danh An Lộc ngày 07 tháng 04 năm 1972, trên bâu áo của Vị Anh Hùng này đã có sẵn “một SAO” (Chuẩn Tướng), và cho đến ngày tàn của cuộc chiến (30 tháng 04 năm 1975), buộc Ngài phải tuẫn tiết, lấy cái chết để giữ tròn khí phách của “con nhà VÕ”, của người làm Tướng, để trở về với NÚI SÔNG cát bụi nằm trong lòng đất Mẹ Việt Nam, trên bâu áo của vị Thần Tướng nầy vẫn còn một SAO (vẫn là Chuẩn Tướng), đang giữ chức Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 4/Quân Khu IV. Cuộc đời Võ nghiệp của Ông sao gặp quá nhiều nghiệt ngã… Trên Ba tháng “tử thủ” An Lộc, đem đến vinh quang chiến thắng cho Quân Đội và toàn Dân, vậy mà khi mới đưa quân về đến bản doanh của Sư Đoàn 5 đặt tại Căn Cứ Lai Khê để dưỡng quân và tu chỉnh lại hàng ngũ, thì được lệnh của “thượng cấp” cất chức Tư Lệnh Sư Đoàn, bàn giao cho Đại Tá Trần Quốc Lịch (nguyên Tư Lệnh Phó Sư Đoàn Dù)!
Nay vị Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà thời kỳ năm 1972 không còn nữa, và Chuẩn Tướng Hưng cũng đã tuẫn tiết; cái ẩn tình uẩn khúc này, cả hai Vị đều mang xuống tuyền đài. Chắc rằng người còn đang sống và đang cư ngụ tại Hoa Kỳ là hai Ông: cựu Bí Thư Hoàng Đức Nhã và Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt cựu Tỉnh Trưởng Bình Long đã biết rõ ngọn ngành vì sao!
- Cố Chuẩn Tướng LÊ NGUYÊN VỸ, cựu Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 5 Bộ Binh tại mặt trận An Lộc năm 1972, nguyên Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà năm 1975, đã tuẫn tiết tại Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh (căn cứ Lai Khê, Tỉnh Bình Dương). Ông đã giữ tròn khí phách của Vị làm Tướng, “Thành còn thì Tướng còn, Thành mất thì Tướng mất”, hay nói khác đi “Đất nước còn thì còn là Tuớng Soái, đất nước mất vào tay giặc Cộng thì Tướng phải chết theo vận mệnh của Đất Nước”, cho tròn cả NGHĨA ĐẠO LÀM NGƯỜI và mang NGHIỆP TƯỚNG.
- Cố Chuẩn Tướng TRƯƠNG HỮU ĐỨC, Thiết Đoàn Trưởng Thiết Đoàn 5 Việt Nam Cộng Hoà, tử trận ngay từ giờ phút đầu khi trận chiến bùng nổ. Ông Chỉ Huy Thiết Đoàn cơ hữu trên đường đến An Lộc, dọc theo Quốc Lộ 13, vùng Quận Chơn Thành “Ấp Tàu Ô”. Ông là một chiến sĩ can trường, có tác phong của người Lãnh Đạo Chỉ Huy.Tôi còn nhớ, giây phút nhận lệnh từ Vị Tư Lệnh Quân Đoàn, dẫn đoàn Thiết Kỵ đi khai thông Quốc Lộ 13, với vóc dáng to cao, với hàng râu mép oai nghi, Ông đứng nghiêm thẳng người Chào Trung Tướng Minh, với nét mặt cương quyềt tự tin, rồi ra đi vĩnh viễn. Thật đáng tiếc!
- Cố Chuẩn Tướng LÊ QUANG LƯỠNG, cựu Tư Lệnh Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù năm 1972, nguyên Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù năm 1975, từ trần tại Hoa Kỳ. Ông đã Chỉ Huy Lữ Đoàn I Dù đem đến luồng sinh khí mới cho các chiến hữu “tử thủ” An Lộc, cũng chính Lữ Đoàn 1 Dù (Tiểu Đoàn 6) đã ghi chiến tích đầu tiên, đánh thủng chốt Xa Cam, phá vỡ vòng vây và giải tỏa luôn cho An Lộc.
- Cố Chuẩn Tướng LÝ ĐỨC QUÂN, nguyên Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 7 thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà năm 1972, sau trận An Lộc Ông được vinh thăng Đại Tá đặc cách mặt trận. Sau đó một năm (1973), trong chuyến bay công tác, trực thăng chỉ huy của Ông bị trúng đạn phòng không của địch. Ông đền xong nợ nước (tử trận) và được “truy thăng” lên ChuẩnTướng.
- Cố Chuẩn Tướng HUỲNH BÁ TÍNH, nguyên Tư Lệnh Sư Đoàn 3 Không Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà từ trần tại Hoa Kỳ. Trong chiến trận An Lộc, Sư Đoàn 3 Không Quân đóng vai nỗ lực chánh về các Trực Thăng đổ quân, tản thương, tiếp tế, và các phi vụ yểm trợ hỏa lực (các C.119 “Rồng Lửa” các khu trục cơ cánh quạt Skyraider, các phản lực cơ A.37). Riêng Vị Tư Lệnh Sư Đoàn 3 Không Quân còn có công đầu trong vụ “phá chốt Xa Cam” đã hiến kế cho Vị Tư Lệnh Chiến trường An Lộc “bứng” được chốt bằng Không Quân Việt Nam Cộng Hoà vào ngày 08 tháng 06 năm 1972.
- Cố Chuẩn Tướng HỒ TRUNG HẬU, cựu Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà năm 1972, từ trần tại Việt Nam sau khi ra tù “cải tạo”.
- Cố Đại Tá NGUYỄN VIẾT CẦN (em ruột Cố Trung Tướng Nguyễn Viết Thanh), nguyên Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 33 thuộc Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà tử trận vì trúng đạn pháo của Cộng quân tại vùng Xã Tân Khai Quận Chơn Thành Tỉnh Bình Long (cạnh Quốc Lộ 13), khi điều quân lên giải tỏa cho An Lộc.
- Cố Đại Tá HUỲNH VĂN ĐIỀN, nguyên Trung Đoàn phó Chiến Đoàn 52 thuộc Sư Đoàn 18 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà tử trận, trên đuờng triệt thoái từ Căn Cứ Cầu Cần Lê về An Lộc.
- Cố Đại Tá HỒ NGỌC CẨN, cựu Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn 15 thuộc Sư Đoàn 9 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, có tham dự trận chiến An Lôc (năm 1972). Sau trận An Lộc được thăng cấp Đại Tá đặc cách mặt trận, và được bổ nhậm giữ chức Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Chương Thiện Vùng IV, cho đến ngày 30 tháng 04 năm 1975, bị giặc Cộng “bắt” vì không chịu buông súng đầu hàng, và bị Công quân đem ra “hành quyết” (xử tử) tại Tỉnh Cần Thơ Việt Nam. “Đại Tá Cẩn trước đó vào năm 1965, là một trong Ngũ Hổ Tướng của Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, gốc Thiếu Sinh Quân”. (Quý Vị Độc Giả muốn biết thêm chi tiết về cái chết của người “HÙNG” Hồ Ngọc Cẩn vào những giờ phút cuối của “NGÀY 30 THÁNG 04 ĐEN”, thì xin đọc tiếp bài viết có tựa đề " Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn và gương Anh Dũng của“Thiếu Sinh Quân Việt Nam Cộng Hoà”, ở PHẦN BA (Phụ Lục).
- Cố Đại Tá Đoàn Cư, (Khóa 16 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, nguyên Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 32 thuộc Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, sau trận An Lộc, trở về trấn đóng vùng Tỉnh Chương Thiện, trúng miểng đạn pháo 82 ly của Cộng Quân tử trận. Ông là Vị Trung Đoàn Trưởng có nhiều mưu lược, điềm đạm, hiền lành, lính mến dân thương.
- Cố Đại Tá NGUYỄN BÁ THỊNH, nguyên Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn 52 thuộc Sư Đoàn 18 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, từ trần tại Hoa Kỳ, gốc Nhảy Dù, khi còn là Đại Úy năm 1959, Ông là Trưởng khoa Tác Chiến giảng dạy tại Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam”. Ông được tiếng là Vị Trung Đoàn Trưởng xuất sắc của Sư Đoàn 18 Bộ Binh về lãnh đạo chỉ huy (Binh sĩ các cấp kể cả Cố Vấn Mỹ đều thương mến và cảm phục, đánh giặc thật “gan lì”).
- Cố Đại Tá NGUYỄN THẾ THÂN, Phi Đoàn Trưởng Phi Đoàn C.119 và C.123 thuộc Sư Đoàn 5 Không Quân Việt Nam Cộng Hoà, tử trận trong khi thi hành nhiệm vụ “thả dù tiếp tế” cho chiến trường An Lộc vào năm 1972.
- Cố Đại Tá NGUYỄN VĂN BIẾT, nguyên Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân, có mặt trong trận An Lộc (năm 1972). Đến năm 1975 bị Cộng Sản tập trung vào trại tù “cải tạo” hành hạ và đánh đập, sinh ra nhiều bệnh tật, được thả ra không lâu sau, Từ trần tại Việt Nam. Ông đã Chi Huy Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân, kiên cường trấn thủ mặt trận phía Đông An Lộc, đánh lui bao đợt tấn công của Địch, hạ trên một Trung Đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt và bắn cháy nhiều chiến xa của địch.
- Cố Đại Tá NGUYỄN VĂN TƯỜNG, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 3 Không Quân Việt Nam Cộng Hoà từ trần tại Hoa Kỳ. Đích thân Ông đã bay phản lực cơ A.37 chỉ huy phi vụ đánh CBU phá sập “hầm chốt Xa Cam” vào ngày 07 tháng 06 năm 1972, giúp cho các đơn vị Bộ Binh Viêt Nam Cộng Hoà có cơ hội hoàn thành nhiệm vụ “giải tỏa” An Lộc.
- Cố Đại Tá NGUYỄN CHÍ HIẾU, cựu Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 5, thuộc Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù, nguyên Trung ĐoànTrưởng Trung Đoàn 9 thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, từ trần tại Hoa Kỳ. Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù do Ông Chỉ Huy được điều động đến vừa kịp lúc, cứu nguy Bộ Chỉ Huy của Tướng Hưng vào đêm 09 tháng 04 năm 1972.
- Cố Đại Tá NGUYỄN THÀNH CHUẨN, cựu Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân Vùng 3 Chiến Thuật. Với lực lượng 2 Liên Đoàn Biệt Động Quân (Liên Đoàn 3 và Liên Đoàn 5), Ông được chỉ định thay thế Sư Đoàn 18 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà do Đại Tá Lê Minh Đảo làm Tư Lệnh, tiếp tục càn quét Cộng quân quanh vùng An Lộc. Cuối cùng vào những ngày gần kề 30 tháng 04 năm 1975, Ông được điều động về Biệt Khu Thủ Đô thuộc Quân Khu 3, để thành lập Sư Đoàn Biệt Động Quân, dự định bảo vệ Thủ Đô Sài Gòn. “Đại Tá Chuẩn gốc từ Lực Lượng Đặc Biệt của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Vào thời Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hoà, khoảng năm 1965, thay vì Binh Chủng Lực Lượng Đặc Biệt được quy tụ thành lập đại đơn vị cấp Sư Đoàn, chỉ vì một lý do chính trị “thầm kín” nào đó, Tổng Thống Thiệu ra lệnh cho huỷ bỏ kế hoạch “gom hết các lực lượng từ các Trại Lực lượng Đặc Biệt đang trú đóng ngay trong các “Mật Khu” của địch trong khắp 4 vùng Chiến Thuật của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, để được trang bị thành cấp Sư Đoàn. Không những kế hoạch thành lập Sư Đoàn Lực Lượng Đặc Biệt bị huỷ bỏ, mà ngay Binh Chủng Lực Lượng Đặc Biệt cũng bị “giải tán” luôn!” Ông từ trần tại Paris tháng 10 năm 2008.
- Cố Trung Tá Lê Minh Hồng, nguyên Liên Đoàn Trưởng LĐ 5/BĐQ,Từ trần tại Hoa Kỳ.
- Cố Trung Tá NGUYỄN VĂN HỮU, Phi ĐoànTrưởng Phi Đoàn 237 Chinook thuộc Không Đoàn 43 Sư Đoàn 3 Không Quân, tử trận cùng chung cả Phi Hành Đoàn. Chiếc Chinook do Ông điều khiển, hướng dẫn đoàn Chinook 4 chiếc vừa đáp xuống một bãi đáp khoảng 1 cây số Nam An Lộc, bị trúng một quả pháo 130 ly của Cộng quân, nổ tung vào ngày 12 tháng 04 năm 1972.
- Cố Trung Tá BÙI QUỐC TRỌNG, thuộc Phi Đoàn Tiếp Tế C.123, tử trận cùng chung phi vụ thả dù tiếp tế với Cố Đại Tá Nguyễn Thế Thân.
- Cố Trung Tá NGUYỄN VĂN NGÂN, thuộc Phi Đoàn tiếp tế C.119 tử trận trong phi vụ thả dù tiếp tế cho An Lộc vào ngày 14 tháng 04 năm 1972.
- Cố Trung Tá NGUYỄN VĂN MINH, phụ tá hành quân kiêm tiếp liệu Trung Đoàn 7 Sư Đoàn 5 BB VNCH, tử trận trên chiến tuyến phòng thủ vào tháng 5 năm 1972.
- Cố Thiếu Tá CAO HOÀNG TUẤN, Đại Đội Trưởng Đại Đội 64 Nhẩy Dù, tử trận tại Đồi Gió
- Cố Thiếu Tá NGUYỄN ÍCH ĐOÀN cựu Đại Đội Trưởng Đại Đội 1 Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù năm 1972, đến năm 1975 bị Cộng Sản bắt đi tù “cải tạo”. Với tánh tình cương trực bất khuất Ông bị sát hại ngay trong trại tù vào năm 1976.
- Cố Thiếu Tá TRẦN VĂN THỌ, cựu Sĩ Quan Hành Quân Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhãy Dù từ trần tại Hoa Kỳ.
- Cố Thiếu Tá LÝ NGỌC ÂN nguyên Chánh Văn phòng Tư Lệnh QĐ/3/ Qk III. Từ trần tại Hoa Kỳ
- Cố Đại Úy LÊ HOÀNG VÂN, Đại Đội Trưởng Đại Đội 83 Tiểu Đoàn 8 Dù tử trận vì trúng Pháo của Cộng quân khi trên đường di chuyển về phía Nam thành phố An Lộc.
- Cố Đại Úy NGUYỄN VĂN LỪNG, Đại Đội Trưởng Đại Đội Trinh Sát Sư Đoàn 21 Bộ Binh tử trận trong vùng chốt Bầu Bàng cạnh Quốc Lộ 13.
- Cố Đại Úy Úy VŨ VĂN ĐỊCH, Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 1 thuộc Trung Đoàn 31 Bộ Binh tử trận tại vùng Quận Chơn Thành, Tỉnh Bình Long.
- Cố Trung Úy QUÁCH THANH HẢI, Phi Đoàn C.119 tiếp tế thuộc Sư Đoàn 5 Không Quân Việt Nam Cộng Hoà, tử trận cùng chung phi cơ với cố Đại Tá Nguyễn Thế Thân, trong phi vụ thả dù tiếp tế ngày 14 tháng 04 năm 1972.
- Cố Trung Úy NGUYỄN QUANG KHÁNH, thuộc Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, tử trận trên chiến trường An Lộc năm 1972.
- Cố Trung Úy LÊ VĂN HÙNG, Chi Đoàn Trưởng Chi Đoàn 3 thuộc Thiết Đoàn 1 Kỵ Binh. Ông bị Cộng quân bắt làm tù binh, khi Chi Đoàn 3 được lệnh rút về tăng cường phòng thủ Quận Lộc Ninh vào đêm 05 tháng 04 năm 1972. Ông bị Cộng quân cầm tù và hành hạ cho đến chết trong tù giam của Cộng Sản.
- Cố Trung Úy TRẦN ĐẠI CHIẾN, Tiểu Đoàn 6, Lữ Đoàn 1 Nhẩy Dù, tử trận tại Đồi Gió mùa Hè Đỏ Lửa NĂM 1972.
- Cố Thiếu Úy PHÙNG VĂN PHÚC, Đại Đội 61 Tiểu Đoàn 6 thuộc Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù, tử trận trên chiến trường An Lộc năm 1972.
- Cố Thượng Sĩ Nhất NGUYỄN VĂN SONG, Thường Vụ Đại Đội 83 Tiểu Đoàn 8 thuộc Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù, tử trận trên chiến trường An Lộc năm 1972.
- Cố Trung Sĩ BÙI VĂN HÂN, Đại Đội 62 Tiểu Đoàn 6 Thuộc Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù, tử trận trên chiến trường An Lộc năn 1972.
- Cố Hạ Sĩ Nhất NGUYỄN VĂN BÁU, thuộc Tiểu Đoàn 52 Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân, bị tàn phế trong trận An Lộc (cụt hai chân), vì sống trong hoàn cảnh quá khổ cực trong mấy chục năm trường, vừa tự kết liễu đời mình tại Sài Gòn 2008.
- Cố Hạ Sĩ NGUYỄN ĐÌNH HUY, Đại Đội 62 Tiểu Đoàn 6 thuộc Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù, tử trận trên chiến trường An Lộc năm 1972.
- Chiến Hữu TRI BỬU HOÀ, Tiểu Đoàn 21 Công Binh Chiến Đấu thuộc Sư Đoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, từ trần tại Hoa Kỳ.
- Còn lại, khoảng 3,000 (ba nghin) các vị Anh Hùng Tử Sĩ vô danh các cấp mà chúng tôi không biết TÊN HỌ, và khoảng gần 6,000 thường dân vô tội, chúng tôi cũng không có được DANH TÁNH, cũng không có cách nào biết được, để ghi vào quyển sách này. Chúng tôi chỉ xin được thắp nến hương lòng để VINH DANH và TƯỞNG NHỚ, cầu nguyện Ơn Trên Trời Phật hãy giúp đưa Những Anh Linh đó sớm được về cõi Vĩnh Hằng.
Một bài thơ tựa đề “Tiếng khóc không Lời”, được trích trong Đặc San số IV của Biệt Cách Dù & Lực Lựợng Đặc Biệt, với chủ đề “Nhớ về đồng đội”, của Tác Giả Biệt Cách Dù Nguyễn Bá Hổ:
TIẾNG KHÓC KHÔNG LỜI
Hết nước mắt khóc thương người Biệt Kích
Họ vì ai chiến đấu âm thầm
Họ nằm gai nếm mật chốn rừng xanh
Hay len sống trong lòng hậu phương địch
Họ nào thua, vì quân địch có hơn gì
Lòng trung can nghĩa đảm đấng tu mi
Xứng tên gọi bậc nam nhi Đất Việt
Tôi thành khẩn với con tim thanh khiết
Đốt tâm hương kính biệt kẻ hy sinh
Hỡi anh hồn những chiến sĩ có linh
Hãy tiếp nhận mối thâm tình người vong quốc
Nước mắt cạn vào ngày nước mất
Vọng quê bằng tiếng khóc không lời
Kính ngưỡng
Nguyễn Bá Hổ. San Diego 2004
196/ 421
https://bachvietnhan.blogspot.com/2022/01/20220131-loc-chien-su-1972-phan-25.html
No comments:
Post a Comment