20240222 Cong Dong Tham Luan BPSOS
CEDAW: LHQ nghe NGO báo cáo về vấn đề quyền phụ nữ ở Việt Nam
Hải Di Nguyễn
Ngày 19/2/2024 vừa qua, Ủy ban Xóa bỏ Phân biệt Đối xử với Phụ nữ
của Liên Hiệp Quốc (Committee on the Elimination of Discrimination against
Women, viết tắt là CEDAW) đã có phiên họp với các tổ chức phi chính phủ về vấn
đề quyền phụ nữ ở Việt Nam.
Sau đây là tường thuật, với tư cách là một trong những người có mặt tại phiên họp.
Tác giả
bài viết (ngoài cùng bên phải) và cô Tanya Nguyễn-Đỗ (thứ 5 từ trái qua) với Ủy
ban CEDAW.
CEDAW là
gì?
Ủy ban
CEDAW là cơ quan gồm các chuyên gia độc lập giám sát việc thực hiện Công ước
Xóa bỏ Mọi Hình thức Phân biệt Đối xử với Phụ nữ (Convention on the Elimination
of All Forms of Discrimination against Women, cũng viết tắt là CEDAW).
Theo trang web của Văn phòng Cao ủy Nhân
quyền, CEDAW là hiệp ước nhân quyền quan trọng nhất cho phụ nữ, được
LHQ thông qua năm 1979.
Việt Nam
ký năm 1980.
Phát biểu của các tổ chức phi chính phủ
Từ trái qua: cô Putheany Kim (KKF) và cô Tanya Nguyễn-Đỗ (Thân hữu
của Thiền Am).
Tại phiên họp lần này có bốn người phát biểu về tình trạng quyền
phụ nữ ở Việt Nam.
Đại diện cho BPSOS
và CAMSA (Abolish Modern-day Slavery in Asia, tức Liên minh Bài trừ Nô lệ Mới ở
Á châu, do BPSOS thành lập), anh Percy Nguyễn trình bày về hai chủ đề: nạn buôn
người (trường hợp chị Huỳnh Thị Gấm), và đàn áp tôn giáo, từ việc cưỡng ép bỏ
đạo với các phụ nữ người Thượng và người H’mông (như ba chị em Lầu Y Tòng) đến
những hành vi bạo lực với các nữ tu sĩ thuộc nhóm tôn giáo độc lập, không chịu
sự quản lý của nhà nước (như Chánh trị sự Nguyễn Xuân Mai, đạo Cao Đài 1926).
Anh Percy Nguyễn
cũng nêu lên những vấn đề này trong phiên họp tiền Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát
(Universal Periodic Review) tuần trước.
Cô Tanya Nguyễn-Đỗ
phát biểu về cách nhà nước Việt Nam tấn công, làm nhục các nữ tu ở Thiền Am Bên
Bờ Vũ Trụ bằng cách cưỡng ép kiểm tra DNA và “kiểm tra trinh tiết”.
Cô Putheany Kim,
đại diện cho Khmers Kampuchea-Krom Federation, lên tiếng về tình trạng phụ nữ
Khmer Krom ở Việt Nam, bị phân biệt qua ba khía cạnh khác nhau—vì giới tính, vì
là người bản địa, và vì tình trạng kinh tế. Cô Putheany Kim 23 tuổi và trong tháng
11/2023 vừa qua, cũng đã có mặt ở LHQ để phát biểu và tham dự phiên rà soát nhà
nước Việt Nam về vấn đề phân biệt chủng tộc.
Tôi nhắc đến một
chủ đề nằm ngoài các bản báo cáo: tình trạng tù nhân lương tâm nữ (trường hợp
bà Cấn Thị Thêu) và gia đình các tù nhân lương tâm (trường hợp Trần Phương
Thảo, vợ luật gia và nhà hoạt động môi trường Đặng Đình Bách), để nhấn mạnh là
khi một người bị bắt ở Việt Nam, không chỉ họ mà gia đình họ cũng bị đàn áp.
Khi được hỏi thêm
sau đó về tình trạng nhà tù ở Việt Nam, ngoài trường hợp ông Đặng Đình Bách,
tôi cũng nhắc tới trường hợp tù nhân lương tâm Nguyễn Thúy Hạnh, bị ung thư cổ
tử cung giai đoạn hai nhưng chưa được điều trị.
Phản ứng của CEDAW
Một điểm đáng chú
ý là phiên họp CEDAW ngày 19/2/2024 được dành cho Nepal và Việt Nam nhưng
Nepal, dù cũng có vài tổ chức phi chính phủ phát biểu, chỉ nhận được một câu
hỏi trong khi phía Việt Nam lại nhận được trên một chục câu hỏi và chiếm phần
lớn thời gian.
(Một trong những
người đại diện cho Nepal thậm chí sau đó còn nói là ghen tị vì Việt Nam được
nhiều câu hỏi hơn hẳn Nepal).
Ủy ban CEDAW hỏi
National Development Plan có bất kỳ biện pháp nào để bảo vệ phụ nữ phải di dời
khi diễn ra thu hồi đất không; tình trạng nhà tù ở Việt Nam như thế nào; phụ nữ
có được hưởng lợi kinh tế từ du lịch ở các vùng nông thôn không; phụ nữ bản địa
và các sắc tộc thiểu số theo đạo Tin lành bị đe dọa tách khỏi con cái để cưỡng
ép bỏ đạo, còn nam giới thì thế nào; mục tiêu phát triển bền vững ảnh hưởng đến
phụ nữ Khmer Krom như thế nào; thành lập tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam có dễ
không; Việt Nam có cơ quan nhân quyền không và có quan hệ như thế nào với các
tổ chức XHDS; tại sao Việt Nam và Philippines đều có xuất khẩu lao động nhưng
có sự khác biệt, tại sao nói Việt Nam không quan tâm đến người lao động bị bóc
lột ở nước ngoài; Việt Nam có hội đoàn cho phụ nữ không; các tổ chức phi chính
phủ khuyến nghị Ủy ban CEDAW phải làm gì, v.v.
Khi trả lời câu
hỏi từ Ủy ban, những người đại diện các tổ chức XHDS cũng kể đến nhiều trường
hợp khác. Chẳng hạn, anh Percy Nguyễn nhắc đến em H Xuân Siu, bị làm giả giấy
tờ để đi lao động ở Ả Rập Xê Út khi mới 15 tuổi và chết ở xứ người năm 2021, ở
tuổi 17.
Ủy ban CEDAW cũng
có một số câu hỏi chất vấn. Ví dụ, họ nói người Việt Nam sang nước ngoài làm
việc rồi bị bóc lột, thế thì phải là những quốc gia đó thừa nhận họ là nạn nhân
buôn người, tại sao phải là Việt Nam.
Tôi giải thích
bằng vài ví dụ người lao động Việt Nam bị các công ty môi giới lừa về điều kiện
việc làm ở nước ngoài, sau đó bị hành hạ, bóc lột; than phiền công ty không
được, cầu cứu sứ quán không xong; phải trả số tiền khổng lồ để hồi hương; tới
khi về nhà, muốn lên tiếng tìm công lý và kiện các công ty môi giới lại bị
chính công an sách nhiễu, trong khi họ lẽ ra phải được công nhận là nạn nhân
buôn người.
Chuyện
gì tiếp theo?
Ủy ban
CEDAW đã nhận được báo cáo từ nhà nước Việt Nam và báo cáo từ các tổ chức XHDS,
và vừa rồi cũng có thêm phiên họp với các tổ chức XHDS, từ đó có thể thành lập
danh sách các vấn đề liên quan đến quyền phụ nữ ở Việt Nam.
Sau đó,
nhà nước Việt Nam sẽ phải trả lời chất vấn của Ủy ban CEDAW. Ngày giờ phiên rà
soát sẽ được cập nhật sau.
Các báo
cáo của XHDS đã nộp cho Ủy ban CEDAW nằm ở đây (CEDAW, IX).
Ngoài
ra, BPSOS có nộp thêm hai bản báo cáo khác nhưng không được đưa vào trang web
của Ủy ban Nhân quyền vì có nêu tên nạn nhân và thủ phạm:
·
Bản báo cáo chung với các tổ chức Liên hiệp Chư Môn đệ Cao
Đài, Vận động cho Niềm tin và Công lý tại Việt Nam, Thân hữu của Thiền Am, và
CAMSA: ở đây
·
Bản báo cáo chung với tổ chức Người Thượng vì Công
lý: ở đây
Bài liên quan:
CEDAW: Việt Nam che đậy nạn buôn
người và bạo lực với phụ nữ
No comments:
Post a Comment