Tuesday, April 28, 2020

20200429 'Làm gì viết gì cũng phải nghĩ đến miền Nam'


Tue, Apr 28 at 11:51 AM

30/04: Trí thức HN nói 'Làm gì viết gì cũng phải nghĩ đến miền Nam'
BBC News Tiếng Việt giới thiệu bài đã đăng trên trang cá nhân của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn nghĩ về vai trò của nền văn hóa miền Nam trước 1975 nhân dịp 45 năm ngày chấm dứt Cuộc Chiến Việt Nam: 
20200429 NDMN 01
Một hiệu sách ở Sài Gòn thời trước 1975
Trên đường tìm hiểu và nghiên cứu văn học, tôi có chú ý tìm hiểu thêm tới các ngành khác như văn hóa giáo dục, nhất là tìm cách bao quát được những vấn đề lớn của nền giáo dục ở ta sau 1945, vì nó liên quan tới cả hiện tại lẫn tương lai.
Lúc đầu tôi chỉ lấy kinh nghiệm bản thân và những quan sát trước mắt ra để viết. Sau khôn hơn một chút, đi tìm tài liệu của những người khác đã viết. Nhưng các loại tài liệu này ở Hà Nội thường quá hiếm.
Giáo dục ở ta từ sau 1945 thường mải làm hơn là lo nghĩ làm như thế nào. Chẳng tự mình ngồi tổng kết mà cũng chẳng cần dịch sách vở nước ngoài.
Trong thế bí, tôi tìm vào kho sách viết về giáo dục đã được xuất bản in ở miền Nam.
Tôi mải mê đọc và đã tìm thấy ở đó cái phần tự ý thức của một nền giáo dục, nó là một điểm đối chiếu rất cần thiết để tôi suy nghĩ lại về giáo dục miền Bắc.
Không hiểu nghe tôi nói thế nào mà anh bạn Nguyễn Bá Dũng liền mách tập san “Nghiên cứu và phát triển” ở Huế đặt tôi một bài viết so sánh nền giáo dục của hai miền.
Tôi suy nghĩ một hồi rồi đặt cho mình một hướng cụ thể là viết về giáo dục miền Bắc là chính – vì tôi có kinh nghiệm gì về giáo dục miền Nam đâu - nhưng cái phần miền Bắc ấy sẽ được soi sáng bởi những tài liệu lý luận về giáo dục ở miền Nam, trong đó những lý luận và kinh nghiệm về giáo dục của phương Tây đã được tiêu hóa nhuần nhị.
Bài viết "Mấy cảm nhận về sự khác biệt giữa giáo dục miền Nam và giáo dục miền Bắc" (2014) của tôi được các đồng nghiệp ở cả ngành giáo dục và nói chung là nhiều bạn trí thức miền Nam trước đây nay sống ở hải ngoại ghi nhận.
Với bản thân mình, tôi cũng thấy đây là một trong những bài viết khá nhất trong hơn 50 năm làm nghề của tôi.
Tôi tự nhủ coi như một thứ rất đáng rút kinh nghiệm.
Hóa ra ở Việt Nam hiện nay, với lớp người chỉ được đào tạo và làm việc gói gọn lại ở sách vở trong nước, ngoại ngữ có biết lõm bõm thì cũng chỉ biết tới tiếng Nga - ở đó việc nghiên cứu về văn hóa giáo dục cũng hết sức lạc hậu - rồi đến hậu chiến học tiếng Anh và đọc các tài liệu phương Tây không kịp, thì tốt nhất là nên dựa vào cái phần lý luận và những tinh hoa trong thực hành của văn hóa giáo dục miền Nam.
Miền Nam đã tiếp cận Văn hóa và Giáo dục thế giới trước
Thực ra thì công việc tham khảo các tài liệu miền Nam xuất bản trước 1975 ở Sài Gòn đã được tôi theo đuổi ngay từ hồi trước năm 75, khi tôi ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội và còn tiếp tục một phần từ sau 1975 khi làm xuất bản ở Hội nhà văn.
Getty Images
Nhưng hồi ấy, tôi chỉ mới chỉ bó gọn trong phạm vi báo chí và xuất bản văn học.
Và cũng chỉ biết học ở một số luận điểm cụ thể, kiến thức cụ thể chứ về căn bản chưa biết đánh giá sự khác biệt giữa văn hóa miền Nam và văn hóa miền Bắc theo nghĩa rộng.
Tôi cũng chưa hề biết tới cái phương hướng chính của văn hóa miền Nam khi tiếp cận với văn hóa và giáo dục thế giới:
Trong khi ở miền Bắc, chúng ta hiểu văn hóa giáo dục chỉ là co gọn lại trong phạm vi lãnh thổ và những tài liệu hết sức ít ỏi và cổ lỗ viết bằng tiếng Việt thì ở miền Nam, các đồng nghiệp của chúng tôi đã luôn luôn hướng về thế giới để tiếp nhận một cách nhìn một sự soi sáng, rồi từ đó tự mình mầy mò nghiên cứu và áp dụng vào hoàn cảnh Việt Nam.
Mà làm như thế chính là phương cách tốt nhất để phát triển văn hóa giáo dục dân tộc.
Công việc đã được bắt đầu từ lớp trí thức trước 1945 – thời của các ông Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn, Vũ Văn Hiền… - nay được tiếp tục trên một quy mô lớn và nhất là rất cập nhật với tình hình phát triển của phương Tây.
Ví dụ như trong giáo dục đại học, người ta đã chuyển rất nhanh từ mô hình Pháp có nhiều nét cổ điển sang mô hình Anh Mỹ có nhiều nét thực dụng theo nghĩa tốt đẹp nhất của từ này.
Tôi không được biết ở các nước Đông Nam Á gần ta ví dụ như Indonesia, Myanmar Thái Lan… sau giai đoạn thuộc địa người ta đã làm văn hóa ra làm sao, nhưng tôi đoán rằng con đường mà sự phát triển văn hóa giáo dục ở miền Nam trước 1975 đại khái cũng phù hợp với xu thế chung của các nước sau khi thoát khỏi thời thực dân.
Và đó là con đường tương đối hợp lý, chứ không phải là cái lối đành hanh tự mình biết mình, học lỏm được cái gì thì kêu ầm lên là độc lập sáng tạo và trong thực tế là lặp lại cái hướng đi của văn hóa giáo dục thời tiền hiện đại.
Nghiên cứu khoa học xã hội miền Nam đã rất cơ bản
Bên cạnh những nghiên cứu về văn hóa giáo dục ở miền Nam trước đây đi theo những bước rất cơ bản như thế, giới nghiên cứu khoa học xã hội ở miền Nam cũng dành một sự ưu tiên xứng đáng cho việc nghiên cứu tình hình đất nước sau chiến tranh nói chung và đó là một đóng góp lớn đối với công cuộc tái thiết thời hậu chiến.
Phần đóng góp này thời gian vừa rồi chúng ta không nhận ra và chỉ áp dụng lặt vặt thì nay đã đến lúc phải công nhận cả phương hướng và quy mô của nó một cách đầy đủ.
Không chỉ bó hẹp trong phạm vi những người viết văn viết báo mà ngay từ trước 75, rồi tiếp tục là sau 75, tôi cũng đã có dịp làm quen sơ sơ với một số các trí thức thời ấy, như các anh Phong Hiền, Nguyễn Hồng Phong, Hà Văn Tấn…, để rồi thấy rằng cũng như văn nghệ, khoa học xã hội ở Hà Nội trong thời gian 1965 – 1986 thì căn bản là để minh họa cho các chủ thuyết về chính trị.
Về căn bản lúc ấy với sức lực còn khá non yếu, chúng ta cứ phải gồng mình lên cho chiến tranh, một sự gồng lên quá sức đến mức làm xiêu vẹo cả con người.
Chúng ta thường tự lừa mình là sau chiến tranh sẽ tự nhiên là có tất cả chứ không phải bắt tay lại từ đầu.
Chúng ta không hiểu rằng con người trong xã hội này đã bị chiến tranh bòn rút hết sức lực, gần như đã bị biến dạng, nên rất khó trở lại bình thường.
Như thế thì làm sao chuẩn bị cho hậu chiến được.
Trong khi ấy thì ở miền Nam, các nhà trí thức làm việc chủ yếu không phải phục vụ cho chiến tranh trước mắt mà là phục vụ cho một nước Việt Nam tái thiết thời hậu chiến.
Họ đã đặt chân lên con đường đúng và những bước đi của họ đã khá rộng dài khá chắc chắn cho đến hiện nay chúng ta cũng chưa theo kịp.
Không chỉ văn, sử và giáo dục, miền Nam còn đã đi trước về luật
Ngoài văn chương và giáo dục, rồi phần nào đó là sử học, có một ngành tri thức cơ bản ở miền Nam cũ đã khá phát triển đó là ngành luật. 
20200429 NDMN 02
Ngành luật ở miền Nam trước 1975 đã khá phát triển, trong lúc ngành luật ở miền Bắc khi đó vẫn còn bị xếp xó, theo ông Vương Trí Nhàn
Ngay từ hồi kháng chiến chống Pháp, ngành luật của miền Bắc đã bị xếp xó, chúng ta sống theo quy luật của một trại lính chứ không phải một xã hội dân sự, lẽ tự nhiên là từ sau 1975, khi quản lý cả đất nước, lúc phải lo làm ăn kinh tế để phát triển và cần phải tiếp xúc với thế giới hiện đại, chúng ta lúng ta lúng túng.
Sự trợ giúp của ngành luật ở miền Nam trước 1975 không chỉ có ý nghĩa cụ thể trong các công việc làm ăn buôn bán và giao dịch dân sự- và đặc biệt là việc đào tạo thế hệ kế cận - mà còn có ý nghĩa cơ bản là giúp chúng ta dần dần làm quen với một thế giới có luật pháp tức là hội nhập với thế giới theo ý nghĩa văn minh nhất của nó.
Ở lĩnh vực này kiến thức của tôi quá kém nên chỉ cảm thấy như thế mà không dám nói gì thêm.
Còn học được từ miền Nam nhiều để xây dựng tương lai.
Giờ đây, mỗi khi nhìn lại đời sống ở hậu chiến từ sau 1975, người ta thường chỉ chú ý tới những bước gọi là Đổi mới từ sau 1986 mà quên đi một giai đoạn hết sức đen tối mười năm trước đó, khi một xã hội quân sự, xã hội chiến tranh gần như rã ra trong cái tình thế đói kém không biết lấy gì để tồn tại trước mắt, mà cũng không biết làm sao để quan hệ với thế giới để phát triển lâu dài.
Trong tình thế đó, các nhà lãnh đạo kiệt xuất như Võ Văn Kiệt đã làm một công việc cứu nguy ngoạn mục là sử dụng lại lớp trí thức được đào tạo trước 1975 ở Sài Gòn, cũng như nói chung là sử dụng cái nội lực mà miền Nam đã tích lũy được trong chiến tranh để mở ra một con đường thoát, trước tiên là tạo điều kiện cho một sự tồn tại để rồi sẽ chuyển đổi sang một giai đoạn mới.
Đóng góp của lớp trí thức miền Nam trước 75 thời kỳ này từng được một số nhà văn nhà báo chúng ta ghi nhận, trước tiên là trong các tài liệu của các nhà báo như Huy Đức, tiếc rằng chúng chưa được khai thác rộng rãi và đưa lên thành những bài học cơ bản.
Trong thời gian gần đây, ở vào tâm thế của một lớp người miền Bắc đào tạo trong chiến tranh và nay đã hết thời, tôi đặc biệt thú vị khi quan sát thấy có một số bạn trẻ bao gồm cả những người sinh sau 1975, được hoàn toàn giáo dục ở “nhà trường xã hội chủ nghĩa” nhưng lại có sự tìm tòi phương hướng làm việc, phương hướng trưởng thành rất có hiệu quả và đã có những đóng góp cơ bản cho nền văn hóa mới.
Đó những Nguyễn Ngọc Tư trong sáng tác văn học Trần Đức Anh Sơn trong lịch sử, Lê Nguyễn trong dịch thuật sử học... và nhiều những tên tuổi khác ở nhiều khu vực khác mà tôi không biết.
Lấy một ví dụ vài ba năm gần đây, qua mạng xã hội tôi có được làm quen với một bạn viết sử là Lê Tư.
Anh thiên về nghiên cứu sử Việt thời kỳ từ nhà Trân tới đầu nhà Lê là một mảng sử chúng ta tưởng ổn rồi nhưng thật ra ở đó chứa nhiều vấn đề rất cơ bản.
Nhờ có một quan niệm về lịch sử rất mới mẻ lại thông thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Hán cổ và đã đọc trực tiếp các tài liệu viết về lịch sử Việt Nam trong kho lịch sử của Trung Hoa cũ, anh đưa ra những bằng chứng mà tôi thấy hết sức thuyết phục về xã hội Việt Nam thời bắt đầu hình thành như một quốc gia.
Anh nói đến Trần Nguyên Đán trong vai trò phê phán cách quản lý xã hội theo con đường bạo lực mà cho rằng phải tìm tới phương thức văn trị thì mới xây dựng được một quốc gia bền vững lâu dài, một vấn đề mà đến thế kỷ XXI này chúng ta vẫn cứ lầm lẫn.
Anh nói tới con đường đi đến cứu nước rất hiện đại của Nguyễn Trãi, khi ông cùng với cha lo học hỏi kẻ thù văn minh hơn thậm chí có những năm tháng phải cộng tác với kẻ thù nữa để mong có ngày giúp cho các thế lực bản địa dành lại đất nước yêu dấu.
Về tình hình dân chúng đương thời có lúc anh đã dẫn ra cái câu thơ “Kinh lộ đa tùng tặc dĩ phản” (Người kinh lộ đa số làm phản để theo giặc) để phác họa sự chông chênh của một khái niệm rất phức tạp như khái niệm nhân dân trong lịch sử nhất là những giai đoạn giao thời.
Thoạt đầu tôi cứ tưởng Lê Tư là một nhà Hán học cổ nay sống ở Pháp hay Mỹ, gần đây mới biết là anh thuộc lớp trẻ, sau khi tham gia chiến tranh ở mặt trận Tây Nam, đã trở về như một thương binh, và chỉ làm công tác nghiên cứu lịch sử như một việc làm thêm.
Khi giải thích với tôi về công việc của mình, anh cho biết là sở dĩ làm được nhiều việc vậy là do nhận được sự giáo dục của gia đình và nói chung là của tài liệu sách báo và cả không khí học thuật miền Nam trước đây.
Bây giờ đây khi nói rằng trong 20 năm ấy giới trí thức miền Nam trước 1975 đã có những bước chuẩn bị cơ bản cho sự phát triển tương lai, bao giờ tôi cũng nghĩ tới các bạn trẻ như mấy người mà tôi tạm kể trên.
Và nhìn chung tôi cho rằng không chỉ những người làm nghề chúng tôi từ nay về sau khi làm gì viết gì cũng bắt buộc mình phải tìm những tài liệu tương ứng các đồng nghiệp miền Nam đã viết.
Mà mở rộng ra, trên đường dài dằng dặc gọi là hậu chiến rồi đây, xã hội ta có làm gì phát triển gì thì cũng phải tính tới miên Nam.
Bài đã đăng trên trang Facebook của ông Vương Trí Nhàn. Các tựa nhỏ trong bài do Diễn đàn BBC News Tiếng Việt sắp xếp. Mời quý vị tiếp tục chia sẻ cảm nghĩ, đánh giá về các sự kiện liên quan đến cuộc chiến kết thúc 45 năm trước ở Nam Việt Nam.

No comments:

Post a Comment