20190907 Tim Mộ Cha Tai Komtum
*** Dựa vào tài liệu trên Facebook nầy, chúng
tôi xin bổ túc thêm một số hình ảnh từ bản đồ hành quân ngày trước
thêm vào hình không ảnh từ Google Earth có cả tọa độ để mọi người
có thể dể dàng tìm những khu vực nầy hơn. Trong khu vực nầy có 3 căn
cứ quân sự do Hoa Kỳ thành lập khi Hoa Kỳ rút đi đã bỏ hoang nhưng sau
nầy đã được Sư đoàn 23 tái sử dụng. Dựa theo thế chân vạc của 3 căn
cứ nầy mà chúng tôi đánh theo số thứ tự: Tiền đồn 3, Tiền đồn 4 và
Tiển đồn 5 (căn cứ nầy coi như là chính thức theo tài liệu trên
Facebook). Riêng quốc lộ 24 bây giờ trước kia nó là Liên Tỉnh Lộ 5B
(LTL-5B).
01 02
03
***
Có thể quý bà con cũng sẽ như tui mà vừa đọc, vừa khóc 😥
♡♢♧♤♡♢♧♤♡♢♧♤♡♢♧♤♡♢♧♤
♡♢♧♤♡♢♧♤♡♢♧♤♡♢♧♤♡♢♧♤
NHỜ ĐỒNG ĐỘI CHA TẠI
MỸ, CON TRAI Ở VIỆT NAM TÌM ĐƯỢC NƠI CHA MẤT 45 NĂM TRƯỚC
-Ngọc Lan, báo Người
Việt-
September 5, 2019
WESTMINSTER, California
(NV) – Không ít người Việt trong và ngoài nước biết đến thầy giáo-nghệ sĩ
khuyết tật nhưng đa tài Nguyễn Thế Vinh. Bị mất cánh tay phải nhưng anh lại là
người có thể vừa đánh đàn guitar vừa thổi harmonica rất giỏi. Không chỉ vậy,
anh còn mở ngôi trường mang tên Hướng Dương nuôi dạy hơn 100 trẻ mồ côi khuyết
tật ở Bến Cát, Bình Dương.
Tuy nhiên, câu chuyện
Nguyễn Thế Vinh vừa tìm được nơi cha anh ngã xuống vào năm 1974 ở Kon Tum trong
một trận pháo kích, nhờ sự giúp đỡ từ những đồng đội cũ của cha anh đang sống ở
Mỹ, hoàn tất ước mơ suốt mấy mươi năm qua của anh và gia đình, thì có lẽ chưa
mấy người biết.
Khắc khoải tìm cha vì
lẽ “sống có nhà, chết có mồ”
“Ba mất khoảng Tháng
Bảy, 1974, khi tôi được 4 tuổi,” anh Vinh bắt đầu câu chuyện nhân dịp ghé đến
tòa soạn nhật báo Người Việt chuẩn bị cho đêm nhạc “Góp Lá Mùa Xuân” diễn ra
hồi cuối Tháng Tám vừa rồi.
Những gì anh được biết
về cha anh là “Ba tên Nguyễn Xuân Quang, trước đây thuộc Tiểu Đoàn 1, Trung
Đoàn 44, Sư Đoàn 23. Cho đến khi mất ba tôi là thiếu úy đại đội trưởng Đại Đội
2. Ba mất khoảng Tháng Bảy, 1974, ở Kon Tum. Lúc đó gia đình tôi ở Sông Mao,
Bình Thuận, nơi hậu cứ của Trung Đoàn 44, Sư Đoàn 23.”
Theo lời Vinh, dù đã có
“giấy báo tử” gửi về nhà (thực ra sau này anh mới biết đó là “Tờ Trình Ủy Khúc”
dành cho người mất tích hoặc người chết chưa tìm thấy xác) nhưng má anh vẫn cứ
đi tìm cha anh, “nghe ở trại cải tạo nào có tên ai giống ba là má tôi lại đến
tìm xem có phải ba tôi không.”
Lý do gia đình anh vẫn
hy vọng cha anh còn sống là bởi “trước năm 1972, ba tôi từng mất tích một lần,
nhà cũng nhận được giấy báo, và má tôi đã lập bàn thờ. Nhưng thực tế khi đó ba
tôi chỉ bị bắt làm tù binh. Đến khi Mỹ và quân đội VNCH hành quân vào khu vực
ba tôi bị giam, thì do ba là một trong số những người bị thương rất nặng nên
phía bên kia không giải đi theo mà bỏ nằm lại, nên ba tôi mới được cứu đưa về
chữa trị ở bệnh viện Quảng Ngãi. Sau khi hồi phục, ba lại tiếp tục ra trận.”
“Chính vì thế mà khi
nhận được ‘giấy báo tử,’ má tôi vẫn cứ đi tìm kiếm ba là như vậy,” anh kể.
Tuy nhiên công cuộc tìm
kiếm tông tích cha anh bị dừng lại vào năm 1977, bởi “má tôi bị bệnh mất vào
năm đó.”
Bốn anh em Vinh tiếp
tục sống trong sự bảo bọc của ông bà ngoại và các cậu dì.
Hai năm sau, khi được 9
tuổi, trong một lần đi chăn bò sau giờ học cho hợp tác xã để phụ giúp ông bà,
Vinh bị té gãy tay phải. Không tiền bạc, không thuốc men chữa trị. Tay Vinh bị
hoại tử phải cắt bỏ.
Dù vậy, cậu bé mồ côi
cả cha lẫn mẹ, nhưng với sự đùm bọc của gia đình ngoại, dẫu trong khó khăn,
nghèo khổ, vẫn tiếp tục đến trường, vừa học chữ, vừa mày mò tự học đàn bằng một
bàn tay vừa bấm vừa khảy.
Năm 1989, anh trai của
Vinh cũng qua đời. Vinh trở thành người con trai lớn, gánh vác chuyện nuôi em
lẫn chuyện học hành.
Năm 1994, anh tốt
nghiệp Đại Học Kinh Tế ở Sài Gòn. Và cũng từ đó ý định đi tìm cha lại thôi thúc
trong anh.
“Tôi luôn cảm thấy tội
nghiệp ba. Người ta nói sống có cái nhà, mất có cái mồ để nhang khói, mà ba tôi
thì không biết mất nơi nào nên tôi cứ muốn đi tìm. Hơn nữa, lúc đó gia đình
không có hy vọng là ba tôi còn sống nữa, vì lâu quá rồi, những người đi tù cải
tạo cuối cùng cũng đã về hết rồi, nên phải tin chắc rằng ba tôi đã chết,” người
con trai mồ côi nói.
Tìm cha trong… vô vọng
“Nếu như còn tờ ‘giấy
báo tử’ thì mọi chuyện dễ dàng hơn, nhưng khi tôi lớn lên, muốn đi tìm ba thì
tờ giấy đó đã bị mất, nên không còn tung tích gì để tìm, chỉ nhớ được vài chi
tiết như đã kể ở trên,” anh tiếp tục câu chuyện.
Dù mong manh hy vọng,
nhưng Vinh vẫn cứ “có dịp đi tới đâu tôi cũng hỏi thăm xem có ai từng tham gia
trong quân đội VNCH, thuộc Tiểu Đoàn 1, Trung Đoàn 44, Sư Đoàn 23 ngày trước
không, để hỏi thăm tin tức của ba.”
Nhưng.
Mấy chục năm rồi Vinh
vẫn không nhận được câu trả lời.
Anh nhờ cả những “nhà
ngoại cảm” để tìm xem cha mình đang nằm ở đâu. “Họ cũng chỉ ở khu vực này khu
vực kia, nhưng khi đến nơi thì không biết nơi nào để tìm, nên cũng coi như vô
vọng,” anh cho biết.
Tuy nhiên, như kinh
nghiệm ông bà xưa từng nói “kẻ có lòng thì trời không phụ.”
Vinh kể, “Tình cờ hồi
Tháng Bảy, 2019 vừa rồi, tôi qua Úc trình diễn. Hôm 12 Tháng Bảy khi đến
Sydney, gặp được nhiều người bạn ở đó, tôi lại mang câu chuyện này ra hỏi. May
mắn sao lúc đó có anh Luật Sư Thuần Nguyễn. Anh Thuần điện thoại gọi ngay cho
chú Phạm Tín An Ninh ở Mỹ, vì theo lời anh Thuần thì chú Ninh là người ở Trung
Đoàn 44 ngày trước.”
Liên lạc với đồng đội
cũ của cha
Ông Phạm Tín An Ninh là
một tên tuổi khá quen thuộc với cộng đồng người Việt tại Mỹ, vì ông không chỉ
là một cựu sĩ quan VNCH, mà còn là một nhà văn được biết nhiều đến qua các tác
phẩm “Ở Cuối Hai Con Đường,” “Người Con Gái Phú Hòa,” “Thằng Bé Đánh Giày Người
Nghĩa Lộ”….
Tuy nhiên, trong cuộc
gọi đó, Luật Sư Thuần đã không gặp được ông Ninh. Thế là ông Thuần email giới
thiệu Vinh với ông Phạm Tín An Ninh.
Như có một sợi dây tình
cảm đặc biệt nào đó giữa những quân nhân xưa, nay, nghe con trai của đồng đội
cũ hỏi thăm về cái chết của cha họ, ông Ninh đã nhanh chóng liên lạc với những
người bạn cũ, và rất nhanh sau đó, ông đã có thể gửi cho anh Vinh một email khá
chi tiết về những gì anh Vinh cần tìm.
“Hai hôm nay, chú đã
liên lạc với chú Sơn và vài người khác, đã tham dự các trận chiến trong cùng
thời gian, cùng và chung quanh địa điểm mà ba cháu đã hy sinh, đặc biệt trong
số này có người từng sinh ra, lớn lên và đi lính tại Tiểu Khu Kon Tum.
Đến hôm nay chú và chú
Sơn đã có được một số chi tiết tương đối chính xác về trường hợp hy sinh của ba
cháu.
Ba cháu hy sinh tại
Tiền Đồn 5 (khác với Căn Cứ 5). Tiền đồn này nằm trên con đường từ Kon Tum đi
Quảng Ngãi (lúc ấy bỏ hoang, không sử dụng từ lâu vì chiến tranh), bây giờ là Quốc
Lộ 24.
Tiền Đồn 5 này nằm cách
Thị Xã Kon Tum khoảng 15 km, gần khu vực Kon Xom Luh, giữa 2 địa danh có tên
Kon Cha Re và Kon Se Tieu (không tìm thấy tên trên bản đố này, có lẽ vì hai địa
danh quá nhỏ).
Đặc biệt, tại Kon Xom
Luh hiện có nhà thờ Kon Xom Luh.
Nếu có dịp đến Kon Tum,
cháu tìm đến nhà thờ này hỏi thăm các vị linh mục, nhờ quí ngài chỉ giúp, hay
hỏi thăm người dân địa phương (lớn tuổi) Kon Cha Re và Kon Se Tieu nằm ở đâu.
Riêng ngày mất của ba
cháu, chú nghĩ trong khoảng 15 đến 30 Tháng Sáu, 1974, nhưng chú Sơn đang tìm
hiểu từ những bạn bè có tham dự trận đánh ấy, để cho cháu một ngày chính xác
hơn.
Tiếc quá, nếu cháu còn
giữ ‘giấy báo tử’ (lúc ấy được gọi là Tờ Trình Ủy Khúc, dành cho người mất
tích. Lính mất không tìm thấy xác thì không đều gọi là mất tích), thì trong đó
có ghi rõ ngày giờ và đặc biệt là tọa độ (địa điểm chính xác nhất) nơi ba cháu
hy sinh.
Thời gian đã quá lâu,
mọi sự đã thay đổi, các dấu tích chiến tranh và cả xương thịt những người lính
hy sinh, chắc cũng không còn. Tuy nhiên tất cả đều để lại trong lòng những
người còn sống như các chú và nhất là cháu, những vết thương khó lành cùng với
một nỗi hoài niệm khó nguôi.
Các chú xin được thành
tâm chia sẻ về sự mất mát và nỗi buồn lớn lao này của cháu và cầu nguyện ơn
Trên che chở và giúp cháu tìm lại được những điều mà cháu từng mong ước…”
Đi tìm nơi cha ngã
xuống từ 45 năm trước
Anh Vinh kể, “Khi có
được thông tin của chú Phạm Tín An Ninh gửi, sau chuyến biểu diễn, trở về Việt
Nam, tôi đi ngay đến nơi các chú hướng dẫn. Tuy nhiên, địa danh mà các chú nhớ
hoàn toàn khác tên hiện tại. Những bản đồ quân sự ngày trước cũng không thể
hiện rõ Tiền Đồn 5 là nằm ở ngọn đồi nào, đánh mã số mấy tôi cũng không thấy
được.”
Tuy nhiên, như Vinh
nói, “May mắn là tôi tìm gặp được một chú lính địa phương quân ngày xưa, người
dân tộc. Chú này chỉ vị trí Tiền Đồn 5 là ở đâu. Lúc đó tôi mừng lắm, vì chú
nói rất tự tin là hồi trước chú cũng đóng quân ở khu vực này nên chú biết rõ.”
Anh cho biết khi đến
được chân núi của Tiền Đồn 5 là 11 giờ trưa ngày 28 Tháng Bảy, 2019. “Lúc đó
trời muốn mưa và mây phủ kín hết ngọn đồi của Tiền Đồn 5. Những ngọn đồi thấp
hơn thì mình còn thấy thấp thoáng. Người dân nơi đó khuyên tôi không nên lên vì
đường khó đi, nhưng tôi lại cảm thấy muốn đi liền ngay lúc đó,” đứa con đi tìm
cha nhớ lại.
Với sự giúp đỡ của
người dân, hai thanh niên địa phương dùng hai chiếc xe gắn máy mà bánh xe phải
ràng dây xích, một chiếc chở anh Vinh, một chiếc chở đồ ăn, thức uống, hoa quả,
bắt đầu leo đồi.
“Sau một tiếng leo đồi
bằng xe Honda qua nhiều đồi khác nhau, khi đến chân đồi của Tiền Đồn 5 thì
không còn đường để xe gắn máy chạy nữa, nên chúng tôi bắt đầu đi bộ, vừa đi vừa
phải dùng rựa chặt cây mở đường,” Vinh tiếp tục kể.
Sau 30 phút vừa đi vừa
mở đường, Vinh đến được đỉnh đồi của Tiền Đồn 5.
Những bao cát làm chiến
hào bị rách nát. Những đế giày bốt-đờ-sô vương vãi. Những cục pin dẹp nằm chỏng
chơ. Những cọng kẽm gai phần chôn dưới đất, phần ló lên mặt đất… Là những gì
Vinh nhìn thấy trên khoảng đồi trống của Tiền Đồn 5. Dấu tích trận đánh năm nào
vẫn còn hiển hiện nơi đây…
“Nhìn những gì còn sót
lại đó, tôi cảm thấy rất xúc động,” Vinh trầm giọng.
“Cũng thật lạ là khi đó
sương mù đã phủ kín hết bầu trời, tôi lấy hoa quả bày ra và thắp bó nhang cho
ba tôi cùng các chú, các bác đã nằm lại nơi này, thì trời lại bỗng dưng ló
nắng,” anh kể thêm.
Câu chuyện của người
chứng kiến trận pháo kích vào Tiền Đồn 5
Cũng nhân lúc trời bỗng
dưng hé sáng, Vinh kịp chụp lại vài tấm hình cũng như gọi điện thoại báo tin
cho những người bạn cũ của ba anh đã giúp đỡ anh tìm đến nơi này. Trong số
những người trong nhóm nhận được email có ông Nguyễn Tuấn Khanh, từng ở Trung
Đoàn 44, Tiểu Đoàn 1 và Sư Đoàn 23 ngày trước.
Trong email gửi cho anh
Vinh sau đó, ông Khanh, chứng nhân của trận đánh đó, đã kể nhiều chi tiết hơn.
Trong email, ông Khanh
viết:
“Trước tiên, chú
xin chúc mừng con đã tìm ra nơi ba con đã tử trận. Chú là
Nguyễn Tuấn Khanh, nguyên cấp bậc thiếu úy, sĩ quan Ban 3 (về Hành quân &
Huấn luyện) trong thời điểm ba con hy sinh và chú cũng có dự trận đánh đó.
Chú không nhớ rõ là
ngày nào, nhưng chỉ biết là lúc đó vào Tháng Sáu, 1974, vì Tháng Năm chú được
về phép, Tháng Sáu chú trở lại đơn vị.
Là sĩ quan ban 3 nên
chú đi thường hành quân chung với Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn. Lúc đó Bộ Chỉ Huy Tiểu
Đoàn đóng ở Tiền Đồn 5 nằm trên một ngọn đồi, còn ba con là đại đội trưởng Đại
Đội 2 được giao nhiệm vụ đóng dưới chung quanh chân đồi để bảo vệ Bộ Chỉ Huy
Tiểu Đoàn. Cách đó khoảng vài tiếng lội đường rừng là một ngọn đồi khác cũng
cao cỡ đồi ở Tiền Đồn 5 do Đại Đội 4 của Trung Úy Hanh trấn giữ.
Hôm trở về đơn vị, chú
cùng Trung Úy Đỗ Minh Cao và một toán lính khoảng tám người của Đại Đội 4 ra
trình diện đơn vị. Bọn chú đi vô Đại Đội 4 trước, và vì trời tối nên chú với
Trung Úy Cao phải ngủ đêm tại đó.
Sáng hôm sau, Trung Úy
Hanh cho một toán lính đưa chú và Trung Úy Cao vô Tiền Đồn 5. Nhưng đi được
khoảng 10 phút thì bị quân địch chận đánh phía trước nên toán của chú phải trở
về Đại Đội 4, lúc đó khoảng 8 giờ sáng.
Khi vừa về tới Bộ Chỉ
Huy Đại Đội 4 thì chú thấy Tiền Đồn 5 bị pháo tới tấp và ngay trong những phút
đầu đã nghe máy báo là tiểu đoàn trưởng Đại Úy Dương Đình Chính tử trận. Sau đó
cũng không nghe thấy tiếng báo máy của ba con. Có lẽ ba con cũng bị tử trận
trong những giây phút đầu đó vì địch pháo rất nhiều vào những điểm khác nhau,
rừng núi cây xanh bị pháo cày lên đất đỏ. Từ ngọn đồi bên đây chú coi trong ống
dòm thấy địch rất đông tiến lên đồi và nghe thoảng theo hơi gió những tiếng hô
xung phong và tiếng còi tu huýt. Tiền Đồn 5 thất thủ từ đó.”
Có mặt tại tòa soạn báo
Người Việt cùng với anh Vinh hồi cuối Tháng Tám vừa rồi, ông Khanh, hiện làm
việc trong ngành computer cho Đại Học San Jose State, kể thêm câu chuyện tiếp
theo sau khi Tiền Đồn 5 thất thủ.
“Do Trung Úy Cao và tôi
không thuộc quân số Đại Đội 4 nên sáng hôm sau hai chúng tôi trở ra, về hậu cứ
trình diện. Khi về đến hậu cứ, tôi vô trực máy theo dõi tình hình để liên lạc
truyền tin hướng dẫn cho lính gom lại chỗ nào chỗ nào. Có nhiều người đi nhưng
không biết hướng thì mình truyền tin hướng dẫn. Lúc đó khoảng 4 giờ chiều, tôi
nghe máy thấy có một nhóm lính ba người của đơn vị anh Quang cũng bị bao vây
nên vừa đánh vừa chạy, và hiện đang ẩn trốn trong một xác máy bay trực thăng
cách Tiền Đồn 5 khoảng 5 cây số về hướng Tây Bắc,” ông kể.
“Đang nói chuyện thì họ
báo là quân địch vừa phát hiện ra họ, bao vây rất nhiều. Họ kêu máy cho tôi nói
‘tụi nó đông lắm, hãy cho pháo vào để giết hết tất cả đi,’ nghĩa là họ chấp
nhận hy sinh luôn. Nhưng tôi làm không được,” giọng người cựu chiến binh tắt
nghẹn.
“Mấy phút sau tôi nghe
tiếng súng, không nghe tiếng họ nữa. Họ mất rồi…” Một quãng im lặng đến ngạt
thở giữa ba chúng tôi, những người đang ngồi nghe lại trận pháo kích năm nào.
Và tiếng người lính năm
xưa vỡ òa, “Mà sau đó tôi cũng không nỡ gọi pháo vô… không nỡ pháo vô xác họ…”
***
Tôi hỏi, “Khi đến được
đỉnh đồi của Tiền Đồn 5, biết được chính xác nơi ba anh nằm lại, anh có cảm
giác toại nguyện không?”
Vinh trả lời, “Không.
Tôi chỉ nghĩ là mình sẽ còn trở lại đây nhiều lần nữa.”
Anh Vinh cho biết,
“Hiện giờ tôi đang liên lạc với người thân của các chú các bác đã ngã xuống
cùng ba tôi trên ngọn đồi Tiền Đồn 5, để Tháng Mười Hai này, tôi sẽ cùng họ
quay lại đó để tụng niệm cho các chú các bác và có thể rước vong linh của các
chú các bác về một chùa nào gần đó, phía Bắc của Kon Tum, để tiện bề nhang khói
cho các chú các bác đỡ quạnh hiu.”
_______
_______
Bản đồ hành quân Komtum.
Tiền đồn 5, Kon Xom Luh (Outpost 5)
14°23'21.27"N 108° 6'34.00"E
Tiền đồn 4? (Outpost 4?)
14°23'32.52"N 108° 4'47.76"E
Tiền đồn 3? (Outpost 3?)
14°22'33.50"N 108° 7'12.67"E
04
05
06
07 Đã tìm thêm được một bản đồ hành quân vùng Tiền Đồn 4 và 5 (Outpost 4 & 5).
Kon Som Luh-Outpost 5, Kong Cut-Outpost 4
No comments:
Post a Comment