20231111 Cong Dong Tham Luan BPSOS
Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát Việt Nam: Quyền trẻ em
https://machsongmedia.org/vietnam/danchu/2053-kiem-diem-dinh-ky-pho-quat-viet-nam-quyen-tre-em.html
Hải Di Nguyễn
Sắp tới vào tháng 4/2024, Việt Nam sẽ có phiên Kiểm điểm Định kỳ
Phổ quát (Universal Periodic Review, viết tắt UPR). Để chuẩn bị, trong tháng
10/2023, BPSOS đã cùng một số tổ chức tôn giáo và nhân quyền nộp cho Hội đồng
Nhân quyền LHQ bốn bản báo cáo chung.
Tôi đã viết về án tử hình, và nạn bắt cóc và đàn áp xuyên quốc
gia—hai trong số các chủ đề có trong báo cáo.
Một bản báo cáo khác, do
BPSOS soạn thảo cùng với tổ chức H’mong for Human Rights (Người H’mông vì Nhân
quyền), Người Thượng vì Công lý, Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, và
Friends of Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, nói về quyền trẻ em.
Báo cáo đầu tiên nhắc tới điều kiện học hành của trẻ em ở Tiểu khu 181, tỉnh Lâm Đồng: trường học xa xôi, đường đi không an toàn, điều kiện hạn hẹp, giáo viên thiếu, hoàn cảnh khó khăn khiến các em học sinh phải sống trong chòi gần trường hoặc phải bỏ học.
Trẻ em ở Tiểu khu 181 sống trong lều tạm bợ để đi học.
Một vấn đề khác là chính quyền địa phương cưỡng ép trẻ em H’mông
bỏ đạo, tịch thu giấy tờ như giấy khai sinh, hoặc trừng phạt các phụ nữ theo
đạo, tách họ khỏi con cái.
Trong bài viết đã đăng trên Mạch Sống về
chị Lầu Y Tòng, một phụ nữ H’mông trước đây sống ở tỉnh Nghệ An, tác
giả Song Chi viết “chính quyền địa phương còn bắt luôn cả hai đứa con nhỏ của
Lầu Y Tòng đem đi giao cho ông bà nội chăm sóc.”
Điều này chỉ vì chị Lầu Y Tòng theo đạo Tin lành, đặc biệt từ khi
chị càng tin Chúa và công khai nói về niềm tin của mình sau khi thoát bệnh nhờ
“phép lạ” của Chúa.
Tác giả Song Chi viết: “…người em gái của chồng làm cán bộ ở xã,
cũng học Luật, rành tiếng Việt, lại thảo một cái biên bản viết rằng Lầu Y Tòng
tự nguyện giao tài sản, bàn giao nhà cửa, đưa xe máy cho bố chồng, đồng thời sẽ
gửi tiền chu cấp 2 đứa con cho đến 18 tuổi, cho Lầu Y Tòng ký. Đang trong tâm
trạng hoảng loạn, bị khủng bố từ mọi phía, Lầu Y Tòng ký vào biên bản.
Bên cạnh đó, nỗi khổ tâm lớn nhất của Lầu Y Tòng là từ khi hai đứa
con nhỏ bị bắt về nhà nội, Lầu Y Tòng không được phép đến thăm con. Cho tới
cuối tháng 6.2022 hai đứa nhỏ nhớ mẹ quá bỏ ăn bỏ uống, gia đình chồng mới cho
người đưa hai đứa về thăm mẹ, nhưng cũng không được phép ở lại.”
Chị Lầu
Y Tòng hiện đang tỵ nạn tại Thái Lan, từ năm 2022. Năm 2023, hai em gái là Lầu
Y Lỳ và Lầu Y Hua cũng sang Thái Lan vì bị đàn áp tôn giáo.
Ngoài
vấn đề quyền trẻ em trong cộng đồng H’mông, bản báo cáo cũng nói tới Thiền Am
Bên Bờ Vũ Trụ (trước đây gọi là Tịnh thất Bồng Lai), đặc biệt về các chú tiểu.
Với lời vu khống về loạn luân, và cách công an lôi kéo, thô bạo lấy mẫu xét
nghiệm DNA, các trẻ em hoảng sợ và bị chấn thương tâm lý, có trẻ quá xấu hổ
không dám đi học.
Hiện
nay, khi tịnh thất phải đóng cửa và ông Lê Tùng Vân cùng nhiều thành viên khác
của Thiền Am đang chịu án tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm
lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân”, các trẻ mồ
côi của Thiền Am bị bứt khỏi gia đình duy nhất các em từng biết.
Đầu năm
2023, ba luật sư nhân quyền cho Thiền Am bị nhà nước triệu tập và truy tìm—may
mắn thay, cả ba đều kịp thời sang Hoa Kỳ tỵ nạn. Tuy nhiên các chú tiểu của
Thiền Am giờ đây không được bảo vệ và đang cầu xin được che chở.
Báo cáo
khuyến nghị:
·
Sửa đổi định nghĩa trẻ em thành dưới 18 tuổi, thay vì 16
tuổi, để phù hợp với luật pháp quốc tế.
·
Xây dựng và thực hiện các chính sách tập trung vào trẻ em,
nhằm giải quyết những vấn đề như tiếp cận với giáo dục có chất lượng, đặc biệt
trẻ em ở vùng sâu vùng xa.
·
Cấp giấy khai sinh cho tất cả trẻ em người H’mông và người
Thượng không có giấy tờ, và cấp giấy tờ tùy thân cho cha mẹ các em.
Các báo
cáo của BPSOS soạn chung với một số tổ chức để chuẩn bị cho phiên kiểm điểm UPR
đối với Việt Nam có thể xem tại đây: https://dvov.org/upr/
Anh Y Chuân Mlô: Bị đàn áp, sách nhiễu từ Việt Nam qua Thái Lan
(Note: Bài viết sửa nhầm ngày thầy truyền đạo Y Krêc Byă bị bắt,
chi tiết đã được chỉnh lại lần nữa. Thành thật xin lỗi quý độc giả).
Hải Di Nguyễn
Từng đi tù vì tội “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” và “xâm
phạm an ninh quốc gia” và tiếp tục bị công an đàn áp về tôn giáo, anh Y Chuân
Mlô trốn khỏi Việt Nam và sang Thái Lan tỵ nạn ngày 21/9/2019.
Khi đó vợ anh, H Bhét Niê, đang bị đánh
đập ngược đãi ở Ả Rập Xê Út, mất liên lạc. Sau khi thoát khỏi cảnh nô lệ thời
hiện đại ở Ả Rập Xê Út, chị H Bhét Niê lại bị công an gây khó khăn ở Việt Nam,
và sang Thái Lan đoàn tụ với anh năm 2022.
Nhưng thế chưa phải là yên. Ở Thái Lan, anh Y Chuân Mlô tiếp tục
bị công an sách nhiễu từ Việt Nam.
Ngày 1/11/2023, tôi nghe anh kể câu chuyện của mình.
Anh Y Chuân Mlô ở Thái Lan năm 2021.
Biểu tình năm 2004, 2008
Anh Y Chuân Mlô sinh năm 1985, là người Êđê sinh ra ở buôn Ko
Đung, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.
“Năm 1995-1996, họ kéo lực lượng quân đội đến ủi đất đai, chỗ người
ta làm nương rẫy. Gia đình của tôi cũng vậy… Gia đình tôi [mất] hơn 5 hecta,”
anh cho biết. “Họ không đền bù một đồng nào hết… Gia đình tôi đang gặt lúa, họ
ủi hết, không thu hoạch được một chút nào. Sạch luôn.”
Anh nói “Năm 2008, nhà cầm quyền cộng sản tiếp tục cưỡng chế đất
đai của gia đình tôi. Lúc đó khoảng 3 hecta… Gần 100 hộ gia đình trong buôn đều
bị cưỡng chế đất đai.”
Vừa mất đất, vừa bị đàn áp vì theo Hội thánh Tin lành Đấng Christ
Tây Nguyên, lại thấy xung quanh người Thượng bị áp bức, đánh đập, cầm tù, anh Y
Chuân Mlô tham gia biểu tình năm 2004 và 2008. Đòi tự do tôn giáo. Đòi trả đất
đai. Đòi thả tù nhân lương tâm.
Ngày 31/8/2008, anh bị bắt.
Thời gian đi tù: 2008-2015
Anh Y Chuân Mlô cho biết “Công an tỉnh đánh đập trong trại giam ở
Đắk Lắk. Đánh đập rất nặng nề… Lấy cây dùi cui, họ đập vào xương sườn, hai cánh
tay. Đập vào đầu, chảy máu, ù tai. Họ lấy roi điện dí, làm tôi ngất xỉu, phải
vào viện 15 ngày.”
Anh nói, ngay cả bây giờ đôi khi anh vẫn bị ho và đau tức ngực, và
lâu lâu bị ù tai.
Bị ghép tội “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” và “xâm phạm an
ninh quốc gia”, anh bị tuyên án 8 năm tù giam, 5 năm quản chế và đưa đến trại
giam Thanh Hóa.
Trong báo cáo, anh mô tả “Tôi ở trong phòng giam chật hẹp, tù nhân
nằm xếp lớp như khúc gỗ trên nền xi măng. Mái tôn thấp, mùa nóng thì nóng kinh
khủng mà mùa đông thì lạnh buốt. Nhà vệ sinh (loại bồn cầu nằm trên mặt đất)
không có nắp đậy, mùi xú uế nồng nặc trong phòng suốt ngày đêm. Từ nước sinh
hoạt hàng ngày cho tới thức ăn đều thiếu thốn.”
Anh ra tù năm 2015.
Người vợ đầu bỏ anh.
Thời gian chị H Bhét Niê ở Ả Rập Xê Út
Anh Y Chuân Mlô quen chị H Bhét Niê (sinh năm 1993) năm 2017.
Như đã viết trên Mạch Sống ngày 29/6/2023,
chị H Bhét Niê, vì hoàn cảnh khó khăn, nghe lời cán bộ xã về “việc nhẹ lương
cao” nên sang Ả Rập Xê Út theo chương trình xuất khẩu lao động.
Chỉ khi tới Riyadh, chị mới nhận ra đó không phải là “việc công
ty” như quảng cáo mà là “làm ôsin” cho một gia đình tám người—nhà ba tầng, mỗi
tuần khoảng năm phòng, một mình chị làm hết mọi thứ. “Làm việc sai sót một tí
thôi, họ cũng chửi mắng, rồi đánh.”
Chị H Bhét Niê “chịu nhục đến tháng 12/2020 xin về”—trong thời
gian này, bị chủ tịch thu điện thoại và cấm dùng điện thoại, chị và anh Y Chuân
Mlô hoàn toàn đứt liên lạc.
Trong khi đó ở Việt Nam, anh phải “ăn bám bố mẹ” và chỉ trồng rau
trong vườn nhà, không thể đi làm xa vì “chính quyền Việt Nam suốt ngày canh
gác, đi xa thì họ đuổi theo, không cho đi xa, với lại cứ 1-2 ngày lại gọi lên
phường, lên đồn công xa xã, làm kiểm điểm.”
Vì sao sang Thái Lan tỵ nạn?
Sau khi ra tù năm 2015, anh Y Chuân Mlô tiếp tục tham gia hội
thánh, tiếp tục đấu tranh ôn hòa về tự do tôn giáo và vấn đề đất đai, tiếp tục
lên tiếng cho tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm.
Theo anh, công an “thường xuyên đến nhà hù dọa, không cho đi lễ.”
Năm 2019, họ cáo buộc anh “móc nối với người nước ngoài” và dọa “10-20 năm tù,
vì vẫn còn 5 năm quản chế. Họ hù dọa rất nhiều lần, làm tôi rất sợ hãi.”
Anh sang Thái Lan ngày 21/9/2019.
Chị H Bhét Niê về lại Việt Nam năm 2020, sau hai năm cắn răng chịu
đày đọa ở xứ người. Nhưng chẳng được yên, chị liên tục bị công an địa phương
mời lên làm việc—khi thì hỏi về H Xuân Siu và cáo buộc chị “cung cấp thông tin
cho người nước ngoài”, lúc thì cấm chị đi lễ ở nhà cậu, lại còn hỏi chị có quan
hệ gì với Y Chuân Mlô, nói đó là “phản động, chống phá nhà nước”.
Ngày 28/11/2022, chị sang Thái Lan.
Công an Việt Nam không ngừng sách nhiễu
Tại Thái Lan, hai vợ chồng anh Y Chuân Mlô thuê một phòng trọ nhỏ,
đôi khi phải nhịn ăn để trả tiền nhà. Chỉ lâu lâu họ mới được hỗ trợ từ Jesuit
Refugee Service, một tổ chức Công giáo giúp người tỵ nạn có chi nhánh tại Thái
Lan.
Đời sống đã khó khăn, công việc không phải lúc nào cũng có, quy
chế tỵ nạn chưa được cấp, cảnh sát Thái Lan lúc nào cũng có thể bắt, anh Y
Chuân Mlô lại thêm nỗi lo vì công an địa phương vẫn nhiều lần tới hoạnh họe gia
đình ở Việt Nam, dọa tống họ vào tù.
Tuy nhiên anh vẫn tiếp tục thu thập và cung cấp thông tin cho tổ chức Người Thượng vì Công lý làm báo cáo, và là người thu thập thông tin khi thầy truyền đạo trước đây của mình, ông Y Krếc Byă, bị bắt ngày 8/4/2023.
Công an đến lục soát nhà của thầy truyền đạo Y Krếc Byă và
tịch thu Kinh Thánh.
Sau vụ xả súng ngày 11/6
Ngày 11/6/2023, xảy ra vụ xả súng vào trụ sở công an ở xã Ea Tiêu
và xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, làm chết người. Người Thượng ở Tây
Nguyên lẫn người Thượng đang tỵ nạn tại Thái Lan đều bị ảnh hưởng.
Bản thân anh Y Chuân Mlô bị nêu đích danh trong một số trang
Facebook “chính thống” như Vẻ Đẹp Buôn Đôn hay Tây Nguyên Nắng Gió Đại Ngàn,
bị vu khống là “một nhóm khủng bố, cùng một ruộc “một phe” với nhóm giế.t
[nguyên văn] người man rợ kia” và có “mục đích vụ lợi, chia rẽ khối đại đoàn
kết toàn dân tộc, bản chất của các đối tượng là muốn thành lập cái gọi là
"Tin lành Đêga", "Nhà nước Đêga" ảo vọng.”
Cũng như tổ chức Người Thượng vì Công lý, anh Y Chuân Mlô khẳng
định mình không biết, không liên quan đến sự kiện ngày 11/6.
“Họ nêu như vậy, tôi thấy rất sợ hãi… Mới đây thì có [cảnh sát]
Thái Lan truy quét, muốn bắt người. Thứ hai là có người lạ, thường xuyên vào
khu này, không biết người gì nhưng tôi nghi là công an mật muốn tìm người. Tôi
cảm thấy rất nguy hiểm… Người lạ thường xuyên vào khu này, lại hay bịt mặt,
không biết là ai.”
Hai vợ chồng không biết khi nào sẽ được có quy chế tỵ nạn.
No comments:
Post a Comment