Saturday, July 20, 2019

20190720 Hương Tràm Trà Tiên Không Ảnh Bài 06.


20190720 Hương Tràm Trà Tiên Không Ảnh Bài 06.
“Hương Tràm Trà Tiên” Bài 6: “Giang Thành Dạ Cổ” – hoànglonghải
Posted on Tháng Tám 25, 2014 by VietnamDaily.News in Hồi kýhoànglonghải // 3 Comments

*** Vietnam Topographic Maps 1:50,000, U.S. Army Map Service, Series L7014

Dam Nuoc Man
 10°24'19.04"N 104°30'28.96"E
Xa Thuan Yen area
 10°20'50.81"N 104°32'10.47"E
Dong Ho area
 10°24'10.53"N 104°30'47.15"E
Hon Chong
 10° 8'48.60"N 104°35'58.93"E
Chùa Hang
 10° 8'21.71"N 104°38'23.90"E
Tra Tien Phu My area
 10°25'16.18"N 104°42'1.83"E
Lình Quỳnh
 10° 9'9.17"N 104°51'26.66"E
Hon Trem
 10° 8'33.91"N 104°37'42.12"E
Giang Thanh area
 10°28'1.21"N 104°40'24.91"E 

HTTTKA 00
Hà Tiên thập cảnh gồm có:
1)-Kim dự lan đào
2)-Bình san điệp thúy
3)-Tiêu tự thần chung
4)-Giang Thành dạ cổ
5)-Thạch Động thôn vân
6)-Châu nam lạc lộ
7)-Đông hồ â`n nguyệt
8)-Nam phố trừng ba
9)-Lộc trĩ thôn cư
10)-Lư khê nhàn điếu
            Trước khi kể chuyện mật khu Trà Tiên, xin nói qua một chút về đất Hà Tiên. Chỉ một chữ Tiên thôi, người ta cũng đoán rằng có gì liên hệ giữa Hà Tiên và Trà Tiên? 
Tra Tien Phu My

Xem Kien Luong
            Hà Tiên là nơi mấy bà tiên xuống tắm ở bến sông? Có lẽ ông Mạc Cửu hay đệ tử của ông bày chuyện ra để đặt một cái tên nghe cho hay, chớ đi khắp Hà Tiên, đố ai tìm được một con sông! Đó là vùng đất cao, không hẳn có nhiều núi như ở xã Thuận Yên, bên nầy Đông Hồ, trên đường Rạch Giá đi Hà Tiên. Mấy năm quân đội Việt Nam Cộng Hòa hành quân tấn công Việt Cộng bên Miên, công binh có bắt một cây cầu nổi từ Thuận Yên sang thị trấn Hà Tiên để việc chuyển quân và tiếp tế được mau lẹ, dễ dàng.
Dong Ho Thuan Yen
 Xem Kien Luong
            Nói sơ về lịch sử (độc giả thông cảm, tôi là người dạy môn lịch sử ở bậc trung học, không phải là nhà nghiên cứu gì cả, và tôi cũng không dạy gì có liên quan tới ông Mặc Cửu cả) thì xứ Hà Tiên, trước thế kỷ 18 là vùng đất thuộc Miên. Trước nữa, lâu lắm là đất của nước Lâm Ấp, nước nầy có một nền văn minh khá cao, sử gọi là văn minh Ốc-Eo, (Một khu vực thuộc Long Xuyên ngày nay). Người Khmer cướp đất của Lâm Ấp khi nước nầy rụi tàn. Cướp đất của người ta nhưng người Miên cũng chẳng làm gì để cho vùng nầy khá lên. 
Ba The Oc Eo 
Xem Ba The Oc Eo Rach Gia
            Trước khi có tên Hà Tiên, có lẽ nó có vài ba cái tên gì đó, tên Lâm Ấp hay tên Miên, tôi không biết và cũng chưa đọc sách sử nào nói tới. Tên Miên, ở vùng nầy, nếu còn lại thì cũng chỉ một vài nơi, vài người mà thôi. Ví dụ sát biên giới Việt Miên, có một ngôi chùa Miên lớn lắm, tên là chùa Xà Xía (tên Miên). Chùa của ông đại đức Công-Xa-Phan (cũng tên Miên). Ông nầy quản lý về đạo Phật của người Miên kể từ bên phía Miên, phía Kampot tới Sóc Trăng.
Ông đại đức Công-Xa-Phan tuy còn trẻ nhưng có nhiều cái hay, sống đơn giản, có xe hơi nhưng đi đâu cũng nhờ người ta chở đi bằng xe Honda cho tiện, ai tới nhờ cậy gì ông cũng ừ, lại cất công đi xin giùm. Sau 1970, chiến tranh bên Miên càng ngày càng dữ, dân Miên chạy loạn tới dựng lều tạm trú quanh chùa ông, ông cấp phát quần áo, gạo mền rất đàng hoàng. Dân Miên qua Việt Nam, không giấy tờ, đi lớ ngớ, bị bắt, ông đi xin cho họ được tha. Người có của (thường là vàng, đồ trang sức, và hồng ngọc, – một sản phẩm của Miên), sợ bị mất, gởi cho ông cất giùm, ông cất giữ rất cẩn thận. Biết ông là người có uy tín với dân chúng, chính quyền miền Nam tôn trọng ông, giải quyết những gì ông xin xỏ hay can thiệp. Trong chiến tranh, Việt Cộng cũng không đụng gì tới ông vì đụng tới ông, không có lợi. Tới 30 tháng Tư, Việt Cộng thấy sự có mặt của ông ta thêm “phiền”, bèn cho ông ta đi … “học tập cải tạo”. Ông cũng tưởng là “học tập” thiệt nên vui vẻ ra đi, “học” 5 năm mới được “tha ra khỏi trại cải tạo.” Ông cũng ngây thơ, nói với một người quen của tôi nhà ở gần cổng Tam Quan, cửa ngõ thị xã Rạch Giá: “Học tập mãn khóa thì về, sao lại có câu “tha ra khỏi trại cảo tạo?” Ông không hiểu được… Việt Cộng, có phải vì ông là người Miên. Không chỉ ông, cũng lắm người Việt không thể hiểu được Việt Cộng, nếu chưa từng “…ai có qua cầu”. Không ở được ở Việt Nam, ông vượt biên qua Thái Lan.
            Khi ông được cho đi “học tập”, tài sản tín đồ gởi ông cất giữ, Việt Cộng “giữ giùm” hết. Vậy cũng còn “khoan hồng nhân đạo” hơn so với bọn Pol Pot. Dân Miên ở chùa Xà Xía cũng hú hồn.
            Thấy ông là người hiền từ, hay đi đây đó, lại đệ tử đông nên tôi thường đến thăm ông để kiếm… tin tức. Đúng ông là người thật thà, thấy sao nói vậy, biết sao nói vậy, nhưng vì ông là người tu hành nên chẳng biết gì về… tình hình địch. Tôi có cái lợi khác, người Miên biết tôi với ông hay chuyện trò với nhau, nên không ngần ngại gì khi tôi nói chuyện với họ, qua đó tôi cũng biết vài điều hữu ích cho công việc của tôi.
            Có hai lần tôi lên chùa Xà Xía ăn với ông trong dịp vía Phật hay lễ tết gì đó của Miên. Chùa Miên không ăn chay, họ ăn mặn và người nấu ăn cho đại đức là cô chủ một hiệu ăn ở Rạch Giá. Vậy thì món ăn nấu theo kiểu Việt Nam, không phải kiểu Miên, không có mắm Bò-hóc. May phước!
Có lần ông ta đến thăm tôi, cho tôi một cái nanh heo gởi. Ông kể là hồi còn trẻ, ông qua tu ở bên Lào và được cái nanh heo gởi. Con heo rừng khi già, cái nanh heo mọc dài ra, đâm lên hàm trên, làm cho con heo đau lắm. Nó tìm một gốc cây, cắn mạnh vào thân cây, vặn đầu cho cái nanh heo gãy ra, không còn đâm vào hàm được nữa. Cái nanh heo mắc vào thân cây, gọi là “nanh gởi”, linh lắm. Ai đeo vào tránh được súng đạn.
Được cái nanh, tôi khoái chí kể cho một người bạn thuộc Thiết Đoàn 16 Kỵ Binh nghe. Anh bạn nói: “Năm ngoái, tôi yểm trợ cho một đại đội của Lon Nol vào mục tiêu ở Kompong Trach. Trước khi tấn công, thằng đại đội trưởng cũng lấy cái nanh heo, đọc kinh, rồi ngậm cái nanh heo vào mồm mà chỉ huy. Chỉ một lúc, tôi thấy thằng đại đội trưởng bị bắn toác họng mà chết. Ông cứ tin là tôi nói thiệt đi!”
Câu chuyện của người bạn làm tôi mất hứng về chuyện cái nanh heo của ông đại đức Công-Xa-Phan cho. Nhưng rồi vợ tôi cũng đem cho thợ tạc thành tượng một ông Phật, cùng làm sợi giây chuyền để tôi đeo vào cổ. Ngày “trình diện đi học tập cải tạo”, tôi để tượng Phật ở nhà. Bị đánh tư sản, vợ tôi hoảng hồn không biết để cái nanh heo thất lạc về đâu? Đến khi tôi đi “tù học tập” xong, cũng được “tha ra khỏi trại cải tạo” như ông Công Xa Phan, thì ông đại đức hiền hậu của tôi đi một đường, cái nanh heo ông cho lại đi một nẽo. Đó cũng là một chuyện buồn trong cuộc đời nhiều buồn hơn vui.
            Trở lại chuyện ông Mạc Cửu; ông là người Tàu Quảng Đông, theo phái “Diệt Thanh Phò Minh” nhưng thất bại nên chạy qua Việt Nam như người Tàu Minh Hương hoặc Dương Ngạn Địch, Trần Thắng Tài vậy. Mạc Cửu không ghé đất Sài-Côn (Saigon năm xưa) như hai ông vừa nói mà xuống tuốt Hà Tiên. Có lẽ trước đó, ông cũng ghé lại chầu chúa Nguyễn ở miền Trung. Bấy giờ chúa cũng cần người khai phá vùng đất hoang ở Nam Bộ, vả cũng không muốn một ông Tàu có đủ binh tướng ở sát bên mình, kinh lắm, tai họa đến dễ như không nên cho ông vào Nam.
            Mạc Cửu đến Hà Tiên và mở sòng bài, trở nên giàu có. Có tiền và có binh lính, ông bình định cả vùng Hà Tiên, tới gần Rạch Giá (Vùng Lình Quỳnh). Xong, ông đem vùng đất nơi ông cai trị và mở mang mà dâng cho chúa Nguyễn. Chúa mừng lắm và đãi ông vào hạng “Khai Quốc Công Thần.” 
Linh Quynh Vam Ray 01
 Những năm Việt Nam và Xiêm La giành nhau cai trị Kampuchia, vua Campuchia qua lánh nạn ở Hà Tiên. Để tránh hậu họa, Xiêm La bèn đem quân đánh phá Hà Tiên. Bấy giờ Mạc Cửu đã qua đời, con là Mạc Thiên Tích nối nghiệp cha, đánh bại quân Xiêm, đuổi chúng ra khỏi nước. Thành ra cả hai cha con ông đều có công lớn với chúa Nguyễn nói riêng hay với nước ta nói chung. Trước 1975, lăng mộ hai cha con vẫn còn, nằm bên sườn đồi, ngó xuống biển, rất đẹp và hùng vĩ. Ngày nay, dòng họ Mạc ở Hà tiên không còn ai, coi như tuyệt tự, lăng mộ không biết còn mất như thế nào?!
            Biết chuyện ông Mạc Cửu mở sòng bài làm giàu, tôi cứ suy nghĩ hoài. Vùng đất Hà Tiên trở nên giàu có là về sau nầy, kể từ khi Tây qua cai trị nước ta, chứ trước đó, xứ nầy có tài nguyên gì đặc biệt đâu, ngoài nghề đánh cá biển, nuôi đồi mồi. Ruộng rẫy thì ít, không có đồng chó ngáp hay ruộng cò bay thẳng cánh. Nhờ ở vào địa thế biên giới Việt Miên, nên việc buôn lậu phát triển, chẳng hạn như sau Hiệp Định Paris 1973, việc giao thông trên Liên Tỉnh Lộ 80 Hà Tiên – Rạch Giá trở nên tiện lợi, nên hàng lậu từ Thái Lan tới Hà Tiên rồi chuyển lên Saigon ì xèo, việc buôn bán ở Hà Tiên rất phát đạt, nhiều người giàu có và cũng không ít người trở thành nạn nhân của bọn buôn lậu, kể cả mạng người.
Mua hàng trả bằng vàng. Vàng và máu lộn vào nhau giống như trong tiểu thuyết trinh thám Vàng và Máu của Thế Lữ. Người đáng thương nhứt chính là đại úy Thành, cựu đại úy Nhảy Dù, chỉ huy trưởng Cảnh Sát Hà Tiên, vì cần mẫn với nhiệm vụ nên bị bọn buôn lậu + Việt Cộng + Khmer Đỏ + Khmer Lon Nol phục kích bắn chết ở ấp Việt Nam 1, Hà Tiên. Chuyện nầy không nói không được nhưng xin kể lại sau.
            Xứ sở không giàu, vậy tại sao ông Mạc Cửu, như người ta nói, mà sách sử cũng ghi vậy, ông ta mở sòng bạc mà giàu.
            Dễ hiểu thôi, cứ đi với dân, vào với dân, nghe dân nói, dân kể chuyện, hiểu ngay.
            Vùng vịnh Thái Lan là vùng nổi tiếng cướp biển mấy trăm năm nay, trước cả thời kỳ người Bồ, người Hà sang buôn bán ở Châu Á, Đông Nam Á nầy. Bây giờ cũng là vùng cướp biển nổi tiếng nhứt thế giới, hung bạo nhứt thế giới.
            Người dân Hà Tiên cố cựu, – không riêng gì ở thị trấn Hà Tiên mà nguyên cả vùng chùa Hang, Hòn Chông, Vàm Rầy, Lình Quỳnh thuộc tỉnh Hà Tiên cũ, thời Pháp thuộc, cũng có người kể cho tôi nghe chuyện cướp biển ngày xưa. Bọn cướp biển khi giàu có, không đem của về xứ được – Phần đông là người Tàu gốc đảo Hải Nàm, nổi tiếng đi biển giỏi – bèn chôn dấu tài sản ở các hòn đảo hoang trong vịnh Thái Lan như hòn Lại Sơn, hòn Tre, hòn Đầm, hòn Nghệ (hòn Minh Hoa), hòn Heo, hòn Ngang, v.v… Khi giải nghệ, vì già hay vì chán cảnh đâm chém, dân hải tặc nầy không dám về xứ, tụ tập ở vùng Hà Tiên, lấy vợ, sinh con và cũng có sẵn của tiền để đi đánh… bạc. Chỉ có đám hải tặc giải nghệ nầy mới có nhiều tiền để cờ bạc, và cũng nhờ đó mà ông Mạc Cửu mau giàu.
Linh Quynh Vam Ray 02 
Xem Xom Tri Ton
Chuyện gì chớ nói tới việc buôn bán thì tất cả nhân loại nầy đều thua người Tàu, như ông Lã Bất Vi, còn buôn cả vua, huống chi với đám hải tặc nầy, Mạc Cửu lấy tiền của chúng dễ như không! Nói chuyện nầy với mấy cụ già đất Hà Tiên, họ cho rằng tôi nói có lý đấy. Đây cũng là vấn đề lịch sử, xã hội; hy vọng ngày sau các nhà nghiên cứu lịch sử sẽ không bỏ qua.
            Ở Hà Tiên còn có dòng họ Lâm (Họ Lâm và họ Mạc là hai họ lớn nhứt hồi xưa ở đây) nay cũng chẳng còn ai. Họ Mạc thuộc võ tướng, họ Lâm thuộc văn học, ông Đông Hồ Lâm Tấn Phác là một nhà thơ nổi tiếng hồi đầu thế kỷ 20. Năm 1945, ông sợ Việt Minh, chạy lên Saigon, ở miết trên ấy, dòng tộc nay chẳng còn ai!
            Ông Đông Hồ có tập “Hà Tiên Thập Cảnh”, xuất bản khoảng đầu thập niên 60, tôi không nhớ chắc, có mười bài thơ tả 10 cảnh đẹp ở Hà Tiên. Mười cảnh đẹp đó là hòn Phụ Tử (Nay Phụ chết rồi, chỉ còn có Tử mà thôi). Có người bạn, khi nghe tin hòn Phụ bị đổ, nói với tôi: Phụ của bọn chúng đổ rồi thì chúng chỉ có tử mà thôi – Tử đây không phải là con mà là chết, Chùa Hang (chùa thờ Phật), bãi Hòn Trẹm, (trước 1975, nhiều bà lớn ở Saigon như tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng, v.v…  về đây giành đất để xây biệt thự, việc chưa thành thì miền Nam bị mất về tay Cộng Sản. Bây giờ muốn có đất ở bãi Hòn Trẹm thì mấy bà phải mua lại của Việt Cộng, Hang Tiền, Đông Hồ (là cái vũng biển lớn, ăn sâu vào trong đất liền), Giang Thành… Giang Thành là cái đuôi của Đông hồ, nằm trên đường Hà Tiên đi Châu Đốc, qua kinh Vĩnh Tế, có ngôi chùa, có cái trống lớn lắm. Đêm nằm ở Hà Tiên, thi sĩ Đông Hồ nghe tiếng trống chùa mà cảm tác bài thơ “Giang Thành Dạ Cổ” – Đêm nghe tiếng trống ở chùa Giang Thành – (Dạ là đêm, cổ là cái trống, tương tự như trong câu thơ của Đặng Trần Côn: “Cổ bề thanh động Tràng An nguyệt” – Bà Đoàn Thị Điểm dịch là: “Trống Trường Thành lung lay bóng nguyệt.”
Dong Ho Giang Thanh 
Xem Kien Luong
            Sau khi chiếm được đất Miên, vua Nguyễn muốn ngăn chận người Miên nổi lên quấy rối, bèn định rõ ranh giới hai nước. Đất đai hai bên liền nhau, dân nổi loạn chạy qua chạy về dễ dàng nên khi ông Nguyễn Văn Thoại, tức Thoại Ngọc Hầu trấn thủ vùng nầy, bèn cho đào kinh Vĩnh Tế, nối liền Châu Đốc với Hà Tiên, đi ngang Giang Thành. Kinh đó là con đường phân chia hai nước Việt Miên ở vùng nầy.
Kinh Vinh Te Canal 
   Kinh đào năm 1819, cuối đời Gia Long. Dĩ nhiên muốn đào kinh phải huy động dân chúng đi làm. Kinh khá rộng, 30 mét bề ngang, sâu chừng 5 mét, dài gần 100 cây số, ghe thuyền đi lại dễ dàng. Có lẽ hồi đó, người Việt định cư vùng nầy chưa đông; cả hai bên bờ kinh, phần nhiều là người Miên nên họ bị bắt đi “dân công” đào kinh. Người Miên chống lại việc đào kinh, dĩ nhiên. Bên nầy kinh là người Miên, bên kia kinh cũng là người Miên, có khi là bà con họ hàng, nay bỗng phân ly thành dân hai nước, ai chịu được! Vả lại, việc đào kinh không phải là việc đi du lịch mà gian khổ vô cùng, vậy nên nhiều người Miên chống đối, bằng nhiều cách khác nhau. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến người Miên ưa “Cáp Duôn” để trả thù. Cáp là chặt đầu, Duôn là người Việt. Từ lâu lắm, có lẽ sau khi bị mất vùng đất Khmer Krom, người Duôn trở thành cơn ác mộng của người Khmer (Miên). Trẻ em Miên khóc đêm, mẹ nó dọa “Nín đi! Coi chừng Duôn đứng rình ngoài vách.”
            Đó cũng là động lực của việc “Thổ dậy” năm 1945 mà nhà văn Lê Xuyên có thuật lại trong “Chú Tư Cầu”, “Kinh Cầu Muống”, v.v… (Tôi sẽ thuật lại việc nầy khi nói nói tới ấp Xà Ngách ở Ba Hòn và xóm Vàm Rầy của ông Chủ Ry (Henry), thân phụ “Chị” Tư Nết (tên Tây là Annette).
            Khi Khmer Đỏ nắm quyền cai trị xứ Chùa Tháp, để chống lại Cộng Sản Hà Nội, bọn chúng thường khơi dậy lòng hận thù dân tộc (Cộng Sản và Hận Thù là song sinh) giữa hai dân tộc Việt Miên. Trong cuốn sách “Brother Enemy”, ông Nayan Chanda có thuật lại việc Khmer Đỏ tuyên truyền về cái ác của “quan Việt Nam” trong việc đào kinh Vĩnh Tế. Quan Duôn bắt mấy người Miên chống việc đào kinh lại, đem chôn sống, chỉ chừa ba cái đầu làm ba ông táo, làm bếp nấu nước sôi. Lửa nóng là cho người bị chôn sống nhúc nhích cái đầu, quan Việt Nam la mắng: “Không được nhúc nhích làm đổ nước của quan.” Chuyện thật hay bịa? Cộng Sản, kể cả Khmer Đỏ, có cái gì mà không bịa (Cộng Sản và Dối Trá cũng là song sinh). Chuyện tàn ác, nếu có chăng thì cũng chỉ là “Ít xít cho nhiều” mà thôi.
            “Hồi chánh Viên Hoàng Thị Vân” kể:
            – “Từ mật khu cháu phải chèo xuống ba ngày mới về tới núi Trầu.” 
Xem Kien Luong
            Xem qua bản đồ, tôi biết mật khu nầy, tức cục R nằm bên Miên, không thể nằm bên phía Việt Nam.
Kể từ ngày tướng Trưởng về làm Tư lệnh Quân Khu 4, ông đưa ra một chiến thuật mới để săn lùng Việt Cộng, gọi là “Chiến Thuật Diều Hâu.” Chiến Thuật Diều Hâu chỉ là việc vào tận hang hùm bắt cọp, kiểu như ngày xưa có nói trong Chinh Phụ Ngâm: “Quày ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo”. Tàu thì gọi là “Bất nhập hổ huyệt, an đắc hổ tử”. Dịch nôm là không vào hang cọp sao bắt được cọp con.” Cách của tướng Trưởng là hễ biết chỗ nào có Việt Cộng thì cho lính từ trực thăng nhảy xuống đó. Ban đầu thả xuống một, hai toán. Hễ đụng với địch thì tăng cường thêm lính. Đụng trận lớn nữa thì đổ thêm quân. Việc nầy sẽ nói thêm về sau.
Kỷ sư Lê Hữu Phước, giám đốc nhà máy xi măng Hà Tiên, bê nguyên một két Hennessy cổ đen mà cho tôi cũng là nhờ chiến thuật nầy, do công của anh em chúng tôi mà suốt một năm Việt Cộng không dám tới đánh phá nhà máy xi măng Hà Tiên ở Kiên Lương.
            Sau nầy, khi tướng Nam làm Tư Lệnh vùng 4, ông áp dụng trở lại chiến thuật nầy. Việt Cộng sợ muốn chết, bưng nguyên mật khu qua Miên xin tạm trú, đâu dám ở bên phía Việt Nam. Vì vậy Hồi Chánh Viên Hoàng thị Vân phải chèo xuống ba ngày, bất kể ngày đêm, mới về tới quê của con nhỏ ở núi Trầu.
            Tôi hỏi:
            – “Cháu có biết cháu qua kinh Vĩnh Tế lúc nào không?”
            – “Không! Cháu không biết. Nhưng cháu có chèo xuồng qua đoạn phía trên Giang Thành. Trong mật khu có phổ biến, lưu ý khi qua chỗ nầy phải cẩn thận, dễ bị mắc cạn. Bị mắc cạn lại nhằm lúc máy bay trực thăng quốc gia tới thì chỉ có chết. Trực thăng bắn róc-két dữ lắm.”
            – “Vậy cháu đi theo đường giây 1-C.” Tôi hỏi.
            – “Cái chi? Cái chi mà Một Xê. Cháu không biết.” Nó trả lời.
            Biết là hớ, làm sao nó biết Một Xê với Hai Xê. Tôi điều chỉnh:
            – “Đường bộ đội di chuyển đó!”
            – “Không! Cháu không đi ngay đường đó, sợ gặp du kích gác đường. Cháu đi hơi xa xa một chút để tránh du kích.” Nó trả lời.
            – “Cháu không sợ lạc?
– “Sau một ngày đi theo hướng đông, cháu theo hướng khói nhà may ximăng Hà Tiên mà tới. Tới chỗ trống, cháu tìm khói của nhà máy rồi nhắm theo, chắc ăn.” Con nhỏ giải thích.
            Tôi lại hỏi:
– “Cháu không sợ máy bay?”
– “Trên máy bay, họ biết cháu chỉ có một mình, cho là dân làm đồng, họ không bắn. Vã lại cháu đi ban ngày. Họ chỉ đi ban đêm, vì đi ban ngày, qua chỗ trống, họ sợ máy bay lắm.”
Ngày nay, nhớ lại chuyện cũ, tôi vẫn thường nghĩ rằng, Nguyễn Tấn Dũng chắc cũng sợ xanh máu mặt mỗi khi y đi từ mật khu về Tà Keo, xứ sở của y, vào ban ngày. Cũng may cho y chớ không thì trực thăng đã cho y về chầu “già râu” từ khuya rồi!
hoànglonghải
(xem tiếp bài số 7)

No comments:

Post a Comment