Tuesday, July 16, 2019

20190716 Hương Tràm Trà Tiên Không Ảnh Bài 04


20190716 Hương Tràm Trà Tiên Không Ảnh Bài 04
“Hương Tràm Trà Tiên” Bài 4: Đường Giây 1-C – hoànglonghải
Posted on Tháng Tám 25, 2014 by VietnamDaily.News in Hồi ký, hoànglonghải // 1 Comment

*** Vietnam Topographic Maps 1:50,000, U.S. Army Map Service, Series L7014

Đền thờ Nguyễn Trung Trực
 10° 7'17.16"N 105° 0'43.93"E 
00
Xã Giục Tượng
  9°57'6.88"N 105° 9'28.95"E
Nam Thái Sơn
 10°15'25.34"N 104°57'2.04"E
Cây số 15?
 10° 1'14.26"N 105°11'26.00"E
1-C
 10°16'16.03"N 104°58'2.67"E
1-C
 10°19'21.37"N 104°53'21.94"E
1-C
 10°23'47.76"N 104°42'0.53"E
1-C
 10°27'2.85"N 104°34'18.22"E
Khu vực Tà Keo 1-C
 10° 4'33.47"N 105° 6'50.85"E
Xã Mỹ Lâm của Năm Dũng?
 10° 4'20.86"N 105° 3'45.20"E
Long Xuyen
 10°22'34.39"N 105°25'2.83"E
Chau Doc
 10°42'43.66"N 105° 6'58.75"E
Hà Tiên
 10°22'42.44"N 104°29'26.72"E

Để xâm lược miền Nam, Cộng Sản Hà Nội mở ra nhiều con đường bí mật để vận chuyển khí cụ chiến tranh và chuyển quân. Lớn nhứt là con đường được gọi là “Đường Mòn Hồ Chí Minh”. Gọi là đường mòn, nhưng đường nầy lớn lắm, xe cộ chạy nghênh ngang trong rừng Trường Sơn. Thứ hai là con đường biển, cũng gọi là “Đường Hồ Chí Minh trên biển.”
            Xưa hơn, đường giây 1-C tôi nói ở đây cũng là đường mòn, nhưng có từ thời Việt Minh đánh nhau với Tây.
            Trong Chiến Tranh Đông Dương Lần Thứ Nhứt, (1945-54), cũng như Chiến Tranh Đông Dương Lần Thứ Hai (1959-75) (1), chiến trường Kampuchia và chiến trường miền Nam giống như môi với răng. “Hồi 9 năm”, (1945-54), bộ đội Việt Minh ở miền Tây thường qua đánh nhau với Tây bên Kampuchia. Quí độc giả nếu ai đã đọc “Chú Tư Cầu” của Lê Xuyên chắc biết điều nầy có nói tới trong đó, nhất là khi Tư Cầu chỉ huy một đơn vị bộ đội ở Châu Đốc.
Bộ đội Việt Minh qua lại biên giới rất thường xuyên. Vài người dân Rạch Giá như ông Hồng Ràng, ông Năm Vịnh, mấy ông nầy theo đạo Thiên Chúa từ mấy đời trước nhưng cũng theo Việt Minh đánh Tây, sau nầy bỏ Việt Minh, không tập kết ra Bắc, có kể cho tôi nghe hồi đó họ từng đi đánh Tây ở Kompong-Trach bên Kampuchia, huống chi sau nầy, khi Sihanouk cho Cộng Sản Bắc Việt mượn đất Kampuchia làm hành lang xâm nhập thì những con đường giao liên từ Kampuchia qua Việt Nam và ngược lại là rất quan trọng.
            Do tình hình đó, từ hồi mới có chiến tranh lần trước, Việt Minh đã mở một con đường liên lạc, chuyển quân, chuyển vận vũ khí từ Kampuchia qua Việt Nam. Con đường đi từ Kampuchia qua khu rừng tràm Trà Tiên, vượt qua liên tỉnh lộ 8-A để đi về U-Minh là con đường huyết mạch của Cộng Sản.
            Trong hồ sơ trận liệt, con đường nầy được gọi là đường 1-C. Tôi không rõ ai đặt tên là 1-C, phía Quốc Gia hay Cộng Sản, và tên đó có từ lúc nào. Con đường nầy đi qua ấp Tà Keo, ấp phía bắc của xã Mỹ Lâm, bản quán của Nguyễn Tấn Dũng. Việt Cộng cố sống cố chết giữ Tà Keo, và cũng có thể đó cũng là lý do khiến Nguyễn Tấn Dũng theo Việt Cộng rất sớm, khi còn trẻ con, cùng bọn du kích giữ Tà-Keo, giữ con đường huyết mạch của Việt Cộng. 
20190716 1C Khang Chien
            Đường giây 1-C bắt đầu từ bên Kampuchia, địa phận tỉnh Kompong-Trach của xứ Miên, băng qua khu rừng tràm Trà Tiên, đi theo một con kinh được đào hồi kháng chiến chống Pháp nên gọi là “kinh Kháng Chiến”, xuống tới vùng Kinh Hãng, tức vùng Nam Thái Sơn, tới Tà Keo, vượt qua cây số 15 trên LTL 8-A, đi ngang xã Giục Tượng mà về “miệt Thứ”, (miệt là vùng, có nhiều kinh: kinh thứ nhất, thứ nhì, thứ ba… nên dân chúng gọi là “miệt thứ”), quận Hiếu Lễ, U-minh. Tôi xin kể từng đoạn một. 

20190716 1C KampongTrach
            “R”, (đọc là Rờ), bí danh của Trung Ương Cục Miền Nam, không khi nào nằm một chỗ ở phía bên Việt Nam hay bên Kampuchia. “R”, nó đung đưa qua lại là do tình hình khi dịu khi căng. Khi dịu, hay khi Việt Cộng mạnh lên, Quốc Gia co lại thì “R” mò về đóng ở mật khu Trà Tiên. Khi tướng Trưởng làm tư lệnh vùng 4, ông dùng “chiến thuật Diều Hâu”, thường cho trực thăng đổ quân bất tử lên đầu Việt Cộng nên Việt Cộng sợ bị tấn công bất ngờ, trở tay không kịp, bị nắm đầu cả đám. Khi tướng Nam làm tư lệnh vùng 4, ông cũng cho hành quân bất tử nên “R” cũng chém vè qua bên kia biên giới. Mấy năm Saigon lo chuyện đảo chánh hơn lo đánh nhau với Việt Cộng thì chúng mò về bên nầy hoạt động.
            Bên cạnh cục “R” khi ở khi chạy, là tỉnh ủy Long Châu Hà cũng đóng ở mật khu Trà Tiên. Gọi là Long Châu Hà vì đó là tên gọi tắt ba tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên. Ở các tỉnh nầy, hồi chiến tranh, Việt Cộng không có đất cũng không có dân, chỉ loanh quanh trong khu rừng tràm. Khu rừng tràm nầy tiếp giáp với cả ba tỉnh nói trên, nên chúng đặt ra một tỉnh ủy chung, chỉ đạo hoạt động cả ba phía: Phía đông bắc cho hai tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên, phía nam cho (tỉnh) Hà Tiên. Tôi gọi là tỉnh Hà Tiên là gọi theo thời Tây cai trị. 
20190716 Long Chau Ha
Hồi ấy Hà Tiên là một tỉnh, không thuộc tỉnh Rạch Giá (Rạch Giá cũng là tên thời Tây). Thời Đệ Nhứt Cộng Hòa, cố tổng thống Ngô Đình Diệm đổi tên tỉnh Rạch Giá thành Kiên Giang (tỉnh nầy có con sông tên là Kiên Giang), Hà Tiên trở thành một quận, thuộc Kiên Giang. Hồi đó, lúc ban đầu, Việt Cộng không gọi theo cách phân chia địa giới của tổng thống Ngô Đình Diệm, mà gọi theo Tây nên mới có Long-Châu-Hà.
            Rừng tràm Trà Tiên là rừng cổ lắm, không biết các nhà địa lý có gọi nó là rừng nguyên thủy hay không. Quí độc giả nếu có thấy cây tràm người ta chở lên bán ở Saigon để đóng móng nhà, đừng tưởng rằng cây tràm chỉ to có như thế. Tràm Trà tiên lớn lắm, có thân cây hai người ôm không xuể. Rừng trải dài từ phía Kampuchia cho tới địa giới Châu Đốc, Long Xuyên, Kiên Giang. Tôi từng đi máy bay qua khu rừng tràm nầy, từ Long Xuyên về nhà máy ximăng Hà Tiên ở quận Kiên Lương. Máy bay bay hơn nửa tiếng đồng hồ, nhìn xuống dưới, chỉ thấy rừng xanh bát ngát.
            Thân tràm cao trên 10 thước, tàng cây xòe rộng, đi dưới rừng tràm lâu lâu mới thấy mặt trời nếu như hôm đó trời nắng, còn không thì âm u suốt ngày như ở U-Minh vậy. Trên thì tàng cây, dưới là nước, lâu lâu mới gặp chỗ cao, không có nước, di chuyển thì phải dùng xuồng, tiện nhứt là xuồng ba lá. Ấy là nói mùa khô, còn tới mùa nước nổi thì chỗ nào cũng toàn là nước. Đi hành quân vô tới rừng tràm Trà Tiên, người ta không khỏi than thầm: Rừng nước mênh mông vậy, làm sao mà tìm cho ra Việt Cộng. Bọn Việt Cộng ở trong rừng, tụi nó rành đường lắm. Mới thấy tụi nó lấp ló xa xa, chưa kịp đưa súng lên nhắm thì nó chống xuồng một cái “réch”, mất dạng sau đám sậy đế, ô rô, cóc kèn hoặc rừng bàng. Bàng là loại cây thảo, dùng để đan đệm hay làm bị bàng, v.v… Vướng vô đám rừng bàng, cây bàng níu mình lại, rứt không ra được.
            Hồi ấy, cũng có vài lần “tui” mò vô rừng tràm Trà Tiên, hỏi thăm sức khỏe tỉnh ủy Long Châu Hà. Chắc chắn khi đó Nguyễn Tấn Dũng, trưởng ban quân y huyện đội Hà Tiên, lo trốn biệt, làm sao mà thấy mặt tui.
            Một khu rừng tràm cổ xưa như vậy, dĩ nhiên có nhiều chuyện “phong thần”, ai tin hay không tin thì tùy, nhưng tôi cũng xin kể ra đây.
            Ông Hồng Ràng kể cho tôi nghe, hồi 9 năm, ông ta theo bộ đội Việt Minh từ Kampuchia về lại Việt Nam. Đơn vị của ông cho hai anh bộ đội đi đầu dò đường, rồi về báo cáo lại. Hai anh nầy đi biệt tích, cấp chỉ huy đoán rằng có lẽ hai anh nầy bỏ theo Tây rồi. Nửa tháng sau, đám bộ đội của ông Hồng Ràng được lệnh phải về gấp, không cần cho người đi mở đường. Về tới giữa rừng tràm thì gặp con thuồng luồng dài hơn hai chục thước. Cả đám xúm lại nổ súng, bắn chết con vật. Khi mổ bụng nó, thấy xác hai anh bộ đội “còn y nằm trong bụng” nó, mấy trái lựu đạn cũng chưa nổ.
            Tôi tin có thể có chuyện con thuồng luồng, nhưng tôi không tin chuyện xác hai anh bộ đội còn y. Thuồng luồng cũng là loài bò sát như con trăn. Khi con trăn, – phải là trăn rừng -, ăn con heo hay con bò, nó phải treo mình trên cây, hả họng xuống đất, chuyển thân mình cho xương heo hay xương bò rớt ra ngoài. Con vật chỉ tiêu hóa được thịt da mà không tiêu hóa được xương. Do đó, xác hai anh bộ đội không thể còn y được.
            Phía nam rừng Trà Tiên, gần biển, có mấy ngọn núi đá, có hang đá. Vùng này là vùng đá vôi, nên nhà máy ximăng Hà Tiên mới được xây dựng ở đây để lấy vôi. Vì vậy nên có con kỳ đà –Vùng nầy có khá nhiều kỳ đà – cứ ở suốt ngày đêm trong hang. Khi nước thủy triều lên (Vùng nầy thủy triều lên mỗi ngày hai lần), nước biển tràn vào ngập hang, mang theo cá vào để làm thức ăn cho con kỳ đà. Nay con kỳ đà đã già, thân mình đã to lắm, không thể ra khỏi hang được. Bộ đội Việt Minh bắn được con kỳ đà, khó khăn lắm mới bò vào được trong hang, xẻo thịt đem con kỳ đà ra.
            Còn ngoài biển?
            Hồi xưa ngoài biển có nhiều thuồng luồng và nhiều ghe cướp biển. Nhiều khi thuồng luồng ngóc đầu đuổi theo ghe biển để ăn thịt người.
            Chuyện thật hay bịa, xin hãy xét sau, nhưng ít ra những câu chuyện như thế, cho chúng ta thấy tính chất hoang sơ của vùng nầy vẫn chưa hết, bằng chứng là những cây tràm to, thường thường bằng cái cột nhà lớn, Việt Cộng đốn xuống, sắp lại cây ngang gác cây dọc, cây dọc gác cây ngang mà làm hầm. Bom nào, đạn cà-nông nào mà phá được những cái hầm như thế. Còn nữa, cái hoang sơ đó ở trong một vài cái tên như tên Giục Tượng (xã). Chữ tượng nầy được dùng theo tiếng Hán Việt. Tượng là voi. Vùng nầy, xuống cho tới U Minh, Cà Mau, xưa cũng có nhiều voi.
            Chuyện thuồng luồng đã qua rồi. Có lẽ nay loài thuồng luồng đã tuyệt chủng, nhưng trăn thì còn nhiều. Đây là loại trăn đồng, lớn lắm cũng chỉ bằng bắp chuối, bắt chúng cũng khá dễ. Tới mùa “trăn hội” – Trăn hội là tiếng dùng của dân địa phương – tức là mùa con trăn cái động đực, cả chục con trăn đực tìm tới, nên người ta gọi là “hội”. Người đi bắt trăn chỉ mang cái khăn rằn và cái giỏ đựng trăn. Khi thấy con trăn, người ta dùng cái khăn phất ngang mặt nó. Nó mở miệng đớp cái khăn và kẹt cứng ở đó. Người bắt trăn đè cổ con trăn xuống, bỏ vào giỏ. Đơn giản chỉ có vậy, nhưng người bắt trăn phải có nghề. Họ tìm theo dấu con trăn bò trên đất, thường là đất bùn, nước rút nhưng đất chưa khô, để biết con trăn lớn nhỏ như thế nào, thậm chí người ta còn biết thương tật của con trăn. Nhiều con bị gãy ngang sống lưng nhưng vẫn sống. Con trăn bị lột da, phơi khô đem bán lên Saigon để người ta làm giày dép xách tay cho mấy bà, mấy cô, còn thịt trăn thì ăn nhậu. Có người cho tôi một khúc thịt trăn, con trăn đã chết mà khúc thịt còn động đậy, khiếp lắm, ăn gì được, phải đem cho người khác.
            Lâu lâu tôi cũng ăn thịt heo rừng của các ông phi công trực thăng đem bán. Té ra mấy chả bay trong rừng, thấy heo, bắn rồi đem bán kiếm tiền.
            Qua bắc Mỹ Thuận, người ta thấy có bán nhiều loại chim sống, chim thịt. Phần nhiều không ngon. Về Rạch Giá ăn món cu xanh thì tuyệt. Cu xanh rô-ti ăn với bánh mì rất khó quên. Tới mùa lúa, cu xanh bay từng đàn “ngợp trời”. Chúng sà xuống đám lúa mới chín và làm hại lúa không ít. Nhờ có lúa chín, mùa nầy cu xanh mập lắm. Người ta dùng lưới bẫy đàn chim, mỗi lần bắt được năm, bảy chục con là chuyện thường. Có điều “tàn bạo”. Con cu xanh đang sống; trước khi nhổ lông, người ta bẻ cổ con chim cu cho chết!
            Chuyện ăn ở đây thì nhiều lắm, nói không hết, phần nhiều là cá, loài bò sát và không ít những chú rắn độc.
            Ra khỏi rừng Trà Tiên là tới kinh Kháng Chiến, cũng còn rừng tràm nhưng thưa hơn…
Báo chí Tây phương thường tính rằng chiến tranh Đông Dương lần thứ hai là từ 1965 đến 1975. Năm 1965 là năm Mỹ đổ quân vào Việt Nam. Tôi cho rằng tính như vậy là không thực tế. Từ 1959, Cộng Sản Bắc Việt đã lo làm đường Trường Sơn để xâm lược miền Nam rồi. Tháng 5 năm 1959, bộ đội của Đồng Sĩ Nguyên đã thực hiện công việc nầy, nên đám nầy thường được gọi là bộ đội 559.
Nhắn tin:
Anh Trần Văn Thông. Anh có e-mail cho tôi hỏi tôi có phải là dân Rạch Giá hay không, hoặc ở Rạch Giá lâu nên biết nhiều chuyện như vậy. Thật ra, tôi về Cái Sắn trước hiệp định Paris có mấy tháng rồi hoạt động từ Cái Sắn cho tới Hà Tiên tới ngày “đứt phim”. Vì tôi là người đánh giặc ở miền quê, miệt vườn, miệt ruộng, lại có liên quan đến ngành tình báo, nên tiếp xúc với dân chúng, với chú Ba, chú Bảy, v.v… là chuyện thường ngày. Qua chuyện trò với họ, tôi nghe và thấy nhiều chuyện “Hương Tràm Trà Tiên.”  Và tôi yêu xứ nầy như quê hương thứ hai của tôi, ngoài Quảng Trị là nơi tôi sinh đẻ và học hành thời thơ ấu, học hành và dạy học ở Huế cọng chung là 15 năm (tôi có 2 cuốn Viết Về Huế đã xuất bản).
Sau khi “đứt phim”, về Saigon nhớ miệt nầy, tôi gần như muốn khóc. Trừ mấy năm trong trại tù Cộng Sản, khổ quá, tôi ít nhớ hơn. Nay qua Mỹ, nghỉ hưu, lại nhớ dữ, nên tôi viết một cuốn sách đề là “Hương Tràm Trà Tiên”, kể chuyện cũ cho ai quê vùng nầy, đọc để mà nhớ nhà chơi!
Có gì sơ xuất, xin thông cảm.
hoànglonghải

No comments:

Post a Comment