20230701 Cong Dong Tham Luan BPSOS
Cập
nhật về cuộc vận động mở lại chương trình định cư cho các cựu thuyền nhân bị
kẹt lại ở Thái Lan
Nhóm
bảo trợ cho bà Thạch Thị Phay tiến hành thủ tục bảo lãnh
Mạch Sống, ngày 30 tháng 6, 2023
Ngày 25 tháng 6, văn phòng của Dân BIểu Pierre Poilievre, thủ lãnh Đảng Bảo Thủ của Canada, cho biết đã chuyển đến giới chức hữu trách lời yêu cầu điều tra di dân gian lận và mở lại chương trình định cư nhân đạo cho các cựu thuyền nhân, bộ nhân bị bỏ rơi lại ở Thái Lan.
“Chúng tôi sẽ tuỳ nghi chia sẻ thông điệp của bạn với Ông Tom Kmiec, Bộ trưởng bóng tối về Di trú, Người tị nạn và Quốc tịch của phe đối lập chính thức. Ông ấy là người vận động mạnh mẽ cho vụ việc này và sẽ quan tâm đến các nhận xét của bạn.”.
Hình 1 – Hồi âm của DB Poilievre, thủ lãnh Đảng Bảo Thủ của Canada
Đó là câu trả lời của DB Poilievre khi nhận được thỉnh nguyện thư của nhiều công dân Canada. Thỉnh nguyện thư này do một cư dân ở Toronto khởi xướng ngày 17 tháng 6 nhằm kêu gọi chính phủ Canada điều tra các trường hợp di dân gian lận mà hậu quả là nhiều chục cựu thuyền nhân, bộ nhân bị lấy mất chỗ định cư nên bị kẹt lại ở Thái Lan.
Hình 2 -- DB Poilievre gặp gỡ anh Đặng Chí Hùng, một người quan
tâm đến tình trạng của các cựu thuyền nhân kẹt lại ở Thái Lan, ngày 09/06/2023
Song song với thỉnh nguyện thư này, một số người Việt ở Canada
đang lên tiếng kêu gọi Ts. Lê Duy Cấn, người đã thay mặt Liên Hội Người Việt
Canada ký bản ghi nhớ với chính phủ về chương trình định cư nhân đạo kể trên,
cùng với Liên Hội Người Việt Canada trình báo chính phủ về 13 hồ sơ gian lận mà
BPSOS đã điều tra và đúc kết thành bản báo cáo vào ngày 2 tháng 5 vừa qua.
“Chúng tôi sẽ cập nhật tài liệu này vào cuối tháng 7 vì có thêm
thông tin bổ sung về những trường hợp đã nhận diện cũng như vì chúng tôi điều
tra ra thêm hồ sơ gian lận,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch
BPSOS, cho biết.
Theo Ts. Thắng, Bộ Quốc Tịch và Di Dân Canada đã nhận được thông
tin về các hồ sơ gian lận và đang điều tra.
“Với thông tin bổ sung, tôi hy vọng họ sẽ tiến hành điều tra kỹ
lưỡng hơn và nhanh chóng hơn vì có yếu tố an ninh quốc gia,” Ts. Thắng nói.
Trong một diễn tiến liên quan, ngày 29 tháng 6, Mục Sư Jordan Smith thuộc văn phòng của BPSOS ở Thái Lan đã giúp bà Thạch Thị Phay làm đơn tham gia chương trình bảo lãnh tư nhân của Canada. Song song, nhóm 5 người ở Toronto đang làm đơn gửi chính phủ để định cư bà Phay theo diện bảo lãnh tư nhân.
|
|
Chị H Bhét Niê và “việc nhẹ lương cao” ở Ả Rập Xê Út
Hải Di Nguyễn
Năm 2018, cũng như bao người khác có hoàn cảnh khó khăn, chị H
Bhét Niê (sinh năm 1993) quyết định sang Ả Rập Xê Út theo chương trình xuất
khẩu lao động.
Chỉ khi đã tới Riyadh, chị mới nhận ra đó không phải là “việc nhẹ
lương cao” như đã quảng cáo. Nhưng khi đó đã quá muộn, chị bị lấy đi giấy tờ
lẫn điện thoại, không thể gọi công ty môi giới, cũng chẳng thể liên lạc người
nhà – phải “chịu nhục” đến năm 2020 và tự nhốt mình trong phòng để được về Việt
Nam.
Thế nhưng mọi chuyện không dừng ở đó.
Năm 2022, chị H Bhét Niê trốn sang tỵ nạn tại Thái Lan – vì sao? Tôi nghe chị kể câu chuyện của mình ngày 21/6/2023.
Xuất khẩu lao động
Chị H Bhét Niê là người Êđê đạo Tin lành, từ buôn Cư Canh, xã Ea
Sin, huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk.
Năm 2018, chị “nghe thông tin từ H Muir Mlô, là cán bộ xã, và anh
Phạm Ngọc Vị và Nguyễn Ngọc Ngà, là nhân viên Vinaco, giới thiệu đi làm ở Ả Rập
Xê Út.” Theo lời chị, họ nói đó là “việc công ty” nhưng “họ không nói rõ, chỉ
nói là việc nhẹ lương cao. Mình không biết gì, mình ở quê không biết gì, nên đã
nghe họ nói vậy, vì hoàn cảnh khó khăn.”
Chị được học tiếng Ả Rập khoảng một tháng, và ngày 9/4/2018 tới Ả
Rập Xê Út.
Làm việc từ 5 giờ sáng đến 2-3 giờ sáng
Chỉ khi đã sang Riyadh, chị H Bhét Niê mới nhận ra “ở đó không
phải là công ty” mà “là làm ôsin” cho một gia đình tám người.
“[Từ] 5 giờ sáng, làm liên tục luôn, có ngày gần 3 giờ sáng mới
được nghỉ, có ngày 2 giờ… Ngày nào cũng vậy luôn.”
Chị mô tả “Nhà ba tầng, một người làm”, mỗi tầng khoảng năm phòng,
và ngoài mọi việc lau chùi dọn dẹp trong nhà, cũng phải tưới hoa, dọn kho.
Mỗi ngày, gia đình chủ cho ăn một bữa. “Từ sáng tới trưa, họ không
nấu ăn. Chiều tối họ mới ăn.” Chị nói “Họ múc cho mình một ít. Còn cơm dư thừa
của họ, họ cất và họ cho người ngoài hết. Họ không để dành đâu, họ sợ mình ăn…
Một chén… có miếng thịt, nhưng miếng nhỏ. Họ ăn cơm trộn.”
Phần cơm thừa “họ cho người nghèo, họ làm từ thiện, ngày nào cũng
vậy.”
“Không dám xin, sợ họ chửi. Họ nói là nếu đói quá thì tự mua, gửi
tiền cho họ mua, nên ráng chịu tốn tiền mua đồ ăn nữa.” Chị cho biết cứ 2-3
ngày lại phải đưa họ tiền để “mua bánh mì để dành ăn, đỡ đói”.
Chị H Bhét Niê nói mình ngủ trong một phòng nhỏ gần kho. “Giường
thì nhỏ, một người nằm thôi. Phòng thì nóng, ở tuốt tầng trên… Là phòng họ dành
riêng cho ôsin.”
Tiền lương, theo chị cho biết, là 1,500 riyal tức 9 triệu đồng
Việt Nam, hay chưa tới 400 USD.
Bị đánh đập ngược đãi
Trước khi đi lao động xuất khẩu, chị H Bhét Niê chỉ được học tiếng
Ả Rập khoảng một tháng: “cũng không hiểu nhiều, học được sơ sơ thôi… Tiếng chào
hỏi, rồi tên đồ ăn, vậy thôi, cũng không được học nhiều.”
Chị nói, khi làm giúp việc ở Ả Rập Xê Út, “lúc họ nói mình không
hiểu, nói mình lấy cái này cái kia mà mình không hiểu, họ chửi mắng xong, tức
quá, họ đánh đập, ngược đãi… Tát vào mặt, đập vào đầu. Nhiều lần như vậy.”
“Làm việc sai sót một tí thôi, họ cũng chửi mắng, rồi đánh.” Mệt làm
không nổi hoặc dọn không sạch, chị cũng bị chửi đánh. “Làm bể đồ thì họ trừ
[tiền].”
Trong suốt hai năm ở đó, chị bị lấy mất điện thoại và cũng không
được dùng mạng, gọi về công ty môi giới không được mà liên lạc người nhà cũng
không thể. Trong suốt hai năm ở đó, chị cũng không được ra khỏi khuôn viên
nhà.
Về Việt Nam năm 2020
Chị H Bhét Niê nói mình “chịu nhục đến tháng 12/2020 xin về”.
“Tháng 12/2020, tôi xin về, chủ không cho. Lúc đó tôi nhốt bản
thân trong phòng và không ăn uống, vài hôm sau họ cho về. Nhưng tiền mua vé tự
lo hết. Số tiền mua vé là 35 triệu.” (gần 1,500 USD)
Chị kể “Họ không nói gì luôn, họ im luôn. Mình ở trong phòng, sau
ba ngày họ mới nói là cho về, mua vé thì tự lo hết.”
Ngày 5/12/2020, chị đi máy bay thẳng từ Ả Rập Xê Út về Hà Nội, rồi
cách ly 14 ngày ở Nam Định.
“Sau 14 ngày cách ly là tiền ăn uống cũng tự lo chi phí. Ngày hôm
sau về thì hai bàn tay trắng, không có tiền trong tay… Mua vé hết, xong về còn
ít tiền, cách ly là hết sạch luôn.”
Bị công an áp giải năm 2021
Về Việt Nam, chị H Bhét Niê không liên lạc được với công ty môi
giới vì họ không bắt máy, nhưng cũng không báo công an hay kể ai nghe về chuyện
đã xảy ra.
Tuy nhiên ngày 15/4/2021, chính quyền xã Ea Sin tới áp giải và hỏi
chị về trường hợp H Xuân Siu, cô gái 17 tuổi đi lao động xuất khẩu ở Ả Rập Xê
Út khi chưa đủ tuổi và chết năm 2021.
“Họ nói có làm việc chung với H Xuân Siu không. Tôi nói là tôi
không biết, tại tôi không biết thật. Nói là từng làm việc ở Ả Rập, nhưng không
làm việc chung với H Xuân Siu, cũng không biết H Xuân Siu là ai.” Chị nói công
an nói chị “cung cấp thông tin cho người nước ngoài” và “gọi điện, liên lạc với
người nhà H Xuân Siu, báo cho họ là H Xuân Siu chết”.
Chị nói “Tôi nói là tôi không biết vụ đó. Công an Y Thu Êban đánh
vào đầu tôi nhiều cái và dọa muốn đưa vào tù, và cho chịu nhục trước dân làng.”
Tôi đã liên lạc với công an tỉnh Đắk Lắk để hỏi về cáo buộc của
chị H Bhét Niê về công an xã Ea Sin (thuộc Đắk Lắk), đặc biệt Y Thu Êban, nhưng
không nhận được phản hồi.
Chị H Bhét Niê cho biết đến ngày 29/5/2021, chị lại bị công an áp
giải vì đi lễ ở nhà cậu là Y Duên Niê. “Họ nói không cho đi lễ ở nhà ông Y
Duên, vì chỗ đó nhà nước chưa công nhận… Ông Y Thu Êban, là công an, và Y Uch
Niê, cũng là công an, nói tôi nếu tiếp tục đi lễ Tin lành, chính quyền sẽ xử lý
nghiêm, bắt vào tù. Họ bắt tôi ký kiểm điểm, không cho đi lễ, bắt bỏ đạo.”
Tới ngày 21/8/2021, công an lần nữa lại đến nhà áp giải và bắt chị
bỏ đạo. Chị H Bhét Niê nói trong toàn bộ những lần đi làm việc với công an, chị
hoàn toàn không báo về chuyện bị hành hạ đánh đập ở Ả Rập Xê Út.
Công an “giật áo, sàm sỡ”
Khi ở Ả Rập Xê Út, chị H Bhét Niê hoàn toàn không có điện thoại và
không liên lạc được ai, nhưng đến năm 2021, một thời gian sau khi đã về lại
Việt Nam, chị mới liên lạc được với chồng sắp cưới là Y Chuân Mlô, lúc này đã
sang tỵ nạn tại Thái Lan.
Theo lời chị, vài tháng sau công an biết và đến áp giải chị ngày
12/12/2020: “ông Y Thu Êban và Kpa Y Thiêt thẩm vấn, họ nói tại sao tôi kết nối
liên lạc với Y Chuân”. Họ hỏi có quan hệ gì và “nói Y Chuân Mlô và đồng bọn là
phản động, chống phá nhà nước”.
Chị cho biết anh Y Chuân Mlô trước đây ở Việt Nam đi biểu tình đòi
tự do tôn giáo, đòi lại đất đai của người bản địa, và đòi thả tù nhân lương
tâm, và đi tù từ năm 2008 đến 2015.
Nói về hôm thẩm vấn ngày 12/12/2020, chị cũng nói “Ông Nguyễn
Quang Hiệp, Trưởng công an xã Ea Sin, dọa tôi, tát tôi nhiều cái vào đầu, và
nói tôi muốn qua đó để chống chính quyền Việt Nam à. Ông Nguyễn Quang Hiệp giật
áo tôi rách ở ngực, và sàm sỡ tôi. Lúc đó tôi la hét, ông Y Thu Êban nói nếu
tôi tiếp tục liên lạc với Y Chuân và Y Quynh ở Thái Lan, họ sẽ xử lý theo quy
định pháp luật và bắt tôi vào tù.”
Chị cho biết công an xã cấm chị đi lễ, cấm ra khỏi địa phương, cấm
liên lạc với chồng.
Tôi cũng hỏi công an tỉnh Đắk Lắk về cáo buộc của chị H Bhét Niê
về ông Nguyễn Quang Hiệp, nhưng không nhận được phản hồi.
Vì sao sang Thái Lan tỵ nạn?
Theo lời kể của chị H Bhét Niê, sau đó trong năm 2021-2022, công
an địa phương cứ lâu lâu lại tới nhà áp giải, có lúc sáu người, có lúc tám
người, có lúc ép bỏ đạo, có lúc tra hỏi chuyện “kết nối với người ở Thái Lan”.
Ngay cả khi chị vào Sài Gòn làm công nhân vào tháng 10/2022, vì ở Đắk Lắk cứ liên tục bị gọi lên làm việc, công an xã Ea Sin vẫn nhiều lần gọi và “yêu cầu về đi, nếu không sẽ truy tìm”.
|
|
Báo
cáo viên Đặc biệt LHQ lên tiếng về trường hợp Y Khiu Niê và Y Sĩ Êban
Hải Di Nguyễn
Ngày
28/4/2023, Báo cáo viên Đặc biệt Liên Hiệp Quốc gửi thư tố giác chung đến nhà
nước Việt Nam – bức thư giờ đã được công khai và có thể xem tại đây.
Thư tố
giác đề cập đến việc nhà nước Việt Nam bắt giữ tùy tiện, đe dọa, theo dõi, hạn
chế đi lại, và sách nhiễu hai ông Y Khiu Niê và Y Sĩ Êban, hai tín đồ Tin lành
người Thượng và nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền. Thư nói “Việc họ bị bắt giữ
dường như có liên quan đến việc họ thực hiện hợp pháp các quyền tự do tư tưởng,
lương tâm, và tôn giáo của mình và việc họ tham gia Hội nghị Tự do Tôn giáo và
Tín ngưỡng Đông Nam Á (Southeast Asia Freedom of Religion or Belief Conference,
hay SEAFORB) tại Bali tháng 11/2022”.
Ngày 7-9/11/2022, Hội nghị Tự do Tôn giáo và Tín ngưỡng Đông Nam Á diễn ra tại Bali, Indonesia. Tổ chức thường niên từ năm 2015, đây là diễn đàn để thảo luận và trao đổi kinh nghiệm về các vấn đề và thách thức liên quan đến tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Đông Nam Á. Nhiều đại diện XHDS, cộng đồng tôn giáo, tổ chức quốc tế, bao gồm LHQ, Báo cáo viên Đặc biệt về tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, và các nhà ngoại giao tham gia hội nghị năm 2022.
Hai ông Y Khiu Niê và Y Sĩ Êban sống ở Đắk Lắk, thuộc các cộng
đồng bản địa ở Việt Nam, và theo đạo Tin lành. Theo thông tin có được, cả hai
bị cơ quan thực thi pháp luật cấm xuất cảnh để tham dự hội nghị ở Bali, vì thế
không thể tham gia hội nghị và cũng không thể trực tiếp liên lạc với LHQ và các
Báo cáo Viên Đặc biệt về vấn đề của họ và cộng đồng họ.
Ngày 6/11/2022, ông Y Khiu Niê bị chặn xuất cảnh ở phi trường Tân
Sơn Nhất với lý do không đáp ứng điều kiện về xét nghiệm và vaccine Covid, dù
có giấy chứng nhận tiêm chủng và cũng yêu cầu làm xét nghiệm nhanh (nhưng bị từ
chối).
Trên đường về, ông Y Khiu Niê bị bắt giữ, đưa về thành phố Buôn Ma
Thuột, Đắk Lắk, và tạm giam, không có lệnh bắt giữ. Ông bị “tra vấn dữ dội”
(intense interrogation) từ 4 giờ chiều đến nửa đêm ngày 6/11, và từ 7 giờ rưỡi
sáng đến 8 giờ 45 phút tối ngày 7/11, mà không được liên lạc với bất kỳ ai bao
gồm luật sư.
Trong lúc thẩm vấn, công an dọa bắt tù và ép ông ký cam kết chấm
dứt liên lạc với các tổ chức nhân quyền, đặc biệt với mục đích gửi báo cáo cho
LHQ và các chính phủ phương Tây. Ông cũng bị ép quay video nói một số tổ chức
XHDS đang chống phá nhà nước Việt Nam.
Tương tự, ngày 6/11/2022, ông Y Sĩ Êban bị bắt giữ ở sân bay Tân
Sơn Nhất khi trên đường đi dự hội nghị ở Bali. Công an cũng không đưa ra lệnh
bắt giữ. Ông Y Sĩ Êban bị đưa tới một trại giam mà sau này ông phát hiện ra
cũng là nơi giam giữ ông Y Khiu Niê.
Ông bị tịch thu ba điện thoại, không được gọi luật sư, và bị tra
khảo tới ngày 7/11. Ngoài chuyện bị tra hỏi vì sao muốn tham gia hội nghị tại
Bali, ông Y Sĩ Êban bị cáo buộc phạm tội chính trị và được lệnh phải ngừng dạy
Kinh Thánh, ngừng tham gia các sinh hoạt hội thánh tư gia của người thân, ngừng
liên lạc với các tổ chức XHDS, và phải viết cam kết.
Ông cũng phải quay video chỉ trích một số tổ chức XHDS.
Thư tố giác nói ông Y Sĩ Êban bị thương ở mặt và đầu do bị hành
hung trong quá trình thẩm vấn.
Cả hai ông Y Khiu Niê và Y Sĩ Êban đều bị công an theo dõi chặt
chẽ trước đó.
Nhắc tới những lời cáo buộc trên, bức thư “bày tỏ quan ngại nghiêm
trọng đến việc bắt giữ tùy tiện, đe dọa, sách nhiễu, hạn chế đi lại một cách
phi lý, giám sát, và hành động bạo lực với hai ông Y Khiu Niê và Y Sĩ Êban.”
Thư cũng nhắc tới “Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính
trị, được nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ký ngày 24/9/1982, bao gồm quyền
tự do tư tưởng, lương tâm, và tôn giáo (điều 18), tự do ngôn luận (điều 19),
quyền bình đẳng trước pháp luật và quyền được bảo vệ bình đẳng (điều 26), và
quyền các thành viên thuộc nhóm tôn giáo thiểu số được thực hành tôn giáo của
họ với các thành viên khác trong nhóm (điều 27).”
Trong thư, các Báo cáo viên Đặc biệt cũng nhắc tới cáo buộc từ năm
2020 về chuyện nhà nước Việt Nam đe dọa, sách nhiễu, hạn chế đi lại, và có hành
vi bạo lực với những người tìm cách tham dự Hội nghị Tự do Tôn giáo và Tín ngưỡng
Đông Nam Á – cho đến nay vẫn chưa có phản hồi từ nhà nước Việt Nam.
Các Báo cáo viên Đặc biệt LHQ yêu cầu nhà nước Việt Nam phản hồi
về những cáo buộc trên, bao gồm cáo buộc đánh đập ông Y Sĩ Êban; giải thích vì
sao bắt giữ hai ông Y Khiu Niê và Y Sĩ Êban; đưa ra cơ sở pháp lý để bắt giữ và
thẩm vấn họ; đưa ra cơ sở pháp lý cho việc giám sát chặt chẽ, thẩm vấn, và cấm
xuất cảnh với những người tham gia hội nghị từ năm 2015 đến 2022, và những
người đã liên lạc và hợp tác với LHQ.
Họ yêu cầu nhà nước Việt Nam đưa ra thông tin các bước cụ thể đã
làm để “ngăn chặn các hành vi đe dọa hoặc trả thù với bất kỳ cá nhân hoặc người
bảo vệ nhân quyền nào tìm cách hợp tác với LHQ, các đại diện và cơ chế của tổ
chức này trong lĩnh vực nhân quyền, và các đại diện ngoại giao nước ngoài”.
Cuối cùng, họ cũng yêu cầu nhà nước Việt Nam đưa ra thông tin các
bước cụ thể đã làm để “bảo vệ và thúc đẩy quyền lợi các tôn giáo thiểu số, đặc
biệt các cộng đồng tôn giáo độc lập của người Thượng theo đạo Thiên Chúa”.
Người ký tên thư tố giác là Nazila Ghanea (Báo cáo viên Đặc biệt
về tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng), Matthew Gillett (Phó Trưởng ban Truyền
thông Nhóm Công tác về Bắt giữ Tùy tiện), Mary Lawlor (Báo cáo viên Đặc biệt về
tình trạng những người bảo vệ nhân quyền), và Fernand de Varennes (Báo cáo viên
Đặc biệt về các vấn đề các nhóm thiểu số).
|
|
No comments:
Post a Comment