20240117 Cong Dong Tham Luan BPSOS
Chương
Trình Welcome Corps Giai Đoạn 2 đã bắt đầu
Tác
hại của tin sai và tin giả
Thông Báo của BPSOS
Ngày 14 tháng 1, 2024
Chương trình Welcome Corps Giai Đoạn 2
chính thức bắt đầu vào trung tuần tháng 12, 2023. Các người đã ghi tên với
BPSOS trước đây với ý định lập nhóm bảo lãnh tư nhân, xin liên lạc sớm với Ts.
Phan Quang Trọng để được hướng dẫn hoàn tất thủ tục lập hồ sơ bảo lãnh:
trong.phan@gmail.com
Hiện 1 nhóm sắp hoàn tất thủ tục và 3 nhóm đang lập hồ sơ bảo lãnh cho 4 gia đình tị nạn, gồm 1 gia đình cựu thuyền nhân và 3 gia đình phụ nữ đơn thân với con nhỏ. Tất cả đều được quy chế tị nạn nhờ sự can thiệp pháp lý của các luật sư do BPSOS tài trợ từ những đóng góp của quý đồng hương ở hải ngoại.
Hình 1 - Người tị nạn đến trước đón người tị nạn đến sau,
tháng 11 năm 2023
Tại buổi họp ngày 10 tháng 1 vừa qua với Refugee Council
USA (RCUSA), liên minh của 39 tổ chức trong đó có BPSOS, Cô Jacqui Pilch, giới
chức Bộ Ngoại Giao quản lý chương trình Welcome Corps, tường trình:
1.
Giai đoạn 1: Có 10 nghìn người bày tỏ
ý định lập nhóm bảo lãnh; tuy nhiên chỉ có 88 người đã định cư theo chương
trình Welcome Corps, đạt dưới 2% mục tiêu là 5,000 cho năm 2023.
2.
Giai đoạn 2: Số chỗ cho Welcome Corps
được tăng lên là 10,000 cho năm 2024, sẽ giành ưu tiên đặc biệt cho vùng Trung
Mỹ; có 68 nghìn người ngỏ ý muốn tìm hiểu; 4,800 người đã tham gia buổi định
hướng; số nhóm có ý định tiến hành bảo lãnh có thể bảo lãnh tổng cộng
2,000 người tị nạn; số tiền tối thiểu để bảo lãnh mỗi người tị nạn tăng lên là
2,425 USD. Hiện có 25 tổ chức mệnh danh Private Sponsorship Organizations
(PSOs) sẵn sàng hướng dẫn thủ tục lập hồ sơ bảo lãnh tư nhân.
3.
Chỉ những ai đã ghi danh xin tị nạn
với Cao Uỷ Tị Nạn LHQ hoặc quốc gia sở tại trước ngày 30 tháng 9, 2023 mới được
tham gia Welcome Corps. Các quy định hiện hành vẫn giữ nguyên theo từng quốc
gia sở tại. Ở Thái Lan, chỉ những ai đã có quy chế tị nạn của CUTN/LHQ mới được
tham gia chương trình Welcome Corps.
Tại buổi tường trình, Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc
kiêm Chủ Tịch BPSOS, cùng với một số đại diện của các tổ chức thuộc RCUSA, nêu
quan ngại về một số thông tin sai hoặc giả, điển hình:
1.
Một nhóm 5 người có thể bảo lãnh 20,
50, 100 gia đình tị nạn cũng được.
2.
Người tị nạn được bảo lãnh sẽ được đi
định cư nhanh chóng, chỉ trong vài tháng.
3.
Chương trình Welcome Corps sẽ mở ra
cho những người không có quy chế tị nạn.
Các tin sai hoặc giả này đã gây nhiều hậu quả tai
hại:
1.
Nhiều người đã di chuyển đến quốc gia
khác để được định cư Hoa Kỳ, nhất là ở một số quốc gia Phi Châu.
Riêng ở Việt Nam, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2023, khoảng 400 người
Jarai đã trả từ 800 đến 1,000 USD mỗi người để chạy sang Thái Lan. Nhiều
người không còn đường thoái lui vì đã cầm cố nhà cửa, tài sản ở Việt Nam.
2.
Có những nhóm người tổ chức “tua” cho
các chủ doanh nghiệp (hãng may, trại gà, tiệm ăn...) ở Hoa Kỳ đến quốc gia tạm
dung tuyển công nhân. Điều này tăng nguy cơ buôn lao động.
3.
Một số người tị nạn được khuyến dụ
cung cấp thông tin cá nhân cho những người có thể sẽ bảo lãnh mình, vi phạm
nguyên tắc bảo mật thông tin cá nhân.
Thật ra:
1.
Mỗi nhóm 5 người mỗi lúc chỉ được bảo
lãnh 1 gia đình tị nạn.
2.
Chỉ nhóm bảo lãnh nào được chấp thuận
bởi Welcome Corps thì mới được thu thập thông tin của người tị nạn. Văn phòng
Resettlement Support Center (RSC) ở quốc gia tạm dung sẽ xác nhận quy chế của
nhóm bảo lãnh với người tị nạn.
3.
Welcome Corps nằm dưới chương
trình tái định cư tị nạn của chính phủ Hoa Kỳ (US Refugee Admission Program,
USRAP) và do đó mọi thể thức và quy định của USRAP đều áp dụng; số chỗ được
trích ra từ số chỗ tái định cư của USRAP; người tham gia Welcome Corps phải
nhập dòng chờ chung, đến phiên mới được cứu xét. Không có chuyện đi nhanh hơn
người tái định cư theo chương trình USRAP bình thường. Và cũng không có chuyện
Welcome Corps sẽ mở ra cho những người không quy chế tị nạn.
Welcome Corps đem lại 2 thay đổi ở 2 đầu:
1.
Ở đầu nhập vào dòng chờ, nhóm tư nhân
bảo lãnh giới thiệu hồ sơ tị nạn thẳng cho chính phủ Hoa Kỳ thay vì phải chờ
Cao Uỷ Tị Nạn LHQ. Người tị nạn vẫn phải có quy chế tị nạn của CUTN/LHQ hoặc
một quy chế tương tự của chính phủ sở tại.
2.
Ở đầu ra khỏi dòng chờ, người tị
nạn được đón tiếp và giúp đỡ bởi nhóm bảo trợ thay vì bởi một tổ chức
chuyên nghiệp được chính phủ tài trợ; sau 90 ngày, nhóm bảo trợ bàn giao
người tị nạn lại cho một tổ chức chuyên nghiệp.
Để đối phó tin sai và tin giả,
Chương Trình Welcome Corps sẽ gia tăng phổ biến các hướng
dẫn trực tiếp đến người tị nạn, trong nhiều ngôn ngữ, tại: https://welcomecorps.org/resources/for-refugees/, và lập
đường dây báo cáo hành vi lừa gạt:
Theo Cô Jacqui Pilch, USRAP có triển vọng
đạt mức tái định cư 125,000 người tị nạn trong tài khoá 2024 (01/10/2023
- 30/09/2024) là đỉnh số được Tổng Thống đề ra và Quốc Hội chuẩn thuận, so
với tài khoá 2023 chỉ đạt 60,014 người, dưới 50% mục tiêu.
Trong công cuộc vận động tái định cư
người Việt tị nạn ở Thái Lan, BPSOS đã đặt mục tiêu 100 người cho năm 2023 và
400 người cho năm 2024. Thực tế, 138 người tị nạn Việt Nam ở Thái Lan đã tái
định cư ở Hoa Kỳ, Canada, Úc và New Zealand trong năm 2023. Với mức độ tái định
cư hiện nay, mục tiêu cho năm 2024 có triển vọng sẽ đạt được.
Bài
liên quan:
Bảo vệ
và giải cứu đồng bào giữa hiểm nguy: Lời tri ân và kêu gọi cuối năm
Welcome Corps Giai
Đoạn 2: Giải đáp thắc mắc
Thông Báo của BPSOS,
ngày 15 tháng 1, 2024
Sau khi đăng thông
báo ngày 14 tháng 1, 2024, chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi từ đồng hương ở Mỹ
cũng như của người tị nạn ở Thái Lan. Xin trả lời chung như sau.
Lợi ích của bảo lãnh tư nhân
Điểm tích cực của Welcome Corps là đưa người được bảo lãnh vào
dòng chờ của chương trình tái định cư tị nạn của chính phủ Hoa Kỳ (US Refugee
Admissions Program, USRAP). Dù phải chờ lâu mới đến phiên, nhưng sẽ được cứu
xét. Ngược lại, những ai đã trong dòng chờ của USRAP thì Welcome Corps sẽ không
giúp đi nhanh hơn, nên nhường phần cho người khác.
Người tị nạn có thể làm gì?
Người tị nạn có bố mẹ, anh chị em ruột, hôn phu, hôn thê… ở Hoa Kỳ thì nên khuyến khích thân nhân lập nhóm bảo lãnh mình. Thường, thời gian cứu xét tái định cư tị nạn ngắn hơn so với thời gian chờ bảo lãnh đoàn tụ gia đình. Tương tự, người tị nạn là tín đồ của một hội thánh Tin Lành hoặc quen biết tổ chức tôn giáo, hội đoàn ở Hoa Kỳ thì nên kêu gọi họ lập nhóm bảo lãnh mình.
Người ở
Hoa Kỳ có thể làm gì?
Trước
đây, một số hội thánh Tin lành, chùa Phật Giáo, ban trị sự Phật Giáo Hoà Hoả,
Thánh Thất Cao Đài cũng như một số hội ái hữu đã liên lạc BPSOS ngỏ ý muốn bảo
lãnh người tị nạn. Chúng tôi mong quý vị sớm tiến hành thủ tục bảo lãnh tư
nhân. Ở một số tiểu bang đã có những tổ chức hướng dẫn (xem: https://refugeewelcome.org/state-resources). Bằng
không, xin liên lạc TS Phan Quang Trọng, sẵn sàng tình nguyện hướng dẫn: trong.phan@gmail.com.
Triển
vọng định cư theo Welcome Corps
Trước
khi Welcome Corps được công bố, tôi đã nhắc: “hy vọng nhưng thận trọng”. Thế mà
vẫn có người tuyên bố Welcome Corps sẽ giải quyết định cư toàn bộ 2 ngàn người
Việt đang lánh nạn ở Thái Lan, dù có quy chế tị nạn hay không, trong vòng một
năm. Lại có người cương điệu, chỉ trong 6 tháng. Phát biểu như thế là vô căn cứ
và sai thấy rõ vì một năm đã trôi qua.
Thực ra,
đến cuối năm nay, nếu có được 30 đồng bào tị nạn được định cư theo Welcome
Corps thì đã là rất may mắn. Dễ hiểu. Đơn bảo lãnh nộp cho Welcome Corps phải
mất nhiều tháng mới có quyết định. Nếu đơn được chấp nhận thì người tị nạn bắt
đầu xếp hàng chờ. Đến phiên được cứu xét thì phải qua vòng phỏng vấn của nhân
viên di trú Hoa Kỳ. Nếu được nhận cho tái định cư thì phải qua thủ tục khám sức
khoẻ, điều tra nhân thân, v.v. Chẳng mấy chốc đã hết năm 2024.
Chuyện gì xảy ra nếu Welcome Corps không còn nữa?
Chương trình Welcome Corps là sáng kiến của Hành Pháp Biden do Trung Tâm Niskanen vận động ứng cử viên tổng thống Joe Biden. Nếu Tổng Thống Biden không tái đắc cử sau cuộc tổng tuyển cử tháng 11 tới đây, số phận của Welcome Corps không biết sẽ ra sao. Nhưng dù Welcome Corps không còn, người trong dòng chờ của USRAP thì vẫn tiếp tục được giải quyết; khi tái định cư, họ sẽ được giao cho các tổ chức chuyên nghiệp đón tiếp và giúp đỡ.
Bảo mật
thông tin cá nhân
Trước
đây có người kêu gọi người tị nạn cung cấp thông tin cá nhân để được bảo lãnh.
Đấy là điều cấm kỵ. Chỉ nhóm 5 người nào đã được xác nhận bởi Welcome Corps thì
mới được phép tiếp cận thông tin cá nhân của người tị nạn; văn phòng RSC ở quốc
gia sở tại sẽ báo cho người tị nạn nhóm nào được xác nhận. Nếu lỡ cung cấp
thông tin cá nhân cho những người chưa được xác nhận, quý vị chỉ cần yêu cầu họ
xoá bỏ và không được sử dụng thông tin cá nhân đã cung cấp. Nếu có sự lạm dụng
thông tin cá nhân, quý vị có thể trình báo với Welcome Corps: fraud@welcomecorps.org. Nếu
cần hỗ trợ, xin liên lạc: bpsos@bpsos.org
Bài liên
quan:
Chương
trình định cư tị nạn theo diện bảo lãnh tư nhân của Hoa Kỳ: hy vọng nhưng thận
trọng
Chương
Trình Welcome Corps Giai Đoạn 2 đã bắt đầu
50 năm Hải chiến Hoàng Sa: 'Việt Nam Cộng Hòa đã bị hy sinh'
No comments:
Post a Comment