20221022 Cong Dong Tham Luan
BPSOS bpsos@bpsos.org
Việt Nam vào Hội Đồng Nhân Quyền LHQ: Cơ hội
để tăng áp lực về nhân quyền
Số phiếu ủng hộ Việt Nam giảm mạnh so với năm
2013
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 16 tháng 10,
2022
Việt Nam vừa đắc cử vào
Hội Đồng Nhân Quyền LHQ với số phiếu 145/189 cho nhiệm kỳ 2024-2026. Trong cuộc
phỏng vấn với SBS trước cuộc bầu cử của Đại Hội Đồng LHQ ngày 11 tháng 10, tôi
giải thích là BPSOS không chủ trương chống lại việc nhà nước Việt Nam tham gia
Hội Đồng Nhân Quyền LHQ mà lại thấy rằng đấy là cơ hội tốt để quốc tế chiếu rọi
ánh sáng lên tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Xem:
Khi ngồi trên ghế nóng của Hội Đồng Nhân Quyền, Việt Nam khó tránh né bị “chiếu tướng” bởi các quốc gia quan tâm và các chuyên gia nhân quyền của LHQ.
Phiên họp bầu
cử Hội Đồng Nhân Quyền LHQ, ngày 11/10/2022
Nhằm đạt mục tiêu này,
chúng tôi tập trung vận động số quốc gia đã biểu hiện mối quan tâm về một lĩnh
vực nhân quyền đặc thù: quyền tự do tôn giáo. Đó là các quốc gia thành viên của
Liên Minh Quốc Tế Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin (International Religious Freedom
or Belief Alliance, IRFBA). Liên Minh IRFBA được Hoa Kỳ khởi xướng năm 2020 và
hiện nay Vương Quốc Anh là chủ tịch; năm 2023 Brazil sẽ làm chủ tịch.
Liên Minh này hiện có 37 quốc gia thành viên và 5 quốc gia thân hữu hay
quan sát viên, vị chi 42 quốc gia. Xem thêm về IRFBA:
https://www.state.gov/international-religious-freedom-or-belief-alliance/
Trong tư cách thành viên
của Hội Đồng các Chuyên Gia (Council of Experts) tư vấn cho liên minh này, tôi
đã làm rõ với các quốc gia thành viên của IRFBA 2 điều.
Trước hết, Việt Nam đang là tấm gương xấu vì chỉ đãi bôi chứ không thực tâm tôn trọng các quy tắc của LHQ. Tôi chỉ ra sự việc chính quyền Việt Nam đã ngăn chặn, cản trở và thậm chí xử phạt hành chính công dân khi hưởng ứng Ngày Quốc Tế Tưởng Niệm các Nạn Nhân của các Hành Vi Bạo Lực trên căn bản Tôn Giáo hay Niềm Tin. Tháng 5 năm 2019, Đại Hội Đồng LHQ thông qua nghị quyết chọn ngày 22 tháng 8 hàng năm là ngày quốc tế này, và Việt Nam đồng thuận ủng hộ nghị quyết ấy. Là quốc gia thành viên của LHQ, Việt Nam có nghĩa vụ cổ suý, động viên và tạo phương tiện cho công dân hưởng ứng ngày quốc tế này. Thế nhưng sau lưng quốc tế, nhà nước Việt Nam đã hành động ngược lại.
Một cộng đồng
Thượng theo đạo Tin Lành tưởng niệm ngày 22 tháng 8 năm 2022
Một lá thư chung gồm 50
chữ ký của nhiều tổ chức và nhân sĩ cũng được gửi đến các thành viên của IRFBA
về vấn đề này ngay trước ngày Đại Hội Đồng LHQ bỏ phiếu, là ngày 11 tháng 10.
Xem:
Tuy nhiên, không hẳn quốc gia nào trong liên minh IRFBA cũng quan
tâm đủ về tính đãi bôi làm gương xấu của Việt Nam. Do đó, tôi đã nhắc nhở thêm
là chí ít họ nên nhớ rằng Việt Nam đã chống lại việc trục xuất Nga ra khỏi Hội
Đồng Nhân Quyền LHQ vì xâm lăng Ukraine. Hầu hết các quốc gia trong IRFBA đều
cực lực lên án cuộc xâm lăng này từ đầu và ắt hẳn không muốn thấy một quốc gia
bỏ phiếu chống trục xuất Nga nay lại ngồi vào ghế của hội đồng này. Điều nhức
nhối cho Việt Nam: Ukraine là thành viên của IRFBA.
Khi Đại Hội Đồng
LHQ bỏ phiếu ngày 11 tháng 10, Việt Nam nhận được 145 phiếu ủng hộ, giảm đi 39
phiếu so với năm 2013. Khi ấy Việt Nam nhận được 184 phiếu ủng hộ, đứng đầu các
quốc gia đắc cử vào Hội Đồng Nhân Quyền LHQ.
Tôi đang chờ lấy thông
tin chi tiết về cuộc bỏ phiếu ngày 11 tháng 10 nhưng đồ chừng là những quốc gia
không bỏ phiếu cho Việt Nam vào Hội Đồng Nhân Quyền LHQ phải là những quốc gia
quan tâm đến nhân quyền hoặc lên án cuộc xâm lăng Ukraine, hoặc cả hai. Đó hẳn
là những cường quốc dân chủ, có ảnh hưởng lớn trên thế giới và có thể áp lực Việt
Nam về nhiều mặt. Tôi sẽ không ngạc nhiên khi phần lớn các quốc gia thành viên
IRFBA không ủng hộ Việt Nam lần này.
Số 145 phiếu còn lại đến
từ những quốc gia nào? Chúng tôi biết trước rằng có nhiều quốc gia sẽ bỏ phiếu
cho Việt Nam bất luận tình trang vi phạm nhân quyền và cũng bất luận thái độ của
Việt Nam về việc Nga xâm lược Ukraine. Ngoài các quốc gia độc tài như Cuba,
Nicaragua, Nigeria, Algeria, Trung Cộng, Nga, Belarus, Campuchia, Lào, Bắc Triều
Tiên, v.v. còn có những quốc gia thiếu dân chủ ở Trung Mỹ, Phi Châu, Trung Á,
và Á Châu trong số này.
Vì không thể lay chuyển
lá phiếu của các quốc gia như vậy, chúng tôi đoán trước là Việt Nam sẽ đắc cử
vào Hội Đồng Nhân Quyền LHQ nhưng với số phiếu thấp hơn năm 2013. Và chính những
lá phiếu bị mất đi này mới thực sự quan trọng vì đằng sau chúng là các cường quốc
dân chủ.
Tóm lại, trong 3 năm tới
Việt Nam sẽ ở trên ghế nóng của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ và nhiều cường quốc dân
chủ nay đã rõ bản chất của nhà nước Việt Nam. Đây là cơ hội mà các tổ chức, các
nhóm quan tâm đến nhân quyền cần tận khai thác.
Falls Church, VA 22041
No comments:
Post a Comment