Sunday, October 2, 2022

20221002 Cong Dong Tham Luan Dia Su Linh Nam 40

20221002 Cong Dong Tham Luan Dia Su Linh Nam 40

CẨM-KHÊ DI-HẬN (Q.IV: Hồi 93-100)

https://trandaisy.wordpress.com/2012/11/16/cam-khe-di-han-q-iv-hoi-93-100-2/8/

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8

CẨM-KHÊ DI-HẬN (Q.IV: Hồi 93-100)

Posted on November 16, 2012 by Lê Thy

HỒI THỨ MỘT TRĂM

Trưng-vương vắng mặt còn ai?
Đi về thay đổi mặc người Hán quan.

(Đại-Nam quốc sử diễn ca)

Trời vừa sáng, Mã-Viện cho triệu tập tướng sĩ bên bờ sông Hát-Giang bàn định kế hoạch đánh chiếm các thành còn lại. Lê-đạo-Sinh hiến kế:

– Trưng-Trắc, Trưng-Nhị tuy chết, triều đình bị diệt. Song còn ba đạo quân quan trọng. Chủ lực chính là Đào-Kỳ, Phương-Dung. Chủ lực thứ nhì là Đô-Dương, Lại-thế-Cường. Chủ lực thứ ba là Phùng-vĩnh-Hoa. Phải dồn quân diệt từng chủ lực một.

Mã-Viện đồng ý. Y nói:

– Chúng ta đánh chiếm được Mê-Linh. Phùng-vĩnh-Hoa mất đường về vì phía trước bị Vương-Bá vây đánh. Y thị chỉ có tráng đinh. Coi như không đáng kể. Duy Đô-Dương là đáng sợ nhất. Vậy phiền Lê lão sư, cùng các vị đệ tử đừng quản ngại, suất lĩnh tráng đinh đánh chiếm lấy vùng Hoa-Lư. Đem các dàn Nỏ thần phục trên sườn núi. Mục đích chặn không cho Đô-Dương cứu viện Đào-Kỳ. Tôi ra lệnh cho Lưu-Long đổ bộ lên vùng biển Thiên-Trường đánh phía sau. Đại quân của tôi từ Mê-Linh, Đông-Triều đánh về Long-Biên. Đào-Kỳ tất bị diệt. Diệt Đào-Kỳ rồi. Chúng ta tiến đánh Đô-Dương sau. Vừa lúc đó trống thúc vang dội, quân reo rung động trời đất. Mã-Viện kinh hãi hỏi:

– Cái gì vậy?

Một lát quân sĩ báo:

– Có hai đạo quân kéo đến đánh. Đạo thứ nhất do Nguyễn-phương-Dung, Trần-quế-Hoa, Trần-quỳnh-Hoa chỉ huy. Đạo thứ nhì do Đào-Kỳ, Hoàng-thiều-Hoa, Đào-hiển-Hiệu, Đào-quí-Minh, Đào-phương-Dung đánh tới.

Mã-Viện cười:

– Trưng-Trắc đã chết rồi! Ta không sợ bọn này nữa.

Y gọi Phùng-Đức:

– Lão sư dẫn năm vạn quân chống với bọn Phương-Dung.

Y nói với Sầm-Anh:

– Lão sư dẫn năm vạn quân chống với Đào-Kỳ.

….

Nửa đêm ngày 7 tháng ba, Tể Tướng Nguyễn-phương-Dung đang ngủ ngon, bỗng dưng bà kêu thét lên một tiếng, rồi ngồi bật dậy. Bắc-Bình vương Đào-Kỳ giật mình tỉnh giấc. Vương hỏi:

– Sao? Cái gì vậy?

Hai vị thành vợ chồng đã chín, mười năm. Chưa bao giờ ông thấy Vương phi la hoảng trong giấc mơ. Vương phi Phương-Dung ngồi dậy, bà nhắm mắt định thần một lúc, rồi nói:

– Em nằm mơ thấy chị Trưng-Trắc, Trưng-Nhị leo lên cây cầu bắc qua sông lớn. Thình lình mấy con chó chạy đến cắn chân cầu. Cầu gãy. Hai người rơi xuống sông. Có hàng nghìn hàng vạn con rắn xúm vào cắn. Em kinh hoảng la lớn lên.

Hơn ai hết Đào-Kỳ thường chú ý đến các giấc mộng. Từ khi Vương được Nguyễn-Phan truyền nội công Âm Nhu. Mỗi khi nằm mộng, thấy một hiện tượng gì, y như ngày hôm sau sự thực diễn ra. Như hồi đem quân đánh Đăng-Châu. Đêm mơ thấy một bầy thú dữ. Vương cầm kiếm chém chúng chết la liệt. Thì ngày hôm sau, Vương xua quân bắt Trương-Thanh, Lưu-Chương. Vương mơ thấy mình đánh đuổi con chó, bị nó cắn vào ngực đau thấu tim gan. Hôm sau diễn ra trận đấu giữa Vương với Đông-Các. Vương bị Mao-đông-Các đánh trọng thương. Hôm mơ thấy mình ngồi trên chiếc ghế, bị chặt gẫy một chân. Hôm sau có tin Tượng-Quận bị mất. Lần mơ thấy đánh nhau với con quỉ, bị chặt gãy cánh tay. Hôm sau xảy ra cái chết của Thánh-Thiên.

Đêm qua, Vương mơ thấy đánh nhau với một bọn quỉ. Bị chúng chém đầu. Vương tránh khỏi, cái mũ bị kiếm cắt đứt làm đôi. Bây giờ thấy vợ mộng như vậy, Vương lo sợ. Vương sang phòng bên cạnh, Sún Rỗ, Sa-Giang cũng thức dậy từ hồi nào. Sún Rỗ hỏi Vương:

– Tam ca! Cái gì vậy?

– Chúng ta đều mơ thấy một truyện kinh khủng.

Sun Rỗ nhìn Sa-Giang:

– Suốt từ chiều đến giờ, bọn chúng em nghe văng vẳng bên tai nhiều tiếng khóc than. Chúng em có hỏi sư tỷ Thiều-Hoa. Sư tỷ bảo không nghe thấy gì cả. Chúng em ngủ một lúc thấy Nhạc phụ, cùng các anh Phúc, Lộc, Thọ đứng ở đầu dường, khóc lóc thảm thiết. Hai chúng em bàn luận với nhau mãi, ngủ không được.

Đào vương lững thững ra sân nhìn trời, thấy Hiển-Hiệu, Quí-Minh, Đào-phương-Dung cũng đang thơ thẩn ngoài sân. Trời sang canh năm.

Vương hỏi các em:

– Các em không ngủ được sao?

Hiển-Hiệu gật đầu:

– Em ngủ được một giấc, trong mộng thấy bác Cả, bố em với Hồng-Thanh về. Cả ba người cùng khóc lóc. Tay cầm kiếm, bảo bọn em xuất quân gấp. Em hỏi tại sao? Thì biến mất.

Một lát Hoàng-thiều-Hoa cũng ra sân. Bà tiếp lời Hiển-Hiệu:

– Chị mơ thấy Sư mẫu, Thánh-Thiên, Lê-Chân cùng về. Họ cầm kiếm, nghiến răng chỉ về phương Tây. Chị lên tiếng hỏi, không ai trả lời, chỉ ứa nước mắt khóc mà thôi.

Đào vương phi Phương-Dung thở dài:

– Em sợ Mê-Linh có sự không hay.

Bà bảo Sún Rỗ:

– Em sai Thần ưng về Mê-Linh thám thính xem sao.

Sún Rỗ vừa định thi hành, thì có Thần ưng từ Mê-Linh bay đến. Chàng gọi xuống, lấy thơ trình Đào-Kỳ:

– Sư huynh coi.

Đào-Kỳ đọc xong, đưa cho Vương phi Phương-Dung. Bà liếc mắt qua, mặt tái mét, la lớn:

– Hỏng rồi! Hỏng rồi! Hoàng Thượng ắt khó bảo toàn.

Bà vội cầm bút viết thư, truyền Sún Rỗ cho Thần ưng mang đi ngay. Hoàng-thiều-Hoa cầm thư đọc, hỏi:

– Trưng-Nhị báo cho chúng ta biết, Hoàng Thượng cùng triều thần đi giá về Cẩm-Khê. Có gì nguy hiểm đâu?

Đào vương phi thở dài:

– Chị cũng như sư tỷ Trưng-Nhị nhìn không ra là phải. Này nhé tại Yên-Lãng, Trần-Năng còn hai vạn quân. Tại Yên-Thủy sư bá Chu-tái-Kênh còn hơn vạn. Quân bổ xung đa số là tráng đinh mới bổ xung, không đủ xuất trận, chỉ có thể giữ đồn. Mã-Viện ắt mang quân vây đồn. Sau đó y sai một tướng nữa đem quân vây Mê-Linh. Còn y sẽ đem đại quân đuổi theo triều đình. Sư bá Cao-cảnh-Sơn chỉ còn hai vạn quân với Quân đoàn ba Tây-Vu làm sao địch nỗi với mười vạn Thiết kị, mười vạn bộ binh?

Công chúa Vĩnh-Hòa ngơ ngác không hiểu:

– Từ Mê-Linh đến Cẩm-Khê đường đi có một ngày. Triều đình di về Cẩm-Khê rất bí mật. Mã-Viện làm sao biết được? Khi y biết thì triều đình đã hoàn tất cuộc rút quân. Nếu y đem quân đến vây Cẩm-Khê, sẽ bị chúng ta chặn đánh phía sau, y không còn đường về nữa.

Đào-Kỳ lắc đầu. Vương rùng mình nói:

– Công chúa không hiểu địa thế thì nói vậy. Từ Mê-Linh về Cẩm-Khê, đầu tiên qua các trang ấp của Đinh-công-Dũng, Đinh-công-Thắng. Bấy lâu nay Thắng cho người về bắt liên lạc với các Lạc hầu cũ, dụ dỗ có, đe dọa có. Các Lạc hầu tỏ thái độ không theo y cũng không chống y. Tại phía Bắc Cẩm-Khê, một giải hai mươi trang ấp trung thành của Lê-đạo-Sinh. Mã-Viện tất cho bọn Đinh-công-Thắng, Lê-đạo-Sinh đem quân vượt qua các trang ấp này phục kích đợi khi triều đình rút qua đó, đổ ra cản đường. Giữa lúc hai bên đánh nhau. Y tung Thiết kị vào đánh tập hậu.

Đào-hiển-Hiệu vỗ bàn nói lớn:

– Giờ này có lẽ triều đình đã rời Mê-Linh rồi, có trở về cũng không kịp nữa. Chi bằng chúng ta khởi binh. Hy vọng cứu vãn tình thế.

Phương-Dung gọi Lê-thị-Lan, Lê-anh-Tuấn:

– Ta để lại cho em hai vạn quân giữ Long-Biên. Tuần phòng cẩn thận, thấy giặc đến không được đem quân ra đánh.

Bà gọi Trần-quế-Hoa, Trần-quỳnh-Hoa:

– Hai em đem quân tiến dọc sông Hát-Giang về Cẩm-Khê. Ta đi đoạn hậu tiếp ứng. Gặp giặc, phải đánh liền. Dù nguy hiểm cũng phải chấp nhận.

Bà nói với Đào-Kỳ:

– Anh mang đạo quân Thiết kị, tiến về Mê-Linh. Sư tỷ Thiều-Hoa và các em Phương-Dung, Hiển-Hiệu, Quí-Minh theo trợ giúp.

Bà gọi Lê-ngọc-Trinh:

– Sư tỷ dẫn hai vạn quân trấn thủ Cô-Loa. Tôi cử Sún Rỗ, Sa-Giang cùng Quân đoàn một Tây-Vu theo trợ chiến. Cần bảo vệ hậu quân cho chắc, để chúng tôi cứu giá.

Quân sĩ lên đường liền. Đi suốt ngày. Đến chiều, trời mưa như trút nước xuống. Đào-Kỳ kinh hoảng nói:

– Trời tháng ba, thường chỉ có những trận gió nhẹ, hoặc mưa phùn. Có đâu lại mưa to, sấm chớp như thế này? Thực kỳ lạ.

Ông cho lệnh dừng quân nghỉ ngơi, nấu cơm ăn. Truyền Tế tác dò thám tình hình. Nửa đêm Tế tác báo

– Chinh-Tây đại tướng quân Chu-Long thống lĩnh năm vạn quân vây Mê-Linh. Còn Mã-Viện đem mười vạn kị, mười vạn bộ vượt Mê-Linh đuổi theo Trưng Đế. Trận chiến diễn ra ác liệt bên sông Hát-Giang, song không biết kết quả.

Đào-Kỳ họp các tướng lại truyền lệnh:

– Hán có năm vạn binh vây. Chúng ta phải đánh tan đạo quân này, rồi đuổi theo Mã-Viện. Hoàng sư tỷ đánh cửa Bắc. Hiển-Hiêụ đánh cửa Đông, Quí-Minh đánh cửa Nam. Phương-Dung đánh cửa Tây. Quân sĩ im lặng lên đường, làm sao tới nơi mà giặc không biết trước.

Quân sĩ âm thầm lên đường. Tới Mê-Linh trời tảng sáng. Quân Việt reo lên một tiếng xung vào trận. Quân Hán còn chưa tỉnh giấc. Khoảng nhai dập miếng trầu, hàng ngũ rối loạn. Chu-Long nhảy lên mình ngựa chạy về hướng Bắc, gặp Hoàng-thiều-Hoa. Y đã biết mặt bà trong dịp đến Lạc-Dương chầu Quang-Vũ. Y ngạc nhiên chắp tay hành lễ:

– Tiểu tướng Chu-Long xin tham kiến Lĩnh-Nam vương phi. Vương phi thân thế cao quí biết mấy, tại sao lại xen vào chốn binh đao với giặc Lĩnh-Nam?

Hoàng-thiều-Hoa không nói không rằng, bà xuất chiêu “Thiết kình phi thiên” tấn công. Chưởng phong ào ào chụp xuống. Chu-Long đã từng nghe Lĩnh-Nam vương phi võ công kinh người. Y vội vung chưởng đỡ. Binh một tiếng, người y bật lui một bước. Trong khi Hoàng-thiều-Hoa lui đến ba bước. Y phóng chưởng tấn công tiếp. Hoàng-thiều-Hoa bình tĩnh dùng chưởng pháp Cửu-Chân chống đỡ. Đánh được hai mươi hiệp. Hoàng-thiều-Hoa bắt đầu yếu thế, bà lui dần. Chu-Long thấy quân sĩ đã tan rã, y đánh liền ba chưởng, rồi bỏ chạy. Vừa lui được mấy bước, trong bóng tối mờ ảo buổi rạng đông, y đụng phải một tướng. Tướng đó phóng chưởng tấn công. Y thấy chưởng mạnh đến khủng khiếp, trọn đời y chưa từng gặp qua. Binh một tiếng, người y bật lui một bước. Tướng đó đánh liền ba chưởng nữa. Y đỡ được hai, đến chưởng thứ ba người y bật lại sau, miệng phun máu. Y vẫy tay lui lại ngụ ý chịu thua. Y hỏi:

– Ta Chu-Long, đứng đầu Liêu-Đông Tứ Vương. Trọn đời, ta chỉ thua dưới kiếm Phật-Nguyệt. Còn Chu-tái-Kênh cũng không hơn ta. Ngươi là ai, mà võ công đến dường này?

Chợt y nhìn lên, thấy phía sau tướng đó có cây cờ đề chữ “Bắc-Bình vương Đào“. Y kinh hoảng:

– Thì ra ngươi là Đào-Kỳ, hèn chi võ công cao đường này. Ta thua là phải.

Nói rồi y phi ngưạ bỏ chạy.

Nguyễn-thành-Công trấn giữ trong thành Mê-Linh, mở cửa tiếp rước Đào-Kỳ. Ông tỏ ý lo lắng:

– Sáng hôm qua Hoàng Thượng cùng triều đình lên đường được một lúc thì Chu-Long mang quân đến vây thành. Trong lúc chống trả, tôi thấy Mã-Viện, Lê-đạo-Sinh mang Thiết kị tiến về hướng Hát-Giang.

Đào-Kỳ họp các tướng, ra lệnh tiến quân. Đi được hơn giờ, ông thấy xác quân Việt, Hán nằm la liệt dọc đường cùng gươm, đao, vũ khí. Đi quãng nữa trong đám xác chết có xác hổ, báo, voi, chó sói. Ông xuống ngựa quan sát, thấy xác thú vật quân đoàn ba Tây-Vu đều chết vì tên của Nỏ thần. Ông hội ý với Đào-phương-dung. Bà đáp:

– Trước đây năm dàn Nỏ thần trên thành Mê-Linh bị tháo trộm đi mất. Hoàng Thượng biết Lê-đạo-Sinh ăn trộm. Người chú ý theo dõi, mãi không thấy Lê xử dụng, cho rằng Lê mô phỏng theo chế tạo không được. Nào ngờ Lê không nộp cho Quang-Vũ, mà bí mật chế tạo tại các trang ấp của y. Nay mới đem ra xử dụng. Như vậy rõ ràng Lê tự biết Quang-Vũ không tin y. Cho nên y mới giữ bí mật Nỏ thần, hầu một ngày kia dùng tới.

Tiến được một lát, gặp quân Mã-Viện, Sầm-Anh.

Mã-Viện cỡi ngựa theo sau Sầm-Anh. Đạo quân Đào-Kỳ dàn ra mau lẹ. Sầm-Anh cười lớn:

– Tên lỏi con Đào-Kỳ kia! Ngươi có biết Trưng-Trắc, Trưng-Nhị bị giết rồi không?

Y vẫy tay một cái, từ phía sau, hai tên quân cầm hai cây gậy, trên xuyên hai thủ cấp. Đào-Kỳ nhìn lại, đúng là của Trưng Đế, Trưng-Nhị. Ruột ông đau như cắt. Ông hô lớn:

– Hãy tiến lên trả thù cho Hoàng Đế.

Ông phóng chưởng tấn công Sầm-Anh. Hoàng-thiều-Hoa cùng Hiển-Hiệu, Quí-Minh, Đào-phương-Dung dẫn quân xung vào trận. Mã-Viện đứng trên cao, cầm cờ đốc chiến. Y thấy Đào-Kỳ chỉ có bốn vạn quân. Y cho tất cả mười vạn quân cùng nhập trận.

Thình lình hậu quân Hán náo loạn. Vì một đạo quân đi dọc theo sông Hát-Giang, do hai nữ tướng chỉ huy. Hai nữ tướng võ công cực kỳ cao thâm, đi đến đâu quân Hán chết la liệt đến đó. Mã-Viện nhận ra Quỳnh-Hoa, Quế-Hoa. Y vội chia quân ra cự địch.

Quân hai bên cùng xung vào tử chiến. Quân Lĩnh-Nam uất nghẹn trước cái chết của Hoàng Đế. Họ đánh như một đội thú dữ. Chỉ hơn một giờ, mười vạn quân Hán đã rời rạc, chỉ còn hơn vạn.

Mã-Viện tung thêm năm vạn nữa vào. Trận chiến lại diễn ra thảm khốc. Quân Lĩnh-Nam chỉ còn hơn vạn.

Mã-Viện, Sầm-Anh truyền lệnh thu quân, lui trở về phía Lãng-Bạc.

Đào-kỳ họp cùng Phương-Dung, Vương bàn:

– Chúng ta có năm vạn người. Trong khi Mã-Viện có tới hai mươi vạn.Tuy ta giết của Mã được hơn tám vạn, mà ta chỉ còn hai vạn. Chi bằng tạm lui về Long-Biên.

Phương-Dung truyền quân sĩ thu lượm xác chết các tướng soái, tử sĩ Lĩnh-Nam đem chôn. Bà cố ý tìm, không thấy thi hài Trưng Đế cùng Trưng-Nhị.

Chiều, rút quân. Hai ông bà đi cản hậu. Còn Thiều-Hoa dẫn các tướng rút quân trước. Mã-Viện không dám đuổi theo.

Về tới Long-Biên, Vương được tin báo:

– Trần-Năng, Hùng-Bảo bị bao vây ở Yên-Lãng. Quân tan rã. Hai người hiện rút về phía Đông Long-Biên, cố thủ trong các trang ấp Đăng-Châu. Chu-tái-Kênh có một vạn người, bị năm vạn quân Ngô-Anh vây đánh. Quân tan. Bà rút về Thiên-Trường, cố thủ trong các trang ấp.

Phương-Dung bàn:

– Vua đã tuẫn quốc. Bây giờ chúng ta chia nhau tản vào các trang ấp chiến đấu. Đợi khi thế giặc suy, sẽ đổ ra đánh. Đợi giặc không quen thủy thổ, lâm bệnh, ta tập trung quân, đánh một trận lớn thì hy vọng.

Hoàng Thiều-Hoa, Đào Chiêu-Hiển, Đào Quí-Minh, Đào Phương-Dung, Lê Ngọc-Trinh, Lê Anh-Tuấn, Trần Quế-Hoa, Trần Quỳnh-Hoa đều đồng ý. Ai trở về trang ấp người đó, chống giữ. Đào-Kỳ, Phương-Dung, Sún Rỗ, Sa-Giang cố thủ trong thành Long-Biên.

Hoàng-thiều-Hoa vốn nhiều tình cảm. Bà biết Hồ-Đề hiện về ẩn ở rừng núi Thiên-sớ, tiếp tục chiến đấu. Bà nhờ Sún Rỗ dùng Thần ưng liên lạc với Hồ-Đề. Hai bà dùng Thần ưng, Thần Hổ phục kích trên đường từ Giao-Chỉ về Trung-Nguyên, đón sứ thần của Mã-Viện đem thi thể Trưng Đế, Trưng-Nhị về dâng Quang-Vũ. Phải mất hơn năm ngày, mới gặp đoàn sứ giả. Võ công Hoàng-thiều-Hoa vốn cao thâm, đội hổ, báo của Hồ-Đề dũng mãnh, thì trăm tên quân chở quan tài Trưng Đế, Trưng Vương làm sao cự lại?

Hai bà cướp được thi hài hai Ngài, bí mật đem về an táng ở dưới chân núi Ba Vì, ngày nay có tên là núi Vua Bà.

Hoàng-thiều-Hoa, Hồ-Đề âm thầm dẫn các đệ tử Tây-Vu, thu nhặt xác chết các tướng tử trận ở Cẩm-Khê đem về quê mai táng.

Dân chúng Lĩnh-Nam tiếc thương các anh hùng tử trận Hát-Giang, lập đền thờ Trưng Đế, Trưng Vương khắp nơi. Còn các tướng tử trận Cẩm-Khê, đến nay di tích còn lại:

* Đào-Tam-Gia, tức Sún Lùn, đền thờ tại Hà-Nội. Hồi xây nhà thờ lớn Hà-Nội, bị phá hủy. Nay di tích không còn.

* Phan-Cung, Sư trưởng Thần hầu, đền thờ tại đình Vĩnh-Tường, xã Lộc-Vượng, thành phố Nam-Định.

* Đào-NươngSư trưởng Thần phong thờ chung với chồng là Đoàn-Công và Trương-Quán, Thập Bát Sơn tại xã Đông-Cứu huyện Gia-Lương, tỉnh Hà-Bắc.

* Trần Thiêm-Bình Sư trưởng Thần ngao, thờ chung với Hùng-Bản, tại xã Ninh-Xá huyện Thuận-Thành, tỉnh Hà-Bắc.

* Trần-Ngọc-TíchSư trưởng Thần ưng. Thờ tại đền Vũ-Xá, xã Ngô-Quyền, huyện Thanh-Miện, tỉnh Hải-Hưng.

* Thụ-Côn Công chúa Phan-thị-Hồng, Sư trưởng Thần long, thờ tại đền Tức-Mạc, xã Lộc-Vượng, thành phố Nam-Định.

* Trương-QuánSư trưởng Thần hổ, thờ chung với Đào-Nương, Doãn-Công, Thập Bát-Sơn tại xã Đông-Cứu huyện Gia-Lương tỉnh Hà-Bắc.

* Phan-Tương-LiệtSư trưởng Thần báo. Thờ tại đền Cổ-Linh, xã Lai-Động, huyện Gia-Lâm, tỉnh Hà-Nội.

* Lê-Hằng-NghịSư trưởng Thần tượng. Thờ tại xã Liêm-Chung huyện Thanh-Liêm, tỉnh Hà-Nam-Ninh.

* Quách-Ađã được phong Khâu-Ni Công chúa, ăn lộc trang Nhật-Chiêu. Nay là xã Liên-Châu, huyện Yên-Lạc, tỉnh Hà-Bắc. Tại đây có đền thờ bà. Khi Đinh Tiên-Hoàng dẹp loạn sứ quân Kiều-công-Hãn ở Phong-Châu, nghỉ quân ở huyện Cổ-Tự, mộng thấy Khâu-Ni hiện ra xin giúp vua đánh giặc. Sau khi dẹp xong sứ quân, vua Đinh Tiên-Hoàng phong Khâu-Ni làm Thượng đẳng phúc thần. Vua Lê Đại-Hành phong làm Công Chúa Huệ-Gia Trinh Thục Phu Nhân. Vua Lê Thái-Tổ cũng ban sắc phong, truyền dân chúng phải kiêng bốn chữ “A Nương Khâu Ni”. Khi vua Trần-thái-Tôn đánh giặc Mông-Cổ ở sông Lô, được Khâu-Ni báo mộng đem âm binh giúp. Vì vậy hết giặc, vua phong Khâu-Ni làm “Huệ Gia, Chí Đức, Ôn Từ Công Chúa”.

* Hùng-xuân-Nươngtrước được phong Thanh-Sơn Công Chúa. Ngày nay dọc đường từ bến đò Ngọc-Tháp, Phú-Thọ tới bến Trung-Hà, các xã Hương-Nha, Vực-Trường, Thanh-Uyên, Tam-Cương, Cổ-Tiết, Hương-Môn, đều có đền thờ Xuân-Nương. Đền thờ Hương-Nha có hai câu đối như sau:

Yểu điệu phù Trưng, trung quán nhật.

Quật cường cự Hán tiết lăng sương.

Dịch nghĩa: Người yểu điệu phù vua Trưng, lòng trung nghĩa tranh sáng với mặt trời. Quật cường chống giặc Hán, khí tiết thắng cả thời gian.

Anh kiệt vô song, vạn cổ thanh danh lưu nữ sử.
Quân thần câu hóa, nhất không trung nghĩa tối thanh thiên.

Dịch nghĩaAnh kiệt không có hai, danh tiếng nghìn đời còn ghi sử nữ. Vua tôi cùng chết, làm trời xanh vằng vặc cũng còn thua.

* Nguyễn-Quý-Lan, trước đã được phong Liên-Sơn Công Chúa. Hiện nay còn đền thờ ở xã Liên-Sơn, huyện Lập-Thạch, tỉnh Vĩnh-Phú. Quý-Lan còn được thờ ở miếu Khuôn, Đáp-Cầu và đình Thần-Sơn.

Bắc-Bình vương Đào-Kỳ cùng Vương phi Nguyễn-phương-Dung cố thủ trong thành Long-Biên. Lưu-Long, Vương-Bá, Mã-Viện, Lê-đạo-Sinh chia nhau dẫn quân đánh chiếm các trang ấp. Các Lạc hầu, Lạc tướng, dân chúng cương quyết cố thủ. Khi một trang thất thủ, quân Hán tràn ngập, trang chỉ còn bãi đất hoang, người chết nhà cháy, không còn gì.

Cứ như các cuốn phổ kể, thì Chu-tái-Kênh kháng chiến vùng Nam-Định, Ninh-Bình, Thái-Bình ngày nay. Trần-Năng, Hùng-Bảo kháng chiến ở vùng Hải-Dương, Kiến-An. Hoàng-thiều-Hoa kháng chiến ở vùng Bắc-Ninh, Sơn-Tây, Phú-Thọ, Hoà-Bình. Đào-hiển-Hiệu, Đào-quí-Minh, Đào-phương-Dung kháng chiến ở vùng Hà-Nội, Hà-Đông. Trần-Quốc kháng chiến ở vùng ven biển cùng Tử-Vân. Trần-quế-Hoa, Trần-quỳnh-Hoa kháng chiến ở vùng Sơn-La, Lai-Châu. Đô-Dương, Lại-thế-Cường vẫn hùng cứ vùng Thanh-Hóa, Nghệ-An.

Mã-Viện phái Phùng-Đức, Sầm-Anh, Liêu-Đông Tứ Ma đi đánh phá các nơi. Quân hao tướng tổn, suốt từ tháng ba đến tháng bảy vẫn chưa bình được. Quân Lĩnh-Nam cứ như ma, khi ẩn khi hiện. Gặp quân Hán đi lẻ tẻ, lại đổ ra đánh. Đại quân địch kéo đến, lại trốn mất.

Cuối tháng bảy, Quang-Vũ gửi chiếu chỉ hạ lệnh cho Mã-Viện bằng mọi giá phải đánh chiếm Long-Biên, vì Long-Biên, Đào-Kỳ, Phương-Dung, thì linh hồn chiến đấu vẫn còn. Mã-Viện để Lưu-Long dàn quân đóng khắp nơi. Còn y kéo hai mươi vạn quân cùng Sầm-Anh, Phùng-Đức, Liêu-Đông Tứ Ma về vây Long-Biên. Trong thành Long-Biên chỉ còn hơn hai vạn người. Tướng lĩnh có Đào-Kỳ, Phương-Dung, ba anh em Hiển-Hiệu, Quí-Minh, Đào, Phương-Dung, Sún Rỗ, Sa-Giang.

Đánh liền một tháng, vẫn không hạ được thành. Cuối cùng Lê-đạo-Sinh hiến kế: Chia hai mươi vạn quân thành năm đạo. Mỗi đạo công thành ba ngày. Cứ như vậy luân phiên, khiến quân giữ thành mệt mỏi. Bấy giờ bắc thang tràn vào, ắt chiếm được.

Quả nhiên kế của Lê-đạo-Sinh hữu-hiệu. Mã-Viện công thành liên tiếp mười ngày, quân trong thành mệt mỏi. Phần bị thương, phần chết, lương thảo cạn dần. Bắc-Bình vương Đào-Kỳ họp các tướng nghị kế. Các tướng đều xin đánh một trận, giết giặc cho sướng tay rồi chết.

Vừa lúc đó Vương nhận được thư Cửu-Chân vương Đô-Dương. Đô-Dương ước hẹn đem quân đánh từ trong ra. Ngoài này Đào-Kỳ đánh vào, mở thông đường Cửu-Chân, Giao-Chỉ. Hẹn 14 tháng tám là ngày xuất quân.

Đào-hiển-Hiệu tỏ vẻ hoài nghi:

– Chúng ta chỉ còn hai vạn người, trong khi Mã-Viện có hai mươi vạn. Chỉ sợ khi vừa mở cổng thành, chúng ta đã bị tràn ngập.

Bắc-Bình vương quyết định:

– Ngày 14 tháng tám ta sẽ mở cổng thành tử chiến. Các tướng phá vòng vây, ẩn vào dân chúng, hoặc tiến về Cửu-Chân cùng Đô-Dương, Chu-Bá tiếp tục chống giặc.

Ấn định mọi việc xong, Vương về dinh, thấy hai con Tử-Khâm, Tường-Qui còn ngây thơ, nô đùa, cười nói, không biết gì, Vương nhìn hai con, lòng tràn đầy thương cảm. Vương đưa mắt nhìn Sa-Giang, Sún Rỗ rồi rơi nước mắt nói:

– Sư huynh muốn tử chiến, ngặt vì có chút tâm sự chưa giải quyết xong. Nếu hai em hứa giúp anh. Anh mới yên tâm giết giặc.

Sa-Giang, Sún Rỗ quì xuống, khóc:

– Dù khó khăn, dù nhục nhã đến đâu, chúng em quyết thi hành ước muốn của anh. Có phải anh muốn chúng em ẩn nhẫn chịu nhục, nuôi hai cháu chờ một mai trả thù nhà nợ nước?

Sa-Giang chợt loé lên tia sáng, bá nói:

– Sư huynh, nếu sư huynh tin tưởng, xin giao hai cháu cho vợ chồng em. Hai đứa chúng em vốn thạo tiếng Hán. Chúng em đem hai cháu, nhận làn con, ẩn vào với đám dân người Hán trong thành. Mã-Viện đánh vào, tất không hại người Hán. Chúng em sẽ đem hai cháu, tìm nơi nào đó ẩn thân, dậy dỗ chúng. Đào-Kỳ trao cho Sún Rỗ cuốn Lĩnh-Nam vũ kinh:

– Đây là tất cả tinh hoa, văn minh Lĩnh-Nam. Anh trao cho em. Em hãy cầm lấy, mà luyện tập, rồi dạy học trò. Đợi mai này, khởi binh đuổi giặc Hán. Bất cứ trường hợp nào cũng không thể để mất.

Sún Rỗ quì xuống nhận sách. Nguyễn Phương-Dung bồng Đào-tử-Khâm, Đào-tường-Qui trao cho Sún Rỗ, Sa-Giang. Bà dặn con trong nước mắt:

– Con ơi! Con sinh ra trong thời loạn. Vua Trưng tuẫn quốc. Dân Lĩnh-Nam điêu linh. Con hãy đi theo chú thím. Chú thím thay bố mẹ nuôi con, dạy con. Nhất nhất phải nghe lời chú thím.

Đến đó bà nấc lên, nghẹn lời, nước mắt tuôn ra như suối.

Hai đứa trẻ như có linh tính. Chúng ôm lấy cổ Sún Rỗ, Sa-Giang. Sa-Giang, Sún Rỗ thu xếp hành lý, cúi đầu lạy Đào-Kỳ, Phương-Dung, bồng hai đứa trẻ lên đường. Đào-tử-Khâm hỏi:

– Bố ơi! Thế thì bố với mẹ chết à? Sao bố mẹ lại bỏ con mà chết?

Đào vương cầm tay hai con:

– Vua Trưng chết! Bố mẹ chết, để đền nợ Lĩnh-Nam. Các con nhớ: Phải học văn, luyện võ, một mai trả nợ nước thù nhà.

Hai đứa trẻ khóc thét lên:

– Không! Bố mẹ không chết! Con ở lại với bố mẹ.

Sún Rỗ nắm chặt tay nó:

– Không! Bố không bao giờ chết! Mẹ không bao giờ chết. Bố, mẹ sống mãi với đất nước Lĩnh-Nam.

Hai người nhảy lên mình ngựa ra roi. Ngựa phi vút đi, còn văng vẳng tiếng hai đứa trẻ vọng lại:

– Bố ơi! Mẹ ơi! Đừng xa con. Bố đừng chết nghe bố!

Đào-Kỳ, Phương-Dung gạt nước mắt, nhìn theo bóng hai con.

Vương trở vào, các tướng đã nai nịt chỉnh tề. Vương ra lệnh:

– Chúng ta cùng xông ra cửa Nam. Ta với Phương-Dung dẫn đầu, đánh phá vòng vây. Các tướng đi sau cùng xông vào. Lợi dụng lúc đêm tối, mỗi người chạy một ngả. Chúng ta ẩn vào dân chúng tiếp tục chiến đấu. Ba em Hiển-Hiệu, Quí-Minh, Phương-Dung không được tham chiến, phải chạy về Cổ-Loa ngay.

Đợi đúng canh ba, cổng thành mở rộng. Đào-Kỳ phóng ngựa ra trước. Tiếp theo Phương-Dung với các tướng, xông vào hàng ngũ Hán. Quân Hán chợt thức giấc, thì mọi người đã rời khỏi vòng vây.

Mã-Viện nghe báo, kinh hãi. Y gọi Lê-đạo-Sinh, Phùng-Đức, Sầm-Anh, Liêu-Đông Tứ Ma bắt lên ngựa mang Thiết kị đuổi theo. Đuổi được một quãng, gặp Đào-Kỳ, Phương-dung. Bảy đại cao thủ vây hai người vào giữa. Mã-Viện đứng trên mô đất cao, cầm đèn chỉ huy. Thiết kị bao vây trùng trùng điệp điệp. Đào-Kỳ gò ngựa hỏi:

– Uổng cho chúng bay là đệ nhất cao nhân đương thời mà bảy người vây đánh hai chúng ta. Nếu các ngươi còn là con người, hãy lấy một chọi một.

Phùng-Đức cười gằn:

– Ta đấu với ngươi, để trả thù cho Phùng-Dị.

Sầm-Anh bước ra nói với Phương-Dung:

– Ta đấu với mi, trả thù cho Sầm-Bành.

Đào-Kỳ không nói không rằng. Vương vận khí về Tam Dương kinh xuất chưởng tấn công Phùng-Đức. Phùng-Đức biết bản lĩnh Đào-Kỳ không tầm thường. Y vội vận chưởng chống lại. Binh, binh hai tiếng. Người y bật lui lại hai bước, khí huyết đảo lộn. Đào-Kỳ biết bên địch đông, bên mình ít. Vương muốn kết liễu tính mệnh Phùng-Đức càng mau càng tốt. Vương vận đủ mười thành công lực. Mỗi chưởng đánh ra, Phùng-Đức phải lui lại. Vừa đánh Vương vừa nhìn sang bên cạnh, thấy vợ đấu với Sầm-Anh thắng thế rõ rệt.

Thình lình Vương quát lên một tiếng, xuất chiêu Hải Triều Lãng Lãng. Lớp thứ nhất đánh ra. Binh một tiếng Phùng-Đức lui lại hai bước. Lớp thứ nhì đổ tới, mạnh nghiêng trời lệch đất, binh một tiếng, Phùng-Đức bay vọt về sau, lảo đảo muốn ngã.

Đào-Kỳ phát lớp thứ ba. Mã-Viện đứng ngoài quát tháo, Lê-đạo-Sinh, Chu-Long cùng xuất chưởng. Thế là ba người cùng đỡ lớp chưởng thứ ba của Vương. Rầm một tiếng, Vương bật lui hai vước, phát lớp thứ tư. Ba đại cao thủ hít một hơi phát chưởng đỡ. Ầm một tiếng, cả hai bên đều bật lui. Đào-Kỳ nghiến răng phát lớp thứ năm. Ba đại cao thủ xuất chiêu đỡ. Vương đẩy chưởng ra. Chưởng của Vương dính chặt vào chưởng của ba người. Hai bên thi diễn cuộc đấu nội lực.

Vương vừa đánh với Phùng-Đức, Lê-đạo-Sinh, Chu-Long, vừa quan sát trận đấu giữa Phương-Dung với Sầm-Anh. Thình lình Phương-Dung quay kiếm ba vòng. Đầu Sầm-Anh bị tiện đứt, máu phun lên có vòi.

Ngô-Anh, Trịnh-Sư, Vương-Hùng rút vũ khí xông vào. Võ công một trong Liêu-Đông Tứ Ma vốn ngang với Lê-đạo-Sinh, kiếm thuật Phương-Dung dù cao đến đâu cũng không địch lại ba người.

Đào-Kỳ chợt nhớ ra phương pháp qui liễm chân khí, mà Vương đã phát minh ra khi đấu với Song Quái. Ông dùng chân khí của Lê-đạo-Sinh chuyển sang trái đánh với Phùng-Đức, Chu-Long. Phút chốc Lê-đạo-Sinh lảo đảo, chân khí muốn cạn. Vương vung tay một cái, Lê-đạo-Sinh bật lui trở lại. Vương thu tay về xuất chưởng đánh Phùng-Đức, Chu-Long. Binh, binh hai người bay lên cao. Vương rút kiếm đưa một nhát. Hai người bị đứt đôi, xác rơi xuống trước ngựa.

Mã-Viện không ngờ công lực Đào-Kỳ mạnh đến thế. Trong khi Đào-Kỳ đấu với ba đại cao thủ, Mã-Viện đã phục sẵn mười đội “Đoạn đầu quân” xung quanh. Khi thấy Đào-Kỳ đánh bay Lê-đạo-sinh, giết Phùng-Đức, Chu-Long. Mã-Viện hô lên một tiếng, đoạn đầu quân dùng vũ khí đâm vào người Vương. Vương quay chưởng một vòng. Vũ khí bị đánh dạt ra. Vương nhấp nhô một cái thoát khỏi vòng vây. Mã-Viện cầm cờ chỉ theo. Thiết kị “Đoạn đầu quân” bổ vây kín mít. Vương bị trúng hai mũi tên vào ngực, một mũi trúng bụng.

Vương rút kiếm, ánh kiếm đến đâu, đầu rơi đến đó. Vương vừa đánh vừa tiến về phương Nam. Mã-Viện cầm đèn chỉ theo. Đánh đến sáng, người mệt lử. Vương cầm kiếm, ngồi dựa vào gốc cây thở. Quân Hán thấy Vương oai phong lẫm liệt, không dám lại gần. Vương rút ba nũi tên, tự băng bó lấy.

Mã-Viện hò hét, quân sĩ cũng không dám tiến. Chợt cửa trận mở, từ sau, Lê-đạo-Sinh cỡi ngựa tiến ra cùng với năm xe chở Nỏ thần. Lê-đạo-Sinh quát lên:

– Bắn!

Nỏ thần bắn như mưa. Đào-Kỳ cầm kiếm gạt tên. Vương vọt lên cao chạy ra khỏi vòng vây. Thấy một tướng Hán đang đứng đốc chiến. Vương nhảy lên chụp cổ y liệng xuống, rồi phi ngựa hướng Cổ-Loa chạy về.

Trời sáng, tới Cổ-Loa, người mệt lử, Vương nằm phục trên yên ngựa. Con ngựa thủng thẳng đi. Một nông dân chạy lại nhìn. Họ nhận ra Vương từng đánh võ sĩ Tô-Định cho dân Cổ-Loa, Cổ-Lễ, Cổ-Đại khỏi bị Ngũ pháp. Nông dân ấy vội tri hô lên. Dân chúng trong trang vương đỡ vào nhà. Họ lấy nước lạnh đắp lên đầu Vương, nấu cháo đổ vào miệng. Một lát Vương tỉnh dậy, ngơ ngác hỏi:

– Đây là đâu?

Một lão ông đáp:

– Thưa Đại vương đây là Cổ-Loa. 

01

Vương mỉm cười:

– Ta là con dân Âu-Lạc. Vì Âu-Lạc khởi binh, bây giờ lại chết ở cố đô Âu-Lạc. Sau khi ta chết, các ngươi hãy chôn ta trong thành này.

Nói rồi Vương nhắm mắt thiếp đi. Một lát tỉnh dậy, oẹ một tiếng, phun ra bụm máu, rồi tắt thở.

Còn Phương-Dung đấu với ba đại cao thủ Liêu-Đông. Vừa đánh bà vừa lui. Thình lình bà nhảy vọt lên cao, ánh kiếm loé lên. Người bà đáp xuống. Đầu Trịnh-Sư bay khỏi cổ. Vương-Hùng, Ngô-Anh cùng vung kiếm, đâm thẳng vào ngực bà, định cả hai bên đều chết. Bà chuyển thân mình, kiếm chặt đứt tay phải Ngô-Anh, Ngô-Anh lăn vào, dùng tay trái ôm lấy bà. Trong khi kiếm của bà đâm suốt qua ngực y. Vương-Hùng nhân lúc kiếm bà đâm Ngô-Anh, y thích một kiếm vào ngực phải của bà. Bà đã rút được kiếm ra, ánh kiếm loé lên, đầu Vương-Hùng bay xuống đất. Bà hú một tiếng. Con ngựa Ô phi như bay khỏi vòng vây, hướng Cổ-Loa.

Bà đến Cổ-Loa vào buổi chiều. Dân chúng nhận được mặt bà, họ ra đỡ ba vào nhà. Bà bước vào nhà thấy xác Vương nằm đó, biết chồng đã chết. Bà ngồi dựa lưng cạnh bàn thờ An-Dương Vương, bảo một tráng đinh:

– Ngươi lấy cho ta bát nước.

Bà cầm bát nước uống hết, than:

– Than ôi! Ta là Tể-tướng, mà Vua tuẫn quốc, chồng chết! Ta còn sống làm gì?

Bà vung kiếm lên tự tử.

Ghi chú của thuật giả.

Hôm đó là ngày 15 tháng tám năm Quí-Mão, nhằm năm 43 sau Tây Lịch. Dân chúng trong vùng an táng Bắc-Bình vương cùng Vương phi tại Cổ-Loa, lập đền thờ. Trải qua gần hai nghìn năm, cho đến nay, tại các thôn Lộc-Hà, Hội-Phụ, Lê-Xá, Thi-Thôn đều thờ Bắc-Bình vương và Vương phi. Trước đền thờ có hai câu đối. Xin trích dẫn câu:

Giao-Chỉ tượng thành công, dư lục thập thành, giai kiện tướng.
Đô-Dương mã bất tiến, hậu thiên vạn tải hữu linh thần.

Dịch-nghĩa:

Voi Giao-Chỉ đã thành công, hơn sáu mươi thành đều công tướng giỏi. Ngựa Đô-Dương chậm bước, nên muôn ngàn năm sau thần vẫn linh.

Vị lý Phục-Ba thi, loan giá lâm lưu không ẩm hận,
Bất ly Tiên trấn giáp, Loa thành qui mã thượng trì thanh.

Dịch nghĩa:

Chưa bọc xác Phục-Ba, cạnh sông xe loan còn vang uất hận. Không rời giáp Tiên Trấn, ngựa về Cổ-Loa, vẫn vọng âm thanh.

Một bài thơ khác:

Sinh vi lương tướng, tử vi thần,
Vạn cổ cương thường, hệ thử nhân,
Loa địa song đôi thuy nguyệt ảnh.
Anh hùng liệt nữ tướng quân phần
.

Dịch nghĩa:

Sống là tướng giỏi, chết là thần.
Vạn đại cương thường, nặng tấm thân,
Hai mộ thành Loa trăng chiếu sáng,
Anh hùng, liệt nữ, mộ tướng quân.


Năm 1993, tôi về Việt-Nam công tác cho CEP (Coopérative Européenne Pharmaceutique) vào tháng tám. Nhân dịp này, tôi rủ bác-sĩ Trần An-Xuân thuộc bệnh viện Trưng-vương, Sài-gòn viếng thăm di tích Cổ-loa. Sau khi thăm cố đô, chúng tôi tới Lộc-hà, Hội-phụ, mong tìm lại đền thờ Đào-vương. Nhưng đền đã bị phá, chỉ còn cái nền! Tôi đứng trên nền ngôi đền mà khóc. Tôi nghe vào những năm 1992-1997, họ Đào ở Cổ-loa rất phát, có nhiều vị làm lớn như Đào Duy-Tùng, Đào Duy-Cận, Đào Duy-Trữ, cùng một số nữa đeo quân hàm tướng, không biết có phải là con cháu của Vương hay không? Không biết nay, đền thờ Vương đã được tái xây cất không?

….

Ba người đàn bà, một người đàn ông cỡi ngựa, đến chân Hoàng Thành Lạc-Dương. Cả bốn cùng đừng lại, nhấp nhô một cái, bốn người đã vọt qua Hoàng Thành vào trong. Họ cùng hướng lầu Thúy-Hoa mà đi. Tới chân lầu, họ nhìn trước, nhìn sau, vọt người lên tầng thứ nhất, thứ nhì, thứ ba, rồi thứ tư. Họ bám cửa sổ nhìn vào: Bên trong Quang-Vũ cùng đại thần thiết triều khẩn cấp, nghe Phục-Ba đại tướng quân tấu trình về công cuộc bình định Lĩnh-Nam. Quang-Vũ bảo Tể Tướng Giả-Phục:

– Cho Lưu-Long, Mã-Viện vào.

Hai người lên lầu, quì gối tung hô vạn tuế. Quang-Vũ ra hiệu cho hai người bình thân. Y nói với Mã-Viện:

– Phục-Ba tướng quân thực là đại công thần, có công với xã tắc. Khanh đã bình được Lĩnh-Nam, công ấy không nhỏ.

Bô Lỗ đại tướng quân Mã-Vũ bước ra tâu:

– Muôn tâu bệ hạ. Cái xứ Lĩnh-Nam nhỏ xíu, mà Mã-Viện mang tới bảy mươi vạn quân đi đánh, phải hơn ba năm mới bình được, lại làm chết trước sau bốn chục vạn người. Như vậy đâu còn là chiến thắng? Hiện nay triều đình phải phủ tuất bốn mươi vạn gia đình… Hơn nữa làm chết các đại tướng Phùng-Đức, Sầm-Anh, Liêu-Đông Tứ Vương… Thực không thể gọi là công.

Phò mã Lương-Tùng tâu:

– Tâu Phụ Hoàng, thần nhi nghe Mã-Viện Nam chinh, chở về hơn mười xe châu báu. Thần nhi nghĩ Mã tướng quân phải dâng số ngọc đó để sung vào công khố mới đúng bậc trung thần.

Lương-Tùng (Cu Bò) biết tâm lý các đại thần, đều muốn ăn hối lộ. Mã-Viện đánh Lĩnh-Nam chở về mười xe Ý dĩ (Bo bo) hạt to, trắng như ngọc. Lương-Tùng nêu ra, để các quan ghen tỵ, buộc tội Mã-Viện.

Thái tử Trang có tình sư huynh sư đệ, là bạn từ nhỏ với Lương-Tùng. Thấy Lương nói vậy, cũng tiếp:

– Tâu Phụ Hoàng. Mã tướng quân Tổng trấn chín quận Kinh-Châu, đem quân đánh Thục, bị lừa, chỉ còn một người, một ngựa trở về, được ân xá. Sau lại đem ba mươi vạn quân đánh Trường-Sa, chôn ba mươi vạn ở hồ Động-Đình. Rồi không có chỉ dụ mà đem mười vạn quân tiếp cứu Lưu-Long, để mười vạn quân chết. Bây giờ, mang quân nghiêng nước, đánh đất Lĩnh-Nam nhỏ một chút, làm chết bốn mươi vạn người. Thực không phải công, mà là tội vậy.

Mã-Viện lột mũ quăng xuống đất tâu:

– Tâu bệ hạ! Thần có chở về mười xe Ý dĩ chứ không hề có ngọc. Còn việc hao binh tổn tướng, vì Lĩnh-Nam anh tài nhiều…

Các triều thần xúm vào, mỗi người buộc tội một câu. Trước kia Quang-Vũ không ưa Mã-Viện, vì Mã là cháu Mã thái hậu. Bây giờ Mã thái hậu chết rồi. Quang-Vũ chỉ muốn dùng Viện đánh giặc. Nay nhân lời buộc tội các công thần. Quang-Vũ phán:

– Phía Bắc Hung-Nô phạm biên. Trẫm tha cho Mã tướng quân tội làm hao binh tổn tướng, và tội lấy mười xe ngọc. Nội ngày mai phải lên đường đánh giặc. Trẫm cử Bô-lỗ đại tướng quân Mã-Vũ đem quân theo trợ chiến. Phò mã Lương-Tùng làm giám quân. Cần cố gắng lập công chuộc tội.

Mã-Viện lạy tạ lui.

Tể Tướng Giả-Phục hô:

– Mời Lĩnh-Nam công Lê-đạo-Sinh cùng các đệ tử vào triều kiến.

Bọn Lê-đạo-Sinh vào quì mọp xuống tung hô vạn tuế. Quang-Vũ bảo Thái giám hầu cận:

– Lấy rượu để trẫm ban thưởng cho Lĩnh-Nam công và các Thái thú.

Quang-Vũ rót rượu, thưởng Lê-đạo-Sinh, cho tới bọn Đức-Hiệp, Đinh-công-Thắng, Triệu-anh-Vũ mỗi người bốn chung. Uống hết bốn chung rượu, thầy trò Lê-đạo-Sinh thấy mắt hoa đầu váng, loạng choạng ngã xuống. Quang-Vũ cùng triều thần cười ầm lên khoái trá, y truyền Thị vệ trói lại, lấy nước lạnh đổ lên đầu. Lê-đạo-Sinh tỉnh dậy, thấy năm đệ tử bị trói với Đinh-công-Thắng, Triệu-anh-Vũ. Y kêu lên:

– Bọn thần nhất tâm, nhất dạ phò tá bệ hạ. Không biết có tội gì mà bị trói như thế này?

Quang-Vũ cười nhạt:

– Ngươi trung thành với trẫm ư? Máu thịt ngươi là Lê-thị-Hảo, là Chu-Bá ngươi còn muốn giết. Vua ngươi là Trưng-Trắc thực anh hùng, mà ngươi còn nỡ hại. Dân Việt là đồng bào ngươi, mà ngươi dẫn quân Hán chém giết, thì ngươi tử tế với ai?

Y nói với Lương-Tùng:

– Trẫm giao chúng cho Phò mã quản thúc. Chúng có tội thì xử, có công thì thưởng. Dù tội gì, Phò mã cũng không được giết chúng. Dù công gì, Phò mã cũng không được tha chúng.

Quang-Vũ nói với triều thần:

– Cái thứ lưu manh, ngu xuẩn như Lê-đạo-Sinh mà cũng muốn qua mặt trẫm! Các khanh thử nghĩ xem, trẫm là người Hán, đem đại quân xuống Lĩnh-Nam giết người Việt, chiếm đất, đốt nhà, cai trị như trâu như chó. Bất cứ người Việt nào cũng thù hận trẫm. Trong khi đó nước Lĩnh-Nam có vua anh hùng, tướng sĩ lương đống. Thế mà y chạy sang cúc cung cúi đầu phục tùng trẫm, thử hỏi lòng dạ y có tin được không? Nhà đại Hán lập lên đã dư hai trăm năm. Đời nào cũng có bậc tôi hiền, trung thần phò tá. Trẫm không trừng phạt bọn Lê-đạo-Sinh để nêu gương, thì e rằng sau này bọn phản nghịch như Vương-Mãng sẽ còn nhiều.

Lương-Tùng dạ một tiếng, truyền dẫn tám người xuống lầu. Tám người còn bị thuốc mê mơ mơ hồ hồ chưa tỉnh. Lương-Tùng giải bọn Lê tới phủ Phò mã, đưa đến một ngôi nhà lớn. Chàng lấy chìa khóa mở cửa. Đám Thị vệ đẩy thầy trò Lê-đạo-Sinh vào trong. Ngước mắt nhìn lên, Lê-đạo-Sinh cảm thấy gai ốc mọc cùng mình. Y đưa mắt nhìn đồng bọn, ngụ ý báo cho nhau biết những gì không hay sắp đến. Trong đại sảnh, đèn nến sáng trưng, ở giữa một bàn thờ hương khói nghi ngút. Phía trước bàn thờ, tượng một phụ nữ mặc quần áo vàng ngồi trên ngai sơn son thếp vàng, lớn như người thực. Trước tượng có bài vị đề.

Lĩnh-nam Hoàng-đế.
Tính Trưng, húy Trắc chi linh vị”.

Phía sau tượng có ba người nữa, một người đàn ông, mặc phẩm phục Vương, phía trước có bài vị:


“Đại-tư mã Lĩnh-nam, Bắc-bình vương,
Tính Đào húy Kỳ, tam sư huynh chi linh vị”.

Tượng người thứ nhì là nữ, trước có bài vị:


“Lĩnh-nam Tư-không Nguyệt-đức công chúa.
Tính Phùng, húy Vĩnh Hoa chi linh vị”.

Tượng người thứ ba là nam, trước có bài vị:


Lĩnh Nam Tư Đồ, Tương-liệt đại vương,
Tính Nguyễn, húy Thành Công chi linh vị”.

Tiếp theo đủ tượng, bài vị, nào là Tể Tướng Nguyễn-phương-Dung cho đến các Lạc vương, các tướng thống lĩnh đạo binh, nhất là các tướng lĩnh Tây-Vu không thiếu một người nào. Lê-đạo-Sinh quát hỏi:

– Ngươi là Phò mã của đương kim Thiên tử mà đi thờ kính con phản tặc Lĩnh-Nam. Tội này thực đáng tru di tam tộc. Ngươi là ai?

Lương-Tùng chỉ vào mấy bài vị phía sau:

– Ngươi cứ đọc bài vị này sẽ biết.

Lê-đạo-Sinh đọc:

“Lĩnh-nam Lạc-vương Quế-lâm,
Nghĩa phụ tính Lương, húy Hồng-Châu chi linh vị”.

Mấy bài vị khác:

“Lĩnh-nam Đăng-châu Quốc-công,
Sư phụ tính Đào, húy Thế Hùng chi linh vị”.

Lương-Tùng chỉ vào mấy bài vị khác:

– Đây là bài vị sư huynh Hiển-Hiệu, Quí-Minh, sư tỷ Phương-Dung, Hồng-Thanh.

Lê Đạo-Sinh mắng:

– Thì ra mi là gian tế Lĩnh-Nam. Mi tôn tên phản tặc Lương Hồng-Châu làm nghĩa phụ, mi lại là đệ tử của đại phản tặc Đào Thế-Hùng.

Lương-Tùng cười nhạt:

– Hôm nay ta trả thù nước, thù nhà, thù môn hộ.

Lê Đạo-Sinh biết việc chẳng lành sắp xẩy ra. Y hít một hơi chân khí vận sức vào cánh tay, xương cốt kêu răng rắc. Các dây trói đứt tung ra. Lương-Tùng kinh hoảng hô Thị-vệ nhảy vào ôm chặt lấy y. Lê-đạo-Sinh vung tay một cái, đám Thị– vệ văng ra ngoài, bị thương nằm dài trên đất. Lê Đạo-Sinh chồm tới chụp Lương-Tùng. Chàng nhảy lui lại thét lên:

– Mạng ta cùng rồi!

Thình lình hai bóng đen bịt mặt từ ngoài nhảy vào cùng vung chưởng tấn công Lê-đạo-Sinh. Binh, binh hai tiếng. Lê bật lui lại sau, người lảo đảo muốn ngã. Lương-Tùng hô Thị-vệ nhảy vào ôm cổ y vật xuống trói lại.

Sự thực bản lĩnh Lê-đạo-Sinh đâu phải tầm thường? Song y bị đánh thuốc mê còn chưa tỉnh, lại bị hai đại cao thủ đánh hai chưởng một lúc, khiến khí huyết đảo lộn. Vì vậy Thị– vệ mới trói được y.

Lương-Tùng nhìn hai người bịt mặt cứu chàng, trông dáng rất quen, mà nhất thời chàng không nhớ được đã gặp ở đâu? Tên là gì? Có điều hai chưởng mà người bịt mặt dùng lại khác nhau. Một người dùng chưởng Cửu-chân, một người dùng chưởng Phục-ngưu. Chàng cung kính hỏi bằng tiếng Việt:

– Đa tạ tiền bối cứu mạng. Xin tiền bối cho biết cao danh quí tính?

Hai người cười nhạt một tiếng, thấp thoáng, đã biến mất. Lương-Tùng nhìn dáng hai người, nhận ra là hai phụ nữ.

Chàng quay lại nói với Lê Đạo-Sinh:

– Tên lưu manh này! Về võ công, mi luyện đến mức vô địch thiên hạ. Chỉ vì lương tâm không có, mi hại Hoàn-đế Lĩnh-Nam, hại dân Việt. Tội ác mi chồng chất. Mi đâu ngờ có ngày hôm nay. Hôm nay ta hãy cắt gân mi, để mi không xử dụng võ công được nữa.

Chàng quì xuống trước bàn thờ. Đám Thị-vệ cũng quì theo. Chàng lạy tám lạy, chắp tay khấn:

Chị Hoàng Đế có linh thiêng xin về chứng giám cho đứa em lưu lạc. Ngày nọ chị đến hồ Động-đình ban chỉ cho em phải sang Trung-Nguyên giúp chị Tường-Qui. Em vẫn canh cánh trong lòng chỉ dụ của chị, không bao giờ quên Lĩnh-Nam. Em thân làm Phò– mã Hán, mà lòng để ở Lĩnh-Nam”.

Đến đây chàng bật lên tiếng khóc. Bọn Thị-vệ cũng khóc theo. Chàng khấn tiếp:


“Sư phụ, nghĩa phụ, sư huynh, sư tỷ cùng các anh hùng Lĩnh-Nam. Anh hồn hãy về đây chứng giám cho con. Con sống giữa vinh hoa, phú quí, mà lòng chẳng đổi thay. Nước mất, lòng con đau như dao cắt. Hôm nay con xin đem kẻ thù đến tế trước vong linh “Chị Hoàng Đế”, nghĩa phụ, sư phụ. Tại Thiên chi linh xin về cùng hưởng”.

Thị vệ đem đến nào lợn, nào gà, nào các thức ăn. Chàng quì xuống dâng lên, nước mắt tuôn lã chã:

– Lễ vật đạm bạc, xin “Chị Hoàng-đế” cùng sư phụ, nghĩa phụ, sư huynh, sư tỷ từ Thiên chi linh xin về chứng cho.

Chàng quay lại, thấy Công chúa Đoan-Nhu cũng quì gối bên cạnh, nước mắt đầm đìa. Lê Đạo-Sinh hậm hực:

– Ta thực không hiểu! Ta điên rồi! Ngươi là thân thế cành vàng lá ngọc, là Công-chúa Thiên-triều, lại đi quì gối tế lễ, khóc thương bọn phản tặc Lĩnh-Nam. Trong khi ta có công, thì bị trói, bị làm nhục. Thế là thế nào?

Công chúa Đoan-Nhu nhổ bãi nước miếng vào mặt Lê Đạo-Sinh:

– Tên lưu manh nhất thế Lê Đạo-Sinh kia! Mi đã bảy mươi tuổi mà không hiểu ư? Nhà đại Hán trải qua trên hai trăm năm, lấy đạo Thánh cai trị Thiên-hạ. Triều đình lao tưởng các bậc trung lương, các bậc hiếu tử và phụ nhân tiết liệt. Có đâu dung tưởng bọn nghịch tặc như mi? Phụ hoàng ta biết Hoàng– đế Lĩnh-nam anh hùng, các bầy tôi đều trung liệt, có tài có chí. Bởi đất không hai mặt trời, nước không hai vua. Nhà đại Hán với Lĩnh-nam không thể cùng đứng. Lĩnh-nam còn, Thục còn, là mối nguy cho đại Hán. Lĩnh-nam giúp Ngũ-phương chia cắt Trung-nguyên… Đó chẳng qua là vì cái “thế không cùng đứng” giữa hai nước. Phu-hoàng ta vì khâm phục anh hùng Lĩnh-nam mà phải đánh Lĩnh-nam để tự tồn.

Nàng chỉ Lương-Tùng:

– Khi Hoàng-đế Lĩnh-Nam tuẫn quốc. Phò mã định tự tử cho trọn lòng trung. Phu-hoàng ta thương người trung lương, không những không trách phạt, mà còn cho phép được thờ Hoàng-đế cùng các anh hùng đất Việt. Ngươi hiểu chưa?

Lương-Tùng cầm kiếm đến trước Lê Đạo-Sinh.

Chàng rút kiếm, đưa một nhát, gân tay, gân chân Lê Đạo-Sinh đứt rời. Bấy giờ chàng mới đưa một nhát kiếm, dây trói y đứt. Lê Đạo-Sinh hét lên một tiếng, định xuất chiêu. Song gân vai, cùi chỏ, cườm tay đều bị đứt. Người y chỉ rung động một cái rồi thôi. Lương-Tùng truyền hai Thị-vệ đè y ra cạy miệng. Chàng vung kiếm, lưỡi y bị cắt. Máu miệng chảy ra lênh láng.

Chàng đến trước Phong-châu Song-quái:

– Hai đứa quỉ quái này. Mi theo học với sư bá Nguyễn Thành-Công, phản sư môn đi tác ác thiên hạ. Mi vu vạ, đánh phá Đinh, Đào trang… rồi gây ra biết bao nhiêu tội ác?

Chàng quì gối trước bài vị Đào Thế-Kiệt, Đinh Xuân-Hoa, Đinh-Đại, Trần Dương-Đức, Đào Nghi-Sơn, Đào Biện-Sơn, Nguyễn Tường-Loan khấn:

– Đại sư bá, sư thúc cùng các sư huynh sư đệ về chứng giám cho đệ tử trả thù xưa.

Chàng vung kiếm cắt gân tay, chân, cắt lưỡi Song-quái, rồi sai Thị– vệ rịt thuốc cho chúng khỏi chết.

Một Thị-vệ đứng dậy, nói với Lương-Tùng:

– Sư huynh cho em trả thù với.

Thị vệ đó chính là Chu Đỗ-Lý. Lương-Tùng gật đầu. Chu Đỗ-Lý cầm kiếm đến trước mặt Lê Đức-Hiệp:

– Tên gian manh này! Mi cùng sư phụ, sư mẫu ta vốn đồng môn hộ. Thế mà mi theo Mã-Viện, đem đại quân đánh Cửu-chân, giết chết sư phụ ta. Hôm nay mi phải đền tội.

Chàng quì trước bài vị Chu-Bá, Lê-thị Hảo khấn:

– Xin sư phụ, sư mẫu về xem đệ tử trả thù.

Chàng vung kiếm lên, cắt hết gân chân, tay, cắt lưỡi Lê Đức-Hiệp, Ngô Tiến-Hy, Hoàng Thái-Tuế. Chu Chiêu-Trung cũng xin xử tội Đinh Công-Thắng, Triệu Anh-Vũ.

Thình lình bốn bóng đen từ ngoài nhảy vào sảnh đường. Chỉ mấy chiêu các Thị-vệ bị đánh ngã. Một bóng đen dí kiếm vào cổ Lương-Tùng, nói dõng dạc:

– Im lặng! La lên một tiếng, ta chặt đầu liền.

Lương-Tùng thấy trong bốn người, có cả hai phụ nữ đánh Lê Đạo-Sinh cứu chàng. Chàng lên tiếng hỏi:

– Các vị là ai? Dường như các vị người Lĩnh-Nam. Các vị đến đây có việc gì? Tại sao lại kiềm chế tại hạ?

Bốn người cùng lột khăn che mặt ra. Lương-Tùng reo lên:

– Chu lão bá! Hoàng sư tỷ! Anh Sún Rỗ, chị Sa-Giang. Các vị đến thăm Cu Bò này, cứ đường đường chính chính mà đến! Việc gì phải đi trong đêm!

Chu Tái-Kênh điểm một Lĩnh-Nam chỉ, đánh gãy đôi thanh kiếm của Lương-Tùng, mặt bà lạnh lùng:

– Chúng ta đến đây giết tên phản tặc.

Suốt mấy năm qua Lương-Tùng học văn đến trình độ uyên bác, định lực rất cao. Chàng thản nhiên nói:

– Nếu lão bá nêu lên được một hành vi nào của Cu Bò này trái với võ đạo Cửu-chân, phản bội Lĩnh-Nam. Cu Bò sẽ tự xử, không cần đến lão bá ra tay.

Nguyên sau khi Mã-Viện đánh chiếm được Long-biên. Tuy các đại tướng Phùng-Đức, Sầm-Anh, Liêu-Đông Tứ Ma bị Đào-Kỳ, Phương-Dung giết chết. Song các đại cao thủ trẻ của Hán theo quân tới hàng trăm. Mã-Viện phân phối họ đi các nơi đánh từng trang ấp một. Trước hết Tử-Vân tuẫn quốc ở cửa biển Thần-phù. Công chúa Gia-Hưng Trần-Quốc tuẫn quốc ở Hoàng-xá. Tiếp theo đến Lê-thị Lan, Lê Anh-Tuấn, Lê Ngọc-Trinh, Trần Quế-Hoa, Trần Quỳnh-Hoa, Phùng Vĩnh-Hoa, Đào Hiển-Hiệu, Đào Quí-Minh, Đào Phương-Dung, Nguyễn Thành-Công đều tuẫn quốc. Chỉ có Trần-Năng, Hùng-Bảo, Hoàng Thiều-Hoa, Chu Tái-Kênh, Sún Rỗ, Sa-Giang, Hồ-Đề hãy còn tiếp tục kháng chiến.

Mã-Viện tiến quân vào đánh Cửu-chân. Bị Đô-Dương phá hai lần, thiệt mười vạn quân. Cuối cùng Mã-Viện sai Lê Đạo-Sinh cùng bọn Song Quái mang Nỏ-thần vào đánh. Đô-Dương, Đinh-Đại, Đào Nghi-Sơn, Đào Biện-Sơn, Chu-Bá đều tử trận. Mã-Viện đánh tới Nhật-Nam. Trương Thủy-Hải, Trương Đằng-Giang, Trần Khổng-Chúng tuẫn quốc. Lại Thế-Cường rút vào rừng kháng chiến.

Mã-Viện được chiếu chỉ Quang-Vũ hồi triều, giao đất cho các quan văn tới trấn nhậm. Để tự ghi công mình, Mã-Viện sai dựng một cột đồng trụ lớn, trên khắc chữ:

Đồng-trụ chiết
Giao-chỉ triệt.

Nghĩa là: Cột đồng trụ gãy, thì Giao-chỉ bị diệt.

Dân chúng Giao-chỉ thấy vậy, mỗi khi đi qua cầm một cục đá ném vào chân cột đồng. Ít lâu sau cột đồng bị lấp đi mất. Mã-Viện lấy cớ đó thượng biểu về triều tâu rằng, dân Lĩnh-Nam vẫn còn tưởng cố quốc. Cần phải cho trọng binh đóng. Ngược lại Quang-Vũ cùng triều thần nghị kế, thấy lĩnh-Nam quá xa xôi, mà giao trọng binh cho Mã-Viện, lỡ Mã làm phản, thực khó mà dẹp được. Mã-Vũ, Chu Tường-Qui, Lương-Tùng mật nghị với nhau rằng cần làm áp lực để Mã-Viện rút đại binh về, đất Lĩnh-Nam trao cho bọn văn quan. Lực lượng kháng chiến mới có thể tái hoạt động.

Mã-Vũ cho người thân tín phao khắp nơi rằng Mã-Viện sắp làm phản. Tin đó đến tai Quang-Vũ. Quang-Vũ hỏi ý kiến Chu Tường-Qui, nàng tâu:

– Triều Hán thường bị nạn ngoại thích cầm binh quyền, gây ra mầm mống phản loạn. Trước đây Lã hậu, rồi Mã hậu. Cái gương Vương-Mãng còn đó.

Quang-Vũ hỏi Âm Hoàng-hậu, bà bị ảnh hưởng của Thái-tử Trang, Công chúa Đoan-Nhu. Mà hai người này bị ảnh hưởng của Lương-Tùng. Vì vậy bà tâu:

– Từ trước đến giờ Mã-Viện ỷ cô làm Thái-hậu, lại có bốn anh em cầm đại quân. Bây giờ bốn anh em chết hết ba. Mã hậu không còn. Song Mã lúc nào cũng là mối lo cho triều đình.

Vì vậy Quang-Vũ gửi mật chiếu cho Lưu-Long. Lưu-Long mời Mã-Viện đến bản dinh uống rượu. Bấy giờ sứ giả của Quang-Vũ mới tuyên chỉ triệu hồi Mã. Mã-Viện đành lên đường về kinh, giao binh quyền cho Lưu-Long, Vương-Bá. Hai người này từ từ thoái binh.

Hồ-Đề triệu tập buổi họp các anh hùng kháng chiến. Các anh hùng đều nêu ra ý kiến: Đã giết được Sầm-Anh, Phùng-Đức, Liêu-Đông Tứ Ma. Kẻ thù bậc nhất của Lĩnh-Nam là Mã-Viện cần phải giết. Chu Tái-Kênh tỏ ý nghi ngờ Lương-Tùng. Vì rõ ràng Quang-Vũ biết Lương-Tùng do Lĩnh-Nam cài vào, mà được gả công chúa. Hội nghị cử Thiều-Hoa, Tái-Kênh, Sa-Giang, Sún Rỗ lên đường giết Mã-Viện, Lương-Tùng.

Chu Tái-Kênh cười nhạt:

– Quang-Vũ biết mi do Lĩnh-Nam cài vào. Nếu mi không tiết lộ cơ mật Lĩnh-Nam, lập đại công. Đời nào y gả công chúa cho mi?

Công chúa Đoan-Nhu đứng trấn trước Lương-Tùng:

– Tôi có quyền cãi cho Phò-mã chăng?

– Được, ngươi cứ nói.

Công chúa Đoan-Nhu liếc nhìn Hoàng Thiều-Hoa rồi đáp:

– Từ nãy đến giờ, các vị núp ở ngoài hẵn đã nghe, đã thấy Phò-mã làm những gì rồi chứ? Bảo rằng Phò-mã kết hôn với tôi là có tội. Vậy trước đây Lĩnh-Nam vương phi từng kết hôn với Vương gia đó ư? Lại nữa công chúa Vĩnh-Hòa kết hôn với Đào Quí-Minh. Sao không kết tội sư huynh Quí-Minh?

Hoàng Thiều-Hoa gật đầu:

– Khi khởi hành từ Lĩnh-Nam ta nghi oan cho sư đệ. Song chúng ta theo dõi sư đệ từ nãy đến giờ… mới rõ đen trắng. Hơn mười năm trước ta đã bị oan như sư đệ.

Lương-Tùng chỉ các Thị-vệ:

– Đám Thị-vệ này đều từ Lĩnh-Nam sang. Họ đều xuất thân phái Tản-viên, Cửu-chân cả.

Thiều-Hoa tỏ ý muốn giết Mã-Viện báo thù. Lương-Tùng hiến kế:

– Muốn giết Mã-Viện thực không khó. Mã-Viện hiện mang quân Bắc chinh. Phụ hoàng không tin tưởng y, ngươì sai Bô-lỗ đại tướng quân đem binh theo trợ chiến, thực ra để canh chừng y. Người sai em làm giám quân. Bây giờ sư tỷ cứ dùng thẻ bài của em, làm sao đột nhập vào trướng rồi, chặt đầu y thực không khó.

Sún Rỗ hỏi Lương-Tùng:

– Còn mấy tên hại nước này, em định như thế nào?

Lương-Tùng cười nhạt:

– Với tội của chúng, giết chúng đi chẳng khiến cho chúng khoan khoái ư? Em đã cắt gân, cắt lưỡi, khiến chúng không xử dụng võ được, cũng chẳng nói được. Bây giờ em chọc mù mắt chúng. Sau đó xích chân tay chúng lại với nhau, đưa về Lĩnh-Nam, để hàng ngày chúng lê lết, ăn mày, bị dân chúng phỉ nhổ, mới khiến cho dân Việt hả dạ phần nào.

Chu Tái-Kênh vọt người tới, thấp thoáng một cái, bà đã rút kiếm của Hoàng Thiều-Hoa. Kiếm rung lên, Lê Đạo-Sinh cùng đồng bọn bảy người nữa đều bị đâm mù mắt. Lê Đạo-Sinh ngửa mặt lên trời than:

– Hỡi ơi! Ta đã lầm! Ta đã lầm. Nếu ta không là Thái– sơn Bắc-đẩu võ lâm. Có lẽ ta theo Trưng-Trắc. Đâu đến nỗi này.

Lương-Tùng gọi Chu Chiêu-Trung, Chu Đỗ-Lý:

– Hai vị sư huynh dùng xe chở bọn này về Giao-chỉ, đem đi khắp chỗ cho dân chúng coi. Nhớ canh gác cẩn thận, đừng cho người ta giết chúng.

Bọn Chu Tái-Kênh vừa lên đường. Lương-Tùng cùng công chúa Đoan-Nhu đang bàn luận truyện Lĩnh-Nam, thì có thái giám tới tuyên triệu hai người đến Tây-cung chầu Quang-Vũ khẩn cấp. Cả hai vội lên xe đi liền. Từ xa, Lương-Tùng đã thấy đám Thị-vệ Tây-cung kẻ tụm năm, người tụm ba nhỏ to nói truyện. Linh tính báo cho biết có biến cố gì xảy ra. Hai người leo lên lầu thứ ba. Thái giám mở cửa cho vào. Lương-Tùng, Đoan-Nhu phủ phục xuống hành lễ. Quang-Vũ ngồi thẫn thờ trên long ỷ, vẫy tay cho hai người bình thân. Y hỏi:

– Con là sư đệ của Chu quí phi, được Quí-phi sủng ái. Gần đây con thấy Quí-phi có hành động gì lạ không?

Lương-Tùng tâu:

– Từ ngày Lĩnh-Nam bị diệt. Lúc nào Quí-phi cũng mặt ủ mày châu. Khóc đêm, khóc ngày. Cho đến nay, năm năm đã qua, mà Quí-phi vẫn không quên. Mấy hôm trước Quí-phi sai con sắm mấy bộ quần áo đàn ông, mua con ngựa thực khỏe. Con hỏi, Quí-phi chỉ lắc đầu.

Công chúa Đoan-Nhu hỏi:

– Tâu Phụ-hoàng! Có truyện gì không hay xảy ra rồi ư?

Quang-Vũ đưa cho Lương-Tùng một tờ thư.

– Mười hôm trước Quí-phi tâu rằng muốn được yên tĩnh luyện công trong vòng mười ngày, vì vậy thái giám, cung nga không được vào phòng luyện công của người. Hôm nay đủ mười ngày, ta thân đến mở cửa phòng, thì chỉ thấy có ba tờ giấy để lại. Một tờ cho ta, một tờ cho Hoàng-hậu, một tờ cho con với Thái-tử.

Y đưa tờ giấy cho Đoan-Nhu:

– Đây con đọc đi.

Công chúa Đoan-Nhu cầm lấy đọc:

“Sư mẫu Chu Tường-Qui, gửi cho đệ tử là Thái-tử Trang cùng Công-chúa Đoan-Nhu.

Từ khi Lĩnh-Nam bị diệt. Tấc lòng tưởng nhở cố quốc khôn nguôi. Vì vậy sư mẫu ăn không ngon, ngủ không yên. Hôm nay sư mẫu quyết định trở về Lĩnh-Nam, tiếp nối sự nghiệp Trưng Hoàng-đế và Phu-thân. Vì lên đường khẩn cấp, sư mẫu không từ biệt hai con. Sư mẫu không có con, nhận hai con làm đệ tử. Tiếng rằng sư mẫu, đệ tử. Chứ sư mẫu coi hai con như con đẻ. Bản lĩnh sư mẫu có bao nhiêu, đã dốc túi truyền cho hai con. Khi thư này đến với hai con, thì sư mẫu đang ở trong một khu rừng nào đó của Lĩnh-Nam. Bịn rịn lúc ra đi, phải xa hai con, lòng sư mẫu đau như dao cắt. Hai con cứ coi như sư mẫu chết rồi. Sư mẫu có mấy lời dặn hai con:

– Phải chăm lo đọc sách, luyện võ. Đối với dân chúng bằng tấc dạ từ ái. Thương yêu dân, như thương yêu bản thân mình.

– Riêng Thái-tử Trang, sau này sẽ lên ngôi Thiên tử. Nếu con có còn nghĩ tình sư mẫu con hãy ban hành chính sách cho dân Lĩnh-Nam cũng như dân Hán. Tuyển lựa quan lại thanh liêm, cử đi. Đối với bọn tham quan, thẳng tay giết không tha.

Sư mẫu dặn mấy lời, mong hai con đừng quên”.

Đọc xong nàng ôm mặt khóc nức nở. Quang-Vũ rơi nước mắt, ngửa mặt lên trời than:

– Trong các phi tần, Chu quí phi là người được ta sủng ái nhất. Tình nghĩa vợ chồng trên mười năm. Thế mà ta vẫn không làm cho nàng quên được cố quốc. Than ôi! Ta có trăm vạn hùng binh, đánh chiếm được đất Việt, mà ta không chiếm được lòng dân Việt. Ta giàu có nhất thiên hạ, muốn gì được nấy, mà ta không chiếm được lòng Chu quí phi.

Y nhìn Lương-Tùng:

– Lương Phò-mã. Trưng-Trắc cử ngươi sang làm Tế-tác ở Hoàng cung, ta những tưởng công danh, phú quí, khiến ngươi đổi lòng, không ngờ ngươi vẫn một lòng với Lĩnh-Nam. Ta cho phép ngươi thờ Trưng-Trắc, để tỏ lòng bao dung. Như vậy ngươi đã quên được Lĩnh-Nam chưa?

Lương-Tùng quì xuống tâu:

– Phụ hoàng cho con làm Phò-mã. Người Lĩnh-Nam coi cha vợ cũng như cha đẻ. Con phải hiếu với Phụ-hoàng. Phụ– hoàng bảo con chết, con tuân lệnh chết. Song con là người Việt, con yêu Lĩnh-Nam hơn cha mẹ. Nếu Phụ-hoàng không tha thứ, đem ra chặt đầu. Con xin chịu chết. Con thú thực: Suốt đời không bao giờ con quên cố quốc. Con là Cu Bò, là Lương-Tùng. Con không phải Lê-đạo-Sinh. Huống hồ Khổng-tử nói “Nhân các sở hữu chí”, mỗi người một chí. Phụ-hoàng làm Hoàng-đế Trung-nguyên, giàu bốn biển. Trung-nguyên đất rộng người nhiều. Thế mà Phụ-hoàng vẫn muốn chiếm nốt giải đất Lĩnh-Nam xa xôi. Chu quí phi cũng như thần nhi, dù có sống trong nhung lụa, cũng không quên được nguồn gốc. Kẻ quên nguồn gốc, chẳng khác chi loài chó, loài lợn.

Đến đó thái giám vào tâu:

– Có sứ giả của Bô-lỗ đại tướng quân Mã-Vũ xin vào triều kiến, tâu quân tình.

Quang-Vũ truyền cho vào. Sứ giả vào quì gối tung hô vạn tuế rồi tâu rằng:

– Cách đây nửa tháng Phục-ba tướng quân tiến binh đánh giặc. Bô-lỗ đại tướng quân khuyên đi đường tắt cho mau. Phục-ba tướng quân không chịu nghe, sợ đi đường tắt bị phục binh, cứ đường lớn đi. Vì vậy quân sĩ mệt mỏi, bệnh hoạn phải lui lại. Hôm qua, thích khách đột nhập bản dinh, giết chết Phục-ba tướng quân. Đầu mang đi mất.

Lương-Tùng tâu:

– Trước đây còn Mã Viện ỷ thế cô, trái lệnh, làm càn, khiến quân thua, tướng tổn. Bị Nghiêm-Sơn xử trảm. Được Phụ -hoàng ân xá. Sau trận Kinh-châu, để Công-tôn Thiệu đánh lừa, chiếm mất. Trận Động-đình hồ bị Phật-Nguyệt đánh tan ba mươi vạn quân. Trận Nam-Hải bị Thánh-Thiên giết bốn mươi vạn. Phụ hoàng sai y đánh Lĩnh-Nam, làm thiệt bốn mươi vạn quân, các đại tướng đanh tiếng Phùng-Đức, Sầm-Anh, Liêu-Đông Tứ Vương chết. Được Phụ hoàng ân xá, sai Bắc chinh. Y cãi lời Bô-lỗ đại tướng quân, để đến nỗi quân bại, chết tại trướng. Xin Phụ hoàng thu ấn Tân-tức hầu, làm gương cho các tướng khác.

Quang-Vũ nổi lôi đình:

– Phò mã thay trẫm, khẩn lên đường cầm quân đánh giặc thay Mã-Viện. Trẫm sai sứ thu ấn Tân-tức hầu. Cách hết chức tước của Viện. Tuy vậy nghĩ tình Mã thái hậu, trẫm miễn làm tội vợ con.

Lương-Tùng tuân lệnh lên đường.

Ghi chú của thuật giả.

Việc này xảy ra vào niên hiệu Kiến-Vũ thứ hai mươi lăm thời vua Quang-Vũ nhà Hán, tức năm Kỷ-Dậu, 49 sau Tây Lịch.

Sử gia Phạm Hoa khi viết bộ “Hậu hán thư” cùng các sử gia khác khi chép về Mã-Viện đều nêu ra các thắc mắc:

1. Quang-Vũ sai vẽ hình, ghi công Nhị thập bát tú, bốn người nữa cộng ba mươi hai người trên gác công thần.Trong 36 người đó, chỉ có ba người công lao lớn hơn Mã-Viện là Ngô-Hán, Đặng-Vũ, Lý-Thông. Hơn nữa Mã-Viện tử trận. Tại sao hình Viện không được vẽ, công Viện không được ghi trên gác Vân Đài ở Nam Cung?

2. Viện được phong Tân-tức hầu. Theo luật nhà Hán, khi tước hầu tử trận, được chôn cất theo lễ nghi bậc Vương. Thế mà Viện bị thu ấn Tân-tức hầu. Đến nỗi khi chôn cất, vợ con chỉ khâm liệm qua loa. Bạn hữu không dám điếu tang.

Tại sao?

Chỉ có độc giả Anh Hùng Lĩnh Nam mới biết rõ tại sao.

Hôm ấy là ngày 15, trăng rằm chiếu vằng vặc dưới chân núi Tản-Viên. Một đài cao đắp bằng đất, trên đặt sáu chiếc đỉnh khói hương nghi ngút. Từ dưới đài đi lên, trăm bậc. Xung quanh đài, những đoàn người từ bốn phương âm thầm kéo về như những bóng ma chập chờn. Khoảng nửa đêm, xung quanh đài có đến mấy vạn người.

Một hồi trống hiệu nổi lên, mọi người nghiêm chỉnh đứng dậy. Đuốc đốt đồng loạt. Dưới ánh đuốc chập chờn, người ta thấy tám tráng sĩ đẩy tám tù nhân, đầu trùm khăn vải đến trước đài, bắt quì xuống.

Tiếng loa hô:

– Dâng lễ vật.

Các khăn trùm đầu được mở ra, dưới ánh trăng hiện ra tám cái đầu tóc gọt nhẵn, mắt bị mù. Chân tay không cử động được. Một thiếu nữ bưng cái mâm sơn son thiếp vàng, trên đựng chiếc đầu lâu người. Tiếng loa hô lớn:

– Tiến lễ.

Một phụ nữ tóc bạc trắng, từ dưới đài bước lên, dõng dạc nói:

– Hôm nay lực lượng phản Hán phục Việt các nơi tề tựu về đây tế vua Trưng cùng các anh hùng Lĩnh-Nam tuẫn quốc. Chúng tôi trăm cay nghìn đắng lên tận phía Bắc Trung-Nguyên mới giết được Mã-Viện, đem đầu về làm tế vật.

Tiếng vỗ tay vang dội khắp nơi. Người phụ nữ già đó chính là Chu Tái-Kênh. Bà tiếp:

– Lễ vật sống gồm tám tên đã tàn hại Lĩnh-Nam. Tội đồ là Lê Đạo-Sinh, Lê Đức-Hiệp, Vũ-Hỷ, Vũ Phương-Anh, Hoàng Thái-Tuế, Ngô Tiến-Hy, Đinh Công-Thắng, Triệu Anh-Vũ.

Tiếng vỗ tay vang dội.

Anh hùng phản Hán phục Việt các nơi thứ tự lên đài, làm lễ trước bàn thờ. Tới khi trời hừng sáng, Thái thú Giao-chỉ nghe tin, sai Thiết kị đến bao vây, thì đài đã được phá hủy. Dưới chân núi vua Bà (Tản-Viên) không còn một bóng người.

Viết xong tại Paris ngày 21 tháng bảy 1985

https://trandaisy.wordpress.com/2012/11/16/cam-khe-di-han-q-iv-hoi-93-100-2/8/

 HÁT GIANG TRƯỜNG HẬN  

Lời thơ Phan Mai – Lưu Hửu Phước soạn nhạc 1942-1943

https://www.youtube.com/watch?v=S5jt3QbAJB8

https://www.youtube.com/watch?v=3KnA3xfpEJU

Thái Thanh trình bày có lời hát

Lời hát:

“Đêm khuya âm u

Ai khóc than trong gió đàng.

Gió cuốn Trưng Nữ Vương

Gợi muôn ngàn bên nước Tràn

Hồn ai đang thổn thức trên sông

Hồn quân Nam đang khóc non sông

Sát khí ngất đất

Bao lớp thây, muôn sóng huyền

Không gian như lắng nghe bao oan hồn

Đang xao xuyến xót thương hai Nữ hoàng tuẫn thân

Dù mạng vong lửa hờn chưa tan

Làn sóng đang thét gào

Gió vang tiếng nguyền cùng gươm đao

Nguyện cùng sông đẫm máu

Tấm thân nát không nao

Nhìn thấy quân Hán dày xéo

Sông núi nhà dòng châu rơi

Khóc nước non mờ tối dưới trời

Nào ai yêu nước nhà

Vì giống nòi vì hận thù

Lam sao, đưa dân qua cơn đau khổ

Người Nam anh dũng quyết dâng

Đời sống cho non sông

Liều mình vào tên khói

Cùng người thù

Ta quyết không đạp đất chung

Trai hùng tráng

Lúc quốc biến xả thân

Lấy máu nóng cứu dân khỏi hồi nguy nan

Chí hiên ngang

Bao năm công đức

Xây đắp nên, non nước nhà

Ân đó ghi khăc trong

Tâm quốc dân không xóa nhòa

Vì đâu vua Trưng Nữ ra quân

Vì non sông, tuẩn tiết vong thân

Nước cuốn réo rắt như thiết tha

Gọi quốc hồn

Thiên thu trên Hát Giang vang tiếng lòng

Dân đau đớn khóc giang san

Phải hồi ngửa nghiêng

Cùng nhau khấn, non nước thiên liêng”


***

Hắc-giang hay Hát-giang? Đây là một nghi vấn vì trên bản đồ của cả Pháp lẩn Hoa Kỳ không có sông Hát mà chỉ có sông Hắc-giang tức Black River hay Rivière Noire.

Dưới đây là những bản đồ có con sông Hắc-giang

***

Bản mục lục nước Việt

https://maps.lib.utexas.edu/maps/topo/vietnam/vietnam_index.html

Địa danh nước Việt

https://maps.lib.utexas.edu/maps/topo/vietnam/

Rivière Noire – Black River  Hắc-giang

http://www.lib.utexas.edu/maps/ams/indochina_and_thailand/txu-oclc-6535632-nf48-11.jpg  

http://www.lib.utexas.edu/maps/ams/indochina_and_thailand/txu-oclc-6535632-nf48-10.jpg

Việt-trì, cuối nguồn sông Hắc-giang

https://maps.lib.utexas.edu/maps/topo/vietnam/viet_tri-6051-1.pdf

Phú-thọ

https://maps.lib.utexas.edu/maps/topo/vietnam/phu_tho-6051-4.pdf

Sông Hắc-giang Hoàng-xá

https://maps.lib.utexas.edu/maps/topo/vietnam/hoang_xa-6051-2.pdf

Sông Hắc-giang Hòa-bình

https://maps.lib.utexas.edu/maps/topo/vietnam/hoa_binh-6050-1.pdf

Sông Hắc-giang Làng Chụm

https://maps.lib.utexas.edu/maps/topo/vietnam/lang_chum-5950-1.pdf

Sông Hắc-giang Nuoc Moc

https://maps.lib.utexas.edu/maps/topo/vietnam/nuoc_moc-5951-2.pdf

Sông Hắc-giang Vạn-yên

https://maps.lib.utexas.edu/maps/topo/vietnam/van_yen-5951-3.pdf

Sông Hắc-giang Yên-châu

https://maps.lib.utexas.edu/maps/topo/vietnam/yen_chau-5851-2.pdf

Sông Hắc-giang Nam-tê Bản-ang

https://maps.lib.utexas.edu/maps/topo/vietnam/ban_ang-5851-4.pdf

20240623 Nui Vua Ba Tan Vien 01


No comments:

Post a Comment