20210516 Cong Dong Tham Luan
Phiet Pham thephiet_2002@yahoo.com
Tue, Apr 20 at 11:16 AM
Ngô Văn Lập, chủ tiệm phở Bình (góc Yên Đổ+Hai Bà Trưng) được trả công vì đã nuôi dưỡng bọn CS nằm vùng như thế nào? Còn bao nhiêu Ngô Văn Lập nữa? Xin mời đọc.
Phở Bình
Trong Tết Mậu Thân, phở Bình là nơi phát xuất việt cộng. Sau này tiệm phở việt cộng được xếp vào hạng di tích lịch sử.
Bây giờ thì sao? Thê thảm.
QUÁN PHỞ BÌNH VÀ CHIẾC VÒNG “KIM CÔ” LỊCH SỬ....
Quán phở Bình nằm ở đoạn đầu đường Yên Đổ (nay là Lý Chính Thắng) gần giáp đường Hai Bà Trưng là một trong những quán phở lâu đời của đất Sài Gòn. Tôi đi ngang qua quán này trong suốt nhiều năm mà chưa một lần bước vào, dù biết rằng đã khá nhiều bài báo viết về nó. Chẳng qua là vì tôi ngán cái bảng hiệu nền đỏ chói, một ngôi sao vàng to tổ bố choán hơn nửa diện tích bảng hiệu với hàng chữ Phở Bình cũng màu vàng.
Có lẽ nhiều người cũng ngán cái ngôi sao vàng bự chảng đó như tôi, nên chẳng mấy khi thấy đông thực khách, lúc nào quán cũng mang một vẻ hiu quạnh, dù khu vực đó gần chợ Tân Định, nổi tiếng của giới nhà giàu, và việc buôn bán sầm uất bậc nhất Sài Gòn.
Báo Thanh Niên hôm 8-3-2020 đăng bài viết của tác giả Lê Công Sơn về quán phở “trứ danh” này với tựa đề “Khi chủ nhà muốn trả lại bằng xếp hạng di tích”. Theo đó, ông chủ tiệm phở là Ngô Văn Lập bị bệnh nan y, không có tiền chữa trị; căn nhà lầu ngay mặt tiền để bán phở kiếm sống, bên trong chứa ba gia đình với 16 người chật chội tù túng, không thể ngọ nguậy hay cựa quậy gì được. Vì sao thế? Vì nó phải mang vác cái danh xưng “di tích quốc gia” nên chủ nhà không được phép xây sửa, sang nhượng, cầm cố, cũng không thể sắp xếp đồ đạc hay dẹp bỏ đám “hiện vật di tích cách mạng” đang chiếm trọn một tầng. Thậm chí không thể làm chủ quyền nhà hợp pháp như mọi căn nhà khác.
Thông thường có một mặt tiền đẹp như vậy tại Sài Gòn người ta có thể sống thoải mái, dư dả khi dùng nó làm nơi kinh doanh hoặc cho mướn để người khác tự kinh doanh. Phở Bình có lẽ cũng chẳng ngon đến độ lôi kéo đông đảo thực khách đến, để họ vừa được thưởng thức tô phở ngon vừa có cảm giác ngồi giữa một “di tích lịch sử”. Nếu không, ông chủ đã chẳng phải nghèo đến độ không có tiền chữa bệnh? Cũng có thể do chủ nhà suốt ngày cứ phải làm hướng dẫn viên không lương bất đắc dĩ, để tiếp hết đoàn khách này đến đoàn khách khác hòng giới thiệu niềm tự hào lịch sử, nên không chú tâm vào việc kinh doanh. Hoặc do cách bài trí quán phở kiểu di tích này là “phản phong thủy” nên việc làm ăn ngóc đầu lên không nổi…
Trong số hàng trăm bài báo viết về quán phở Bình, có bài viết rằng tờ báo Los Angeles Times từng gọi phở Bình là “phở Việt Cộng”, lý do đây chính là nơi trú ẩn của tổ chức Việt Cộng F100, từng là nơi phát xuất ra trận đánh Mậu Thân 1968. Các Việt Cộng núp trong nhà đã chỉ huy đặc công đi ném bom mìn, tấn công các cơ sở quan trọng nhất Sài Gòn như Bộ Tổng tham mưu, Dinh Độc Lập, Đài Phát thanh Sài Gòn, Đại sứ quán Hoa Kỳ… Những ngày cận tết Mậu Thân, trên lầu chứa hơn 100 cán binh Việt Cộng để chuẩn bị cho một cuộc khủng bố kinh hoàng nhất trong cuộc chiến Việt Nam.
Ngay hôm sau trận đánh mở màn Mậu Thân, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã xác định được quán phở này chính là một sào huyệt quan trọng của Việt Cộng, nên đã vây ráp và bắt đi vài chục cán bộ Việt Cộng chỉ huy trận đánh. Chủ nhà khi đó là ông Ngô Toại, bố ông Ngô Văn Lập, cũng bị bắt giam đến năm 1973 thì được thả theo kế hoạch trao đổi tù binh.
Trở lại bài báo Thanh Niên dẫn trên, ông Ngô Văn Lập còn đủ trong tay bằng khoán điền thổ, chứng từ mua bán năm 1967 với giá tiền tương đương 3.600 lượng vàng (khoảng 158 tỷ VNĐ hiện nay). Do không thể chen chúc sống nghèo khổ chật chội như vậy được, ông Lập đã nhiều lần xin phép được hoán đổi căn nhà khác hoặc đề nghị nhà nước trưng mua theo giá thị trường. Cách đây hơn hai năm, chính quyền quận 3 cũng đề nghị chính quyền thành phố mua lại căn nhà với giá 30 tỷ. Tuy nhiên với các quy định mới về nhà ở, cũng như nhà di tích thì nhà của ông Lập cũng lâm vào bế tắc, không ai giải quyết hay giải thoát cho “gia đình cách mạng trung kiên” khỏi đeo mãi chiếc vòng kim cô “lịch sử” này cả.
Bị dồn vào đường cùng, tại lá đơn kêu nài thứ 10 đề ngày 20-2-2020, ông Lập quyết định: “Gia đình tôi sẽ trả lại bằng di tích lịch sử cấp quốc gia cho nhà nước để tự lo liệu cho cuộc sống, vì chúng tôi không đủ kiên nhẫn chờ đợi trong sự bế tắc nhiều năm qua”. Nhưng dù có giận dỗi đòi trả lại vinh dự mà nhà nước đã ban tặng cũng không dễ. Theo một chuyên viên Sở Văn hóa mà Thanh Niên trích dẫn cho biết “đây là một trường hợp chưa có tiền lệ. Muốn trả lại bằng chứng nhận di tích cấp quốc gia thì cơ quan ra quyết định cấp bằng đó phải ký hủy với các lý do dễ thuyết phục mới đúng thủ tục. Đằng này bán nhà di tích để có tiền chữa bệnh thì… độc nhất vô nhị”. Vì thế có lẽ ông Ngô Văn Lập cứ phải bình tĩnh chờ đợi nhà nước tiếp tục “cứu xét”. Nhà đó vẫn là nhà ông, có phải là nhà của nhà nước đâu mà vội.
Tôi thì hy vọng rằng, ông Lập cứ xé quách cái quyết định di tích lịch sử đi, đồng thời đập bỏ cái bảng hiệu có ngôi sao vàng to tổ bố chẳng giống ai, rồi cho thuê mặt tiền để người khác kinh doanh những thứ bổ ích và sinh lợi. Chắc chắn ông sẽ có tiền chữa bệnh, có tiền thuê một chỗ khác sống cho thoải mái cuộc đời. Giữ mãi cái vòng kim cô làm gì!
FB Nguyen Anh-Vu
https://etviet.com/ly-do-dac-khu-columbia-khong-nen-tro-thanh-mot-tieu-bang_208393.html
Bạc tóc tuổi hai mươi
Như chỉ mới hôm qua – Ký ức 30 tháng Tư
SGN NEWSNHÌN LẠI LỊCH SỬVĂN HÓA - VĂN NGHỆ
Last updated May 5, 2021
PHẠM THỊ MAI HƯƠNG
(Kính tưởng nhớ ba tôi, nhà thơ Việt Trang Phạm Gia Triếp; thầy Đạt, hiệu trưởng trường tiểu học Đa Phước Trại Mát)…
… “Ngày mai, hai cha con tôi sẽ thuê xe về Sài Gòn, tôi có gặp được các anh chị trong đoàn quân di tản? Anh trai tôi trong đoàn quân tan tác miền Trung có về kịp hay bị bắt, bị chết ở đâu? Hai cha con về Sài Gòn để làm gì khi anh chị không ai về được. Cuộc chiến sắp kết thúc hay chỉ bắt đầu! Sự trầm luân của hai cha con tôi mới khởi sự và bao giờ thì kết thúc. Tiếng khóc, tiếng cười ồn ào xung quanh mà không ai trả lời câu hỏi đó… Tôi ngậm ngùi nghĩ tháng ngày này thật khủng khiếp khi tôi mới ở tuổi hai mươi”…
Tác giả cùng các em học trò (ảnh của tác giả)Từ giã mái trường thân yêu (ngày 15-3-1975)
Đà Lạt, tháng 3-1975, thành phố tôi ở vốn bình yên, an lành trong các tỉnh thành miền Nam ngay cả những ngày chiến tranh khốc liệt nhất, bỗng trở nên xáo trộn. Người ta bàn tán, thì thầm to nhỏ về cuộc chiến, tính chuyện tản cư. Dù không hiểu hết điều gì sẽ xảy ra nhưng ai cũng cảm nhận không khí chiến tranh đang tới gần, tới rất gần. Để trấn an nỗi sợ hãi, người dân đổ tiền ra mua đồ dự trữ: gạo cơm, thuốc men, xăng dầu, nhất là mì ăn liền, phòng khi cuộc chiến xảy ra. Bề ngoài thành phố bình yên đến lặng lẽ, người ta giấu nỗi sợ hãi vào lòng. Dọc các con phố chính, các cửa hiệu lần lượt đóng cửa, báo hiệu chủ nhân đã đi tản cư. Người ta ra đi, không ồn ào sôi động.
Sáng nay, tôi và các bạn đồng nghiệp vẫn đến trường trên chiếc xe lam đưa rước hàng tháng. Ngôi trường tiểu học Đa Phước nằm tận Trại Mát, cách trung tâm thành phố 10 km, dưới chân ngọn đồi cao làm trung tâm huấn luyện Cảnh Sát Dã Chiến. Đường đi rất thơ mộng, len qua những rặng thông xanh thẳm, vòng quanh những ngọn núi chập chùng. Mấy hôm nay, chúng tôi không cảm thấy vẻ đẹp của giọt sương mai ướt đẫm lá cây hay tia nắng sáng rọi qua tán lá. Dẫu không nói ra, nhưng mọi người đều e ngại nhìn hai bên sợ bóng những người mặc áo bà ba đen xuất hiện, lo lắng nhìn trên lòng mặt đường xem có cây cối chắn ngang đắp ụ.
Chiếc xe lam bỏ chúng tôi trước cổng trường rồi vội vàng quay về lại thành phố. Sân trường không bóng dáng học sinh. Chúng tôi hoang mang nhìn nhau, vội vàng vào văn phòng. Ông hiệu trưởng già dường như chờ chúng tôi từ lâu. Ông nhỏ giọng:
– Tôi muốn liên lạc với các cô mà không được. Tình hình an ninh không xuôi lắm. Cha mẹ học sinh không cho con đến trường, họ sợ có chuyện gì, con họ còn nhỏ về nhà không kịp.
Giọng ông nhỏ hơn, lo âu:
– Với lại ở dưới này xa quá, tôi có nghe trong Tây Hồ, Trạm Hành, buổi tối V.C. đã về. Thôi các cô mau quay lại, khi nào tình hình sáng sủa hãy xuống. Giờ không còn xe lam, các cô qua đón xe đò nghe.
Chúng tôi nặng trĩu lòng, đứa nào cũng mới ra trường nên đối với ông như một người cha. Chúng tôi chào ông và băng qua bên kia đường. Chờ chúng tôi ra khỏi cổng, ông lấy chiếc xích lớn khóa cổng rồi đi về hướng chợ. Dáng ông nhỏ lại, hai vai trĩu xuống, như vác một gánh nặng trên lưng. Đứng chờ xe, tôi chưa hoàn hồn, tiếc nuối vì chưa một lời từ biệt học sinh, những em học sinh đầu tiên của tôi. Hình ảnh 28 em hiện rõ từng nét mặt, dáng người.
Võ Quang Nam nhỏ con nhưng chững chạc, ngồi ngay bàn đầu, em giỏi và ngoan nhất lớp, chẳng khi nào nói chuyện khi tôi giảng bài. Hôm Nam bị ốm, tôi rủ cả lớp đi thăm, cả lớp thưa:
– Cô ơi! Vào nhà trò ấy sợ lắm, ba trỏ chết rồi, mẹ trỏ hay nổi cơn điên cầm dao chém người. Mọi chuyện ở nhà, trỏ đều tự làm lấy. Thảo nào khuôn mặt em mang vẻ cam phận, nhẫn nhục mỗi khi bạn bè tị nạnh bảo tôi thiên vị.
Nguyễn Mẹo thông minh, giỏi toán, chăm học nhưng viết chữ xấu, không chú ý nên bài làm ít được điểm cao. Mẹo tốt với bạn bè, lễ phép với tất cả thầy cô. Đôi khi em làm tôi bối rối vì những câu hỏi thông minh bất ngờ. Tôi thực sự thương em hơn, khi biết nửa năm ngoái, em phải nghỉ học đi làm thuê, vậy mà khi đi học lại vẫn không chịu kém ai.
Nguyễn Văn Mỹ mồ côi cha mẹ, ở với cậu mợ. Khi người chị ruột duy nhất của em chết vì bệnh thì khuôn mặt em tắt tiếng cười, học hành sút hẳn, người như ở trong mê.
Trần Phương có khuôn mặt luôn cười. Mấy ngày đầu vào nhận lớp, tôi cho bài tập, em không làm. Bực mình, tôi hỏi:
– Ba em làm gì?
– Thưa cô! Ba em đi lính ở xa.
– Má em làm gì?
– Thưa cô! Má em đi làm thuê.
– Em có anh chị không?
– Thưa cô, không. Em là anh đầu.
– Ba em đi lính biết sống chết ra sao, má em đi làm thuê cực khổ mà em
không chịu học để buồn lòng ba má. Em là anh đầu sao không làm gương cho các
em.
Tôi bất ngờ khi thấy em khóc, từ đó em học ngoan hơn. Danh sách 28 em học sinh nam được tôi viết trên những miếng bìa cứng treo sau lưng với bảng đen; trong đó ghi địa chỉ học sinh, tên học sinh được khen thưởng. 28 em đầy đủ cá tính. Có em ngoan hiền như Ngô Đình Vân, Nguyễn Tấn Đạo; nghịch ngợm như Kiều Phương, Bùi Đức Danh… Ở ngôi trường tiểu học nằm ven đô thành phố này, học sinh đều nghèo, rời cuốn vở là về phụ với cha mẹ làm vườn. 28 em tuổi mới lên 10 mà số mồ côi cha không ít. Một số ghi cha mất nhưng mẹ ở nhà vẫn sinh thêm em, có phải trong đêm tối cha đã về đâu đó.
Nhìn cổng trường bị khóa chặt, tôi xót xa, biết rằng không bao giờ còn được dạy hay nhìn lại đầy đủ các em. Buổi chia tay cuối cùng không học trò, không chiếc bánh liên hoan, cũng không có lễ phát thưởng. Giờ mới giữa tháng Ba, còn hơn tháng nữa đến tháng Năm nghỉ hè. Tôi đi dạy chưa trọn năm, lương tháng vừa nhận hôm qua, biết còn tháng lương nào để được nhận nữa không? Tôi không thể hình dung mình sống ra sao khi không còn được đi dạy. 14 năm ăn học để có một nghề sinh sống, giờ không biết mình còn cơ hội nào đứng trên bục giảng nữa. Bỗng dưng tôi thấy mình thật nghèo nàn đáng thương. Buồn cười thật! Cuộc chiến sắp tới, ngày mai biết sống chết ra sao mà còn nghĩ chuyện dạy dỗ. Giờ mới giữa tháng Ba, tôi chưa tròn tuổi hai mươi. Tháng sau mới đến sinh nhật.
Để lại thành phố phía sau (ngày 20-3-1975)
Sự hoảng sợ của mọi người lên đỉnh điểm khi Đài BBC loan tin Buôn Mê Thuột thất thủ. Tin dữ lan nhanh như ngọn lửa giữa mùa Hè nóng bỏng. Buôn Mê Thuột cách Đà Lạt khoảng 200 cây số, tính theo đường chim bay còn ngắn hơn. Không khí cuộc chiến đã lởn vởn thành phố có lẽ yên bình nhất nước này. Chính quyền không thông báo về tình hình chiến sự. Người dân mù mờ tự tìm hiểu nên càng rối rắm, hoang mang.
Chị ruột tôi dạy học và lấy chồng, một sĩ quan bộ binh đóng quân trên Quảng Đức. Chị mới về ăn Tết với gia đình mà không có anh rể vì anh phải cắm trại. Chị vừa trở về trường nay phải quay lại Đà Lạt một mình. Anh rể hứa nếu tình hình khó khăn sẽ đón chị về Sài Gòn. Chị tôi vô tư lên trường Bùi Thị Xuân vào ngày 17-3-1975, dự buổi cắm trại mừng kết thúc đệ nhị cá nguyệt và họp mặt cựu học sinh. Buổi lễ đang vui, nhà trường được lệnh cho bế mạc khi nghe tin V.C. về đến ngoại ô thành phố.
Người dân Đà Lạt sống trong nỗi sợ hãi. Ban ngày họ hạn chế ra khỏi nhà; đêm về thành phố im như chết. Viện Đại Học đóng cửa để sinh viên ở xa về với gia đình. Tất cả học sinh tiểu và trung học được lịnh nghỉ học vô thời hạn. Sĩ quan và khóa sinh các trường Võ Bị Quốc Gia, Chiến Tranh Chính Trị, Cảnh Sát Dã Chiến cắm trại 100%. Dân chúng đi tản cư khá nhiều, nhất là gia đình có thân nhân ở Sài Gòn, Nha Trang…
Buổi chiều, ba tôi từ công sở về. Khuôn mặt ba đăm chiêu, bồn chồn khi bạn bè đi tản cư gần hết. Ba lo lắng vì con cái đông đúc, tiền bạc không nhiều, nếu về Sài Gòn không biết tá túc ở đâu. Mọi người đồn đoán: có thể vĩ tuyến 17 sẽ dời đến Đà Nẵng. Vì vậy, ba quyết định cho gia đình về lánh nạn ở Nha Trang với cậu T., em ruột mạ tôi. Tuy trời đã tối, mạ tôi cũng thuê được một chiếc xe G.M.C. mui trần, dắt các con nhỏ ra đi. Ba và người anh trai đầu sẽ đi sau. Tác phong, nề nếp công chức ăn sâu vào nếp sống, suy nghĩ nên ba không thể bỏ nhiệm sở khi chưa có lệnh.
Mạ xếp một loạt bao gạo dự phòng trên sàn xe, cột chặt nệm, mùng mền. Chúng tôi xếp quần áo, sách vở vào trong túi sắc, ba lô, bao tải; đứa em ngây thơ xì xẹp quả banh da nhét giữa quần áo. Mỗi người một tay nải. Cơ nghiệp của ba mạ gầy dựng 25 năm trời chất được một góc xe. Ba vào bàn thờ, thắp nhang khấn vái tổ tiên, rồi lấy tấm di ảnh của ông bà nội cùng cuốn băng magnétophone lưu giọng ông nội tụng kinh khi còn sống, để vào chiếc cặp da trao cho đứa em tôi giữ. Chị gái của tôi gói ghém vài bộ quần áo đi cùng các em. Cả nhà như đang trải qua cơn mê.
Phút chốc gia đình tôi chia đàn xẻ nghé: bố mẹ, anh chị em chia tay nhau mà không chắc có ngày gặp mặt, đoàn tụ; còn anh trai thứ đóng quân ở Qui Nhơn không biết giờ này phiêu bạt nơi đâu. Chúng tôi chất xong đồ đạc lên xe khi trời còn mù sương. Các em chạy quanh xóm từ giã bạn bè. Tôi đi vòng quanh sân. Căn nhà nơi lưu dấu tiếng khóc chào đời của anh em chúng tôi trống trơn đến lạnh người. Mạ gởi nhà cho hàng xóm trông giùm vì nghĩ có ngày trở lại. Dân Lò Gạch thuộc xóm lao động nên nhiều người không có điều kiện ra đi phải ở lại. Ông Tư Mạnh, bác Lợi, o Liên… ra tiễn, nhìn theo gia đình chúng tôi nửa ao ước có cơ hội được đi, nửa thương xót vì đích đến thật mông lung. Tình cảm xóm giềng thật sâu đậm. Đêm qua tôi viết thư từ giã ba đứa bạn thân nhưng sáng ra lại xé bỏ. Kẻ đào tẩu biện minh đâu có giá trị. Tôi không biết mình còn được gặp lại các bạn, những người bạn chí cốt từ thuở bé, san sẻ với nhau biết bao buồn vui tuổi học trò.
Xe nổ máy, từ từ lăn
bánh. Bóng người ở lại khuất dần trong khói xe. Xe chạy lên đường Duy Tân. Phố
xá hai bên đường vắng vẻ cùng khu Hòa Bình bình yên trên con dốc cao của thành
phố; rồi xuôi theo đường Lê Đại Hành. Hồ Xuân Hương lặng im in bóng nhà Thủy
Tạ. Bên kia hồ, cỏ và thông đồi Cù xanh ngắt. Cảnh vật chung quanh không thay
đổi, chỉ có lòng người là bất an.
Sáng nay, chúng tôi vội vã ra đi. Bỏ lại thành phố, nhà cửa, bạn bè, xóm giềng
và muôn vàn kỷ niệm dấu yêu phía sau lưng.
Nha Trang, ngày hoảng loạn (ngày 1-4-1975)
Chịu nửa ngày dưới cái nắng cháy người của miền Trung, chúng tôi đến Nha Trang với khuôn mặt đỏ bừng như tôm luộc. Nhà ông cậu không lớn, chúng tôi chỉ ăn uống tại đó, tối đi ngủ nhờ chỗ khác. Qua cơn mệt mỏi, các em tôi theo đám em họ háo hức xuống biển, tưởng như để lại mọi nguy hiểm trên Đà Lạt.
Sau khi Quảng Đức bỏ ngỏ, anh rể tôi đi đường bộ về Đà Lạt. Ba tôi bảo anh nghỉ ngơi vài hôm để ba đi đón chị lên, tiện thể thăm vợ con. Ba tôi xuống được một hôm, Nha Trang trở nên hỗn loạn hơn vì lính các nơi đổ dồn về. Dân Nha Trang cũng bắt đầu tản cư. Gia đình cậu tôi và người bạn cho gia đình tôi tá túc những ngày qua quyết định về Sài Gòn. Cậu rớm nước mắt khi ra đi vì chính bản thân cậu cũng khó có thể cưu mang nổi gia đình cậu, nói chi đem theo gia đình tôi. Sau khi tiễn cậu, ba mạ tôi đưa cả nhà quay lại Đà Lạt, bởi gia đình tôi thực sự không biết đi đâu khi mà đứa lớn nhất mới tròn hai mươi, đứa bé nhất chỉ lên mười. Giữa cái chết đói, chết vì súng đạn, dường như chọn cái chết trong nhà mình thì vẫn dễ hơn.
Mạ tôi cùng chị và các em lên trước với ít quần áo trong người. Ba và tôi thu dọn đồ đạc thuê xe lên sau. Mạ và các em đi rồi, tôi gói quần áo của mạ lại, chỉ lỏm loi vài bộ. Tôi nhớ bà ao ước có một chiếc áo dài nhung màu hạt xay, và tôi tự hứa khi nào có tiền sẽ may cho mạ một chiếc áo dài nhung đủ màu. Dọn xong đồ đạc, trong lúc chờ ba thuê xe quay lại, như có linh tính, tôi lấy chiếc cặp da đen mà ba đựng tấm hình của ông bà nội, gói ghém thêm vài bộ quần áo. Tôi thay chiếc quần tây đen, áo chemise trắng, chân mang đôi giày Bata trắng; dưới lòng bàn chân, trong chiếc bít tất, tôi lót ba mươi ngàn đồng tiền lương vừa lãnh.
Đúng lúc ba tôi vừa về, bảo tìm xe không có. Hai cha con hốt hoảng chạy ra đường. Như một luồng bão thổi qua, thành phố vắng hoe, thay đổi đến không ngờ, không khí lặng ngắt, ngột thở. Ba và tôi chạy đến bến xe đi Cam Ranh. Chỉ thấy người chen nhau mà không có một chiếc xe. Hai cha con lại chạy về bến xe đi Đà Lạt nhưng ở đó cảnh tượng không khác. Đường phố thấp thoáng tù vượt ngục đầu trọc, cỡi trần, tay mang súng, bắn chỉ thiên, nổ vang trời. Ba và tôi hoảng sợ núp vào một chiếc xe đậu dọc đường. Ngớt tiếng súng, hai cha con chạy xuống bãi biển.
Bất ngờ ba đón được chiếc xe Minh Tâm của một người thuê đón gia đình về lại Đà Lạt. Hai cha con mừng rỡ leo lên. Tiếng súng nổ khắp nơi. Thành phố giờ thêm những người lính đeo ba lô, súng ống đầy đủ nhưng khuôn mặt hoang mang.
Ra khỏi Nha Trang vài chục cây số, xe không thể chạy tiếp vì phía trước ngổn ngang xe cộ. Tôi luôn miệng hỏi ông tài xế:
– Đà Lạt có gì không bác?
– Lúc bảy giờ tôi đi xuống đây thì Đà Lạt vẫn bình thường.
Xe chạy ngang qua Trung tâm II. Con đường tràn ngập tân binh xả trại. Ai cũng tìm đường về nhà. Trong số đó có hai người quen của tài xế, họ mừng rỡ trèo lên xe. Những chiếc xe nhích từng mét một, xe nào tắt máy bị kéo bỏ sang hai bên đường. Chiếc xe chúng tôi đi cũng hết xăng. Ba tôi nóng lòng muốn xuống đi bộ, nhưng hành lý còn ở trên xe không thể mang theo. Chung quanh hỗn quân hỗn quan, khuôn mặt đằng đằng sát khí; tôi lại là con gái nên cuối cùng hai cha con đành ở lại trên xe.
Tôi thấp thỏm nguyện cầu cho mạ, chị và các em về Đà Lạt bình an. Nhìn cảnh loạn lạc, súng nổ rền trời, khó biết được chuyện gì xảy ra nếu mạ và các em còn ở đây. Một chị trên xe nấu được miếng cơm chia cho hai cha con. Bấy giờ tôi mới cảm thấy cái đói, nhớ hôm qua đến giờ không cái gì bỏ bụng.
Mười giờ đêm, ba tôi sốt ruột không chịu nổi, hai cha con bỏ lại hành lý lần mò đi bộ hướng về Đà Lạt.
Đường về nhà (ngày 2-4-1975)
Hai cha con đi suốt đêm. Tôi ôm chiếc cặp như một đứa trẻ lạc nhà. Hết đêm qua sáng, Mặt trời xứ biển lên mau và nắng gay gắt nhưng hai cha con không cảm thấy khát. Chân tôi mỏi nhừ, tưởng chừng như bị bỏng thì ba vẫy được chiếc xe hồng thập tự quân đội. Hai cha con được quá giang, đứng trên hai chiếc bánh xe sơ cua. Tới một ngã ba, xe rẽ hướng khác, hai cha con đi bộ thêm vài cây số đến Cam Ranh. Thành phố đầy người đi hôi của, dân địa phương tản cư, lính lạc đơn vị, tù phá ngục phá kho… Họ vác gạo, sữa, đồ hộp quân tiếp vụ… Hỗn loạn kinh hoàng. Hai cha con tôi ngơ ngác nhìn, quên bẵng mình đang rất đói.
Hai cha con đón được chiếc G.M.C. chở người tản cư ở Qui Nhơn đến. Xe chạy đoạn đường khá xa, đến một chiếc cầu dài bị gãy mấy nhịp, có lẽ sau khi rút quân, quân đội bỏ bom cho sập cầu. Đoàn xe dân sự dừng lại. Người đứng, kẻ ngồi theo từng nhóm dọc hai bên cầu. Đồ đạc, quần áo, máy móc, gạo cơm, sách vở, thậm chí những tập album hình vương vãi khắp nơi; người ta vội vã bỏ đi trước khi kịp cúi xuống nhặt nhạnh. Hai cha con đứng lặng bên cầu, nhìn dòng nước chảy, cuối cùng xắn quần lội qua sông.
Qua bên kia cầu, chúng tôi đón được xe về Phan Rang. Trên xe, người ta bàn tán về tình hình chiến sự. Một người cho biết đoàn quân của các trường Võ Bị Quốc Gia, Chiến Tranh Chính Trị, Cảnh Sát Dã Chiến di tản xong. Đà Lạt là thành phố chết, không chính quyền lẫn quân đội. Không ai biết điều gì đang xảy ra trong thành phố tôi ở; và sự tan rã lan dần đến Phan Rang. Tôi cố an ủi ba:
– Mới có một ngày thì không thể mất Đà Lạt mau như vậy được. Vả lại đâu thấy đánh nhau, mà không thể nào không có đánh nhau.
Trung tâm thành phố Phan Rang tràn ngập người tản cư. Họ ngồi hai bên lề đường, trong chùa, trong trường học. Niềm vui tràn ngập khi tôi gặp được bác Hai Dĩ, một người hàng xóm. Bác cho biết:
– Mạ và các em con đã về đến Đà Lạt tối hôm trước, nhưng không biết sáng nay có di tản theo đoàn quân hay không. Chị con đã gặp được anh rể. Như vậy anh chị con và anh đầu chắc theo đoàn quân về Sài Gòn rồi.
Hoang mang, tôi để ba ngồi dựa vào gốc cây, còn mình chạy vào trường học, vào chùa để kiếm mạ và các em; tôi không trông mong thấy được anh chị, vì đoàn quân đã đi qua. Và tôi biết mình đang tự lừa dối vì mạ tôi không dám đưa đàn con còn nhỏ ra đi lần nữa; mạ sẽ chờ cha con tôi trở về. Một người đàn ông tốt bụng thấy tôi chạy loăng quăng, lên tiếng khuyên:
– Cháu tìm ai, giờ này sao không về nhà, còn cắp cặp đi đâu nữa. Về nhà đi cháu ơi! Coi chừng lạc bố mẹ đó.
Tôi không thể giải thích với ông lý do mình đi tìm mẹ. Ba tôi ngồi bên hiên chùa trông thảm hại. Ba như một cây cổ thụ bị đốn ngã. Trước đây ba luôn tự hào mình là người thành đạt: từ một cậu học trò nghèo ham học vươn dần lên thành người đứng đầu một cơ quan trong tỉnh. Ba muốn tìm lại mạ và các em nhưng đoán trước hậu quả khi bước chân về nhà. Ba chùn chân, suy nghĩ với trăm bề khổ đau.
Trước cổng chùa, có người dỗ dành một em bé ngồi khóc nức nở:
– Mẹ bảo cháu ngồi đây để mẹ đi tìm cha mà giờ này không thấy mẹ quay lại.
Chẳng biết người mẹ đó cuống cuồng chạy ngược xuôi tìm con hay nằm lại một góc đường nào đó. Không tìm thấy mẹ và các em, tôi tuyệt vọng. Hai cha con khóc ròng ở ngã ba Phan Rang. Bỗng một đoàn lính đi ngang chào ba tôi. Vài người đóng quân gần trường tôi dạy nhận ra tôi. Thành phố Đà Lạt quá nhỏ, mọi người hầu như biết nhau. Đó là những anh lính Địa Phương Quân được lệnh về đóng ở Ninh Thuận, hỗ trợ cho trường Võ Bị Quốc Gia, Chiến Tranh Chính Trị rút quân. Khi đoàn quân di tản đi qua, các anh không biết đơn vị mình đi đâu nên trở về Đà Lạt vì gia đình còn trên đó.
May mắn chợt đến, ba và tôi vững niềm tin. Chúng tôi hòa vào đoàn người. Một người lính bắt một chiếc xe tải dừng lại, may mà ông tài xế có ý định lên Đà Lạt. Mọi người trèo qua thành chiếc xe tải phủ kín mui. Người nào đó chìa chiếc bánh lương khô cho ba và tôi. Tôi cảm động biết ơn. Những người lính lạc đơn vị từ khắp nơi đổ về, không người chỉ huy. Ai có súng là có sức mạnh. Thành phố kinh hoàng bởi tiếng súng nổ rền trời, không có chính quyền, tù hình sự phá ngục thoát ra phá phách và hôi của.
Một toán lính khác lên cò súng bắn chỉ thiên, bắt chiếc xe tôi đang chạy dừng lại. Hai toán lính đối đầu nhau, cuối cùng toán lính đứng dưới bỏ đi, sau khi lột chiếc đồng hồ của ông tài xế. Sợ hãi không dám đi tiếp, ông tài xế bỏ xe lẫn vào dân. Mọi người xuống xe lại tiếp tục đi bộ đến gần tối thì đón được một chiếc xe chở thuốc tây cho pharmacie Đà Lạt ngay trung tâm thành phố. Ông tài xế rộng rãi cho tất cả mọi người lên xe.
Xe chạy ra khỏi Phan Rang, không khí yên tĩnh, người đi đường thưa thớt, không có đoàn người chạy ngược xuôi. Đêm buông dần xuống, xe dừng giữa đèo Song Pha trong không khí lặng đến ghê người. Một chiếc xe lambretta bỗng xuất hiện trong đêm tối mịt mùng. Khuôn mặt một người đàn ông vẫn còn nét hoang mang, ông nhận ra ngay ba tôi:
– Anh ơi! Quân đội rút đi hết rồi. Không còn chính quyền trên đó, nghe nói V.C về rồi. Họ đã đặt đại diện. Anh không nên lên, không nên…
Báo tin xong, ông hối hả chạy tiếp. Mọi người trên xe nửa tin nửa ngờ, còn đang bàn tán thì trong rừng, bóng hai người đàn ông khác xuất hiện. Họ là hai cha con, tay đeo nải, khoác ruột tượng đựng gạo trên vai. Dáng người cha to lớn in trong rừng cây tối đen. Ba tôi nhận ra bác Ngãi, một công chức đồng sự với ông. Chỉ vài câu nói, bác xác nhận tin trên là đúng sự thật. Bác khuyên ba tôi không nên trở lại Đà Lạt. Ba tôi sụp xuống, giãy giụa. Bác Ngãi quay qua tôi nói nhỏ:
– Bác nói cho cháu nghe, cháu phải cản không để ba cháu lên Đà Lạt nữa, nguy hiểm lắm.
Tôi òa khóc, người như mê đi. Trong tiếng mọi người bàn tán, tôi nghe bác Ngãi an ủi, vỗ về.
Con đường phía trước không còn lối thoát. Đà Lạt không còn là đất cho ba tôi dung thân, không có cơ may sống sót hay thoát cảnh tù tội. Tôi không nghĩ có thể thoát chết trong cuộc chiến này nhưng không muốn tự mình đưa ba đến chỗ khốn khó. Ba tôi không biết quyết định ra sao. Ông khóc than, tự trách không lên chuyến xe cùng vợ con; nay gia đình ly tán, ông không cùng vợ chia sẻ nỗi nhọc nhằn, thậm chí không biết họ vất vưởng ở đâu. Tôi cũng khóc hết nước mắt giữa đèo Sông Pha vì không biết mình còn gặp lại mẹ và các em được không.
Tôi nhớ từng khuôn mặt mỗi đứa em. Hoành nhỏ nhất mới lên mười, ít nói có đôi mắt to buồn. Phương nhí nhảnh, lên xe về Đà Lạt mặc bộ đồ mới tôi vừa mới may trông thật dễ thương. Sâm chính là đứa em đặt trái banh giữa bộ quần áo để tôi không thấy bắt bỏ lại; em còn có tên Sâm Banh. Cẩn đi xe đạp đến trường xa hơn năm cây số mà không than thở. Ngày xưa còn bé, tôi bồng Chi suốt trên tay; mỗi khi em đòi tôi bế, giọng ngọng nghịu: Gương ơi! Gương! Lạc, Lâm tuy lớn nhưng ngoan. Gần nhà có một điểm bán bạch phiến mà các em không hề ghé mắt nhìn qua. Quyền chăm lo học hành, lúc nào sách vở cũng trên tay.
Một đêm hãi hùng giữa đèo Sông Pha! Bỗng nhiên tôi trở thành người tứ cố vô thân không một mái nhà, hay có một mái nhà mà không dám về; có người thân chờ đợi mà không dám ghé. Tôi không dám nghĩ ba tôi sẽ sống như thế nào nếu cha con thoát thân về đến Sài Gòn. Tôi cố tự nhủ: nếu lạc mạ và các em thì cố đưa ba tìm gặp các anh và chị, vì tôi tin họ đã về đến Sài Gòn. Tôi nghiến răng thầm bảo hãy để nước mắt ở lại giữa đèo. Với một con bé suốt tháng quanh năm chỉ biết ăn học, ra đời chưa được bao lăm, nay phải tự mình quyết định một việc như thế, tôi biết tóc mình đã bạc dẫu chưa qua tuổi hai mươi.
Con đường tìm sự sống (ngày 3-4-1975)
Sáng sớm, ông tài xế e dè hỏi cha con tôi có muốn lên Đà Lạt nữa không. Mọi người đã xuống xe. Ba muốn trèo lên nhưng tôi níu lại. Xe chạy, hai cha con chạy theo một đoạn rồi đứng nhìn chiếc xe mất hút, đem theo niềm hy vọng trở về nhà. Toán người đi xuống đèo. Ngoài cha con tôi, hai cha con bác Ngãi, còn có ba người lính địa phương đóng trong trường tôi dạy; hai người tên Phụng và Tân, còn người kia thì tôi không biết. Ba người lính muốn về Sài Gòn để trình diện tại Bộ Tổng Tham Mưu.
Trên đoạn đường đi, mỗi người một suy nghĩ. Cha con bác Ngãi hăng hái nhất, bởi gia đình bác đã về Sài Gòn mấy hôm, bác đi sau vì không dám bỏ nhiệm sở. Ba người lính tuy từng trải trong chiến trường nhưng không hình dung nỗi việc mình đang làm; không biết mình muốn và đang muốn cái gì. Ba đi như người mộng du. Tôi nhìn mặt đường, lòng chỉ cầu nguyện: anh chị tôi thuyết phục mạ chạy theo đoàn quân và cũng về được Sài Gòn. Trong thâm tâm, tôi tự biết điều đó là không thể. Nước mắt đã cạn ở giữa đèo. Trong tôi có một sức cứng rắn đến tàn nhẫn; tôi kéo mũ sụp che khuất khuôn mặt, tay cầm cặp, tay dìu ba, đi nhanh cố theo kịp những người nam đồng hành để không bị bỏ lại phía sau. Cuối đèo có một tượng Quán Thế Âm Bồ Tát nhỏ cạnh đường, mọi người đứng lặng, ba tôi chắp tay cầu xin Phật phò hộ. Tôi không biết mình ao ước điều gì vì mỗi bước chân là cách xa mạ và các em.
Đoàn người đón được chiếc xe đò từ Đơn Dương xuống. Đến ngã ba xe rẽ đường khác, chúng tôi lếch thếch đi bộ. Khác với hôm qua, con đường đi vào Phan Rang đầy nghịt người. Nhóm đi tới đụng đoàn đi lui: người muốn trở về nhà, kẻ ao ước đến Sài Gòn. Phan Rang thực sự là một thành phố kinh hoàng. Hôm qua chỉ là hôi của, giờ là sự thống trị của cướp bóc. Đoàn người chúng tôi không có hành lý. Tôi giấu tháng lương mới lãnh dưới bít tất, tay cầm chiếc cặp da nhỏ. Ba có mười ngàn đồng. Hai cha con bác Ngãi đeo tay nải lương thực. Ba anh lính với chiếc ba lô. Chúng tôi đi giữa sự hỗn loạn và nắng nóng. Tưởng chừng không chịu nỗi, chúng tôi đón được xe vào thành phố.
Lính tráng có mặt khắp nơi, đủ các binh chủng. Họ đi thành từng nhóm, mặt mày căng thẳng. Một toán lính đứng trên thành cầu, nhóm khác lố nhố hai bên vệ đường. Một người ra giữa đường chĩa súng lên trời bắn chỉ thiên buộc xe chúng tôi dừng lại; chiếc xe ngang ngạnh không chịu dừng, một tràng súng bắn ngang. Cuối cùng xe dừng, vì có người trúng đạn. Xác chết bị kéo xuống đặt dưới đường, không tiếng khóc, có lẽ là một người đi lẻ loi. Tội nghiệp!
Toán lính dưới đất trèo lên. Xe tiếp tục chạy. Ngồi giữa những người lính đầy súng ống, tôi sợ điếng vì đối mặt với bộ mặt tàn nhẫn của chiến tranh. Những người lính lạc đoàn quân từ miền Trung chạy vào. Họ không biết cấp chỉ huy ai còn ai mất và nay ở đâu. Cuộc phục kích khi lui quân khiến đơn vị tan tác. Những người lính bình tâm lại, hỏi thăm những người trên xe, tỏ ra thương hại cha con tôi. Tôi chẳng dám nhìn ai, không nói một lời. Mọi người chắc nghĩ tôi là một con bé trung học lạc nhà. Xe ngừng lại ở Phan Rí. Đoàn người đi từ đèo Song Pha giờ như gia đình nhỏ, tá túc dưới một mái hiên. Mấy anh lính Địa Phương Quân cho ba tôi mượn chiếc poncho, đưa tôi nắm cơm. Tôi bẻ nắm cơm với bàn tay mấy ngày không rửa nước, ăn đến hạt cuối cùng.
Đoạn đường kinh hoàng (ngày 4-4-1975)
Sáng hôm sau, xe chạy ngang Phan Thiết. Xe chở đầy lính tráng không bị chặn lại nhưng đi rất chậm vì trên đường đủ các loại phương tiện: xe ba gác, xe đạp, xe gắn máy, xe tải, xe quân đội, người đi bộ gồng gánh… lấn ra cả lòng đường… Đến ngã ba vào Bình Tuy, đoàn người phải xuống đi bộ. Đoạn đường dài, nắng nóng, không nhà cửa, cây cối. Ba và tôi nhắm mắt cố uống nước đục ngầu ở những vũng lầy cho qua cơn khát.
Con đường đầy xác chết. Mới nhìn tưởng người ngoại quốc vì thân xác to lớn, nhưng nhìn lại đó là người lính, dân thường xấu số chết trương phình, đám ruồi xanh bay vo ve. Tôi cúi mặt sát đường hơn, nhìn kỹ từng bước chân, tránh đạp nhầm súng ống ngổn ngang. Ba cũng chẳng hơn, bởi vốn là công chức dân sự, thêm sự mơ mộng, nên ba sống không thực tế, tất cả mọi việc trong gia đình đều một tay mạ tôi lo toan. Thiếu mạ bên cạnh, ba hụt hẫng không quyết được việc gì. Hai cha con dìu nhau đi trên đoạn đường địa ngục. Sự sợ hãi quá sức khiến mọi xúc cảm không còn, tôi lẩn thẩn tự hỏi: chắc gì mình may mắn hơn những người nằm xuống.
Buổi tối bên hiên nhà trên con đường vào Bình Tuy, trời mưa, tôi nằm dưới đất, gối đầu trên chiếc cặp, mình mẩy lấm lem đất cát. Đoàn người chạy loạn nay chịu ướt càng thêm khốn khổ. Trên bầu trời, hỏa châu soi sáng, tiếng súng ầm ì. Tôi mong một trái đạn pháo rớt trúng. Nếu chết, hồn tôi linh thiêng, tôi sẽ phù hộ cho ba mạ và các em.
Miền đất hứa (ngày 5-4-1975)
Tôi thức giấc khi bầu trời còn tinh tú và không ngờ mình vẫn còn sống. Tôi dẫn ba lầm lũi đi sau cha con bác Ngãi. Mấy lần ba thối chí muốn dừng lại bên lề đường nhưng tôi không cho. Tôi níu tay không cho ba dừng hỏi chuyện với ai, bởi một lần gặp, ông lại khóc. Có lúc ba bảo tôi ông mới thấy người nào đó mặc chiếc áo len của anh rể do chính tôi đan tặng. Tôi không cho ba hỏi thăm, bởi nếu đúng thì chỉ báo điềm không may mà thôi.
Giờ ba lại xem tôi là người có tội khi hai cha con lâm vào tình thế khó khăn này. Ba trách móc, kết tội tôi không cho ông lên đèo. Ba hỏi tại sao tôi lại là con gái mà không phải con trai! Người tản cư khắp miền Trung và Tây Nguyên dồn về đây. Ai nấy yên tâm, cảm giác mọi chuyện trở nên bình yên nếu về được Sài Gòn, thánh địa cuối cùng. Đường đi về bãi biển nóng, khá nguy hiểm vì đồ đạc lẫn súng ống ngổn ngang, còn lựu đạn nằm lăn lóc đến đáng sợ. Người ta chen lấn thuê ghe máy vào Long Hải.
Trời về chiều, ba người lính có lẽ tìm bạn bè cùng đơn vị đi mất. Cha con bác Ngãi ái ngại hoàn cảnh ba và tôi nên dọc đường có ý chăm sóc, thuê giùm ghe máy đến Long Hải. Chiếc ghe máy chật người, nước mấp máy vào mạn ghe. Miền đất hứa hiện ra trước mắt! Lòng tôi khô cứng lại, tôi biết không thể nào mình gặp mẹ và các em nữa. Ba tôi như một người điên. Ba ôm, đánh, cấu véo như thể tôi là nguyên nhân gây cho ông nỗi khổ này, rồi ba lại khóc ôm tôi, quay quắt gọi tên từng đứa con.
Ghe cập bến. Mọi người nhìn nhau cười. Chúng tôi xuống ghe với tâm hồn nặng trĩu. Bờ biển Long Hải đầy người. Không muốn nhìn niềm hạnh phúc của cha con bác Ngãi và ba tôi lại phát rồ nổi cơn khủng hoảng khi thấy bác sắp lại gia đình, tôi kéo ba lẫn vào đám đông mà không cám ơn cha con bác.
Trời sập tối, tôi ra bể nước giặt cho ba tôi chiếc áo chemise của người chạy loạn cho. Hai cha con mua một dĩa cơm. Dĩa cơm đúng nghĩa sau mấy ngày chạy loạn khiến tôi ngạc nhiên về sự ngon miệng. Đêm đó, cha con tôi thuê ghế bố ngủ trên bãi biển. Chung quanh tôi rất đông người. Giờ nơi này là nơi hội tụ của trăm ngàn người tản cư khắp nơi. Tình cảnh thê lương như cha con tôi không là gì so với người chung quanh. Những người giàu có may mắn đi bằng máy bay; người đi bộ thất lạc, chết chóc dọc đường. Một ông đứng tuổi nằm gần bên ba tôi khóc nức nở: vợ con chết ngay trước mắt, ông thấy xe cán lên mà không thể dừng lại để chôn cất. Tiếng khóc, tiếng than, tiếng kể lể vang khắp nơi. Con xa cha mẹ, vợ lạc chồng. Tiếng người bàn luận về cuộc chiến, không biết vĩ tuyến 17 sẽ đặt lại ở đâu.
Tôi nhìn trên trời cao, tìm ngôi sao bản mệnh của mình. Ngày mai, hai cha con tôi sẽ thuê xe về Sài Gòn, tôi có gặp được các anh chị trong đoàn quân di tản? Anh trai tôi trong đoàn quân tan tác miền Trung có về kịp hay bị bắt, chết ở đâu? Hai cha con về Sài Gòn để làm gì khi anh chị không ai về được? Cuộc chiến sắp kết thúc hay chỉ bắt đầu? Sự trầm luân của hai cha con tôi mới khởi sự và bao giờ kết thúc? Tiếng khóc, tiếng cười ồn ào xung quanh mà không ai trả lời câu hỏi đó… Tôi ngậm ngùi nghĩ tháng ngày này thật khủng khiếp, khi tôi chỉ mới ở tuổi hai mươi…
Nhật ký tháng 4-1975
Những trang nhật ký này nằm trong tủ rất lâu vì tôi không muốn khơi gợi những kỷ niệm đau lòng và tránh làm ba tôi tổn thương. Khi ba mất năm 2008, tôi mở ra xem lại, và dẫu thời gian trôi qua rất lâu, tôi vẫn cảm nhận những ngày của tháng 4-1975 ấy thật đáng sợ, đủ để bạc cả mái tóc…
Bạc tóc tuổi hai mươi - Saigon Nhỏ (saigonnhonews.com)
https://saigonnhonews.com/article-can-promote/bac-toc-tuoi-hai-muoi/
No comments:
Post a Comment