Saturday, May 8, 2021

20210509 Cong Dong Tham Luan

20210509 Cong Dong Tham Luan

 

Phiet Pham thephiet_2002@yahoo.com

Fri, May 7 at 11:52 AM

Chú heo con

Hồ Đắc Vũ

Ngày 29 tháng 4 năm 75, 10 giờ sáng, hai xe tải đầy lính cộng sản chạy từ hướng Dinh Ðộc Lập tới chùa Vĩnh Nghiêm, một trung đội lính Dù VNCH trang bị đầy đủ, từ phi trường TSN đi xuống, hai bên gặp nhau tại cầu Công Lý. Bên xe lính cộng sản có người mặc áo xanh da trời, quần lính, nón tai bèo, leo xuống, qua cầu gặp anh lính dù, nói gì đó, lính Dù hạ vũ khí, nép sát đường, xe cộng sản chạy về phi trường TSN, lính Dù cởi áo quần, bỏ vũ khí, chạy vô chợ Phú Nhuận, bà con ôm lấy, sụt sùi khóc. Tôi đứng đó, xúc động, nổi nóng ném chiếc máy quay phim Bolex 16 vô thùng Vespa, cuộn phim trắng đen bung ra, coi như mất hết cảnh lịch sử vừa quay…

Bây giờ thì mọi người biết chắc, miền Nam thua trận, đầu hàng. Cộng sản tới Sài Gòn.

Tối đó, con heo vô nhà tôi.

Bữa nay, ngồi trước bàn làm việc, không biết phải làm gì.

Nơi đây, tôi thường viết truyện ngắn, vẽ bìa sách, truyện tranh cho nhà xuất bản, lay out những cảnh cho bộ phim đang làm.

– Ét! Ét… Ét!

Vợ tới bên, hai con chạy theo, mặt xanh lè.

– Con gì kêu?

– Không biết! Anh chạy xuống coi.

Tôi mở đèn, ra cổng, vợ tôi, tay cầm cây kiếm Nhật, lưỡi dài, bén ngót.

– Em làm gì vậy?

– Ðề phòng! Có chuyện gì thì sao?

Tôi cười:

– Giống hiệp sĩ mù quá.

(Chị là đai đen Akido, Judo, từng hạ đo ván tôi tại Viện Nhu đạo Quang Trung năm 1965)

Vợ chống thanh kiếm xuống đất, tôi mở cổng sắt, bước ra ngoài, chung quanh tối thui.

Chừng 5 phút.

– Có gì không anh?

– Không…

Chưa hết câu, một bóng đen như chuột cống chạy vô nhà.

Tôi đóng nhanh cổng, chị vợ chụp cây kiếm, chĩa xuống sân.

– Chắc là mèo!

– Ét! Ét!…

Bóng đen lại chạy ra, đụng vô cánh cổng, lăn quay. Một con heo nhỏ như chuột, trắng, đốm đen, nằm ngay cổng, ngước mắt nhìn chúng tôi.

Hai vợ chồng cùng nói:

– Con heo!

Tôi bồng con heo vô phòng khách.

Vợ:

– Chắc của ai gần đây nuôi.

Tôi:

– Nhà mấy ông sĩ quan Mỹ phía trước nuôi làm cảnh, hôm qua họ di tản, bỏ lại, nó đeo vòng cổ nè, có miếng nhựa tròn, tên “OOT”.

– Heo vô nhà hên anh.

– Sài Gòn mất mà hên gì?

Sau khi tắm con heo sạch sẽ, tôi mang vô phòng ngủ, cho nó ăn tô sữa với trái chuối cắt lát.

– Heo đực! Ðây là heo cảnh, không lớn.

Con heo nằm im trên gối, mũi hinh hỉnh, đôi mắt mở to, những sợi mi dài, nhìn tôi.

Hai đứa con gái đẩy cửa:

– Ủa, thỏ hả ba?

– Sao chưa ngủ? À, con heo.

Con gái lớn:

– Con tuổi chó! Sao ba không mua chó?

Con gái út:

– Vậy là của con, tuổi heo!

Sáng sau, gia đình tôi gồm: hai vợ chồng thất nghiệp, hai con nghỉ học, nhà thêm nhân vật heo, tên “Ụt”

Tôi phủ bạt chiếc xe hơi, lấy Vespa chạy một vòng tìm bạn bè, coi ai còn, ai mất, ai đi.

Nhà ông anh họ, từ Ðà Lạt về, đi hết, bỏ nhà cho bà mợ, Alfa films còn, Lidac phim đi, Cosunam đi, anh Châu, Giám đốc nhà xuất bản ABC còn, gặp nhau ngồi im lặng bên ly cà phê đường Bà Lê Chân, thằng bạn, cháu ông tướng ở Chi Lăng, Phú Nhuận, biến mất, chạy qua Thị Nghè, gặp anh NV.

– Em mới ghé qua Trung tâm Ðiện ảnh. Lính cộng sản ngồi nằm ngổn ngang.

Tôi về, thăm thằng bạn Không quân, nhà bán phở gà Hiền Vương:

Lấy mấy tô về ăn, chờ coi sao.

– Trăng sao gì? Tiêu rồi!

Tôi lấy 4 tô phở, về nhà.

Con gái út:

– Ba! Con Ụt dễ thương lắm ba, biết ra ngoài đi cầu, đi tiểu, tụi con chưa dạy gì hết.

Con gái lớn:

– Nhưng nó tè vô giày con, ba.

Vợ:

– Cả ngày nó ngủ ngoài sân thượng, đi lòng vòng hồ cá, rồi theo em, em vô phòng là đứng đợi ngay cửa.

Cả nhà ăn phở, tôi làm cho Ụt một tô nhỏ, vừa để xuống, Ụt ngửa cổ kêu ét ét như lời cảm ơn.

Hôm sau tôi lấy xe hơi, chạy ra Hàng Xanh mua đồ Mỹ (dân hôi của từ căn cứ Mỹ ở xa lộ) những tảng thịt Ham còn đóng gói, thùng dưa leo muối, sữa bột, cacao, bơ, mứt nho, cánh gà, táo đỏ, nước trái cây, hai thùng bia Ham, 5 cây Salami, thêm 5 chai Seven Crown. Hai vợ chồng mừng quá vì mua với giá như cho, đem về chất đầy nhà.

Con gái lớn:

– Ba, con Ụt không ăn.

Con gái út khoe:

– Hồi trưa con tắm nó.

Tôi khen:

– Giỏi!

– Con chà bàn chải, nó kêu hoài

Con gái lớn, tiếp:

– Nằm rên tới giờ.

– Vậy là nó bịnh rồi.

Con gái lớn chỉ con gái út:

– Tại nó đó ba. Chà con Ụt như chà dép.

Con gái út:

– Ai biết!

Vợ tôi cắt xúc xích, Ham, lấy dưa leo, chuẩn bị ăn trưa, tôi vô phòng hai đứa con. Ụt nằm trên giường, da đỏ hồng như bị luộc, tôi bồng lên, Ụt mở mắt nhìn, la ét ét.

– Lần sau con tắm nó, đừng chà mạnh.

Nhà tôi thêm một mạng, bữa ăn thêm một phần.

Ụt đã làm cho hai vợ chồng quên bớt phần nào lo lắng, buồn bã của những ngày Sài Gòn đổi thay.

Hai con bắt đầu đi học lại, ngôi trường Pháp thân thuộc với gia đình vợ, bắt đầu mở cửa dạy tiếng Việt.

– Em, anh thấy mọi người mở tiệm, buôn bán trở lại bình thường.

– Mình sẽ làm gì? Bán đồ nhà hoài, chắc tiêu quá.

– Anh tìm chỗ mở tiệm cà phê.

Tuần sau, tôi hùn với bạn, mở tiệm cà phê, ăn sáng bên Tân Ðịnh.

Bây giờ thì mỗi ngày, vợ tôi lấy chiếc PC chở 2 con đi học tại ngôi trường Pháp cũ, cũng là nơi cô phụ việc văn phòng cho mấy Sơ. Tôi dậy sớm làm chén bột sữa, trộn bánh mì bẻ vụn, để ngay góc sân thượng cho Ụt, rồi ra quán cà phê.

Con Ụt bắt đầu ở nhà một mình, trưa vợ tôi rước hai con về.

Con gái lớn:

– Ụt khôn lắm ba! Tụi con về tới nhà là nó chạy từ sân thượng xuống ngay cổng, nhảy tưng tưng.

Con gái út:

– Nó chạy theo giỡn, cắn ống quần má. Giống ba hồi đó.

Vợ:

– Lúc nào nó cũng cố lên trước, nhiều khi cầu thang trơn vấp chân lăn đùng xuống, rồi lại chạy lên.

– Vô phòng lấy dép đem cho má!

– Ăn xong biết cắn cái chén để vô thau.

Tôi ngạc nhiên, không ngờ Ụt khôn như vậy.

Nhờ nhạc ngoại quốc không lời, quán cà phê đông khách, Ðêm nào cũng 12 giờ khuya tôi mới về tới nhà, thường thì vợ con đã ngủ, chỉ mình Ụt chạy xuống cổng đón tôi.

– Nghe tiếng Vespa từ xa là Ụt đã lăng xăng chạy xuống cổng. Té tới té lui vẫn chạy! Nó muốn tới trước khi anh tới.

Tôi thường ăn khuya với vợ, khi thì bánh giò, chả lụa Phú Hương, lúc thì đĩa gỏi gà, cháo, mua bên chợ Tân Ðịnh, hai vợ chồng ngồi uống vài chai bia, Ụt nằm dưới chân tôi, khoái chí với lon trứng gà chiên, phần thừa của khách ở tiệm, tôi để dành, mang về mỗi ngày.

Sài Gòn ngoi ngóp sống dậy. Vợ tôi để cái tủ kiếng trước nhà người bạn, bán mỹ phẩm, áo quần, giày dép, tôi đóng cửa tiệm cà phê, trở lại làm việc cho xưởng phim.

Con Ụt khôn hơn, ăn nhiều và lớn rất lẹ.

Vợ tôi:

– Ủa hồi đó anh nói đây là heo kiểng không lớn mà.

– Thì anh nghĩ vậy, đâu biết.

Con Ụt từ trong phòng chạy ra với đôi dép da của vợ, nó ngồi xuống, chống hai chân, mở mắt nhìn tôi như đợi sai bảo, tôi chỉ tay.

– Ụt! đem đôi giày vô phòng  giùm!

Ụt cắn từng chiếc giày, để ngay ngắn trước cửa phòng.

Tôi khen:

– Giỏi. Ụt, Cất cái nón luôn!

Ụt chồm lên, cắn cái nón vải, mang vô phòng, tôi đi theo, nó để cái nón ngay giường ngủ.

Tôi nói với vợ:

– Ụt khôn như một đứa trẻ.

Chuông cửa reng, bà dì dưới lầu 2 gọi.

– Có công an kiểm tra hộ khẩu, con.

Hai công an lên nhà:

– Chào anh chị, chúng tôi là Công an Phường, kiểm tra nhân khẩu thường kỳ.

Hai anh coi một vòng, ra tới sân thượng. Một công an nói giọng Bắc:

– Sân đẹp quá! Cây cảnh, hoa hồng, thế hồ có “luôi” cá không anh?

– Có! Gia đình nuôi từ xưa, trong hồ còn 2 con tai tượng lớn lắm!

Bỗng Ụt từ trong nhà chạy ra.

Cũng anh công an nói giọng Bắc:

 – Anh chị “luôi” heo?

Vợ tôi nói như máy:

– Kinh tế gia đình mà.

Ụt tới nằm bên vợ.

– Con heo cũng “nớn” rồi! “Lày”, sao không trồng rau quả mà trồng toàn hoa hồng thế?

Tôi không biết phải nói gì, vợ lên tiếng:

– Hết đợt hoa này tôi trồng rau cho heo ăn.

Vẫn anh công an nói giọng Bắc:

– Khi nào thịt con heo, cho tụi “lày” cái đùi nhá!

Tôi giựt mình, con Ụt đang nằm gần đó bỗng đứng dậy la một tiếng ét, chạy vô phòng.

Công an ra khỏi nhà, vợ tôi nhìn tôi cười.

– Ba, Ụt bịnh!

Con gái lớn kéo tôi vào. Ụt nằm trên giường, trốn đầu trong gối, nó run rẩy khóc, tôi hiểu ra, quay qua hai đứa con.

– Hồi nãy ông công an nói khi nào làm thịt nó thì cho ổng cái đùi!

Tôi vuốt đầu Ụt.

– Nên nó sợ, khóc. Không ai làm gì đâu Ụt ơi!

Ụt leo xuống giường vui mừng, chạy ra ngoài.

Nhà tôi bắt đầu có tiền qua cái tiệm bán đủ thứ của vợ, lương tôi làm xưởng phim thuộc loại cao, nhưng chỉ đủ trả tiền xăng, điện nước, vài tô phở và tiền xe cho hai đứa con đi học.

Bây giờ thì có người xích lô quen, sáng đưa, trưa rước hai con tôi, nhà có người giúp việc, trưa tôi về ăn, 2 giờ trở lại làm việc, chiều đón vợ về.

Hôm đó, hai vợ chồng về tới nhà, không thấy Ụt đứng ở cổng, nghi có chuyện, tôi nhảy ngay lên lầu. Con gái lớn méc:

– Ba, con Ụt té cầu thang!

Con gái út khóc:

– Con chạy trước, nó xuống sau té lộn từ trên xuống dưới. Chắc đau lắm Ba.

Ụt nằm trên giường, rên i ỉ, người nhiều vết bầm, thấy tôi về Ụt ráng sức leo xuống giường, lết tới ôm chân tôi. Vợ tôi thút thít:

– Tội nghiệp!

Từ hôm đó, Ụt không chạy xuống cổng đón vợ chồng tôi, nó chạy ra sân thượng nhìn xuống cho đến khi tôi vô nhà, tắt máy xe, lên lầu, Ụt đứng ngay cầu thang nhún nhảy mừng, chạy đi lấy dép.

Vết thương của Sài Gòn vẫn còn đau, nụ cười vẫn hắt hiu trên mắt môi mọi người.

Nhiều đêm, về khuya, tôi uống ly rượu, ngà ngà, nói với vợ:

– Chắc anh sẽ không ở đây.

Ðúng như vậy, tháng sau tôi theo bạn vượt biên ở Sông Ðốc, Cà Mau.

3 giờ sáng, bạn tới chở đi.

– Nói với tụi con anh đi công tác như mọi khi.

Vợ tôi buồn thiu.

– Em cố gắng tự lo.

– Anh yên tâm, xin trời đất phù hộ.

Tôi quay qua, không dám nhìn mặt vợ thì thấy Ụt đã đứng đó tự hồi nào.

Ụt lặng yên nhìn tôi, đôi mắt lo lắng, tôi vuốt đầu con heo, mở cửa leo lên xe.

Tôi vượt biên!

Chuyến đi thất bại do ăn chia không đều, bộ đội bắn cháy ghe, chết mấy người, tụi tôi nhảy bãi sình, trốn trong rừng, sáng mai tìm đường về, hầu hết bị bắt, tôi thoát, nhờ bà già bán cháo lòng.

– Chân trắng nõn là dân thành phố “gồi”! Tối qua bộ đội bắn quá. Cháu thoát hả?

Tôi giựt mình:

– Dạ đúng. Bán cho cháu đôi dép. Chân đau, không đi được.

Bà già nhìn tôi cười hiền hậu, chỉ sau lưng:

– Vô nhà! Lấy bộ áo quần bộ đội treo trên vách của thằng con.

Tôi chạy vô nhà, bà còn nhắc:

– Nhớ mang đôi giày vải luôn.

Tôi thành anh bộ đội ăn cháo sáng.

– Bà cho cháu tính tiền.

Bà cười.

– Khỏi, ăn cháo “gồi ga” bến đò, chỗ cột điện.

Bà chỉ.

Lên ghe về Cà Mau. Coi chừng công an đang lùng. Ði đi!

– Xin cám ơn. Con lạy bà!

Tôi ra bến đò.

Tối đó về tới nhà.

– Anh đi là con Ụt không lên lầu, nó bò xuống nằm ngay cổng, bỏ ăn, chỉ uống chút nước. Chiều nay vui vẻ chạy tới chạy lui, em tưởng là anh đi được, mừng trong bụng, không ngờ anh về.

Tôi bước tới, Ụt ngước nhìn, mắt long lanh, nó khóc.

Tôi làm việc trở lại, vợ tôi vẫn buôn bán, hai con ăn học, con Ụt có thêm trò mới.

Khi vợ tôi làm bếp, bao nhiêu đồ thừa, bỏ vô bao nylon, để trong góc bếp, Ụt lôi ra ngoài thùng rác, hai con học về, thay giày, Ụt cắn hai đôi giày để ngay ngắn trước cửa phòng.

– Nó khôn hơn anh hồi nhỏ. Có bao giờ anh cất giày, lấy dép cho bà già đâu!

Ụt khôn. Nhưng cũng thật lớn, đã hơn 30 ký. Nó không còn là con heo nhỏ, ôm gọn trong tay ngày nào.

Biết mình lớn, Ụt không vô phòng nữa, tôi đóng mái nhà gỗ, có sàn cao, tấm nệm mỏng ngoài sân thượng, sát bên cây hoa ngọc lan cho Ụt, nó thích lắm.

Tháng đó, dân Sài Gòn tụ tập trước tòa Lãnh Sự Pháp với tin: cho nộp hồ sơ bảo lãnh đi Pháp.

Sáu tháng sau, tụi tôi nhận giấy bảo lãnh đi Pháp, người bạn nộp đơn giùm, nói phải nghỉ việc khi nộp đơn xin xuất cảnh.

Vậy là tôi nghỉ việc, từ một người làm phim, tôi thành thợ sửa TV, máy hát ở gần nhà.

Công việc mới lại đẻ ra tiền, tôi bận bịu mua TV, máy thu băng, cát-sét cũ, tân trang bán lại cho khách, bán đồ tốt, giá rẻ, nên đông khách, cái tiệm nhỏ ngay đường Trương Tấn Bửu, Phú Nhuận trở thành điểm bán đồ điện tử uy tín cho mọi người, nhất là bộ đội miền Bắc.

– “Lày”! Có dàn Akai “lào” không?

– Có Akai 280 D, tự động hát 2 chiều. Ðầu từ 85%.

– Nhiêu? Cho giá tốt, mình “nấy”.

– 3 chỉ.

– Ừ, xem “nại”.

Tôi mang cái Akai 280, mở nghe.

– Mẹ, hay nhể! Còn hát tới “nui”, mai trở “nại”.

Ngày mai anh trở lại.

– “Lày”, không đủ tiền. Ðưa 2 chỉ, còn lại đưa xăng.

– Cũng được! Ðợi một chút!

Tôi chạy qua người quen bán xăng ngoài đường, 5 phút trở lại.

– Bao nhiêu xăng?

– 2 thùng phuy.

Tôi ú ớ:

– 2 phuy?

Anh bộ đội tỉnh bơ:

– 400 “nít”.

Biết là lời lớn, nhưng chỗ đâu giấu 2 phuy xăng, trong lúc công an đang bắt xăng lậu?

– Ðược thì tối mai chở tới.

Tôi liều.

8 giờ tối mai, chiếc xe tải thả 2 thùng phuy xuống trước tiệm, tôi giao máy Akai, hai người bạn chia xăng ra can 20 lít tẩu tán, tới 12 giờ đêm xong việc, tôi lời cả máy và xăng, bạn tôi cũng trúng vố lớn, ai cũng vui. Tối hôm sau, tôi và hai người bạn ngồi sân thượng ngắm trăng, nhậu lẩu canh chua cá bông lau, bia 50. Chừng 9 giờ tối, con Ụt kêu, chạy tới bên tôi, vợ tôi trong phòng bước ra:

– Anh, có công an khu vực tới thăm.

– Thăm?

– Hỏi anh điều gì đó.

Tôi xuống cổng.

– Chào anh. Em hỏi anh tí chuyện.

– Lên lầu hay ở đây?

– Còn sớm, “nên nầu” đi!

Tôi ngại trong lòng, nhưng cũng đành.

– À, có bạn ăn tối à?

Công an hỏi.

Vợ tôi:

– Dà. Anh ăn chưa? Ăn luôn.

– Ăn “núc” chiều rồi! Ậy gặp bữa dùng “nuôn” cho vui.

Anh ta ngồi vô bàn, tôi rót bia:

– Ðây là hai người bạn cùng xóm.

– Quen biết cả. Anh bán cà phê “nề” đường ngay chợ nhỏ. Anh bán xăng “nẻ” chứ gì.

Bữa nhậu mất ngon, tôi và hai bạn nuốt không trôi tô canh chua. Anh công an làm sạch.

Chừng 3 chai bia, hai bạn tôi đứng lên, định về. Anh công an:

– Ậy, gượm chút. Vô hết “ni” bia, cạn nhá!

4 ly bia cạn.

Công an:

– Tôi có tí chuyện! Nghe xong rồi về!

Vợ tôi khui thêm 4 chai.

Anh công an xuống giọng.

– Tối qua…

Nhắp ly bia.

– Mấy anh trúng quả…

Tôi lạnh người.

– Cả 2 phuy xăng đâu phải ít…

Hai thằng bạn tái mặt.

– Thôi thì chia nhau chút…

Tôi thở nhẹ.

– Có qua có “nại” cho vui nhá!

Tôi cười.

– Biết, tụi này biết, sẽ gặp anh mà.

Công an cũng cười…

– Thế tốt!

Ðứng dậy.

– … Sắp Tết nhất…

Anh công an nói nhỏ với tôi.

– Thịt con heo đi… Tôi “nấy” phân nửa.

Công an ra về, hai bạn tôi ra về, tôi ngồi chết cứng.

Vợ tới bên, khui chai bia.

– Gì vậy anh?

– Công an biết anh bán 2 phuy xăng tối qua… Sắp Tết, đòi thịt con heo, nó lấy phân nửa!

Hai vợ chồng ngồi im, uống hết két bia, tôi say, ngả nghiêng vô phòng, vợ dọn dẹp, cô không để ý con Ụt tới nằm bên chân tôi tự lúc nào.

Tuần sau, tôi mang Ụt ra Tân Cảng, kể hết chuyện cho người bạn thân, ba anh thương tình, cho Ụt ở nhờ.

Nhà anh là biệt thự lớn, có vườn rộng, hồ sen, anh thả rông cho Ụt sống ngoài vườn.

Tết đó tôi đi mua nửa con heo trả cho tay công an phường.

Tháng 5, gia đình tôi có giấy xuất cảnh, đi Pháp vào tháng 7.

Trước khi đi, tôi bán hết mọi thứ, đổ đầy xăng chiếc Toyota, chở vợ và hai con xuống Tân Cảng thăm Ụt.

Tới nơi, Ụt đã đứng trước cổng, tôi chạy xe vô, vợ tôi bày biện mọi thứ cho bữa tiệc với gia đình bạn sau vườn, bên hồ sen và những cây dừa.

Bây giờ Ụt lớn lắm, hai đứa con gái thay phiên leo lên người, Ụt chở đi lòng vòng ngoài vườn.

9 giờ tối, tiệc tan, bạn tôi nói:

– Mày và gia đình yên tâm ra đi, tao nuôi Ụt. Chưa có con heo nào khôn như nó. Bây giờ nó biết đứng lên, mở cổng khi người nhà về.

Tụi tôi ra xe, Ụt chạy theo, nó nằm yên.

Vợ tôi khóc, hai con tôi khóc, tôi quỳ xuống:

– Ụt ơi, gia đình thương Ụt lắm nhưng phải ra đi, Ụt ở lại…

Tháng 7, lúc 2 giờ trưa, gia đình tôi lên phi trường, đi Pháp.

Một giờ, bạn tôi ở Tân Cảng chạy xe tới nhà, mặt mày xanh lè:

– Con Ụt nhảy xuống hồ sen tối qua…

Anh cúi mặt.

– Không ai biết… Chết rồi!

Gia đình tôi không còn thì giờ để nhìn Ụt lần cuối.

Máy bay cất cánh, con sông uốn khúc quanh những vườn cây xanh, mái ngói đỏ nghiêng nghiêng. Sài Gòn thân yêu xa dần.

Vợ sụt sùi, hai con khóc.

Mất Sài Gòn đã buồn, mất Ụt buồn thêm chồng chất.

Tôi cũng khóc!

HĐV

 

Phiet Pham thephiet_2002@yahoo.com

Sun, Apr 18 at 12:10 PM

 

CHUYẾN HẢI HÀNH CUỐI CÙNG!

 

Mời quý niên trưởng và quý ái hữu dành 50 phút "mặc niệm".  DVD do Dân Sinh Media thực hiện, coi lại những cảnh thanh bình trước tháng Tư, năm 1975.  Rồi những cảnh hỗn loạn, kinh hoàng ... sau đó.  Hồi tưởng lại đất nước Việt Nam và đời mình đã thay đổi từ đây...

 

CHUYẾN HẢI HÀNH CUỐI CÙNG! 

Năm nay 2021, người Việt định cư tại Hoa Kỳ đã lên đến con số 2 triệu người. Nhiều em trẻ sẽ hỏi, tại sao người Việt mình đến Mỹ? Đến từ hồi nào? Bằng cách nào? Tháng 4 năm nay là năm tưởng niệm thứ 46 biến cố Tháng Tư Đen, một biến cố mất nước khiến cho hàng trăm ngàn người Việt phải vùng thoát ra đi trốn chạy đoàn quân xâm lăng Cộng Sản độc tài tàn bạo, đã vào đến Thủ Đô Saigon lúc 10 giờ sáng Thứ Tư, ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Quý vị cùng chúng tôi, rất nhiều người đã trải qua cuộc vùng thoát kinh hoàng đó. Exodus! Hàng trăm ngàn người đổ xô ra bến Bạch Đằng, Bến Chương Dương, Bến Tân Cảng, Kho Hàng Khánh Hội, hay Bến Đò Thủ Thiêm và Cát Lái, leo lên mọi thương thuyền lớn nhỏ, tràn vào những chiến hạm Hải Quân để ra đi, không cần biết sẽ đi đâu, có thoát được không, và bất kể sẽ còn được sống hay phải chết, cũng đi.


Xin cùng nhau nhìn lại những tấm hình và xem lại câu chuyện video này, xin hãy tiếp tay chúng tôi chuyển tiếp tới những thân hữu trong facebook của quý vị, và nhất là giới thiệu cho các em trẻ từ 50 tuổi trở xuống để tất cả mọi người Việt chúng ta tại Hoa Kỳ đều hiểu rõ hơn cuộc hành trình gian nan từ Việt Nam sang Mỹ của đợt người Việt đầu tiên, đợt người mà nhạc sĩ Nam Lộc đã đặt cho một danh hiệu đáng nhớ mãi "Người Di Tản Buồn".

Thật sự, ít có người biết, trong ngày và đêm 29/4/1975, hạm đội hành quân biển của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đã quyết định ra khơi, khoảng hơn 40 chiến hạm lớn nhỏ trong tổng số 80 chiếc của hạm đội, sẽ tập trung tại Đảo Côn Sơn chờ một mệnh lệnh cuối cùng.


Có những chiến hạm đang tuần dương như chiếc HQ17 hoặc chiếc HQ229 được lệnh ra đi luôn khiến thủy thủ đoàn phải bỏ lại vợ con thân nhân trong sự chia lìa bất ngờ thật đớn đau.


Có những chiến hạm đang đậu ở bến Bạch Đằng thì phải đón nhận hàng ngàn đồng bào tràn lên, như chiếc HQ801 hay chiếc HQ502, có chiếc bình thường chỉ có 200 thủy thủ đoàn, nay phải cáng đáng 5,000 đồng bào tràn ngập mọi khoang tàu, từ đáy lên đỉnh cột cờ, người đâu là người đông như kiến bu.

Có chiếc đã bị hư máy nằm ụ trong Hải Quân Công Xưởng như chiến Lam Giang HQ402, đang sửa chữa mà cũng có hàng ngàn đồng bào tràn lên, căng thẳng nằm chờ không chịu xuống, và cũng chẳng biết thủy thủ đoàn ở đâu, con tàu có ra đi không?. Và con tàu đó, với một vài sĩ quan còn lại, bằng một cố gắng phi thường, cuối cùng cũng nổ được máy, ì ạch ra đi vào trưa ngày 30/4 ngay trước mắt những chiếc xe tăng của Quân Cộng Sản vừa đậu giương cao nòng súng trên bến cảng.


Cũng có những thủy thủ vì bị bất ngờ xa cách vợ con đã xin về, nay kể lại mới biết, quyết định sai lầm đó đã trả giá rất đắt vì chế độ Cộng Sản đã tống ngay tất cả mọi người trở về vào tù cải tạo, không hề được gặp mặt vợ con chút nào.


Cũng có đoàn chiến hạm 4 chiếc ra đi từ đảo Phú Quốc, mang theo khoảng 2,000 đồng bào chạy qua Singapore xin tị nạn, Singapore không nhận, 4 con tàu phải chạy qua Phi Luật Tân, trên đường đi, có một chiếc bị một nhóm người giết chết vị hạm trưởng, cướp tàu, lái về Việt Nam trở lại. Còn 3 chiếc kia, tiếp tục cuộc hành trình dài tổng cộng 22 ngày trên biển đi tìm tự do. Nếu quý vị là những người đã ra đi bằng cách đó, quý vị có còn nhớ quý vị đi trên chiếc chiến hạm số mấy không? Tôi hỏi cả trăm người, không có một ai biết tàu nào, số mấy, loại gì.


Thật sự, nếu không kể lại thì sự kiện mà Hải Quân VNCH đặt tên là Chuyến Hải Hành Cuối Cùng của đoàn chiến hạm 43 chiếc đã ra khơi, tập trung tại Côn Sơn chờ mệnh lệnh cuối cùng, rồi 32 chiếc còn sức chạy được, đã ra đi mang theo 30,000 đồng bào ruột thịt đi tìm tự do tại Subic Bay-Phi Luật Tân sẽ hoàn toàn bị quên lãng.


Ai đã ra đi trong Chuyến Hải Hành Cuối Cùng đó? Quý vị có còn nhớ gì chăng? Quý vị có còn nhớ giây phút được lệnh phải hạ cờ, cuốn cờ, sơn che lại số tàu, vất bỏ mọi đạn dược xuống biển thì Phi Luật Tân mới cho tàu vào bến không? Quý vị có còn nhớ giây phút linh thiêng khi tất cả mọi người trên 32 con tàu, thủy thủ cũng như dân chúng, đồng loạt hát bài quốc ca với nước mắt tuôn trào, đau đớn tột cùng trong cảnh bi hùng nước mất, nhà tan, mang thân phận của kẻ vô tổ quốc trong giây phút chào cờ lần cuối cùng đó không?

Lịch sử cần phải được ghi lại, cần phải được kể lại, nhất là kể cho con cháu chúng ta để các em hiểu rõ được tại sao người Việt đã đến đây? đến từ lúc nào, và bằng cách nào? Một lần nữa, xin giúp chúng tôi chuyển tiếp video này đến mọi thân hữu xa gần. Chân thành cảm ơn tất cả quý vị.

Phạm Phú Nam

Người Đã Trải Qua, Xin Xem Lại, Rồi Kể Cho Con Cháu Cùng Nghe.
https://www.youtube.com/watch?v=GbAwQvJgYXU  

 

No comments:

Post a Comment