Friday, August 30, 2019

20190831 “Hương Tràm Trà Tiên” Bài 25: Những tư tưởng lớn.


20190831 “Hương Tràm Trà Tiên” Bài 25: Những tư tưởng lớn.

*** Để hiểu rõ những khu Trù Mật, Dinh Điền của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm tại miền Tây, chúng tôi đính kèm thêm những đường link bản đồ của các vùng nầy. Đây là những bản đồ hành quân củ của Vùng IV. Một điều bất ngờ kỳ thú khác là nguồn gốc của đạo phái Bửu Sơn Kỳ Hương phát tích ra Tứ Ân Hiếu Nghỉa trùng hợp với chủ đạo của tộc Việt lại phát tích từ vùng Bảy Núi tức Thất Sơn.

Bản đồ Kiên Lương.
Bản đồ Rạch Giá.
Tri Tôn.
Châu Phú.
Long Xuyên.
hoànglonghải – “Hương Tràm Trà Tiên” Bài 26: “Phát triển một chiều…”
hoànglonghải – “Hương Tràm Trà Tiên” Bài 27: Dinh Điền Cái Sắn
hoànglonghải – “Hương Tràm Trà Tiên” Bài 28: Trở lại Dinh Điền Cái Sắn
hoànglonghải – “Hương Tràm Trà Tiên” Bài 30: Cây Số 15


20190703 Huong Tram Tra Tien Bai 25
Posted on Tháng Chín 24, 2014 by VietnamDaily.News in Hồi kýhoànglonghải // 1 Comment 

*** Vietnam Topographic Maps 1:50,000, U.S. Army Map Service, Series L7014
(Dinh Điền, Khu Trù Mật của Tổng thống Ngô Đình Diệm, Minh Đạo của Hồ Hữu Tường và Trại Ruộng của ông Đoàn Minh Huyên)
            Từ Côn Đảo về, được tha sau vụ đảo chánh 1 tháng 11 năm 1963, ông Hồ Hữu Tường viết một loạt bài đăng trên báo Bách Khoa của ông Huỳnh Văn Lang, nhan đề là “Trầm Tư Của Một Người Tội Tử hình”. Loạt bài nầy sau được in thành sách, lại nhan đề là “Minh Đạo”.
May mắn tôi đã đọc loạt bài ấy khi đang đăng nhiều kỳ trên Bách Khoa. Khi nó được in thành sách, tôi lại mua và đọc một lần nữa. Tôi nghĩ rằng điều ông Hồ Hữu Tường gọi là “trầm tư” quả thật là những tư tưởng mới mẻ, sáng suốt, và là con đường phát triển Nông – Công nghiệp nước ta, làm cho đất nước phát triển và giàu mạnh. Những nước nông nghiệp ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, muốn cho đất phát triển thì con đường “Minh Đạo” còn con đường hữu hiệu và đạt kết quả nhanh chóng.
            Hồi bấy giờ chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa mới sụp đổ, trong cái nhìn chung và hời hợt của nhiều người không thiếu định kiến xấu về chế độ đó, nên những chương trình như “Ấp Chiến Lược”, “Dinh Điền”, “Khu Trù Mật”, khu Kỹ Nghệ Biên Hòa…, bất cứ cái gì Tổng thống Ngô Đình Diệm xây dựng đều không… tốt; trong khi những chính phủ mới, không có chính phủ nào tồn tại được lâu vì những cuộc đảo chính, “biểu dương lực lượng” liên tiếp xảy ra.
Chính phủ tồn tại không lâu thì không có chương trình, kế hoạch nào lớn, lâu dài được đem ra áp dụng. Hơn thế nữa, các nhà lãnh đạo đất nước hồi ấy cũng chẳng có chương trình gì cả. Ngay cả ông Nguyễn Ngọc Thơ, khi được Dương Văn Minh mời làm thủ tướng Chính Phủ Cách Mạng. Trong một cuộc họp báo, báo chí hỏi chương trình cách mạng của chính phủ ông là gì, ông Nguyễn Ngọc Thơ chỉ vào bụng ông, nói: “Chương trình cách mạng ở đây.” Có lẽ ông muốn nói tới câu của người xưa: “Binh giáp tàng hung trung”.
            Thế rồi tôi cũng lăn lóc theo dòng đời, mãi đến năm 1972, khi tôi về Cái Sắn, nhìn quang cảnh dinh điền nầy, thấy đời sống dân chúng sung túc, giàu có, ngoài mặt thì tôi hỏi đùa bà con nông dân “Sao? Còn muốn lấp sông Bến Hải, trở về đất Bắc nữa không?” Dĩ nhiên ai cũng cười và lắc đầu. Nhưng điều tôi lấy làm ngạc nhiên là tại sao Dinh Điền Cái Sắn nầy được thực hiện y như trong “Trầm Tư Của Một Người Tội Tử Hình” của Hồ Hữu Tường?
Cái ý niệm về việc thiết lập những khu dinh điền, khu trù mật như thế nầy, ông Ngô Đình Diệm (và kể cả ông Nhu) được gợi ý từ đâu, trong sách vở nào? Có phải khi nằm ở Côn Đảo, ông Hồ Hữu Tường mới có cái “trầm tư” nầy hay ông đã có từ trước khi ông bị tù. Có thể nào anh em ông Diệm đã biết được cái tư tưởng của Hồ Hữu Tường từ trước, hay hai anh em ông tìm tòi trong những sách vở khác và “Những tư tưởng lớn gặp nhau”? Tại sao việc hình thành dinh điền, khu trù mật lại giống như việc thực hiện tư tưởng của ông Hồ Hữu Tường? Cho đến giờ, tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời cho sự trùng hợp nầy!
Tuy nhiên, trong tư tưởng của ông Hồ Hữu Tường, việc hình thành các khu kinh tế chỉ nhắm vào mục đích phát triển kinh tế Công-Nông nghiệp là chính, trong chương trình dinh điền của anh em ông Diệm, nó còn có vai trò chiến lược quân sự. Do đó, khi Cộng Sản miền Nam càng lúc càng mạnh thì dinh điền, khu trù mật là những mục tiêu đánh phá của chúng. Việc đánh phá đó có mục tiêu chiến lược hơn là chiến thuật.
            Cứ nhìn những vị trí Dinh Điền, khu Trù Mật, hay khu định cư của người Miền Bắc di cư, người ta có thể thấy vị trí chiến lược của những khu ấy.
Ví dụ 1:
Khu định cư Xóm Mới là nút chặn quân Cộng Sản từ An Phú Đông vào Saigon. Hồi chiến tranh chống Pháp (1945-54), từ An Phú Đông, qua ngã Xóm Mới, du kích Việt Minh xâm nhập tới Phú Nhuận. Anh rể tôi, dân Saigon chính cống, trước 1954 còn đi học và… đá banh, kể lại có lần Việt Minh ám sát người quốc gia ngay tại một sân đá bóng nhỏ ở Phú Nhuận. Giết người xong, bọn chúng rút lui theo ngã Xóm Mới về An Phú Đông.
Ví dụ 2:
Trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, La Ngà, Định Quán là nơi Việt Minh thường phục kích binh lính Pháp và Quân Đội Quốc Gia. Nhờ khu định cư Giốc Mơ, Gia Kiệm, Định Quán, La Ngà,… trong cuộc chiến tranh chống Cộng Sản Bắc Việt xâm luợc, quân Cộng Sản không thực hiện những việc chúng đã làm như trong cuộc chiến tranh trước.
Như trong quá trình lịch sử chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất đã cho thấy, vùng nầy có tính cách chiến lược quân sự nên sau 1975, để ngăn ngừa hoạt động quân sự của các tổ chức “Phục Quốc”, mặt khác Việt Cộng lại còn sợ đồng bào theo đạo Thiên Chúa ở đây giúp đỡ, tiếp tế… cho “Phục Quốc”, bọn chúng lập các trại cải tạo Xuân Lộc, Xuyên Mộc, “khai thác trắng” (tức là phá hết rừng) từ Trị An, đến Sóc Lu, Gia Kiệm, Định Quán qua tới Xuân Lộc, Chứa Chan, Long Khánh để “Phục Quốc” không thể lập căn cứ, hoạt động được. Do đó, về mặt quân sự thì có lợi cho Cộng Sản nhưng về kinh tế và môi sinh, thì cả một vùng rộng lớn như thế, bị đốn hết cây rừng, sự di hại không thể nói hết được.
            Trên chỉ là một vài ví dụ. Quí độc giả có thể tìm hiểu thêm qua vị trí những khu Trù Mật, khu định cư khác như khu Bắc Đậu ở Gia Nghĩa, (Đắc-Nông), Bảo Lộc, Bình Giả ở Phước Tuy, ở Hậu Nghĩa, ở Tây Ninh, v.v…
            Trở lại việc tìm hiểu vị trí của Dinh Điền Cái Sắn, như tôi đã trình bày trước, trong chiến tranh chống Pháp, quân đội Việt Minh di chuyển một cách dễ dàng từ Kampuchia qua mật khu Trà Tiên, theo kinh Kháng Chiến về Cái Sắn, rồi vượt LTL 8A mà đi về U-Minh hoặc di chuyển ngược lại.
            Việc thành lập khu Dinh Điền Cái Sắn như một cái rào cản vững chắc, kín, một “con muỗi Cộng Sản” cũng không lọt qua, nói chi tới những toán quân đông đảo, vũ khí kềnh càng. Toàn bộ điểm vượt tuyến dài hơn 70 Km trên LTL 8A chỉ còn một nút thắt họng tại ấp Hòa Bình, xã Mông Thọ, quận Kiên Tân, thường gọi là Cây Số 15. Quân Cộng Sản cố sống cố chết vượt qua cái nút thắt họng nầy như tôi đã trình bày ở các bài trước.
            Trước 1958, năm khu Đinh Điền được thành lập, vùng nầy được người dân địa phương gọi là “Vùng Nước Nổi”, có nghĩa là khi tới mùa nước sông Hậu lên cao thì toàn bộ đất đai bị ngập nước, mênh mông những nước là nước. Chỉ những nhà cửa dân cư dọc theo hai bên LTL 8A mới không bị ngập vì người dân đắp nền cao. Ngay cả LTL 8A nhiều năm nước lên cao hơn bình thường, vẫn bị ngập, xe cộ không lưu thông được.
            Trước khi thành lập khu dinh điền, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa hồi ấy đã cho đào những “kinh ngang” (như bậc ngang của một cái thang, nối liền hai kinh lớn, nằm dọc là kinh Cái Sắn (Từ Hậu Giang vào tới thị xã Rạch Giá) và Kinh Núi Sập, nối từ Hậu Giang với kinh Rạch Giá Hà Tiên rồi đổ ra vịnh Thái Lan. Những kinh ngang nầy cách nhau 2Km, được đặt tên theo vần chữ cái A, B, C…. và theo số 1, 2, 3, 4… Từ kinh B, – ranh giới hai tỉnh Long Xuyên và Kiên Giang, trở về hướng Rạch Giá (thuộc địa phận tỉnh Kiên Giang) có kinh A, kinh 1, 2, 3, 4… Từ kinh B trở ra hướng Long Xuyên thì có kinh C, D, E, F, G, H. Nói chung, khu dinh Điền Cái Sắn kéo dài từ xã Vĩnh Trinh, quận Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên, gần “Ngã Ba Lộ Tẻ”, tức là chỗ bắt đầu LTL 8A, LTL 9 (đi Châu Đốc), LTL 27 (đi Cần Thơ), kéo dài tới xã Mông Thọ ở phía bắc thị xã Rạch Giá. Chiều dài dinh điền Cái Sắn, kể dọc theo LTL 8A là khoảng 70Km. Bề ngang từ kinh Núi Sập tới kinh Cái Sắn là 12Km. Kinh Núi Sập và kinh Cái Sắn được đào từ thời kỳ Pháp đô hộ. Khoảng cách giữa hai kinh nầy là 12Km. Khi thành lập khu dinh điền nầy, chính quyền Ngô Đình Diệm cho đào thêm một kinh ở giữa hai kinh ấy, cách mỗi bên là 6Km, thường gọi là kinh Đòn Dông để việc tháo nước xã phèn cho vùng Cái Sắn được nhanh hơn. Trên hướng Long Xuyên – Rạch Giá, vùng tôi vừa nói là ở phía tay mặt. Phía trái, cũng là khu dinh điền, nhưng dân chúng ở thưa thớt hơn, không phồn vinh như phía phải, lẫn lộn những kinh do chủ điền đào trước 1945 như kinh Rọc Bà Ke, kinh Thạnh Tây, kinh Đông Bình và những kinh mới đào khi thành lập dinh điền như kinh Tân Hiệp, kinh 10, kinh 8, v.v… Việc đặt tên lộn xộn, không thứ tự như phía tay phải. Vùng nầy cũng có kinh Giữa (Thay vì gọi là kinh Đòn Dông). Những kinh nầy dẫn nước ra kinh Cái Bé, có khi còn gọi là kinh Thốt Nốt, thuộc địa phận Long Xuyên, ngang qua địa phận dinh điền Thới Lai, Cờ Đỏ của Tây hồi thuộc địa.
Trước 1945, vùng nầy rất phát triển, vừa trồng lúa vừa giao thông bằng ghe thuyền vì hồi đó xe cộ không nhiều, thường người dân di chuyển, vận tải hàng hóa bằng ghe. Điểm hội tụ của 6 con kinh là ở Thuận Trung, thuộc tỉnh Phong Dinh cũ là nơi buôn bán, trên quán, dưới thuyền ghe, rất tấp nập.
            Dân di cư từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định, v.v… được đưa về dịnh cư ở khu dinh điền nầy. Thật ra, từ Bắc vô Nam, thấy đời sống miền Nam dễ dàng, no đủ, không ai muốn về vùng “đồng chua nước nổi”, “nắng bụi mưa bùn” nầy làm gì. Tuy nhiên, hầu hết họ là người theo đạo Thiên Chúa, các linh mục khuyến khích họ về nên họ nghe theo. Phần đông, khi ở miền Bắc, họ là nông dân nên cũng muốn về đây làm ruộng. Nhiều gia đình sống “hai chân”. Phần đông gia đình trụ lại Saigon, vợ buôn bán sống qua ngày, tiện cho con cái đi học. Chồng và con trai lớn về dinh điền, nhận đất, nhận ruộng và … lảnh đồ “Mỹ quốc Viện trợ”.
            Tình hình lúc ban đầu rất chán nản. Tới mùa nước nổi, nước tràn lan khắp cả, ngoại trừ cái giường, cái bếp trong gian nhà tôn nhỏ bé mà vật liệu làm nhà là do chính phủ cấp phát. Mùa nầy kéo dài bốn, năm tháng, người nông dân không làm ăn gì được.
Tới mùa khô, nông dân ra đồng đốt rẩy, bắt rùa, rắn, cá, tôm ê hề, làm thịt phơi khô đem về cho vợ con ở Saigon. Tuy nhiên, mùa khô cũng là mùa nóng dữ dội. Không ít người làm biếng, khi ra đồng tìm bóng cây ẩn núp và … đánh bài. Hồi ấy chưa có máy cày, chính quyền Ngô Đình Diệm nhập trâu Murat ở Ấn Độ đem về phát không cho nông dân. Lại cũng có người đập cho trâu què chân để xin mổ thịt. Nông dân miền Bắc khoái ăn thịt trâu hơn thịt bò.
            Chính quyền Ngô Đình Diệm đặc biệt chú trọng các chương trình dinh điền, khu trù mật để ổn định gần một triệu người miền Bắc di cư, coi đó như là một quốc sách nên sau khi giải tán Phủ Tổng Ủy Di Cư thì thành lập Phủ Tổng Ủy Dinh Điền, đặc trách về chương trình khu dinh điền, khu trù mật.
Khi người nông dân đến vùng đất mới, chính quyền không “đem con bỏ chợ”. Họ được giúp đỡ nhiều mặt: “tôn”, ximăng, sắt để làm nhà, làm đường, làm cầu, xây trường học, trạm y tế… và gạo, tiền. Khu dinh điền Cái Sắn hồi mới thành lập đã có nhà máy điện, có dựng cột đèn dọc theo trục lộ.
            Mỗi nông dân được cấp 3 mẫu ruộng: Bề ngang (dọc theo bờ kinh rộng 30mét, kéo dài tới khoảng giữa của hai kinh là 1Km. Hồi 1972, giá mỗi mẫu ruộng ở đây là khoảng trên 500 ngàn đồng Việt Nam Cộng Hòa. Nhìn chung, mỗi gia đình có một tài sản ít nhất là 1 triệụ 500 ngàn, chưa kể trị giá căn nhà, vườn cây quanh nhà và gia súc, v.v…
            Vai trò của các linh mục ở mỗi kinh (tương đương với 1 ấp) là rất quan trọng. Khi người dân dinh điền thiếu thốn cái gì chính đáng, nhất là xi măng, tôn, gạo… thì các linh mục đi xin (nói theo địa phương). Có khi họ lên ngay phủ Tổng Ủy Dinh Điền hay phủ Tổng Thống xin giúp đỡ. Có người nói với tôi: “Không có các cha thì người dân đã bỏ đi hết rồi”. Suy nghiệm với vai trò các tu sĩ mà ông Hồ Hữu Tường nói trong Minh Đạo, tôi lại càng khâm phục viễn kiến của tác giả.
Trại Ruộng là gì?
            Tôi cứ nghĩ tôi viết như trên là xong, ai ngờ có điều ly thú hơn:
            Mấy lâu nay, đọc mấy tờ báo của Phật giáo Hòa Hảo Hải ngoại, kể cả trên các web site, tôi thắc mắc không hiểu tại sao một số bài viết về lịch sử đạo Phật Hòa Hảo, họ chỉ kể từ khi Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ khai sáng đạo mà thôi. Vậy thì thời gian trước nữa để chi, và vai trò ông Đoàn Minh Huyên trong công việc củng cố và truyền bá đạo Phật ở miền Tây Nam Bộ hồi giữa thế kỷ 18, cũng như việc ông thành lập tông phái Bửu Sơn Kỳ Huơng, tiền thân của đạo Phật Hòa Hảo, bỏ qua sao được?!
            Khoảng năm 1969, sau khi thuyên chuyển về phục vụ cho bộ chỉ huy binh chủng Thiết Giáp ở Saigon, một lần tôi tới liên lạc công việc với Cục Quân Huấn ở trong khu doanh trại Lê Văn Duyệt, tình cờ tôi thấy có một cuốn sách nhan đề hình như là “Lịch Sử các tôn giáo Việt Nam” để trong kệ sách, dành cho những người phục vụ trong đơn vị đọc hay nhiên cứu. Cuốn sách có lẽ được in sau thời kỳ Đệ Nhất Cộng Hòa, nhưng trước năm 1968, năm tôi nhập ngũ, ít ra cũng vài năm. Sách của Cục Quân Huấn in và phát hành. Nếu sách mới in thì thế nào tôi cũng kiếm được một cuốn vì sách cơ quan nầy in ra, thường được phát không cho các đơn vị, nhất là các đơn vị trực thuộc bộ Tổng Tham Mưu. Thấy cuốn sách lịch sử, tôi thích lắm. Nhưng trên kệ chỉ còn một cuốn độc nhứt, xin thì chắc không được, mà mượn có lẽ cũng không xong. Nhìn tới nhìn lui, tôi thấy cô nữ quân nhân phụ trách ở đây đang nói cười vui vẻ khi anh bạn đi cùng tôi đang tán cô ta, tôi liền nhân cơ hội, “chôm” cuốn sách bỏ vào túi quần treillis, đem về. Nếu bị bắt tại trận đang ăn cắp sách, có lẽ ông đại tá Cao Đăng Tường, cục trưởng cũng không nỡ nặng tay với một người mê sách như tôi. Tôi hy vọng như thế.
            Đem cuốn sách về đọc, tới phần lịch sử đạo Phật Hòa Hảo, tôi biết thêm về sự tích ông Đoàn Minh Huyên, mà trước đó, tôi chỉ thấy xuất hiện đâu đó tên ông với vài ba dòng, không rõ ràng gì cả.
            Thật ra, công trạng của ông Đoàn Minh Huyên đối với dân chúng miền Tây Nam Bộ lớn lắm, ơn nghĩa của ông ta cũng lớn lắm, nên dân chúng nhắc tới ông không ít, và cũng từ đó mà nảy sinh nhiều huyền thoại về ông.
            Ông Đoàn Minh Huyên là một nhà truyền giáo, một nhà đạo đức, một nhà khai sáng tôn giáo, một ông thầy thuốc cứu nhân độ thế, cứu giúp hàng ngàn người khỏi chết, và một nhà kinh tế chiến lược về nông nghiệp, mà “Trầm Tư của một người tội tử hình” của ông hồ Hữu Tường hay chương trình dinh điền khu trù mật của tổng thống Ngô Đình Diệm chỉ là kẻ đi sau. Chương trình của ông Ngô Đình Diệm có thành công, thì vai trò “Viện Trợ Mỹ” không phải là nhỏ.
Chương trình “Trại Ruộng” của ông Đoàn Minh Huyên chỉ là “tự lực cánh sinh”. Trong khi đó, sáng kiến của ông Đoàn Minh Huyên đi trước thời đại ông Hồ Hữu Tường, ông Ngô Đình Diệm khoảng một trăm năm.
            Để rõ ràng hơn, tôi xin trình bày về lai lịch ông Đoàn Minh Huyên.
Đoàn Minh Huyên sinh ngày 14 tháng 11 năm 1807 – mất ngày 10 tháng 9 năm 1856, là người sáng lập ra giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương, thường được các tín đồ và dân chúng miền Tây Nam Bộ, gọi tôn ông là “Đức Phật Thầy Tây An”.
Ông tên thật là Đoàn Văn Huyên (Minh Huyên là pháp danh), đạo hiệu: Giác Linh, quê ở Tòng Sơn, Cái Tàu Thượng, tỉnh Sa Đéc.
Những năm đầu đời Tự Đức, vùng Cái Tàu Thượng (Một nhánh kinh bên tả ngạn sông Hậu, thuộc Sadec sau nầy, bị mất mùa, và bị bệnh dịch tả lớn, hàng ngàn người chết, không kịp chôn. Đêm tối dân chúng không dám ra khỏi nhà, gà không gáy, chó không sủa. Đúng là một vùng lặng thinh, đất chết.
Ông Đoàn Minh Huyên đi thăm bệnh, cho thuốc. Theo dư luận thì ông có bùa phép vì thuốc của ông cho chỉ là than tro và nước lã. Vậy mà ông đẩy lui được bệnh dịch, trong khi quan quân chỉ ngồi khoanh tay mà coi dịch tả hoành hành.
Từ chỗ có công chữa bệnh cứu người, được uy tín, dân chúng ngưỡng mộ, ông bèn bắt đầu đi thuyết giảng đạo Phật, chính yếu là nhắm vào thực tế, điều nhân nghĩa, hiếu thảo với cha mẹ anh em, kính thờ Trời Phật.
Người theo ông càng ngày càng đông, ông bèn thành lập tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Ông dựng chùa thờ Phật, tập trung  dân chúng thành nhiều vùng, giúp nhau khai phá đất đai, làm ruộng, gọi nôm na là Trại Ruộng.
Các Trại Ruộng nổi tiếng gồm có:
Trại Ruộng vùng Cần Lố (Đồng Tháp Mười) vùng Láng Linh, vùng núi Két (thuộc Thất Sơn), sau thành ra hai làng Hưng Thới, Xuân Sơn; vùng Cái Dầu.
Vì có công chữa bệnh cho dân và hướng dẫn dân chúng trong việc hợp tác giúp nhau khai khẩn đất hoang làm ruộng, lại truyền bá đạo Phật nên uy tín của ông ngày càng lớn, khiến quan quân triều đình lo ngại. Ông bị bắt giam nhưng không xử tội ông được vì việc làm của ông không trái với luật pháp triều đình nên ông lại được thả ra. Tuy nhiên, chính quyền cũng buộc ông vào tu ở chùa, không được lang thang qua nhiều vùng như trước. Ông về sống ở chùa Tây An, sau nầy gọi là Tây An Cổ Tự ở An Giang. (1)
            Sau khi Pháp chiếm Nam Bộ, trại ruộng Láng Linh trở thành nơi kháng chiến chống Pháp rất quyết liệt.
            Đạo Phật Hòa Hảo do Huỳnh Phú Sổ khai đạo, là đời thứ tư do ông Đoàn Minh Huyên chuyển kiếp cho Phật Trùm, Ngô Lợi, Sư Vãi Bán Khoai và Đức Thầy (HPS) để giáo hóa chúng sanh nên chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng của tông phái Bửu Hương Kỳ Sơn, lấy đạo Phật làm căn bản, tu hiền, và gìn giữ bảo trọng Tứ Ân, thường gọi là Tứ Ân Hiếu Nghĩa.
Tứ Ân gồm có:
            1.Ân tổ tiên cha mẹ;
2.Ân đất nước;
3.Ân Tam Bảo;
4.Ân đồng bào và nhân loại (với kẻ xuất gia thì ân đàn na thí chủ).
Phụ lục:
            Một vài nhân vật đặc biệt, tiền thân của Phật Giáo Hòa Hảo (Trích từ Wikipedia):
Phật Trùm (? – 1875) tên thật: Tà – Pênh, người Việt gốc Khmer, ở ấp Sàlon, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ông được tín đồ các giáo phái Bửu Sơn Kỳ HươngTứ Ân Hiếu NghĩaPhật Giáo Hòa Hảo gọi tôn là Phật Trùm.
Từ nhỏ đến lớn, Phật Trùm có cuộc sống như một người bình thường, có vợ và 4 người con gái. Là người Việt gốc Khmer ít học, nói tiếng Việt không thạo; vậy mà vào năm 1866, sau những ngày lâm bệnh nặng đến hôn mê, ông bỗng dưng tỉnh táo và khỏe lại, tự nhận mình là hậu thân của Phật Thầy Tây An tức Đoàn Minh Huyên, là hồn Trùm của Phật (nên được tín đồ gọi tôn là Phật Trùm).
Từ đấy, Phật Trùm bắt đầu giảng giáo lý toàn bằng tiếng Việt. Bà Néang-Suông xưng là cháu chắt Phật Trùm cho biết ông có để lại một cuốn Kinh bằng tiếng Việt, nhưng Tà-Sao là cháu của Phật Trùm đã đem nạp cho Pháp.
Và cũng tương tự lối hành đạo của Đoàn Minh Huyên, Phật Trùm cho phân phát “lòng phái”, trổ tài trị bệnh thật lạ thường.
Nhà Phật Trùm sinh sống khi xưa tại ấp Sàlon, nay trở thành nơi thờ cúng ông.
Khoảng năm 1870, lúc này tín đồ người Việt theo ông đã khá đông. Thấy vậy, một số người Việt gốc Khmer trong xóm vu cáo là ông mượn chuyện đạo, chuyện trị bệnh để quy tụ, để cổ xúy nhân dân nổi loạn, nên nhà cầm quyền Pháp cho bắt giam ông rồi kết án tù đày. Trong tù, ông chăn heo. Sau vài năm, Pháp thấy ông hiền lành, không có biểu hiện gì chống đối, nên ông được trả tự do.
Về lại quê nhà, Phật Trùm tiếp tục hành đạo, có khi rao giảng đạo sang tận Campuchia.
Ngày 13 tháng 3 âm lịch năm Ất Hợi (1875), Phật Trùm viên tịch.
Hiện mộ Phật Trùm nằm lưng chừng núi Salon, một núi nhỏ, thấp thuộc ấp Sàlon, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Mộ không đấp nấm, theo chủ trương của giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương.
Ngô Lợi người Mỏ CàyBến Tre. Cha tên Ngô Nhàn (? – 1937), làm nghề thợ mộc, mẹ tên Phạm Thị Xuyến, người Bình An, tỉnh Định Tường.Tương truyền từ nhỏ cho đến lúc trưởng thành, Ngô Lợi cũng không có biểu hiện gì khác lạ. Cho đến năm 1851, lúc 20 tuổi, ông viết Bà La Ni Kinh dài 223 chữ Hán, mà sau này trở thành quyển kinh quan trọng của đạo Hiếu Nghĩa.
Năm 37 tuổi, vào ngày mùng 5 tháng 5 năm Đinh Mão (1867), bỗng nhiên ông bất tỉnh. Sau 7 ngày 7 đêm, ông hồi tỉnh lại, trở thành người giải thoát, rũ sạch lòng trần, dạy người theo đạo.
Bởi đi “thiếp” vào ngày trên và thỉnh thoảng ông lại có những cuộc đi thiếp như thế, nên người đời còn gọi ông là Năm Thiếp. Mỗi lần đi thiếp xong, ông thường nói những việc quá khứ và đoán định việc tương lai, nên được nhiều người tin nghe.
Sau khi liễu đạo, Ngô Lợi đi nhiều nơi vừa trị bệnh (nhất là trận dịch hoành hành dữ dội vào năm 1876), vừa thu nhận và dạy tín đồ thuyết học Phật tu nhân, báo đáp tứ ân, hành xử theo thập nhị giáo điều. Năm 1876, ông cho một tín đồ tên Trần Tịnh đi khảo sát vùng Núi Tượng. Năm 1870, ông đưa một số đệ tử vào theo để khai hoang, lập chùa miếu và mở thôn ấp mới.
Những năm 1877 – 1879, ông tổ chức hai cuộc làm chay để che mắt Pháp, lần đầu vào ngày 16 tháng 2 năm 1878 qui tựu hơn 200 người, rao giảng thuyết Hội Long Hoa và tuyên bố “đời Minh Hoàng được thành lập, ai không theo thì bị thú dữ, cọp beo trong rừng ăn thịt”
Lần thứ nhì vào ngày 30 tháng 4 năm 1878, ông phong cùng Võ Văn Khả làm chánh tướng, Lê Văn Ong làm phó tướng để nổi dậy kháng Pháp ở Cai Lậy (Mỹ Tho) vào ngày 2 tháng 5 năm 1878 nhưng đã bị dẹp tan nhanh chóng. Hai ông Lê Văn Ong và Võ Văn Khả bị xử chém tại Thuộc Nhiêu năm 1879. Còn Ngô Lợi cùng nhiều nghĩa quân trốn thoát về làng An Ðịnh. Căn cứ của đạo Hiếu Nghĩa, do ông cùng tín đồ khai hoang, lập ấp thuở trước.
Bọn mật thám của Pháp liền được lệnh truy lùng Ngô Lợi ráo riết, nhưng rốt cuộc không thu được kết quả nào, bởi ông được tin đồ và đồng bào mến mộ che giấu. Ngay cả thuộc hạ đắc lực của đốc phủ Trần Bá Lộc là Hai Phép lãnh trách nhiệm theo dõi ông, cũng bị ông cảm hóa rồi theo phe kháng Pháp luôn. Đốc phủ Đỗ Hữu Phương cho tên Bửu, người Minh Hương, mua ba ngàn xâu chuỗi bồ đề từ Chợ Lớn xuống Núi Tượng, cúng cho bổn đạo vẫn không dò hỏi được tin tức gì.
Pháp nhiều lần tổ chức ruồng bố. Chỉ tính trong 12 năm (1876 – 1888), Pháp đã đến đốt phá, bắt bớ, tra tấn, tù dày những tín đồ ở làng An Ðịnh cả thảy bảy lần, tín đồ Hiếu Nghĩa gọi là “đạo nạn”, đơn cử như vào năm 1885, Ngô Lợi cùng với tín đồ đạo Hiếu Nghĩa kết hợp với nghĩa quân của Hoàng Thân Sivôtha (Campuchia) nổi dậy, đánh chiếm hai bờ kênh Vĩnh Tế và làm chủ Tịnh Biên. Nhưng ngay đó, quân Pháp do đại úy Ferussac đem quân chiếm lại và còn tấn công vào An Định, khiến Ngô Lợi phải cùng với nhiều tín đồ phải chạy sang Vườn Dầu, thuộc Campuchia để lánh nạn. Ngày 2 tháng 6 năm 1886, quân Pháp mở cuộc hành quân sang Campuchia, đánh vào căn cứ Vườn Dầu nhưng thất bại. Mặc dù cản ngăn được đối phương, nhưng khi Ngô Lợi trở về núi Tượng, nhà cửa, chùa chiền ở An Định chỉ còn là những đống tro tàn.
Bi thảm nhất là vào năm 1887, quân Pháp do thiếu tá Peiqnaux ở Châu Đốc chỉ huy, cùng hai cộng sự là Trần Bá Lộc và cai tổng Trương Văn Keo kéo quân vào An Định. Bị kháng cự ở núi Trà Sư. Khi Pháp tràn được vào làng, họ đã đốt sạch nhà cửa, chùa chiền, bắt nhiều người tra tấn để tìm Ngô Lợi.
Kết cuộc, Pháp xử bắn 8 người, đày ra Côn Đảo 13 người, cưỡng bức 407 gia đình gồm gần hai ngàn người già trẻ xuống tàu về quê quán và giải tán làng An Định (sáp nhập vào làng Vĩnh Lạc).
Ngày 13 tháng 10 âm lịch năm Canh Dần 1890, ông Ngô Lợi mất vì bệnh tại thôn An Hòa, gần Núi Tượng, lúc 59 tuổi.
Sau khi ông mất, phong trào kháng Pháp tan rã, chỉ còn lại đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa.
Ngoài bản kinh Bà La Ni Kinh, từ năm 1879 đến năm 1884, Ngô Lợi còn truyền dạy cho tín đồ nhiều bài cung văn sớ điệp, nhiều nghi tiết cúng lễ. Các vị đại đệ tử của ông đã ghi chép lại thành tập sách Ngọc Lịch Đồ Thơ Tập Chú.
(1) Một phần vì tài chữa bệnh, đẩy lui được bệnh dịch tả, cứu sống hàng ngàn người, một phần vì ông là người đạo đức, sáng lập tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương nên ông được nhiều người tôn sùng, kính mến, và đồn đãi nhiều huyền thoại về ông.
Người ta thuật lại rằng vì hành tung của ông, thực dân Pháp sợ ông gây loạn, khởi nghĩa chống Pháp nên chúng theo dõi, bắt giam ông. Có chuyện kể rằng tên Tây thực dân, cảnh sát trưởng thị xã Long Xuyên bắt ông giam vào ngục, trước khi y ra về. Trên đường về nhà, y lại thấy ông đang đi bộ bên đường. Y nghi ngại bèn cố đạp xem chạy nhanh lên, xem thử có phải người đang đi bên đường là ông Đoàn Minh Huyên hay không. Mặc dầu y đi xe đạp, ông Đoàn Minh Huyên đi bộ, nhưng y đạp mãi vẫn không theo kịp ông ta. Y bèn quay trở lại bót cảnh sát cua y, mở cửa ngục xem, thì lại thấy ông đang ngồi trong ngục.
Thực ra, khi Tây đặt được nên cai trị ở ba tỉnh miền Tây, sau khi ông Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự tử (1867) thì ông Đoàn Minh Huyên đã qua đời từ năm 1856 rồi. Những người bị Pháp bắt có thể là những đệ tử của ông Đoàn Minh Huyên trong tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương mà thôi. Dù sao, huyền thoại nói trên, dù đúng hay sai, cũng nói lên lòng sùng kính của dân chúng miền Tây đối với Đức Phật Thầy Tây An vậy.
            Viết thêm vài điều:
            Không thể phủ nhận vai trò của các linh mục ở các khu Dinh Điền và khu Trù Mật, cũng như trong chủ trương Minh Đạo của ông Hồ Hữu Tường. Tuy nhiên, việc đưa các tu sĩ vào lãnh đạo ở mỗi địa phương sẽ tạo ra một không khí thời Trung Cổ bên Âu Tây: Đưa “Thần quyền” vào “Thế quyền” là đi ngược dòng lịch sử, là điều dân chúng ngày nay vẫn thường chống đối.
hoànglonghải


No comments:

Post a Comment