20190825 Bản tin biển Đông.
U.S. SAYS CHINA IS BLOCKING TRILLIONS IN OIL AND GAS,
WILL SEND NAVY FOR ASIA DRILLS
The US says China is blocking $2.5 trillion in South
China Sea oil and gas
FOREX-Yen surges, offshore yuan tumbles as trade war
intensifies
China’s incursion into Vietnam’s EEZ and lessons from
the past
South China Sea Showdown: China vs. Vietnam (Round 2)
Vietnam's South China Sea plea to Morrison
US accuses China of ‘coercion’ over Vietnam offshore
oil
Chinese ship inches closer to Vietnam coastline amid
South China Sea tensions
US Nobel Laureates for Hillary Clinton
Trump ‘suggested firing nuclear weapons at hurricanes
to stop them hitting US’, report claims
Jonathan Ward: China is building a military that's
designed for conflict with the U.S. and its allies
US, SE Asia to hold first ever joint maritime drill
Trump regrets not raising tariffs on China higher,
White House says
Cái mặt.
TIỂU
TỬ.
Phiet Pham
Con người
có cái mặt là quan trọng nhất. Thật vậy, nếu lấy cái mặt bỏ đi, tất cả những gì
còn lại trên thân thể sẽ không dùng vào đâu được hết, và cũng không còn tồn tại
được nữa. Không có mũi để thở, không có miệng để ăn…, con người không có cái
mặt là kể như “tiêu tùng”!
Trước khi
“đào sâu” cái mặt, xin mở dấu ngoặc ở đây để “vinh danh” tiếng Việt: phần lớn
những gì nằm trên cái mặt đều bắt đầu bằng chữ “m,” trên thế giới chưa có thứ
tiếng nào như vậy hết! Ðây, nhìn coi: trên mặt có mắt, mũi, miệng (mồm), má.
Ở “mắt” có
mày, có mi, có mí mắt, rồi mắt mụp, mắt mọng nước, mắt mơ màng, mắt mơ mộng,
mắt mờ, mắt mù…
Qua tới “mũi,”
ngoài “mùi” ra không thấy chữ “m” nào khác dính vào. Có lẽ tại vì cái mũi nó…
cứng khư, không… linh hoạt.
Ấy vậy mà
nó – cái mũi – và “chân mày” (cũng kém linh hoạt như cái mũi!) lại được đi kèm
với cái mặt để… hỗ trợ cho tiếng “mặt,” trong từ ngữ thông thường: “mặt mũi,”
“mặt mày,” làm như nếu nói “mặt” không, phát âm nghe… trơn lùi, nhẹ hểu không
lọt lỗ tai! Cho nên người ta nói “mặt mũi bơ phờ,” “mặt mày hốc hác,” chớ ít
nghe “mặt bơ phờ, mặt hốc hác.”
Bây giờ tới
“miệng” thì có môi, có mép rồi mồm mép, môi miếng, miệng méo, miệng móm, mím
môi, mếu máo, mấp máy, bú mớm, mút mấp…
Ðến “má”
thì ngoài “mụt mụn” chỉ có “mi một cái” là còn thấy chữ “m” nhè nhẹ phất phơ…
Tiếng Việt hay quá!
Trở về với
cái mặt. Ông Trời, khi tạo ra con người, ban cho cái mặt là một ân huệ lớn. Nhờ
có cái mặt mà con người nhận ra nhau, chồng nhận ra vợ, con nhận ra cha, biết
ai là bạn ai là thù v.v… Thử tưởng tượng một ngày nào đó bỗng nhiên không ai
còn cái mặt nữa. Nếu có sống được nhờ một sự nhiệm màu nào đó, thử hỏi con người
lấy gì để nhận diện nhau?
Chồng vợ,
cha con, bạn thù gì đều…xà ngầu. Vậy là loạn đứt! Cho nên xưa nay, người ta coi
trọng cái mặt lắm.
Có người
còn nói, “Thà chịu mất mạng chớ không bao giờ để cho mất mặt”! Vì vậy, rủi có
ai lỡ lời chạm tự ái một người nào thì người đó thấy bị…mất mặt, liền đưa một
nắm tay lên hăm he: “Thằng đó, bộ nó giỡn mặt tao hả? Tao phải dằn mặt nó một
lần cho nó biết mặt tao !”
Rồi, bởi vì
cái mặt nó… nặng ký như vậy, cho nên khi nói về một người nào, người ta chỉ
nhắm ngay vào cái mặt của người đó để mà nói. Nếu ghét thì gọi “cái bảng mặt”
(Cái mặt mà như tấm bảng thì thiệt tình thấy chán quá!
Thường nghe
nói, “Cái bảng mặt thằng đó tao coi hổng vô!”) Nếu hơi khinh miệt thì gọi “cái
bộ mặt” (“Thằng này có bộ mặt ăn cướp!”) Còn khi thương thì cái mặt trở thành
“cái gương mặt” (“Em có gương mặt đẹp như trăng rằm!”)
Chưa hết!
Khi nổi giận muốn… hộc máu, người ta cũng chỉ nhắm vào cái mặt của đối thủ chớ
không chỗ nào khác để “dộng một đạp”hay “cho một dao” hay “phơ một phát”
hay…“tạt một lon ác-xít”! Bởi vậy, xưa nay những người có “nợ máu” lúc nào cũng
sợ bị “nhìn mặt trả thù,” và hồi thời chống Pháp, những điềm chỉ viên đi nhìn
mặt “quân phản loạn” đều lấy bao bố trùm đầu để giấu mặt!
Con người,
khi nhìn người khác, lúc nào cũng bắt đầu ở cái mặt (Chỉ có người không… bình
thường mới nhìn người khác bắt đầu ở cái chân hay cái bụng hay cái lưng!) Ở đó
– ở cái mặt – ngoài cái đẹp cái xấu ra, còn hiện lên “cái mặt bên trong” của
con người. Các nhà văn gọi là “nét mặt,” nghe… trừu tượng nhưng suy cho kỹ nó
rất đúng.
Bởi vì chỉ
có cái mặt là… vẽ được cái nội tâm của con người thật đầy đủ. Cho nên mới có
câu “Xem mặt mà bắt hình dong” (hình dong ở đây là cái hình dong giấu kín bên
trong con người). Cho nên, trên sòng bài, các con bạc thường “bắt gân
mặt” nhau để đoán nước bài của đối thủ.
Cho nên mấy
“Giáo sư Chiêm tinh gia” lúc nào cũng liếc sơ cái mặt của thân chủ trước khi nâng
bàn tay lên xem chỉ tay, để... định mức coi “thằng cha này nó sẽ tin mấy phần
trăm những gì mình nói”! Thì ra, đời người không nằm trong lòng bàn tay như mấy
“thầy” đó nói, mà nó nằm ngay trên nét mặt!
Cũng bởi vì
cái mặt nó… phản động như vậy, cho nên các “đỉnh cao trí tuệ của ta” đã nâng
cao cảnh giác, ẩn mặt một cách… an toàn suốt giai đoạn đấu tranh “chìm”và chỉ
“xuất đầu lộ diện” khi toàn dân đã vùng lên nổi dậy. Và các “đồng chấy vĩ đại
của ta” thay tên đổi mặt lia chia để đánh lạc hướng kẻ địch, nay để râu, mai
thay tóc, mốt cạo đầu v…v....
Họ ôm khư
khư cái mặt để… ”quản lý” nó từng giây từng phút, chỉ sợ nó để lòi ra cái mặt
thật nhét giấu ở bên trong, riết rồi nó xơ cứng như mặt bằng đất. Ðến nỗi vào
bàn hội nghị quốc tế, các đối tượng không làm sao “bắt gân mặt” để “đi” một
nước bài cho ngoạn mục!
Ở đây, phải
nói thêm cho rõ là cho dù trong nội bộ với nhau – nghĩa là giữa “ta” và “ta” –
cái mặt vẫn bị quản lý y chang như vậy, bởi vì hành động đó đã biến thành “bản
năng” từ khuya!
Vì vậy,
đừng ngạc nhiên khi thấy sau Hội nghị, mới ôm “hôn nhau thắm thiết tình đồng
chấy” mà trên đường về lại khu bộ có cán bộ đã bị “bùm”hay bị “cho xe rơi xuống
hố” một cách rất… bài bản, để lại niềm “vô cùng thương tiếc” nằm trên vòng hoa
phúng điếu của người đã ra lệnh hạ thủ!
Có khi
chính “đồng chấy” này là người thay mặt tập thể, đứng ra… rớt nước mắt đọc điếu
văn! Ở đây, ông bà mình nói: “Phải muối mặt mới làm được như vậy.” Thật là chí
lý! Cái mặt đã muối rồi thì đâu còn sợ… bị thúi hay bị sình! Ta cứ tỉnh bơ thôi!
Bởi cái mặt
nó phản ảnh con người nên hát bội mới “dặm mặt“sao cho đúng với cái “vai“, để
khi bước ra sân khấu, khán giả nhận ra ngay “thằng trung, thằng nịnh, thằng
hiền, thằng dữ” v…v... Ngoài đời, không có ai dặm mặt, nhưng vẫn được người
khác “nhận diện” là : Thằng mặt gà mái, thằng mặt có cô hồn, thằng mặt... mẹt,
mặt mâm, mặt thớt, mặt hãm tài, mặt đưa đám, mặt trù cha hại mẹ, mặt... mo,
v…v….
Sau tháng
tư 1975, người dân miền Nam đã được Nhà Nước “vẽ lọ bôi hề” thành những khuôn
mặt… không giống ai, để đóng vai “nhân dân làm chủ” trên sân khấu cách mạng,
trong vở trường kịch “Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”!
Trên sân
khấu chánh trị Việt Nam bây giờ, trong cũng như ngoài nước, “đào kép” tuy không
dặm mặt như Nghệ sĩ hát bội, nhưng mỗi người đều có “lận lưng” vài cái mặt nạ
để tùy hoàn cảnh, tùy đối tượng mà đeo lên cho người ta “thấy mình là ai” (dĩ
nhiên không phải là cái mặt thật của mình). Rồi cũng “phùng mang trợn mắt hát
hò inh ỏi” một cách rất… tròn vai, làm “bà con đồng bào, đồng chấy, đồng hương”
cứ thấy như thiệt! Ðiểm đặc biệt là ông nào bà nào cũng muốn thiên hạ chỉ nhìn
thấy có “cái mặt của mình” trong đám bộ mặt đang múa may quay cuồng trên sân
khấu.
Vì vậy, họ
phải ráng bơm cho cái mặt của mình to bằng cái mâm (mặt mâm), cái nia, để thấy
họ mới đúng là… “Đại diện”! Chẳng qua là họ muốn tạo thời cơ để kiếm cho cái…
đít của họ một cái… ghế! Ðến đây thì vở tuồng trên sân khấu đang chuyển
sang lớp “gà nhà bôi mặt đá nhau”… Cái mặt đã trở thành “một vấn đề”!
Ðể chấm dứt
bài này, và cũng để được yên thân, xin phép độc giả cho tôi “vác cái mặt của
tôi đi chỗ khác”!
TIỂU TỬ.
Trung
Cộng TC giành đất với Úc.
Phiet Pham
Phiet Pham
Việc Trung Cộng đòi
hỏi chủ quyền ở Biển Đông đã vô lý, nhưng hành vi vô lý của nước này dường
như không có giới hạn:
Trung Cộng đang
chỏ mõm tranh giành quyền quản lý Nam Cực với Úc.
Tuyên bố ngày
26.7.2019 tại Hội nghị. Toàn cầu về Nam Cực tại Cộng hòa Czech, Trung Cộng
đòi được quyền quản lý khu vực núi tuyết “Dome A” mà Úc đã tuyên bố
chủ quyền.
Đây là vùng có độ cao
4000 mét so với mực nước biển, và là nơi tốt nhất trên trái đất để đặt trạm
Thiên văn quan sát không gian, mà hiện Trung Cộng muốn tiến hành “một
số công trình xây dựng” tại đây.
Nhưng vị trí này lại
là vùng nằm sâu trong vùng Úc đã tuyên bố chủ quyền, và Bộ Ngoại giao Úc đã bác
bỏ ngay lập tức, cho rằng: Đòi hỏi của Trung Cộng hoàn toàn vô lý, không có
điểm nào phù hợp với Hiệp định Nam Cực (Antarctic Treaty) mà thế giới đã đồng ý.
Từ lâu Úc đã khẳng
định chủ quyền của mình trên 42% diện tích Nam Cực dựa trên sự ràng buộc lâu
đời giữa lục địa Úc với lục địa Nam Cực, dựa trên những nỗ lực thám hiểm và
khám phá vào đầu thế kỷ 20. Úc cũng là một trong 12 nước đầu tiên ký vào Thỏa
ước Nam Cực vào năm 1959, theo đó phải giữ châu lục này thành vùng bảo tồn:
nghiêm cấm mọi việc khai thác mỏ, và đặt căn cứ quân sự.
Phát biểu hôm
26.7.2019 tại Hội nghị trên, ông Tony Press, cựu Cục trưởng Nam Cực của Úc
(Australian Antarctic Division), khẳng định rằng: Dome A hoàn toàn
nằm trong vùng chủ quyền của Úc, và không ai có quyền điều đình để
đòi quyền hoạt động.
Tham vọng của Trung
Cộng:
Tham vọng này bộc lộ
rõ nhất từ Giáng Sinh năm 2013, khiến cả thế giới chú ý, sau khi tàu Nga và Trung Cộng bị kẹt tại Nam Cực,
phải nhờ đến tàu Úc, và tàu Mỹ giải cứu.
Thoạt đầu tàu khảo cứu
khoa học Akademik Shokalskiy của Nga đến Nam Cực, bị mắc kẹt trong băng ngay
trước lễ Giáng Sinh (24.2.2013). Tàu Akademik Shokalskiy chở tổng cộng 74
người, bị mắc kẹt tại vị trí cách Tasmania hơn 2,700 km về phía Nam, cách trạm
Nghiên cứu Dumont D’Urville của Pháp ở châu Nam Cực khoảng 185 km.
Thế là Trung Cộng “ra
tay anh hào”. Để chứng tỏ vai trò cường quốc, và sự “hiện diện tích cực” của
mình tại Nam Cực, Trung Cộng lập tức điều tàu phá băng Tuyết Long đến giải
cứu.
Tuy nhiên ngày
3.1.2014 tàu này bị một tảng băng trôi dài một cây số kẹp cứng, thúc thủ tại
chỗ phải báo động cầu cứu. Tàu Úc đến cứu nguy cho Thủy thủ đoàn trước, và mãi
đến ngày 7.1.2014 tàu này mới thoát khỏi lớp băng dày, và ngày 13.1.2013 mới về
đến được cảng Bluff, ở cực Nam New Zealand.
Sự lăng xăng của Trung
Cộng – là quốc gia thuộc Bắc Bán Cầu – tại Nam Cực cho thấy:
Vùng địa giàu tài nguyên này đang bị cường quốc già xổi, nhưng đói
tài nguyên này nhỏ dãi thèm thuồng.
Biết mình không có địa
thế thuận lợi trực tiếp đối với Nam Cực, nên Trung Cộng đã tìm cách đi đường
vòng để tham gia vào cuộc chạy đua, và từ bây giờ đã chuẩn bị cho tương lai xa.
Nếu khẩu hiệu
về “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng
tới tương lai” bị người Việt Nam sửa chữa để diễn tả đúng bản chất
là:
“Láng giềng khốn nạn,
cướp đất toàn diện, lấn biển lâu dài, thôn tính tương lai” thì những gì Trung Cộng đang làm tại Nam
Cực cũng có thể diễn tả bằng ý tương tự: “Mua chuộc đường vòng, chuẩn
bị đường dài, thôn tính tương lai.”
Tại Biển Đông, Trung
Cộng luôn bác bỏ Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS), và trưng dẫn
những về “bằng chứng lịch sử” mơ hồ để đòi hỏi “chủ quyền lưỡi bò”, thì tại Nam
Cực, Trung Cộng làm điều ngược lại.
Tại đây Trung Cộng
luôn viện dẫn UNCLOS, và không ngó ngàng gì đến những “bằng chứng lịch sử” của
một nước cận cực như Úc.
Hiện tại, giới Học giả
Trung Cộng đã gân cổ lên cãi rằng: Theo UNCLOS thì Nam Cực là tài sản
chung của nhân loại, mà Trung Cộng cũng là… một phần của nhân loại, do đó hoàn
toàn có quyền hưởng lợi.
Hiện tại Trung Cộng là
nước làm ô nhiễm khí quyển hàng đầu thế giới, nhưng luôn luôn làm ngơ
trước vận động ấn định hạn ngạch khí thải để giảm hiện tượng biến đổi khí
hậu, vì điều này sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế của mình.
Trong khi đó thì Trung
Cộng lại la làng về hậu quả của biến đổi khí hậu, kêu ca rằng: Hiện tượng
này gây ảnh hưởng đến tình trạng an ninh lương thực của Trung Cộng, đặc biệt là
lũ lụt ở vùng duyên hải ngày càng cao hơn.
Theo lập luận này thì
thiệt hại này là do băng tại Nam Cực và Bắc Cực tan ra khiến nước biển dâng
cao, mà nếu Trung Cộng đã bị thiệt thòi do những tác động từ hai địa cực này,
thì Trung Cộng cũng phải được chia phần từ mối lợi từ hai địa cực!
Nhưng nói theo lý lẽ
này thì nước Úc phải hưởng phần lớn nhất tại Nam Cực. Nếu Nam cực đang bị tan
băng thì nước Úc đang bị đe dọa hơn ai hết.
Song song với trò đánh
giặc miệng, Trung Cộng đã tăng cường hoạt động nghiên cứu để chứng tỏ sự hiện
diện của mình tại Nam cực.
Khi xảy ra vụ tàu
Tuyết Long, thì truyền thông Úc dẫn số liệu từ năm 1985 đến năm 2012, ghi nhận
rằng: Trong khi tiến hành chỉ 5 cuộc thám hiểm Bắc cực, Trung Cộng lại
thực hiện đến 28 cuộc thám hiểm Nam cực, và đã bỏ tiền ra sắm hai tàu phá băng.
Ngoài ra, Trung Cộng
hăng hái đưa Đại diện tham gia vào các hoạt động nghiên cứu và hội thảo: Ở đâu
có vấn đề khoa học liên quan đến Bắc cực và Nam cực là ở đó có Trung
Cộng.
Để làm được điều này,
Trung Cộng đang đầu tư mỗi năm khoảng 60 triệu Mỹ kim cho việc nghiên cứu
địa cực, và xây dựng một Trung tâm nghiên cứu Bắc cực – Bắc Âu ở Thượng Hải.
Chính vì thế nên từ
lâu giới Nghiên cứu Chiến lược Úc đã lên tiếng báo động, cho rằng: Chính
phủ Liên bang phải coi chừng, bằng không sẽ đánh mất vị trí dẫn đầu của mình
tại lục địa Nam Cực và mất dần quyền lợi.
Cuối năm 2016 ông Anthony
Bergin, Phân tích gia của Viện Chính sách Chiến lược Úc (Australian Strategic
Policy Institute: ASPI) báo động là Nga và Trung Cộng đang tính chuyện lâu dài,
đặt nền móng cho tham vọng khai thác tài nguyên ở đây, và nếu chính phủ tiếp
tục cắt giảm mãi ngân sách cho việc nghiên cứu Nam cực, vị thế của Úc sẽ lỏng
lẽo dần.
Điều đáng nói là năm
2014, chính Úc đã có hành động “nuôi ong tay áo” khi mở cửa cho Trung Cộng tiến
vào Nam Cực.
Đó là năm 2014 khi Úc
và Trung Cộng ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về tăng cường hợp tác ở Nam Cực. Văn
kiện này được Tổng trưởng Môi sinh hai nước ký tại Hobart, khi Chủ tịch Trung
Cộng Tập Cận Bình tới thăm Tiểu bang Tasmania ngày 18.11.2014.
Lúc đó nguyên Tổng
trưởng Môi sinh Greg Hunt cho biết: Thỏa thuận mới bao gồm cam kết sử
dụng Tiểu bang Tasmania, như là một cửa ngõ vào Nam Cực.
Cảng biển ở thành phố Tasmania
đã được các tàu quốc tế sử dụng để chuẩn bị cho hành trình tiến về phương Nam
làm công tác nghiên cứu.
Nam Cực và Châu Nam
Cực:
Nam Cực là điểm cực
Nam, nơi giao nhau của các đường kinh tuyến, là điểm xuyên tâm đối của Bắc Cực.
Còn Châu Nam Cực
(Antartica) là lục địa nằm xung quanh điểm cực Nam này, bao bọc xung quanh là
Nam Băng Dương. Châu Nam Cực rộng 14 triệu cây số vuông, và là là lục địa lớn
thứ năm về diện tích sau châu Á, châu Phi, Bắc Mỹ, và Nam Mỹ.
Khoảng 98% bề mặt châu
lục này được bao phủ bởi lớp băng có bề dày trung bình là 1.9 cây số. Đây là
lục địa lạnh nhất với nhiệt độ có lúc xuống đến −89 °C, khô nhất, nhiều gió
nhất, và có độ cao trung bình cao nhất trong tất cả các lục địa.
Không có cư dân bản
địa tại đây, nhưng hàng năm vẫn có khoảng từ 1,000 đến 5,000 người làm việc,
chủ yếu là các Khoa học gia và nhà Khí tượng học. Tại đây chỉ có các vi sinh
vật và thực vật chịu lạnh trong đó có chim cánh cụt, hải cẩu, và gấu nước.
Hiệp ước Nam cực
(Antarctic Treaty) được 12 quốc gia ký ngày 1.12.1959 tại thủ đô
Washington. DC của Mỹ, đưa ra những quy định để bảo vệ toàn bộ vùng đất và khối
băng từ vĩ độ 60 Nam đến điểm cực Nam.
Mười hai quốc gia đầu
tiên là Mỹ, Argentina, Úc, Bỉ, Chile, Pháp, Nhật, New Zealand, Na Uy, Nam Phi,
Liên Xô, và Anh.
Đây là những nước tích
cực tham gia hoạt động trong Năm Vật lý Địa cầu Quốc tế (International Geophysical
Year – IGY) 1957-58, họ đã chấp nhận đề nghị của Mỹ về một giải pháp quốc
tế cho Nam Cực cho mục đích nghiên cứu khoa học, và nghiêm cấm các hoạt động
quân sự.
Kể từ đó các quốc gia
này đã thiết lập hơn 50 trạm nghiên cứu tại châu Nam Cực.
Ra đời trong hoàn cảnh
Chiến tranh Lạnh, đây là điều ước kiểm soát vũ trang đầu tiên, và biểu tượng
cho sự thành công ngoại giao. Hiệp ước này chính thức có hiệu lực vào năm 1961,
và đến nay có 47 quốc gia thành viên tham gia với các Hiệp định bổ sung, gộp thành
Hệ thống Hiệp ước Nam Cực (gọi tắt là ATS Antarctic Treaties System). Từ tháng
9 năm 2004, Thư ký đoàn của Hiệp ước Nam Cực có trụ sở tại Buenos Aires,
Argentina.
Mục tiêu chính của hệ
thống Hiệp ước là bảo vệ lợi ích của nhân loại tại châu Nam Cực, và chỉ khai
thác cho các mục đích hòa bình, và tránh biến khu vực này thành nơi tranh chấp
quốc tế. Hiệp ước nghiêm cấm bất cứ biện pháp có tính chất quân sự, cho phép sự
xuất hiện của lực lượng quân đội khi cần thiết.
Hiện đã có một số quốc
gia tuyên bố chủ quyền tại đây gồm: Argentina, Úc, New zealand, Chile, Pháp, Na
Uy, Anh.
Nam Cực bị đe dọa:
Bằng kiến thức khoa
học phổ thông, ai cũng biết rằng: Nam cực lạnh hơn Bắc cực. Bắc cực là
một biển phủ đầy băng đá, trong khi đó thì Nam cực là một lục địa rất lớn gọi
là “đại lục thứ bảy” của thế giới, có diện tích khoảng 14 triệu cây số vuông.
Nếu như lớp áo
băng Nam cực dầy trung bình khoảng 1,700 mét, thì ở Bắc cực lớp băng này chỉ
dày từ 2 đến 4 mét mà thôi. Lý do là vào mùa hè, một phần băng tan ra nước, và
nước hút nhiều ánh sáng Mặt Trời hơn so với tuyết, vì nước đá vốn phản chiếu
ánh sáng mạnh.
Vì nước có khả năng
cầm trữ nhiệt nên làm băng tan. Vì thiếu nước nên Nam cực có khả năng giữ nhiệt
rất kém, có lớp băng dày nhiều kilômet, nằm trên một nền đá và lục địa khổng lồ
này, với nhiều núi cao, bị cô lập với ảnh hưởng đại dương trở thành nơi lạnh
nhất trên Trái đất.
Suốt một thời gian
dài, giới Khoa học chỉ báo động nguy cơ tan băng tại Bắc cực, vì tình trạng ấm
lên của trái đất chứ không hề đề cập tới Nam cực. Tuy nhiên từ năm 2009, các
nhà Khoa học Mỹ đã sử dụng những số liệu mà vệ tinh đo được cho thấy Nam cực
đang ấm lên.
Theo đó thì tình trạng
ấm lên của Nam cực xuất phát từ những xáo trộn ở tầng điện ly (ozone), tạo ra
một lỗ thủng ở đây.
Năm 2014 giới Khoa học
Úc báo động về một mối đe dọa khác. Ông Martin Riddle, một nhà Môi trường học
hàng đầu của Úc, cho hay: Nam Cực cần phải được bảo vệ tốt hơn để khỏi bị
phương hại vì số khách du lịch, và các nhà Nghiên cứu đổ đến nơi này càng lúc
càng nhiều.
Ông Riddle cho biết:
Sự hiện diện của con người, vốn đang mỗi lúc một nhiều, đang đe dọa tình
trạng đa dạng sinh học độc đáo của Nam Cực. Đây được xem là một trong những khu
vực hoang dã thực sự cuối cùng của Trái đất, hoàn toàn không bị ảnh hưởng của
sản xuất nông nghiệp, khai thác tài nguyên, phát triển đô thị, đồng thời cũng
là địa điểm được bảo vệ như một khu bảo tồn thiên nhiên.
Ông phát
biểu: “Thậm chí việc đi trên thảm rêu sẽ để lại dấu chân, và dấu chân này
sẽ tồn tại trong nhiều thập niên, nếu không nói là hàng thế kỷ !”.
Hơn 40 ngàn người đã
tới thăm viếng Nam Cực mỗi năm, và số này ngày càng phát triển trong lúc có
thêm nhiều cơ sở Nghiên cứu đang được xây dựng. Trong khi đó hầu hết các hệ
thực vật và động vật ở Nam Cực đều tập trung ở vùng ven biển không đóng băng
của lục địa này, vốn là nơi đa số người dân đến thăm.
Nghị định thư Madrid
đặt ra những điều khoản cho Khu Bảo tồn Đặc biệt; tuy nhiên một nghiên cứu mới
cho thấy: Chưa tới 2% khu vực không đóng băng được bảo vệ đầy đủ.
Nghiên cứu kết luận
rằng: Cần phải bảo vệ tốt hơn những khu vực này; tuy nhiên các nhà Nghiên
cứu lo ngại rằng: Có thể sẽ mất nhiều năm trước khi người ta thực hiện
bất kỳ hành động bảo vệ nào.
Bây giờ thì Nam cực
còn bị đe dọa bởi tham vọng của Trung Cộng, là nước khét danh về
“tài” đến đâu là xả rác đến đó.
Trung Cộng đang đe dọa
Nam cực về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, khi đang ráo riết thực hiện các
cuộc “nghiên cứu khoa học” để chứng tỏ rằng mình cũng có quyền chia phần nơi đó.
Phạm Đức Đồng Hùng.
Hết.
NGƯỜI HẠ SĨ NHỨT
Nguyễn Vô Danh
Phiet Pham
Mọi chuyện dường như là có sự sắp đặt. Trong cuộc đời
tui, bao nhiêu lần vào sanh ra tử, cứ tưởng là sắp đi thăm ông bà ông vải,
nhưng lại chưa. Bà xã, thỉnh thoảng vẫn chọc quê, "Nghèo mà ham; anh tưởng
muốn đi là đi hả? Tui chưa cho anh đi thì hổng được đi đó. Nghe chưa?".
Chuyện tình duyên thì cũng rụp, rụp, rụp - ý tui muốn nói là suôn sẻ đó. Còn
chuyện người anh kết nghĩa thì như trên trời rớt xuống. Đúng là người tính hổng
bằng Trời tính mà. Tía hay nói như dzậy.
Nói xa nói gần hổng bằng nói thiệt tui là con một
trong gia đình nông dân nghèo. Nghe Má kể lại thì lúc được 1 tuổi rưỡi, tui bị
bịnh ban gì đó, mà hai thầy thuốc Nam trong miệt cồn Dừa (tỉnh Phong Dinh) này
đều bó tay. Tía bằng lòng bán miếng ruộng duy nhất của gia đình để có tiền đưa
tui lên Sài Gòn chữa bịnh, nhưng đường đi quá cực khổ, và có thể tui sẽ chết
trên đường trước khi tới nhà thương, thành ra lại phải trở về khi đi chưa được
một phần năm đường. Hổng lẽ ngồi khoanh tay nhìn con mình chết, Tía nghe người
ta mách hái mấy lá gì đó trộn với xả nấu cho tôi uống. Uống xong, nghe Má kể lại,
tôi giựt giựt mấy cái rồi nằm xụi lơ, rồi ngủ luôn 2 ngày. Khi tui thức dậy, Má
khóc quá trời vì quá mừng. Qua được cơn bịnh này thì tui hơi chậm lớn và cũng
hơi chậm nói - nghe Má nói như dậy. Giờ ngồi nghĩ lại thấy thương ổng bả quá trời.
Khi được 5 hay 6 tuổi tui hay theo Tía ra đồng coi dùm
Tía mấy cái cần câu trong lúc ổng làm ruộng. Ngồi hổng có gì làm, tui thường lượm
gạch hay sỏi để chọi chim, rắn hay chuột đồng. Nhiều hôm tui chọi trúng được
vài con chuột hay chim đem về cho Má nướng. Còn cá trê Tía câu Má kho tiêu ngon
lắm. Thỉnh thoảng Tía uống rượu đế với mồi cá kho tiêu, và khi uống rượu Tía
nói nhiều hơn mọi ngày. Phải nói là cuộc sống khá êm đềm.
Tới 8 tuổi tui mới đi học, nhưng tui học dở lắm, chắc
là tại quá ham chơi. Khi rảnh tui làm ná bắn chim (thay vì chọi đá như hồi nhỏ).
Tui cũng hay chơi bắn bi với tụi nhỏ hàng xóm. Phải nói là tui dùng ná rất giỏi
vì ngày nào tui cũng đem chim, vịt trời hay chuột về cho Má làm đồ ăn. Khi bắn
bi cũng vậy, tụi bạn thua tui dài dài, thành ra có tiền mua bánh tráng, xôi với
cà lem ăn. Chỉ có học là tui dở thôi. Học đó rồi quên đó. Phải học lớp Năm đến
2 hay 3 lần mới được lên lớp Tư.
Có lần tan học, trên đường về, tui theo bạn bè vào vườn
mía đỏ bỏ hoang (thân mía màu ưng đỏ hồng, mềm và ngọt khỏi chê luôn). Muốn được
mía lớn tui phải đi tuốt vô trong sâu. Đang kéo chiến lợi phẩm ra, thì tui thấy
đau điếng dưới chưn. Nhìn xuống thì trời ơi, một con trăn bự đang cắn chặt vô
cái bắp chuối. Tui cố kéo chưn ra nhưng hổng xong vì con trăn mạnh quá. Thân nó
trườn tới và quấn luôn chưn kia. Biết là hổng xong nếu tiếp tục cá đà này, tui
la cầu cứu nhưng vì ở tuốt trong sâu, hổng ai nghe. Hai chưn bị trăn cột xiết rồi,
tui ngã xóng xoài - chuyện đi thăm ông bà là cầm chắc trong tay. Hai chưn đã tê
cứng. Chợt nghĩ tới Tía và Má, tui như bừng tỉnh và quơ đại cái cặp táp. Đang
dùng cái cặp táp da đập vô đầu con trăn, cây viết văng ra. Tui dùng cây viết
đâm túi bụi vào mắt con trăn. Đâm hết mắt này rồi đâm qua mắt kia. Chắc là bị
tui đâm khá sâu vào mắt, con trăn tự nhiên nhả chưn ra, lăn lộn, hổng xiết nữa,
và bò đi nơi khác. Hôm đó Má khóc nhiều lắm. Má cứ lẩm bẩm cám ơn ông bà che chở.
Má nói là cái số tui chưa rụng. Tía tới vườn mía hoang và bắt được con trăn mù
cổ bà chảng. Đem ra chợ bán thịt được gần hai chục đồng. Lúc đó 1 lượng vàng chỉ
có 65 đồng. Tía nói sẽ dùng tiền này cho tui khi đi học xa, hay lúc cưới vợ.
Tía cấm hổng được đi vô rừng mía đó nữa. Nói cho cùng, sau cái vụ trăn quấn thì
có cho tiền tui cũng hổng dám vô.
Tui học ạch đụi tới năm 15 tuổi mới học xong lớp Nhứt.
Thấy tôi học chậm, Tía cho tui ở nhà phụ làm rẫy. Mùa hè năm sau nhóm trẻ tụi
tui đá banh thắng nhóm bên cồn Cát 3-2. Tui đá vô gôn luôn 2 trái trong vài
phút chót vì tui chạy lẹ lắm. Được 80 đồng phần thưởng, tui dẫn "đội banh
nhà" ra chợ ăn gỏi đu đủ và uống nước mía. Thắm, cô bán nước mía, nhận ra
tui, nhưng tui hổng nhận ra cổ. Hỏi ra mới hay là tui học cùng lớp với Thắm 6
năm trước. Cổ khác hẳn con nhỏ ốm nhom, đen thui hồi đó. Thắm giờ có da có thịt,
da bánh mật, nói chuyện có duyên, và biết buôn bán. Sau lần đó, tụi tui kết
nhau. Đưa Thắm về nhà, Tía và Má mừng lắm. Má nói là Má luôn muốn tui có người
anh để giúp đở bảo bọc vì tui chậm chạp và thật thà. Nay có người bạn đời giỏi
như Thắm đến với tui, Má vui lắm. Tám tháng sau, tụi tui lập gia đình. Khoảng 1
năm sau khi cưới vợ thì tui phải nhập ngũ.
Chỉ sau vài tháng trong Quân Trường Quang Trung, vì được
nhiều sự chú ý của các huấn luyện viên cao cấp bởi tui chạy đua rất mau (chắc
vì muốn thắng đá banh để có tiền mua nước mía), và tui bắn súng hết xẩy (hay là
vì chọi đá bắt chuột, dùng ná bắn chim, bắn bi kiếm tiền mua đồ ăn ... hồi nhỏ),
tui được huấn luyện đặc biêt để trở thành xạ thủ. Khi mãn khóa ở Quang Trung,
tui được chuyển đi Kontum với cấp bực binh nhì trong đội Biệt Kích. Nhiệm vụ của
tui là trốn trên những đồi cao có nhiều cây, quan sát, truyền tin và bắn tẻ khi
được lịnh. Có khi tui đi chung nhóm 3 hay 5 người, và có khi chỉ có mình ên.
Thường được thả trên rặng Trường Sơn vào những đêm sương mù dầy đặc.. Những lúc
đi xa, tui nhớ Thắm, nhớ Má và Tía lắm. Cái sướng của công việc này là tui dùng
sở trường của mình (chạy mau và bắn giỏi) để phục vụ đất nước. Tui cũng khoái vụ
trốn trên núi cao vì hồi nhỏ thích chơi Năm Mười. Xếp tui dặn là bất cứ ai hỏi
thì tui phải nói tui là lính kiểng gác kho gạo trên Đà Lạt. Mà cũng hay, vì sau
khi núp trên núi vài tháng nên da trắng và tóc dài, tui dòm cũng giống lính kiểng
lắm chớ bộ. Sau mỗi lần đi công tác vài tháng tui được nghỉ phép cả tháng với rất
nhiều tiền (hình như là tiền tử) khi về thăm gia đình. Tiền bạc dồi dào, tui
mua đồ cho mọi người mút chỉ. Vì vậy bạn bè, hàng xóm thương, che chở và giúp đỡ
tui.
Lần đó sau khi về thăm nhà chưa được 2 tuần lễ, tui bị
gọi về gấp vì có chuyện lớn. Đi lẹ ra Ô Môn, vô sân bay Trà Nóc, bay thẳng về
KonTum để nhận lịnh. Trước khi được điều động lên một địa điểm bí mật trên rặng
Trường Sơn để thăm dò như các lần trước, tui được dặn là phải cố gắng nhiều vì
2 đồng nghiệp Biệt Kích (BK) đã mất tích trong vùng đó. Điều may mắn lần này là
tui tìm được 2 người BK kia không xa nơi đáp xuống. Một người đang bị bịnh. Máy
truyền tin bị hư, và đạn dược thiếu thốn tại một số lớn quân nhu bị rớt mất khi
thả dù. Tụi tui núp trong 1 hang núi có nhiều cây rậm rạp. Điều không may mắn lần
này là tụi Việt Cộng biết được sự có mặt của nhóm BK vì họ tìm ra số quân nhu
và dụng cụ bị rớt. Họ lùng kiếm ráo riết. Để được an toàn, tụi tui im hơi lặng
tiếng và chỉ bắn khi thiệt cần. Sau cùng cũng phải bắn trả vì tụi nó tới quá gần,
nhưng tụi tui bắn thật ít vì thiếu thốn đạn dược. Tụi Việt Cộng dù đông hơn,
nhiều đạn hơn, nhưng hổng dám mạnh dạn tiến lên vì họ ở vị trí dưới thấp, trong
khi nhóm tụi tui phía trên cao bắn xuống phát nào trúng phát nấy. Cầm cự được
hơn 6 tiếng đồng hồ, thì nhóm tui gần như hết đạn. Chỉ còn vài trái lựu đạn để
tử thủ. Tui không nghĩ là mình qua được con trăng này. Nghĩ tới Thắm, Tía và
Má, tui chạnh lòng. Trong cơn nguy hiểm như chỉ mành treo chuông, bỗng nhiên
máy bay trực thăng tiếp cứu tới. Máy bay phải đánh đông phạt tây (điệu hổ ly
sơn) và dùng hỏa mù để cứu nhóm tui.. Trong phi vụ này, tui bị thương vì té gẫy
tay và được đưa về Chẩn Y Viện Cộng Hòa điều trị. Sau thời gian dưỡng thương, tại
tay hổng còn khỏe và chính xác như ngày trước, tui được chuyển về 1 quận lỵ nhỏ
gần Suối Dây, tỉnh Tây Ninh với cấp bực Hạ Sĩ Nhứt và giã từ cuộc sống BK Đặc
Biệt từ đó.
Khoảng 4 tháng sau thì Thiếu Úy Đức (TUĐ) người Bắc tới
làm Phó quận trưởng. Tui được lựa làm gạc đờ co (bảo vệ) cho ông Phó. Vài lần
đang lái xe jeep chở ông Phó đi quan sát ngoài biên giới quận thì tụi Việt Cộng
bên kia rừng Tràm bắn lén. Vừa nghe tiếng nổ là tui phản xạ đẩy TUĐ nằm xuống,
che cho ông, và cùng lúc tui nhả hàng loạt đạn về phía tiếng nổ. Sau vài lần
như vậy, tui được tin cẩn hơn và trở thành cánh tay trái của ổng. Tui luôn
khuyên ổng phải cẩn thận, vì đây là vùng xôi đậu không biết ai là địch, ai là
thù. TUĐ là thượng cấp, nhưng ổng cũng xem tui như người nhà. Một lần đưa ổng
đi xem nhà cửa của dân làng do nhóm lính sửa chữa, TUĐ gặp cô Hân (con gái bà
chủ căn nhà ở cuối quận, kế bên con sông nhỏ ngăn cách khu rừng Tràm âm u bên
kia). Theo như tui thấy thì hình như lúc gặp cô Hân, TUĐ bị tiếng sét ái tình
hay sao đó vì ổng đứng như trời trồng và nói năng lắp bắp. Thấy kỳ quá, thêm nữa
khu này nguy hiểm khi trời sâm sẩm tối, tui nói thay cho ổng:
- Trễ rồi, Thiếu Úy. Mình phải đi dzề. Chào cô.
Cô Hân đẹp, ăn nói khéo léo, ... chắc là người bên
kia, gài lại đây. Tía của cô vắng mặt. Hay là ông ta đã tập kết ra Bắc? Thêm nữa,
tên Ba Thọt (ở đối diện nhà cô) - một người có tiểu sử và hành động rất khả
nghi - thường qua lại nhà cô thăm viếng.
Mỗi sáng khi cô Hân đi làm ngang văn phòng quận, tui
thấy cô cố tình đi chậm lại. Hay là cô đang nghe ngóng tin tức? hay là xem cá
có cắn câu chưa? hay là đang dò sét tình hình trong văn phòng quận để tường
trình cho phe bên kia?... Hàng trăm câu hỏi, nhưng hổng có câu trả lời. Thôi, tốt
nhứt là đề phòng thì vẫn hơn.
Vài tháng sau, Kontum, Ban Mê Thuột và nhiều vùng cao
nguyên thất thủ. Rồi Bảo Lộc-Madagui vào tay bọn qủy đỏ, ... Một buổi chiều
tháng tư, tụi Việt Cộng đem xe tăng, súng lớn tới tấn công quận. Đại Úy Long quận
trưởng mất tích. TUĐ và các anh em quân đội tụi tui liều chết bắn chặn quân địch.
Trước hỏa lực quá mạnh của địch, lực lượng tiểu đoàn phòng thủ quận tan rã. Kẻ
chết, người bị thương, người chạy trốn.. Tui và TUĐ đều bị thương nhẹ. Cùng đường,
hai thầy trò chạy về phía cuối quận. Đinh ninh là Ba Thọt hay cô Hân sẽ chờ để
bắt sống hay thanh toán tụi tui ở đó, tui cầm chắc khẩu tiểu liên sẳn sàng mạng
đổi mạng. Khi chạy tới gần con sông cuối quận (gần nhà cô Hân), TUĐ ngã quỵ vì
kiệt sức. Đang đỡ TUĐ lên, thì cô Hân chạy ra mở cửa rào ra dấu cho tụi tui vào
nhà gấp. Khi vào trong, cô băng bó cánh tay của TUĐ. Cô đưa cho tụi tôi 2 nắm
cơm và ít nước lạnh để ăn cầm hơi. Trong lúc tui và TUĐ ăn, cô lấy 2 ruột xe đạp,
bơm lên, và đưa cho tụi tui. Cô ta chỉ tay vào con sông sau nhà:
- Hai anh thả nổi chừng 8 hay 9 cây số tới nhà thờ Suối
Dây. Nhớ tìm người linh mục gốc Nam Định xin giúp đỡ. Chừng nào khỏe lại thì
đi. Nếu tình hình lộn xộn quá, thi trốn qua Kampuchia. Hai anh đi cho lẹ trước
khi họ tới đây.
Lúc đó tui mới biết là mình sai. Cô Hân là người ơn,
chứ không phải là vẹm như tui nghĩ. Món nợ cứu mạng này lớn lắm.
Khi tụi tôi xuống sông thì trời đã tối. Nương theo
dòng nước hai thầy trò tới nhà thờ Suối Dây khoảng 2 giờ sáng. Người Linh Mục dấu
tụi tui ở đó gần 3 tuần lễ dưỡng thương. Khi gần như hồi phục hoàn toàn, TUĐ và
tui chia tay. Hôm đó cả hai đều khóc. TUĐ nghẹn ngào:
- Hạ Sĩ Nhất Sơn. Tôi bao giờ cũng xem chú ... như người
nhà. Cám ơn chú ... đã làm việc với tôi trong 2 năm qua, và ... đã giúp đỡ tôi
trong cơn hoạn nạn này. Nếu còn duyên thì anh em mình sẽ gặp lại.
Sau khi từ giã TUĐ và người Linh Mục, tui về Cần Thơ
đoàn tụ với gia đình. Mất mấy ngày mới về tới Sài Gòn. Thành phố giờ có tên mới
-cái tên của kẻ sát nhơn. Tui hổng quen dùng cái tên mới đó. Phải mất thêm cả
tuần nữa mới quá giang về đến cồn Dừa vì xe cộ bị đình trệ sau ngày đổi đời -
cái ngày mà hàng vạn người vui, nhưng hàng triệu người buồn. Khi bước vô nhà,
Má bật khóc vì quá mừng. Thắm thấy tui tiều tụy quá cũng khóc.. Tía thì nhờ người
hàng xóm đi mua ít đồ ăn mừng ngày đoàn tụ.
Hai hôm sau, 3 người Công An tới nhà chỉa súng bắt tui
đi lên xã. Xã trưởng là 1 tên Bắc Kỳ răng hô mã tấu với khuôn mặt khắc khổ nhăn
nheo như cái mền rách. Hắn đập bàn đánh phủ đầu với giọng Bắc đặc sệt:
- Mày có biết tội phản động làm việc cho CIA cũa Mỹ Ngụy
nặng như thế nào không? Tội ác của mày lớn lắm. Mày có nợ máu với nhân dân.
- Thưa đồng chí xã trưởng ...
- Ai là đồng chí với bọn phản động như mày.
- Dạ thưa xã trưởng. Tui chỉ là lính kiểng gác kho ở
Đà Lạt. Tui có bắn giết ai đâu?
- Tao có hồ sơ của mày. Đừng chối cãi nữa. Nhận tội
đi. May ra được Đảng khoan hồng.
- Thưa Xã Trưởng, chắc là có người trùng tên, chứ tui
đâu có làm gì như dậy.
- Giam thằng này lại. Đồ ngoan cố, mất dạy. Tuần tới
đưa nó lên phòng Công An tỉnh để giải quyết.
Tui bị nhốt 8 ngày trước khi bị chuyển lên ty Công An
tỉnh Cần Thơ. Khi vào gặp Trưởng phòng Công An, tui không dè đó là thằng Huân
trong đội đá banh ngày nào. Nó ăn gỏi đu đủ bò khô và uống nước mía với tui sau
các trận đá banh vài lần. Thêm nữa mỗi lần tui về thăm nhà, tui đều có mua đồ
cho thằng Huân và cho dì Tám má nó. Tui cũng nói là làm lính kiểng trên Đà Lạt,
khi nó hỏi.
Thằng Huân nhận ra tui ngay. Tui chỉ trả lời bằng những
gì mà Xếp cũ của tui dặn nói. Tui đổ thừa là có người trùng tên. Nhờ thằng Huân
dễ dãi, tui thoát nạn.
Tui đi cải tạo mấy ngày dành cho Hạ Sĩ Quan. Sau đó được
"khoan hồng" về làm rẫy với gia đình ở Cồn Dừa.
Xã hội dưới tay đảng CSVN xuống dốc như xe hổng thắng.
Ai cũng nghèo, đói, và khổ cực. Gia đình tui làm rẫy, cũng bữa đói, bữa no,
nhưng đỡ hơn nhiều người. Tui lại bắn chim sẻ, vịt trời như hồi nhỏ. Tiếp tục bắt
chuột đồng, bắt cá lóc hay cá trê dưới ruộng làm khô lén để dành cho những ngày
mưa gió. Hai năm sau Thắm cho gia đình tui 1 tin vui là thằng con trai đầu
tiên. Rồi năm sau nữa thì thằng thứ hai. Khi miếng ruộng duy nhất của gia đình
bị sung công, Tía rầu rĩ sanh bệnh và ra đi năm sau đó. Mất đất trồng trọt, gia
đình dọn về Ô Môn năm 1979. Vợ chồng tui làm công làm mướn bất cứ thứ gì ở chợ
Ô Môn để kiếm tiền.
Đã 8 năm từ ngày rời Suối Dây, tui hổng có tin tức gì
về Thiếu Úy Đức (TUĐ). Tình cờ năm 1983 khi đi mua bán đồ ở chợ Cái Răng, tui gặp
Đại Úy Long (ĐUL) Quận Trưởng năm nào. ĐUL mới được thả về từ trại cải tạo trước
đó 6 tháng, và còn đang bị quản chế. Đi đâu cũng phải xin phép và trình diện mỗi
tuần. Thấy tình trạng ĐUL thảm quá, tui cho ổng 1 con khô mực và nửa ký gạo dấu
trong sách tay. ĐUL nói là có gặp TUĐ trong tại cải tạo mùa thu năm 1977. Khoảng
2 năm sau, nghe nói là TUĐ vượt ngục rồi bị bắn chết ở gần biên giới Lào làm
gương cho kẻ khác. ĐUL cũng cho biết là khi được thả, trên đường về ổng nghỉ 1
đêm tại quận lỵ ngày xưa vì không còn xe về Sài Gòn. Quận tiêu điều lắm. Tui hỏi
về mấy người ở cuối quận kế bên con sông nhỏ. ĐUL nói là 2 căn nhà đó đã bỏ
hoang, xiêu vẹo, không người ở. Nghe làng xóm nói là bà già (má cô Hân) đã chết
và chôn trong ngôi mộ nhỏ sau nhà. Đứa con gái (cô Hân) thì biệt tăm. Hình như
đã chết trôi vì người ta tìm thấy dép của cổ và cục xà bông ở bờ sông sau nhà.
Tui nghe xong cảm thấy choáng váng như bị trúng gió. Hôm đó tui về nhà khóc. Vợ
tui hỏi. Tui kể lại sự tình. Tội nghiệp vợ tui. Thắm làm 1 bàn thờ cho TUĐ trên
nóc tủ kế bên bàn thờ của Tía và Má, và tối đó cúng 1 chén cháo trắng.
Làm ăn ở chợ Ô Môn khó khăn, gia đình tui mướn 1 miếng
đất cách Ô Môn 20 cây số để trồng khoai mì và khoai lang. Tui dậy 2 đứa nhỏ làm
bẫy bắt chuột đồng, làm ná bắn chim, ... Vợ chồng tui thì quen cảnh nghèo rồi.
Chỉ tội 2 đứa nhỏ thiếu ăn và tương lai mù mịt. Nhiều đêm nóng nực hổng ngủ được,
tui cứ nhớ lại những ngày tui ở Suối Dây. Nhớ TUĐ và nhớ cả người đã cứu hai thầy
trò. Chỉ biết chắc lưỡi thở dài cho người vắn số.
Sau nhiều kế hoạch kinh tế đảng CS đưa ra đều thất bại,
chính quyền thả lỏng và có ý muốn đi theo kinh tế thị trường tự do. Cuộc sống
dân nghèo trở nên dễ thở hơn một chút. Gia đình tui bắt đầu nuôi heo để thanh
toán số khoai lang ung thúi khi bán hổng hết.
Làm sao tui quên được buồi chiều hôm ấy. Đó là một buổi
chiều đầu tháng Tư năm 1995, khi tui đang làm rẫy, ngăn nước không cho vào đất
trồng trọt quá nhiều, thì Thắm ra rẫy gọi về nhà có khách. Khi về nhà thì thấy
2 người ăn mặc sang trọng có vẻ đàng hoàng. Tui không nhận ra người đàn bà,
nhưng người đàn ông thì nhìn quen lắm. Sau vài giây ngỡ ngàng, người đàn ông
nhìn tui và nói một cách ngậm ngùi trong nước mắt:
- Chú Sơn có nhận ra tôi không? ... anh Đức đây?
- "Hả, ... ôi trời, Thiếu Úy Đức, ... ông
Phó!..."; Tui trả lời khi nước mắt bắt đầu ứa ra vì quá mừng.
- Đừng gọi như vậy. Gọi là anh hay anh Đức vì chú là
em của tôi mà.
- Dạ, dạ ... ông Phó, à quên, ... anh Đức. Tưởng là
anh đã ... Gia đình tui làm bàn thờ cho anh mười mấy năm nay.
- Thắm ơi, đây là anh Đức. Thằng Tân, thằng Hoàng, ra
chào Bác Đức.
- Còn đây là bà xã của anh.
- "Dạ, chào chị. Dạ, chị tên gì?"; Tui hỏi.
- "Chú nhìn kỹ xem ai ? Cô Hân ở Suối Dây
đó"; TUĐ trả lời.
Tui lặng cả người và đứng chết trân. Người ơn của tui
bằng xương bằng thịt ngay trước mặt. Thời gian như dừng lại. Nước mắt bắt đầu
chảy tràn trên mặt, và giọng nói lạc đi:
- Tui hổng có dè có ngày này... 20 năm rồi.. Cám ơn
anh chị ... đã nhớ đến tui... Tui mừng quá. Sao ... tới bây giờ anh chị mới tới
? Tui có nằm mơ hông ?
TUĐ lau nước mắt, rồi chậm rãi nói:
- Chuyện dài lắm. Sẽ kể sau. Bây giờ anh chị mời cả
nhà đi ăn mừng. Tốn cả tuần đi kiếm cô chú đó.
* * *
Nghe anh kể lại chuyện trốn khỏi trại tù năm 1979, và
bao nhiêu lần vượt biên hụt, tui nể quá. Chuyện chị giả chết trôi để trốn khỏi
Suối Dây và những lần vượt biên bị bắt thì cũng ly kỳ quá trời. Rồi đến khúc
hai người gặp lại nhau bên Mỹ, tui mừng như là chuyện của mình. Tui hãnh diện
có được ông anh và bà chị dâu giỏi như vậy.
Mấy bữa sau, vợ chồng anh mướn xe đưa gia đình tui đi
thăm Suối Dây. Trên đường về, có ghé Vũng Tàu tắm biển. Thấy thương bà xã và 2
đứa con tui quá. Lần đầu tiên vợ con tui được đi xe hơi, được đi ra khỏi Cần
Thơ, được lên Sài Gòn, được đi Suối Dây, được ra tắm biển Vũng Tàu, được đi ăn
nhà hàng, được uống nước ngọt cô ca cô la.
Trước khi về Mỹ, tui hổng dè vợ chồng anh lại giúp một
số tiền lớn để mua một cửa hàng gần chợ Ô Môn buôn bán nông phẩm cho gia đình
tui đỡ cực. Anh chị nói sẽ về thăm thường xuyên hơn.
Tối hôm đó tui thắp nhang cho Tía và Má. Tui thì thầm
"Má ơi, Má luôn muốn là con có người anh để che chở cho con. Má ơi, điều
Má muốn đã xẩy ra. Con cám ơn Tía và Má"
Như tui đã nói, cuôc đời tui như có sự an bài hay sắp
xếp. Vào sanh ra tử bao lần, mà hổng sao. Duyên phận củng thẳng tắp. Khúc sau
cuộc đời, cực thiệt, nhưng lại có thêm người anh nuôi và chị dâu hổ trợ. Bây giờ
tui hổng có kỳ vọng nào hơn là sẽ có một ngày cái nhóm mắc dịch, khốn nạn, vô
thần, vô đạo đức này tan rã cho tui nhờ và cho người dân bớt khổ.
No comments:
Post a Comment