Sunday, February 6, 2022

20220206 Cong Dong Tham Luan

20220206 Cong Dong Tham Luan

 

Phiet Pham thephiet_2002@yahoo.com

Sun, Feb 6 at 12:20 PM

Bài viết làm ... các cụ (Bắc Kỳ) từ "7 bó" trở lên nhớ lại những ngày Tết tuyệt vời cách nay hơn nửa thế kỷ!

Tìm Lại Tam Cúc

Song Thao

Bộ bài Tam Cúc.

Dễ thường gần bảy chục năm tôi không nhìn lại được cây bài tam cúc. Những ngày Hà Nội, mỗi dịp tết đến, lũ trẻ chúng tôi cùng những người lớn trong gia đình gầy bàn tam cúc đón xuân. Lớn chơi theo khả năng của lớn, bé chơi theo những đồng tiền mỏng lét của bé. Tết ngày đó nằm trong những cây bài giản dị. Bộ bài tam cúc chỉ có 32 quân gồm tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã, tốt. Mỗi loại có đen và đỏ. Đỏ trên chân đen. Tướng có tướng đen và tướng đỏ, dân chơi tam cúc gọi là tướng ông và tướng bà. Ông phải trên bà. Chuyện chi cũng vậy. Sĩ cũng có Sĩ đen và sĩ đỏ. Thường gọi lá sĩ đen và sĩ điều. Tượng hay tịnh có hai lá vẽ hình con voi và gọi là tượng thâm và tượng hồng. Xe, pháo, mã, tốt. Trong bộ bài chỉ có tướng có một lá đen và một lá đỏ, tốt có năm tốt đen và năm tốt đỏ, các loại khác đều có bộ đôi đen và đỏ.

Tam cúc là một loại bài dễ đánh, nam phụ lão ấu đều có thể ngồi vào chiếu bài được hết. Đây là một thú tiêu khiển trong ngày tết kéo mọi người trong gia đình ngồi cạnh nhau. Hiếm khi thấy đánh tam cúc ở ngoài đường. Đầu đường xó chợ chỉ có bài tây ba lá, xúc xắc dưới ba cái bát cốt mà mắt người khác để lấy tiền. Trong Nam, có thêm môn bầu cua cá cọp là trò chơi ngoài đường phổ biến nhất, chỉ dựa vào hên xui may rủi.

Tam cúc, vượt lên trên một môn bài bạc, là thú vui gia đình xum họp trong ngày đầu năm. Từ ngày di cư năm 1954, tôi không còn dịp đón xuân tại miền Bắc nên không biết món tam cúc còn thịnh hành không. Tôi e rằng còn khi đọc được một vài bài của các tác giả miền Bắc trên mạng.

 Tác giả Trần Bình có một người bà chỉ có ao ước duy nhất là ngày tết “có một lũ con cháu ngồi chơi tam cúc với bà thôi”. Trong bài “Cỗ Bài Tam Cúc Của Bà”, ông viết: “Ngày mùng một, các cô, chú, bác, anh, chị đến chúc Tết bà đông chật nhà. Bà mặc áo bông ngồi đắp chăn trên giường, tay xoa đầu mấy đứa cháu, miệng khen chúng học giỏi, ngoan ngoãn.Trong khi người lớn trải chiếu ra ngồi hàn huyên bên chén rượu hạt mít thì lũ cháu chúng tôi tranh nhau trèo lên giường để được chơi tam cúc với bà.Những cây bài của bà có lưng trắng tinh và thơm mùi giấy mới khiến lũ cháu háo hức đến lạ.Miệng bà nhai trầu bỏm bẻm, tay bà chia bài chậm rãi mới thảnh thơi làm sao! Những khi ai gặp số đỏ như có tứ tử trình làng, ngũ tử cướp cái… thì cả “làng” lại ồ lên ghen tị. Sau khi hết bài, “nhà” nào thiếu “quân” để “bình” thì phải vay những “nhà” dư, mỗi “quân” tương ứng với 100 đồng.Trước đó, bà đã chuẩn bị sẵn một sấp tiền lẻ để đổi cho lũ cháu. Bà khuyên: “Vài đồng lẻ này thì cũng như là gia vị thôi, chứ bà cấm mấy đứa chơi vì mấy đồng này đấy nhé!”.Những khi ai được kết đôi hay kết ba thì cả “làng” lại nhăn mặt nhăn mũi vì thua. Lúc ấy, bà lại động viên: “Thua keo này ta bày keo khác, lo gì!”, hay hỏi vui: “Cu Bình đã vỡ nợ chưa, để bà “tài trợ” cho nào?”Tôi nằm trong vòng tay của bà ngay từ những ngày đầu đời và lớn lên cùng với độ còng ngày càng tăng của lưng bà. Thỉnh thoảng, bà lại chống gậy sang nhà bà hàng xóm hay ra quán nước của bà ngoại để chơi tam cúc mua vui.Càng về sau, bà càng yếu nên chỉ nằm ở nhà. Những lúc ấy, tôi là “bạn chơi” thường xuyên của bà. Bà chỉ cho tôi những “chiêu độc"… Nhờ những chiêu đó mà tôi là đứa chơi tam cúc giỏi nhất trong đám trẻ con cùng xóm”.

Ngày nay chúng ta còn dùng những chữ: đi đêm, chui, tứ tử trình làng, ngũ tử cướp cái, đều phát xuất từ bài tam cúc.

Trong bài “Bộ Bài Tam Cúc”, Quỳnh Dương kể lại chuyện bà mẹ bất ngờ gặp bộ bài tam cúc trên một sạp bán tạp hóa nơi đường rừng. Giữa những bộ bài chắn, tú lơ khơ, chỉ có một bộ tam cúc mà bà hàng cho biết từ lâu chẳng ai hỏi han đến. Mẹ tác giả vội mua và háo hức mang về khoe với mấy bố con. Về đến nhà, mẹ mang ngay bộ tam cúc ra khoe trước sự ngạc nhiên của hai đứa vì chưa từng thấy bao giờ, còn bố thì nhìn mẹ rất thán phục. Bố mẹ xung phong chơi làm mẫu, hai đứa ngồi xem lạ lẫm và thích thú. Lạ chưa? tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã, tốt, tứ tử trình làng, ngũ tử cướp cái, một cây, đôi cây, ba cây, đi đêm... ba chục năm qua dường như chưa bao giờ quên được trong tiềm thức, cứ gọi quân vanh vách. Ðược một lát, thấy bố mẹ to tiếng, hai đứa càng ngạc nhiên hơn. Thằng anh ghé tai thằng em nói nhỏ: Thế mà mỗi lần mình chơi cờ vua, có cãi nhau tí xíu bố mẹ đã mắng. Hôm nay thì đến lượt bố mẹ cãi nhau kìa...Sau vài chiêu sơ đẳng, hai đứa đã biết chơi cùng bố mẹ. Các con quý bộ tam cúc lắm. Hết giờ học, bỏ quên cả ô-tô, siêu nhân, phim hoạt hình, cờ vua mà miệt mài chơi tam cúc. Chơi giữ gìn hai con nhé, Tết này, mẹ sẽ đưa các con về quê ngoại, ra mộ cụ thắp hương, mẹ sẽ đốt bộ bài tam cúc để 'gửi' xuống cho cụ, chắc cụ ở dưới suối vàng hẳn ấm lòng lắm đấy. Dù có đôi chút tiếc nuối, mẹ hứa sẽ cất công tìm bộ bài khác cho các con. Nhưng Tết này, cả nhà mình sẽ có một cái Tết ấm áp và có ý nghĩa hơn. Mẹ tin là như vậy”.

Tam cúc rất ấm áp nằm trong thơ văn. Có lẽ vì cái thân mật và ấm cúng mà những quân bài giản dị với những hình vẽ ngây ngô mang lại. Nhìn vào bộ bài mà tôi cùng cả nhà say mê thời nhỏ dại, tôi thấy chỉ có lá tướng và sĩ có vẻ…oai phong. Lá tượng vẽ con voi còn ra hình voi. Lá xe thì quá tức cười. Cả một bộ bài có hình quân sự, từ tướng tới quân, vậy mà xe không phải…thiết giáp mà là hình một chiếc xe cút kít có hai càng để kéo. Con mã có hình chú ngựa bình thản đứng ăn cỏ chứ không phải là chiến mã xông pha ngoài chiến trận. Mặc những bất cập ngây ngô, tam cúc vẫn lừng lững đi vào văn thơ. Từ tam cúc của thời thơ dại như bài thơ của Trần Đăng Khoa viết về câu chuyện có thật của cô em gái tên Giang đánh bài tam cúc với con mèo.

 Bé đánh tam cúc

Với con mèo khoang

Nắng hồng chín rực

Bỗng nhiên bay vào

Rung râu, chớp mắt 

Mèo ta “Ngoao! Ngoao!”

Đây là tướng ông

Chân đi hài đỏ

Đây là tướng bà

Tóc hiu hiu gió

Đây là con ngựa

Chân có bụi đường

Và đây quân sĩ 

Thuộc làu văn chương

Thơ về tam cúc của lũ nhóc tì đánh bài với con mèo chắc chỉ có một bài. Của một thi sĩ có thời được coi là “thần đồng”. Nhưng tam cúc của những người vừa chớm tuổi yêu đương coi bộ nở rộ hơn. Khi chúng tôi còn ngây thơ trong chiếu tam cúc thì có các anh chị lớn hơn đã dựa vào tam cúc để la cà vào những chuyện chẳng…tam cúc chút nào. Như nhà thơ Hồ Dzếnh:

20220206 CDTL 01

Chơi bài Tam cúc trong tranh dân gian

ngày Tết mải chơi tam cúc

không hay anh tới sau lưng

ghé lại gần anh mách nước

kết luôn xe pháo mã hồng

ô ván bài em đỏ quá

đỏ như đôi má ngày xuân

em có ăn trầu đâu nhỉ

mà sao người thấy bâng khuâng.

Nhà thơ Hoàng Cầm cũng có bài thơ “Cây Tam Cúc” dùng cây bài nói lên chuyện tình riêng tư. Ông nhà thơ này luôn ám ảnh mối tình chị em. Nhỏ tuổi nhưng chơi trèo. Điển hình nhất là bài thơ “Lá Diêu Bông”. Trong bài thơ “Cây Tam Cúc”, người tình si Hoàng Cầm cũng với tay trèo cao như vậy.

Rút trộm rơm nhà đi trải ổ
Cỗ bài tam cúc mép cong cong
Chị gọi đôi cây trầu cay má đỏ
Kết xe hồng đưa chị tới quê em...


Ghé coi bài, tìm hơi tóc ấm
Em đừng lớn nữa, chị đừng đi
Tướng sĩ đỏ đen chui xấp ngửa
Ổ rơm thơm đọng tuổi xuân thì...

Ðứa được bài chinh chuyền xủng xẻng
Ðứa thua bài đáo gỡ ngoài thềm.
Em đi đêm tướng điều, sĩ đỏ
Ðổi xe hồng, đưa chị tới quê em...

Pháo, mã ra bài, năm sau giặc giã
Quan Ðốc Ðồng áo đen nẹp đỏ
Xua tốt điều đè lũ tốt đen
Thả tịnh vàng đưa chị võng mây trôi
Em đứng nhìn theo,
Em gọi : ... Ðôi !

Nhà thơ dân gian Nguyễn Bính dĩ nhiên cũng vướng thơ vào trò chơi đậm chất dân gian này.

Mẹ tôi uống hết một cốc rượu

Mặt người đỏ tía vì hơi men

Người rủ cô tôi đánh tam cúc

Cười ầm tốt đỏ đè tốt đen.

Trong ván bài tam cúc hồi hộp nhất là hạ quân bài kết. Những người đánh cao, khi nhìn bài của mọi người, có thể đoán để làm một cú kết ngoạn mục. Kết bằng đôi tốt đen, con bài hạng bét, nếu thành công sẽ thắng lớn. Mọi người phải chung bộn tiền. Nhưng nếu có một người cao tay hơn, giữ đôi tốt đỏ, đè đôi tốt đen, thì người kết tốt đen phải chung tiền cho cả làng!

Ông bạn đã quá cố của tôi, Lê Đình Điểu, bút hiệu Y Dịch, là người thuộc thế hệ của tôi, thế hệ của dân di cư từ Bắc vô Nam. Khi đó chúng tôi khoảng 15 hay 16 tuổi, đứa đã biết yêu, đứa thập thò chuyện gái trai. Y Dịch không biết khi đó đã yêu hay vẫn còn  đỏ mặt trước những vưu vật khác giống, chẳng rõ. Ba năm sau, năm 1957, khi đã ấm chỗ ở Sài Gòn, vẫn còn là một học sinh bậc trung học, anh viết bài thơ “Tốt Đen”. Những câu thơ đầu, anh diễn tả rất hồn nhiên hoạt cảnh đánh bài tam cúc của hai cô cậu còn rất…học sinh.

-Tốt đỏ mà đè tốt đen

Kết nhất bội nhị là em phải đền

-Ứ ừ, người ta đang đen

Không thèm chơi nữa, giả tiền tôi đây

-Ơ ơ, bêu chửa cô này

Bị đè còn khóc giơ tay đòi tiền

Có gan để kết tốt đen

Tất có gan để chịu đền chứ sao?

-Ừ sao, sao ở trên cao

Người ta thua mất sáu hào, hai xu!

Mưa phùn trông như sương mù

Mắt em như có sương mù đọng mi

Chiếu điều xô chẳng nói gì,

Cỗ bài vung vãi rơi đi đâu rồi?

-Thôi đây, (anh thấy em cười)

Giả em tất cả. Cười tươi lên nào!

Bài thơ còn rặt ngôn ngữ Bắc kỳ, thứ mà chúng tôi không bỏ được cho đến hết cuộc đời. Nói theo văn vẻ: chúng tôi đi mang theo quê hương. Nhưng chúng tôi không mang theo được tam cúc. Ngày nay tam cúc đã rã rời trong đầu óc chúng tôi. Chỉ vào những ngày xuân, lặng lẽ thả hồn về quê cũ, nhớ lại thuở còn ở tuổi teen, tâm hồn chúng tôi mới vang vang những tướng sĩ tượng, ầm ầm những xe pháo mã. Khi tuổi đời đã trọng, chúng tôi mới thấy cuộc đời cũng chỉ là ván bài tam cúc. 

Ván bài đời có tốt đen

Trăm lần để kết phải đền cả trăm

Thơ ngây thua nhẵn mười năm

Xòe tay thấy trắng khóc thầm cả đêm

Ngày xưa em khóc anh đền

Bây giờ anh khóc ai đền cho anh?

Song Thao

 

Tết xưa: 1920 – 1940

https://www.youtube.com/watch?v=I3A9TqDVq6k

https://phimtailieu1998.blogspot.com/2022/02/tet-xua-1920-1940.html

 

No comments:

Post a Comment