Monday, March 27, 2023

20230327 Cong Dong Tham Luan Thach Thi Phay

 20230327 Cong Dong Tham Luan Thach Thi Phay

 

Bà Thạch Thị Phay

01

Người phụ nữ có khuôn mặt chất phác, tiếng Việt nói không giỏi, tiếng Khơ Me có đỡ hơn nhưng cũng không diễn đạt được tốt. Bà kể lại câu chuyện cuộc đời mình, một cuộc đời quá đỗi bất hạnh, nhục nhằn, nhưng với một giọng bình thản, như kể chuyện đời của ai khác. Không có một giọt nước mắt. Nhưng chính vì thế mà người nghe càng thêm đau xót...

Nếu tính từ ngày bà bị công an bắt giam lần đầu tiên năm 1985 cho tới nay là 37 năm, còn nếu tính từ khi bà bỏ trốn sang Campuchia năm 2000 là 32 năm, với bao nhiêu cay đắng, mà nguyên nhân chỉ bởi vì đâu?

Chỉ vì niềm tin tôn giáo, vì bà theo đạo Tin Lành, tin Chúa và không muốn bỏ đạo, bỏ Chúa. Cụ thể hơn là Tin Lành Đấng Christ (đạo Tin Lành ở Việt Nam có khoảng 60, 70 nhóm/hệ phái khác nhau, nhưng nhà nước cộng sản chỉ cho phép Hội thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Bắc), Hội thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam) đã nằm trong sự kiểm soát, khống chế của đảng và nhà nước, là được phép hoạt động, còn các hội thánh, hệ phái khác đều không được công nhận và bị đàn áp). Có điều gì vô lý đến vậy mà lại là chuyện có thật….

***

Bà Thạch Thị Phay sinh năm 1951, tại ấp Tha La, xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, trong một gia đình người Khmer Krom (người Khmer Nam Bộ, người Khmer Việt Nam, người Việt gốc Miên). Cha mẹ bà Phay có tất cả 14 người con, bà và người chị sinh đôi Thạch Thị Pát là hai người con nhỏ nhất –13 và 14. Tuy sinh nhiều vậy nhưng lại nuôi không được bao nhiêu, 6 người chết lúc tuổi còn nhỏ.

Cha mẹ bà Phay làm nghề nông, nghèo nên con cái không được đi học nhiều. Bản thân bà Phay chỉ học đến lớp Ba, tiếng Việt đọc và viết đều kém, tiếng Khmer đỡ hơn một chút nhưng cũng kém. Từ nhỏ cô bé Phay đã phải phụ giúp gia đình, đi coi trâu, làm ruộng.

Vùng quê bà Thạch Thị Phay là vùng “xôi đậu”, những cuộc tranh chấp, đụng độ liên miên xảy ra giữa hai phe Quốc gia và Cộng sản. Khi cô Thạch Thị Phay 19, 20 tuổi, thì một số thanh niên, phụ nữ trong đó có cô bị Việt Cộng bắt vào chiến khu để phục vụ cơm nước, chùi rửa, lau dọn; thỉnh thoảng cô phải chăm sóc các du kích quân bị thương hoặc khiêng xác chết. Sau 3 năm, cô chạy thoát, trở về nhà.

Năm 1975 cô Thạch Thị Phay lập gia đình với anh Thạch H., cũng là người Khmer Krom, cũng là dân làm ruộng. Theo thời gian họ có 3 đứa con: một trai, hai gái.

Phần lớn người Khmer Krom theo đạo Phật, gia đình nhà chồng và bản thân chồng bà Thạch Thị Phay cũng vậy. Nhưng bà lại theo đạo Công giáo, rồi sau theo đạo Tin Lành, đặt hết niềm tin vào Chúa. Bà thường đi dạy cho đám trẻ con trong vùng những bài thánh ca mà bà biết. Chính quyền địa phương không bằng lòng như vậy. Sau vài lần đánh tiếng hăm dọa, cuối cùng vào một ngày tháng 6.1985 họ bắt bà Thạch Thị Phay, giam ở Nhà tạm giữ Công an huyện Trà Cú, với tội danh “làm mất trật tự trị an”. Công an còn đổ tội vì bà đi dạy thánh ca, lũ nhỏ ham nghe mà bị mất xe, mất bò, mất trâu.

Trong quá trình bị giam giữ, thẩm vấn ở đây, bà Thạch Thị Phay bị công an đánh đập – họ tát mạnh đến nỗi hai bên tai đều bị ảnh hưởng – bị lãng tai, rồi họ dùng dùi cui đánh vào đầu, vẫn còn dấu vết lõm trên đỉnh đầu. Bà Thạch Thị Phay bảo vì vậy mà từ đó bà hay bị nhức đầu, đầu óc cứ “nhớ nhớ quên quên, nói trước quên sau”. Có lần họ còn đẩy mạnh đến mức bà té sấp mặt vào đống kính bị vỡ trên mặt đất, mảnh vỡ đâm vào mặt, vào tay. Những di chấn tâm lý, tinh thần của thời gian ở tù này còn để lại mãi sau này.

Khi bà Phay bị tù, ở nhà chồng đã bán miếng đất của cha mẹ để lại cho bà nên khi ra tù, bà phải về ở chung với bố mẹ chồng và chồng con. Bố chồng kêu hai vợ chồng bà Thạch Thị Phay ra ngồi nói chuyện rồi hỏi bà có bỏ đạo, bỏ Chúa không, khi bà Thạch Thị Phay nói không, bố chồng bảo bà gây phiền phức cho gia đình, nếu ông Thạch H., chồng bà Thạch Thị Phay không thôi (bỏ) bà thì bố chồng sẽ uống thuốc tự tử. Ông Thạch H. chỉ khóc, không nói gì. Bà Thạch Thị Phay đứng lên nói đại ý: “Khi còn trẻ, con thương ba mẹ chồng rồi mới thương đến chồng, vì ba mẹ chồng đi nói với ba mẹ con xin cưới; bây giờ ba mẹ chồng hết thương con rồi thì thôi theo ý ba mẹ đi. Bây giờ người nào lấy tài sản của ba mẹ tui cho thì nuôi con, còn tui xin đi một mình tui”.

Mẹ của bà Thạch Thị Phay chết từ trước khi bà lập gia đình, người cha chết năm 1982. Khi rời khỏi gia đình nhà chồng, bà Thạch Thị Phay về ở với người chị sinh đôi Thạch Thị Pát ở ấp Sóc Giụp, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Gia đình người chị cũng làm ruộng. Sống với người chị nhưng bà Thạch Thị Phay không đi làm ăn được gì, một phần vì cái giấy thả chỉ ghi là “tạm tha”, có nghĩa là vẫn có thể bị bắt lại, một phần vì không có giấy tạm trú tại địa phương của gia đình người chị, nên công an cứ thường xuyên tới kêu đi trình diện, đi làm giấy tờ tạm trú mỗi tháng. Đường thì xa, phải đạp xe đi rất vất vả. Rồi mỗi lần có người quen trong nhóm đạo Tin Lành tới thăm bà Phay là công an chặn lại hoạnh họe, gia đình người chị và ông anh rể cũng lục đục cãi nhau vì những phiền hà do bà Phay mang lại. Mà thật ra hồi đó những người theo đạo Tin Lành “nằm ngoài hệ thống” như bà Phay đâu đã có nhà thờ, có mục sư hay sinh hoạt tôn giáo gì, chỉ là vài ba người gặp nhau, bà Phay biết chút chút tiếng Khmer, tiếng Việt thì dạy cho mấy người khác biết cầu nguyện khi ăn cơm, khi ngủ, biết cái gì chỉ cái đó, cũng không có sách vở gì để tìm hiểu thêm. Vậy mà bao nhiêu phiền hà xảy ra. Buồn bực, năm 1990 bà Thạch Thị Phay liền tìm đường trốn sang Campuchia.

Ngày 4. 4.1990 bà Thạch Thị Phay tìm người dẫn đường đưa sang Campuchia, dự định từ đó sang Thái Lan, nhưng rồi trên đường đi xuyên rừng họ đụng phải một tốp lính Para (“lực lượng kháng chiến Para” người Khmer này là một nhóm quân lính ở trong rừng, vừa chống lại cộng sản Việt Nam vừa chống lại cộng sản Campuchia). Tốp lính Para này bắt bà Phay đem về “doanh trại” của họ nằm sâu trong rừng.

Chỉ một thời gian ngắn phải “qua tay” bao tên lính Para, bà Thạch Thị Phay đã bị bệnh phụ nữ. Bọn họ đưa bà tới gặp một bác sĩ của họ. Người bác sĩ này thấy tội nghiệp bà Thạch Thị Phay nên tìm cách giúp bà. Theo lời bác sĩ, ngày 30.4 là ngày có một nhóm bác sĩ, y tá tới “đổi ca”, bà Thạch Thị Phay tới gặp bác sĩ, đi theo xe của bác sĩ chạy thẳng tới một bệnh viện ở Thái Lan. Nằm gần bệnh viện là một trại tiếp nhận người tỵ nạn tạm thời, bà Thạch Thị Phay liền tới trại xin tỵ nạn. Họ ghi tên tuổi, lý lịch của bà sau đó chuyển bà tới trại Phanat Nikhom. Ở đây có khá đông người Việt, người Khmer Krom, người Hmong…tỵ nạn.

Năm 1990 bà Thạch Thị Phay quen ông Sơn N., người Khmer Krom, quê ở Sóc Trăng. Ông Sơn N. tâm sự vợ ông chết, ông có 9 người con đều còn ở lại Việt Nam, riêng bản thân ông vì là lính VNCH, sau 1975 bị đi “học tập cải tạo” một thời gian rồi khi về nhà cuộc sống cũng không yên ổn nên ông bỏ sang Campuchia rồi sang Thái Lan. Thời gian đó ông đang làm công việc thiện nguyện cho Cao Ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc.

Cuối năm 1991 đầu năm 1992 bà Thạch Thị Phay được chuyển qua trại Kikiew, lúc này bà đang mang bầu đứa con của ông Sơn N. Trước ngày bà sanh khoảng 3 tháng thì ông Sơn N. phỏng vấn đậu và được đi định cư ở Úc. Sau khi ông đến Úc khoảng 2 tháng rưỡi thì bà được tin ông lấy vợ mới.

Bà Thạch Thị Phay sanh con ở trại. Một bé gái. Bà đặt tên con là Sơn Hồng Nâu, tên ở nhà là bé Nụ.

Phỏng vấn 2 lần bị rớt, năm 1996 bà Thạch Thị Phay có tên trong danh sách cưỡng bức hồi hương. Buồn rầu quẫn trí, khi đến ngày bị đưa đi hồi hương, bà lấy dây cột tay hai mẹ con với nhau rồi uống thuốc tự tử. Khi người ta phát hiện ra thì bà đã bất tỉnh, họ vội vàng kêu xe cấp cứu đưa bà Thạch Thị Phay vào bệnh viện.

Ngày 20.2.1997 bà Thạch Thị Phay lại bị cưỡng bức hồi hương, lần này rút kinh nghiệm sợ bà lại tự tử, người ta không cho biết, chỉ nói là mời bà Thạch Thị Phay đi họp một chút. Nhưng khi bà tới thì họ đưa vô trại giam luôn. Nửa đêm người ta đến đưa hai mẹ con đi. Trên người bà Phay chỉ có một bộ quần áo. Từ sân bay Thái Lan bay về sân bay Tân Sơn Nhứt, Sài Gòn. Công an Trà Vinh lên đón ghi tên tuổi bà Phay, sống ở huyện nào, xã nào…rồi cho xe chở về thả ngay tại bến xe. Không có một đồng trong túi, bà ôm con ngồi khóc.

Giữa lúc đó may mắn có một người quen đi qua chở hai mẹ con về nhà anh ta, một thời gian sau anh ta lại chở hai mẹ con về trình diện xã, ấp, huyện nơi bà từng sinh sống. Bà sống tạm nhà gia đình một anh chị khác vì người chị sinh đôi, Thạch Thị Pát đã đi Canada từ năm 1993.

Thời gian này thỉnh thoảng có các mục sư, những người cùng theo đạo Tin Lành đến thăm bà Thạch Thị Phay nên công an lại để ý.

Hồi hương được 3 tháng thì bà Thạch Thị Phay nhận được tiền của UN dành cho những người tỵ nạn đã hồi hương. Có tiền, bà mướn đất, cất cái chòi ở xã Đa Lộc, ấp Hương Phụ B, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, gần với nhà thờ để lui tới đi sinh hoạt. Bà cũng mua kẹp, bông, bàn máy may, vải…làm kẹp vải, làm bông đi bán, hai mẹ con sống qua ngày.

Một hôm có một đoàn mục sư Tin Lành gồm 16 người nước ngoài – người Campuchia, người Pháp…tới Trà Vinh có việc, nghe nói tới trường hợp của bà Thạch Thị Phay là người Khmer Krom theo đạo Tin Lành, từng trải qua bao nhiêu khó khăn, nhục nhằn, bị đàn áp vì niềm tin tôn giáo, nên họ tìm đến thăm, và cầu nguyện tại nhà bà Phay. Sau sự việc đó công an địa phương lại bắt bà Phay. Công an lấy lý do là bà Phay không đi trình diện thường xuyên và vẫn tụ tập, theo đạo.

Bà bị tạm giam một ngày, nhưng vì bà kêu nhức đầu, la hét nên công an đưa tới bệnh viện tâm thần. Bác sĩ khám xong, chứng nhận bà có dấu hiệu bệnh tâm thần nên công an không bắt nhốt mà chỉ bắt hàng tuần phải đi trình diện. Mặc dù vậy sau khi bà được thả, công an lại tiếp tục tới lui xách nhiễu, theo dõi và cô lập. Đến năm 2003 bà Thạch Thị Phay lại dẫn con đi Campuchia.

Sang Campuchia, bà đi phụ lặt rau, dọn dẹp ở chợ kiếm tiền. Bận rộn ngoài chợ cả ngày, bà để bé Nụ lúc đó đã 11 tuổi ở nhà một mình. Và cô bé đã bị một nhóm thanh niên người Khmer bắt cóc, may mà một thời gian ngắn sau cô bé lại trở về được.

Cuộc sống của hai mẹ con khó khăn quá, bé Nụ lại bị bệnh mà bà Phay không làm sao có tiền chạy chữa. Một người quen, cũng ở cùng quê với bà Thạch Thị Phay – bây giờ coi sóc một trại trẻ mồ côi, có tên là Sofoda – biết chuyện, đến nói với bà Phay là ký giấy gửi con cho trại, họ sẽ đưa cô bé đi chữa bệnh, cho cô bé ăn học. Bí quá bà Thạch Thị Phay đành đồng ý. Lúc đó là tháng 6.2003. Bé Nụ sinh năm 1992 nhưng sau đó trại trẻ mồ côi làm lại giấy, đổi lại năm sinh 1996, họ bảo để cho bé Nụ không “mặc cảm” khi ngồi học chung với những đứa bé nhỏ tuổi hơn nhiều. Bà nghe vậy thì biết vậy.

Bé Nụ được đưa đi bác sĩ, được học tiếng Khmer. Bà Phay ngày ngày ra chợ lặt rau, rồi cứ mười bữa nửa tháng bà lại đến nhà trẻ thăm con. 

 

Bà Thạch Thị Phay và bé Nụ (bộ đồ màu vàng)

02

Nhưng đến tháng 4.2004 bà đến nhà trẻ thì không thấy con đâu, đám trẻ con ở đó bảo Nụ đi Pháp rồi. Bà quýnh quáng hỏi nhân viên nhà trẻ, sao không cho tôi biết để tôi tạm biệt con tôi. Người ta nói không thể cho bà biết vì họ nói dối cặp vợ chồng xin con nuôi là Nụ được đem cho từ hồi mới hơn tháng tuổi, không biết mẹ là ai.

Tháng sau bà lại đến nhà trẻ. Thấy bà khóc lóc suốt, nhân viên đành gọi điện thoại cho bà nói chuyện với con. Chỉ nói được câu sao con không cho mẹ biết để mẹ đưa tiễn ra sân bay lần cuối rồi bà khóc. Bé Nụ nói người ta cấm, người ta không cho biết. Rồi hai mẹ con cùng khóc. Không nói được gì. Điện thoại bị ngắt. Đó là lần duy nhất bà Phay được nói chuyện với con.

Người ta nói với bà bé Nụ được một cặp vợ chồng nha sĩ người Pháp nhận nuôi, họ thương yêu cho ăn học đàng hoàng, bà đừng có lo buồn nữa, bao giờ nó lớn, trên18 tuổi họ sẽ cho nó gặp lại mẹ.

Buồn rầu bà Thạch Thị Phay lại quay trở về Việt Nam. Lại cất cái chòi trên đất nhà người chị thứ 5, lại đi bán kẹp, bán bông sống qua ngày và càng năng nổ nhiệt tình đi sinh hoạt với nhóm Tin lành sắc tộc Đấng Christ, dường như chính việc dồn hết lòng tin yêu vào Chúa đã cho bà chút nghị lực, niềm tin để mà sống.

Nhưng chính quyền không bao giờ chấp nhận các hội nhóm Tin Lành Đấng Christ, bất cứ khi nào các nhóm hội họp sinh hoạt, cầu nguyện là đều bị chính quyền địa phương cho công an, du kích giả danh côn đồ đàn áp.

Ngày 4. 4.2009, xảy ra vụ Thạch Thanh Nô là một thanh niên trẻ, 18 tuổi, người Khmer Krom, ngụ ấp Tha La, xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, sau khi đến nhà bà Thạch Thị Phay để cùng sinh hoạt nhóm, cầu nguyện, thờ phượng Chúa, lúc ra về thì bị một đám công an, du kích giả danh côn đồ đánh đến trọng thương, rồi chết sau đó cùng ngày trên đường được đưa đến Bệnh viện.

Khi gia đình và anh chị em trong Hội thánh đưa xác nạn nhân về nhà làm lễ an táng thì chính quyền xã Ngọc Biên, công an huyện Trà Vinh đã đến nhà cha mẹ Thạch Thanh Nô dọa nạt, ép gia đình phải khai là Thạch Thanh Nô uống rượu, lái xe và “bị tử vong là do tai nạn giao thông”, gia đình phải chấp nhận không yêu cầu khám nghiệm tử thi, không khiếu nại và tự giải quyết hậu quả vụ việc. Chính quyền cũng dọa nạt, hối thúc gia đình sau 3 tiếng đồng hồ phải chôn cất ngay nêu không thì chính quyền sẽ thực hiện khám tử thi tịch thu xác, vì sự thiếu hiểu biết của gia đình và sự hoảng loạn lúc tang gia bối rối, cho nên gia đình đã ký vào văn bản của chính quyền xã Ngọc Biên đã được lập sẵn, sau đó tiến hành hỏa táng theo phong tục người Khơme Krom.

Trên báo chí nhà nước, công an, chính quyền địa phương còn phủ nhận Thạch Thanh Nô là không phải tín đồ Tin lành.

Sự việc được nhiều người trong Hội Thánh làm chứng và tất cả những ai làm chứng đều bị bắt bớ, đánh đập dã man. Mục sư Nguyễn Công Chính, người thành lập Hiệp Hội Thông Công Tin Lành Các Dân Tộc (VPEF) và là người đã lên tiếng vụ này với báo, đài bên ngoài đã bị đàn áp và vụ này cũng được nêu lên như một trong những lý do để cáo buộc mục sư Nguyễn Công Chính về tội Phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc theo Điều 87 Bộ Luật Hình sự trong phiên tòa tỉnh Gia Lai xử Mục sư Nguyễn Công Chính 3 năm sau đó, ngày 26.3.2012, bản án là 11 năm tù giam.

Nhiều người trong Hội Thánh thì bị đàn áp nặng nề phải chạy trốn khỏi địa phương, trong đó có bà Thạch Thị Phay, người cũng rất tích cực lên tiếng về vụ việc. Bà chạy lên Sài Gòn sau đó chạy sang Campuchia và được các tổ chức nhân quyền sở tại giúp đỡ, thuê nhà trọ cho bà ở. Nhưng chưa được bao lâu thì chủ nhà trọ báo cho bà hay là có 2 người đàn ông Việt Nam tìm đến khu vực đó hỏi về bà. Các tổ chức nhân quyền vội đưa bà chạy thoát sang Thái Lan.

Ở Thái Lan, bà Phay nộp đơn với CUTN/LHQ, nhưng lần nữa bị từ chối tư cách tị nạn.

Bà đi mướn phòng trọ, đi bán bông bán kẹp sống lay lắt. Mãi đến năm 2015 khi gặp được tổ chức BPSOS và được giúp làm lại hồ sơ, bà Thạch Thị Phay mới được chấp nhận là người tỵ nạn. Với quy chế tị nạn, bà Phay chính thức được bảo vệ bởi Liên Hiệp Quốc, được trợ cấp tài chánh hàng tháng do lớn tuổi lại bệnh hoạn, và, quan trọng hơn cả, có cơ hội định cư tị nạn ở một quốc gia thứ ba.

Cuối năm 2016 bà Phay được phái đoàn Hoa Kỳ phỏng vấn định cư. Nhưng nhân viên phỏng vấn lại hoài nghi thắc mắc về thời kỳ “làm hậu cần cơm nước cho Việt cộng” hồi trẻ của bà, thêm vào đó, ngôn ngữ, cách diễn đạt không giỏi, nhớ trước quên sau của bà khiến họ không tin và đơn xin định cư của bà bị từ chối. Cánh cửa định cư Hoa Kỳ thực sự đã đóng.

Từ đó đến nay bà Thạch Thị Phay tiếp tục chờ đợi trong mỏi mòn. Không chỉ riêng bà Thạch Thị Phay, tổ chức BPSOS cho biết, theo danh sách của BPSOS, có đến 26 hộ gia đình cựu thuyền nhân đã bị bỏ rơi và mất cơ hội định cư. Từ nhiều năm qua, các luật sư của BPSOS đã cố gắng giúp họ bằng cách mở lại hồ sơ xin tị nạn với Cao Uỷ Tị Nạn LHQ, nhưng thủ tục mở lại hồ sơ sẽ mất từ 3 đến 5 năm và không gì bảo đảm CUTN/LHQ sẽ công nhận tư cách tị nạn của họ.

Ước mong của bà Thạch Thị Phay không chỉ là tìm được một chỗ định cư để được sống bình an trong những năm tháng cuối đời, mà còn là làm sao tìm lại được bé Nụ. Không phải để giành lại con với ai, mà chỉ muốn được gặp lại con, được biết cuộc sống của “bé Nụ” bây giờ ra sao. Bà vẫn còn lưu giữ được những thông tin ít ỏi về gia đình nhận nuôi bé Nụ. Bà cũng đã từng tìm đến nhà trẻ mồ côi đó nhưng họ đã dọn đi đâu mất không ai biết. Bà cũng từng nhờ cậy nhiều người, kể cả báo với UNHCR vào năm 2016 và họ đã đi tìm, vẫn không thấy.

Trả lời câu hỏi tại sao có 4 người con nhưng bà lại đau đáu nhớ thương “bé Nụ”, mong ngóng được gặp lại bé Nụ nhất, bà trả lời khi bà phải rời bỏ nhà ra đi, ba người con kia dù sao cũng còn được sống với cha, với gia đình bên nội, lại có anh có em, còn bé Nụ không cha, không anh chị em ruột, không có ai thân thích ngoài mẹ, lại phải rời xa mẹ từ nhỏ nên bà phải thương nhiều hơn. Đôi mắt như mờ đi, bà Thạch Thị Phay lập đi lập lại: Tôi nhớ con, nhớ bé Nụ lắm. Nhiều lúc tôi chỉ muốn chết. 

 

Bà Thạch Thị Phay và cuộc sống hiện tại

03

Liệu bà có gặp lại được con? Liệu bà có được sống bình yên những năm tháng còn lại ở một quốc gia nào đó? Chỉ mong sao cả hai điều ước ấy sẽ trở thành hiện thực – với người phụ nữ mà cuộc đời quá đỗi bất hạnh này…


No comments:

Post a Comment