Luận về NGHỆ THUẬT LÃNH ĐẠO
Trần Xuân Thời
http://machsongmedia.org
(LTS, Chúng tôi nhận được bài viết
"Luận về NGHỆ THUẬT LÃNH ĐẠO" của niên trưởng Trần Xuân Thời và
cảm thấy đây là môt bài viết rất giá trị nên xin phép được phổ biến đến
cộng đồng Việt Nam).
Lãnh đạo là một nghệ thuật. Ví phỏng mọi
người bình thường đều có tiềm năng lãnh đạo ngang nhau, nhưng nếu tiềm năng
không được trao đổi và phát triển thì khó có thể trở thành người lãnh đạo.
Những người có khả năng lãnh đạo thực sự là những người tạo dựng được hoàn
cảnh và thời thế. Là những người tổ chức được đoàn thể, quy tụ được nhiều
thành phần hưởng ứng chủ trương đường lối phục vụ nhân sinh và thực hỉện
được chương trình kế hoạch đã định.
Lãnh đạo khác với chỉ huy, mặc dù kinh
nghiệm chỉ huy giúp ích rất nhiều cho vấn đề lãnh đạo. Các trưởng cơ quan
hay đơn vị thường được gọi là chỉ huy trưởng, trưởng cơ sở… đảm nhiệm vai
trò điều hành một đơn vị để phối trí và thực hiện một số công tác chuyên
môn do luật định, nghĩa là những người chỉ huy phải chu toàn nhiệm vụ trong
khuôn khổ quyền hạn và trách nhiệm đã được quy định…
Nhiều người lấy làm thắc mắc vì sao trong 47
năm tị nạn, một số người có chức cao quyền trọng trong xã hội Việt Nam Cộng
Hòa, ít thấy xuất hiện để cứu dân độ thế.
Lý do là trong các sinh hoạt quốc gia, các nhân viên phục vụ trong các ngành
dân, quân, cán, chính thường sống lâu ra lão làng, được bổ nhiệm vào các
chức vụ chỉ huy nếu hội đủ một số tiêu chuẩn do quy lệ ấn định. Các cấp chỉ
huy, trưởng cơ quan có nhiệm vụ và khả năng chuyên môn hạn chế tùy từng
ngành riêng biệt.
Trong kinh nghiệm chỉ huy đó, có người chỉ
có khả năng sinh hoạt trong ngành chuyên môn của mình, có ngườỉ có khả năng
sinh hoạt trong nhỉều lãnh vực khác nhau.
Những người có khả năng sinh hoạt trong
nhiều lãnh vực khác nhau, tự học hỏi và thăng tiến có triển vọng trở thành
những người lãnh đạo. Lãnh đạo đòi hỏi sự biến ứng, đa năng và đa hiệu,
thích ứng với hoàn cảnh vô thường của cuộc sống.
Người lãnh đạo khác với người thường là
quyết định của họ sẽ ảnh hưỏng đến sự hình thành quyết định của người khác.
Ý kiến của họ giúp được nhiều ngưởi khác thăng tiến sự hiểu biết. Thái độ
xử thế của họ có thể tạo nên thái độ mẫu mực cho người khác noi theo.
Người lãnh đạo là người có “NHÂN”, thể
hiện qua tinh thần hợp tác với các cộng sự viên và người đồng hành để thực
hiện lý tưởng. Người lãnh đạo là người có “TRÍ” với nhiều sáng kiến,
có đủ khă năng để quyết định những công tác hữu ích cho đoàn thể, cho cộng
đồng, cho nhân quần xã hội. Là người có “DŨNG” để can đảm thực hiện
sáng kiến hữu ích; không lùi bước trước gian nguy thử thách.
Người lãnh đạo là người có khả năng chấp
nhận rủi ro và nguy hiểm. Khi làm việc phải, có thể bị chống đối một cách phi
lý. Người lãnh đạo phải biết quan sát và nhận xét, phân biệt phải trái để
hành động. Người lãnh đạo phải biết tu thân và phục vụ công lý trong tinh
thần cần, kiệm, liêm, chính. “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di,
uy vũ bất năng khuất”. Người lãnh đạo biết tiến, thối, chuẩn bị chu đáo,
tạo hoàn cảnh thuận lợi: thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Người lãnh đạo là người có tinh thần trách
nhiệm, thực hiện sứ mệnh một cách can trường, không lùi bước trước thử
thách, dèm pha, đàm tiếu miễn là không làm điều trái với lương tâm.
Người lãnh đạo là người bảo vệ chính nghĩa
và chính danh trong hành động. Thành thực với chính mình, biết bồi ưu và
biết bổ khuyết; biết thực hiện những việc thích hợp với khả năng của mình;
biết sống và hành động theo lý tưởng phục vụ nhân quần xã hội. “Vì danh bất
chính thì ngôn bất thuận và ngôn bất thuận thì sự chẳng thành.”
Người lãnh đạo là người độ lượng, có lòng
bác ái, từ bi, hỉ xả nói lên lòng nhân đạo, tình yêu nhân hậu đối với nhân
quần xã hội. Đức Khổng Tử thường nói: "Vi thiện giả, Thiên báo chi dĩ
phúc. Vi bất thiện giả, Thiên báo chi dĩ họa” làm điều lành thì Trời lấy
phúc mà báo cho. Ngược lạỉ, người làm điều chẳng lành thì Trời lấy vạ mà
báo cho. Nói khác đi “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo”. Do đó, người lãnh
đạo tốt luôn luôn nghĩ đến điều thiện “Nhất nhật bất niệm thiện, chư ác
giai tự khởi.” Một ngày mà không nghĩ đến điều thiện, thì mọi điều ác tự
dấy lên.
Những người có tiềm năng lãnh đạo, mà có
lòng nhân “nhân giả vô địch”, thì không ai thắng nỗi ! “Thắng lòng mình”
hơn thắng một vạn quân”, thì tâm thường sẽ được an lạc. Nhờ sự bình an
trong tâm hồn mà trí tuệ được sáng suốt, minh mẫn, có thể được thư thái.
“Hồn lành trong xác mạnh”. Nhờ sự thư thái về thể xác, minh mẫn về tinh
thần, người lãnh đạo phát kiến được nhiều chương trình, kế hoạch hữu ích
cho nhân quần xã hội, thoát hiểm cho cộng đồng, cho quốc gia dân tộc.
Những đức tính tự nhiên của người lãnh đạo
có thể do bản chất “Thông minh vốn sẵn tính Trời”, hoặc được tô bồỉ bởi sự
cố gắng tự học hỏi, tu luyện: “Văn ôn, võ luyện”. Không có hoa hồng nào mà
không có gai. Không có kết quả nào mà không do sự khổ công tu luyện.
Muốn trở thành một người lãnh đạo cần phải
can đảm dám từ bỏ tự cao, tự đại, tự mãn, cần phải áp dụng đức bác ái, từ
bi, hỉ xả trong đời sống hàng ngày, để từ bỏ tính ích kỷ cá nhân. Muốn được
vậy, phải luôn luôn học hỏi qua kinh điển, sách vở, báo chí, dụ ngôn, để
hiểu biết lẽ sống của con người, giá trị của cuộc đời rồi mới hiểu được
chân, thiện, mỹ mà tự cải tiến tâm hồn.
Một yếu tố đáng lưu ý của những nhà lãnh
đạo Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ là những người đã từng đọc thật nhanh và đọc rất
nhiều sách. Theo thống kê, có người đọc 700 chữ một phút và đọc ít nhất 30
cuốn sách một tháng.? Nếu thế thì chẳng bao lâu có thể thu tóm “Bốn bồ chữ
của thiên hạ về một mối” Cao Bá Quát có sống lại cũng không địch nổi, dù
ông có tự khoe trong thiên hạ có bốn bồ chữ, ông và gia đình chiếm hết ba
bồ, còn lại một bồ cho thiên hạ…!
Lý do rất dễ hiểu là kiến thức thu thập ở
ghế nhà trường, các quân trường, các lớp huấn luyện có tính cách hạn hẹp và
chuyên môn, vài năm sau sẽ bị lỗi thời (obsolete), nếu không được cập nhật
hoá. Do đó, vấn đề tu nghiệp rất quan trọng trong mọi ngành sinh hoạt hiện
nay tại Hoa Kỳ và các quốc gia tân tiến. Nếu không có tu nghiệp tức là
không có tiến bộ, không thu nhận được kiến thức mới tức là thoái hoá…
Một số người đóng vai trò lãnh đạo ở Việt
Nam qua Mỹ mai danh ẩn tích vì nhiều lý do. Có thể vì không cập nhật hoá
được kiến thức của mình. Có thể vì đã mệt mỏi muốn quên đi sự đời; tìm nơi
vắng vẻ...
“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao”
Mỗi người có một hoàn cảnh riêng. Vì lý do
nhân đạo, chúng ta nên tôn trọng ý thích của mỗi người vì “Nhân sinh quý
thích chí”. Không ai có quyền chê trách, bắt buộc người khác làm những việc
mà họ không muốn làm. Vì như vậy chẳng những phi lý mà còn vi hiến
“Involuntary Service”!
Những người có thiện chí lãnh đạo cần phải
trao đổi và cập nhật hoá kiến thức, hiểu biết rộng rãi về mọi ngành sinh
hoạt của quốc gia. Không phải để trở thành chuyên viên, hiểu biết về một
ngành sinh hoạt, mà phải có kiến thức tổng quát để quản trị, để vạch chính
sách chung cho mọi ngành sinh hoạt. Câu nóỉ: “Một ngày không đọc sách, soi
gương tự thẹn, hai ngày không đọc sách, nói chuyện nhạt nhẽo khó nghe” thật
là chí lý.
Ngoài những đức tính tự nhiên đã nêu trên,
người lãnh đạo là người có đời sống tinh thần phong phú.
Người lãnh đạo là người sống với đức tin:
Lòng tin chở được núi. Với đức tin mọi việc hữu ích sẽ được hoàn thành một
cách thoải mái. Sống trong đức tin là sống trong sự cải hóa tâm hồn. Sống
đức tin là sống theo gương đấng các bậc thánh nhân.
Người lãnh đạo sống với hy vọng: Hy vọng
giúp con người biến mộng thành thực. Hy vọng là nguyên động lực thúc đẩy
con người làm việc, đánh tan được sự thất vọng rình rập cuộc sống. Hy vọng
không phải là mơ mộng, mà là mãnh lực thúc đẩy con người thực hiện được
điều mong ước, mộng tưởng của mình. Mặc dầu “Ở đời lắm nỗi không bằng mộng.
Mộng lớn bao nhiêu khổ bấy nhiêu”, như tìm kiếm hạnh phúc trong thương đau.
“Chén tân khổ, nhắp ngon mùi chính khí”
Người lãnh đạo sống với tình yêu nhân
loại: Tình yêu là hy sinh và phục vụ. Vì tình yêu mới có thể làm vỉệc một
cách vui vẻ, không bao giờ chán nản. “Khi yêu tam tứ núi cũng trèo, thất
bát sông cũng lội, thập ngũ đèo cũng qua”. Yêu là hy sinh, quên mình để
phục vụ cho người khác. Tình yêu sẽ mang lại sinh lực, nhuệ khí, tăng cường
các đức tính tốt của con người, vì yêu là muốn đem lại sự tốt đẹp cho tha
nhân. Có những người bôn ba hải ngoại, chân chạy không bén đất, vì nhiệt
tình phục vụ nhân quần xã hội, mong đem lại tự do, dân chủ, hạnh phúc thực
sự cho đồng bào. Bất cứ công việc gì thực hiện cho tha nhân mà không dựa
trên tình yêu thì thiếu giá trị tỉnh thần và do đó thiếu dụng đích chính đáng.
Cách cho hơn của cho là vậy! Vua Trần Nhân Tông thấy dân đói khổ đã nói với
quần thần: “Trẫm thương dân như thương con trẫm” chứng tỏ lòng nhân của một
vị anh quân. Nhiều nhà cách mạng đã hy sinh cho cuộc đời để phục vụ cho lý
tưởng quốc gia dân tộc.
Người lãnh đạo là người biết khiêm nhường.
Khiêm nhường là biết mình, là nhân nhượng, không so sánh mình với kẻ khác
để tự ty mặc cảm hay để tự cao, tự đại, tự mãn. Khiêm nhường là phục thiện,
biết nghe điều phải, biết học điều hay, biết làm điều tốt. “Bất sỉ hạ vấn”.
Khiêm nhường không có nghĩa tự xem mình thấp kém hơn kẻ khác, hay tự ty mặc
cảm. Tự ty mặc cảm không phải là khiêm nhường mà là mất tự trọng, tự tín
(loss of self esteem).
Khiêm nhường là đức tính phát xuất từ sự
hiểu biết về sự hữu hạn của đời người, của trí tuệ, của khả năng cá nhân.
Sự khiêm nhường phát xuất từ sự nhận định được rằng, tha nhân, dù xuất hiện
như thế nào chăng nữa, vẫn là những cá nhân đặc thù, có những khuyết điểm
nên tránh và những ưu điểm nên theo.
Sự khiêm nhường sẽ cho ta thời gian và sự
bình tỉnh để can đảm nhận được giá trị của người khác, mà những người tự
cao, tự đại, tự mãn, kiêu căng, không đủ bình tĩnh và lý trí để ghi nhận ưu
điểm của người khác để tự cải tiến bản thân mình. Tính khiêm nhường nuôi
dưỡng các đức tính khác và mở đường cho con người tự thăng tiến và được tôn
trọng.
Thế thì các đức tính của người lãnh đạo
chung quy vẫn nằm trong ngũ thường: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
* Nhân: Người lãnh đạo là người có lòng
nhân, nhận lãnh trách nhiệm để phục vụ nhân quần xã hội xem như sứ mệnh cao
cả của đời người.
* Nghĩa; người lãnh đạo là người có lý
tưởng phục vụ cộng đồng, xã hội, quốc gia, việc tốt dù nhỏ đến đâu cũng nên
làm và việc quấy dù có chết cũng từ chối.
* Lễ: Người lãnh đạo biết kính trọng tha
nhân, những người mà mình xem là đối tượng để phục vụ.
* Trí: Người lãnh đạo là người sáng suốt,
khôn ngoan, nhờ kiến thức tống quát rộng rãi do công lao cá nhân chịu khó
học hỏi để có đủ khả năng quyết định sáng suốt. “Bất sỉ hạ vấn”, học hỏi
người dưới quyền không lấy làm thẹn.
* Tín: Người lãnh đạo là người tạo được
lòng tin của tha nhân bằng lời nói và hành động. "Nhân bất tín vô
lập”, người không có chữ tín, không thể đứng vững được. “Tín vi nhân chi
bảo”, được sự tin tưởng là bảo vật của nhân thế.
Người lãnh đạo là người “Tiên thiên hạ chi
ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”. Khổ trước cái khổ của thiên hạ và
vui sau cái vui của mọi người.
Người lãnh đạo thay vì thoái thác, trùm
chăn, lẩn trốn thế nhân, thường xuất hiện như một tấm gương sáng, cải hóa
thế nhân bằng một đời sống chí tình, chí nghĩa, “Lấy đại nghĩa để thắng
hung tàn, đem chí nhân để thay cho cường bạo”. Quan điểm này được thế giới
công nhận qua bản “Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền” do Liên Hiệp Quốc ban
hành năm 1948 sau khi thế chiến thứ 2 đã tàn sát hằng chục triệu nhân mạng
trên thế giới.
” Kìa những kẻ bày binh bố trận
Đem thân vào cướp ấn nguyên nhung
Gió mưa sấm sét đùng đùng
Phơi thây trăm họ nên công một người”
Cũng như cuộc chiến tàn khóc, vô nhân đạo
mà HCM và đảng CS Hà Nội đã nhuộm đỏ Việt Nam khiến cho đồng bào quốc nội
sống trong sự thống trị bạo tàn của chế độ cộng sản:
“Quê ta chốn ấy giờ tang thương lắm
Mảnh đất ưu phiền hai chữ nắng, mưa”!
Người lãnh đạo là người biết quên mình để
phục vụ lẽ phảỉ, mọi hành động đều hướng đến Chân, Thiện, Mỹ. Người lãnh
đạo là người nhập thế, biết sử dụng tài năng của mình để nhận lãnh trách
nhiệm và để phục vụ tha nhân.
Luận đến đây, mỗi người chúng ta tự xét
mình có phải là người lãnh đạo hay không? Tùy hoàn cảnh và phạm vi sinh hoạt,
mỗi người có thể trở thành người lãnh đạo đoàn thể, cộng đồng, xã hội, quốc
gia. Người lãnh đạo phải am hiểu kiến thức của thế trần, trang bị cho mình
tinh thần lương thiện, vương đạo và lý tưởng phục vụ tha nhân.
Giữa vấn đề sinh hoạt đơn thương độc mã và
sinh hoạt tập thể, thì sinh hoạt tập thể là một môi trường thich ứng để đào
tạo các nhân vật lãnh đạo. Có sinh hoạt tập thể thì mới biết được ưu và
khuyết điểm, mới có cơ hội trao đổi tư tưởng và tự học hỏi để tiến bộ.
Nhưng cũng nên lưu ý là đoàn thể phải có khả năng sinh hoạt rộng rãi, phát
triển hội viên và sinh hoạt cả nội bộ lẫn sinh hoạt ngoại vi, cộng đồng, xã
hội mới có thể đem tinh thần phục vụ đến cho nhân thế.
Một đoàn thể đóng kín là một đoàn thể
chẳng bao lâu sẽ bị mai một và héo tàn “A group closed upon itself will
soon wither and die” dù đoàn thể đó là ái hữu, xã hội, tôn giáo hay chính
trị.
Người lãnh đạo không chỉ phát triển đoàn
thể cho mình, hay đoàn thể nào có mình là đủ, mà phải tạo cơ hội cho người
khác tham gia đoàn thể, để có cơ hội phát triển, đồng tiến xã hội. Người
lãnh đạo là người có tinh thần thông hiệp phong phú, biết kỹ thuật kết hợp,
đoàn kết để tạo thành sức mạnh nhằm xây dựng nhân quần xã hội ngày càng
thêm tốt đẹp về tình cũng như về lý.
Tình:
Mục đích của đoàn thể nhằm phục vụ các nhu
cầu thiết yếu của tha nhân theo hệ cấp nhu cầu (Abraham Maslow):(1) Nhu cầu
căn bản sinh vật lý (physiological needs) như đói ăn, khát uống; (2) Nhu
cầu được sinh sống an toàn (security needs) không bị đe doạ bởi bất cứ
nguyên nhân nào, sống an cư, lạc nghiệp; (3) Nhu cầu được sống hội nhập,
(social needs) người là sinh vật xã hội, sống thành tập thể, hội nhóm, xã
hội, cộng đồng; (4) Nhu cầu được tôn trọng (esteem needs) ; (5) Nhu cầu
thực hiện được những điều mong ước,( self actualizing needs) như lý tưởng
của mình.
Lý:
Nhu cầu sống thành tập thể, hội nhóm, dù
đoàn thể được tổ chức có quy cũ theo luật lệ hiện hành (de jure) hay tổ
chức theo kết ước, bất thành văn (de facto) cũng phải theo những ý niệm căn
bản của nhân tình thể hiện qua cương thường đạo nghĩa làm căn bản cho luật
lệ hiện hành.
Xã hội, cộng đồng hay đoàn thể là những
tập thể chung sống giữa người và người trên hai bình diện tình và lý. Muốn
sinh hoạt được hữu hiệu, đoàn thể phải được điều hành hợp tình và hữu lý
thể hiện qua các nguyên tác căn bản được các quốc gia tự do tân tiến chấp
nhận về vấn đề tổ chức và quản trị hiệp hội và nhân sự hữu trách phải tuân
thủ các nguyên tắc luân lý nghề nghiệp (code of ethics).
Hiện nay tại Hoa Kỳ, cũng như tại các quốc
gia tự do, các đoàn thể xã hội, ái hữu, cộng đồng … thường được thành lập
theo luật hiệp hội bất vụ lợi (not for profit organization –NPO). Tuy
chi tiết có thể khác nhau, nhưng tổng thể 50 tiểu bang tại Hoa Kỳ có 50 bộ
luật riêng về hiệp hội với các nguyên tắc căn bản tương tự.
Hình thức tổ chức thông thường theo luật
lệ hiện hành, hội viên bầu các vị giám đốc vào Hội Đồng Quản Trị (Board of
Directors). Hội đồng Quản Trị thường có 3 chức năng chính: Quyết nghị
(deliberative), Chấp hành (executive) và Giám sát (oversight). Cả ba cơ
chế, tuy ba mà một, tuy một mà ba, đồng chịu trách nhiệm về sự thịnh, suy
của tổ chức, chứ không phải ba cơ chế biệt lập không liên hệ với nhau.
Cả ba cơ chế phải cùng nhau quyết nghị về
chính sách, chương trình, kế hoạch và phải hổ trợ cho nhau để thực hiện
phần vụ của mỗi cơ chế và toàn bộ chương trình đã đề ra và được chấp thuận.
Khi bầu, hội viên thể hiện sự tín nhiệm và
uỷ thác cho các vị giám đốc nhiệm vụ quản trị và điều hành hiệp hội gọi
chung là trách nhiệm được tín thác (fiduciary duty).
Sự kiện nhận trách nhiệm được hội viên tín
thác đòi hỏi các thành viên hữu trách phải chu toàn nhiệm vụ qua ba tiêu
chuẩn hành sự:
Cần mẫn: (duty of care): Chăm lo sinh hoạt
của tổ chức trong vấn đề hình thành và cập nhật các văn kiện căn bản; thực
thi chính sách, chương trình, phục vụ tổ chức và thành viên như nhiệm vụ đã
được quy định trong nội quy với tinh thần thận trọng, cần mẫn, tận tình, và
biết tiên liệu để tránh sự bất ổn, phân hóa, gây thiệt hại cho tổ chức và
hội viên về tinh thần và vật chất.
Trung tín (duty of loyalty): Trung
thành với bản điều lệ, nội quy để phục vu hội viên, bảo vệ uy tín, danh dự
và tài sản của tổ chức; không được chiếm công vi tư, vi phạm nguyên tắc
quyền lợi tương phản (conflict of interest), không cạnh tranh bất chính
(unfair competition) bằng lời nói, hành động; phải tạo sự tín cẩn, tôn
trọng và hợp tác giữa các đồng sự, thành viên, trung thành với danh xưng,
tôn chỉ, mục đích của tổ chức.
Tuân phục (duty of obedience): Tuân
giữ các nguyên tắc điều hành nội bộ, luật lệ tiểu bang, liên bang, báo cáo
định kỳ về sinh hoạt, tài chánh, thuế khoá, nhật tu, tái ghi danh thường
niên giấy phép hoạt động theo luật định…
Vi phạm các trách vụ nêu trên thường là
nguyên nhân của sự bất tín nhiệm, bãi chức, hay tranh tụng trong sinh hoạt
đoàn thể ái hữu, tôn giáo hay xã hội cộng đồng…
Hy vọng với tinh thần cần, kiệm, liêm,
chính trong tư tưởng để lên khuôn cho hành động thì chẳng những mọi sinh
hoạt sẽ được chu toàn và hạnh thông trong công tác phục vụ phúc lợi chung
của tập thể người Việt cư ngụ tại hải ngoại mà đại nghiệp cứu quốc cũng sẽ
chóng được viên thành.
Đó cũng là ước nguyện chung của tất cả
chúng ta vậy.
Trần Xuân Thời
|
No comments:
Post a Comment