Tuesday, April 19, 2022

20220416 An Loc Chien Su 1972 Phan 35

20220416 An Loc Chien Su 1972 Phan 35


378/421

LÊ VĂN HƯNG BÌNH LONG – AN LỘC

Bài viết của Sơn Tùng – Trình bày: Jennifer Kim Nguyễn

LTS: Cách nay gần tròn 20 năm, Cộng Sản Bắc Việt đơn phương xoá bỏ hiệp định Ba Lê mà chúng đã ký kết, xua quân xâm chiếm trọn miền Nam, đưa toàn thể dân tộc vào cảnh “THIẾU NHÂN QUYỀN, DƯ TÙ TỘI, THIẾU CƠM NO, THỪA BỆNH HOẠN” Thế hệ trẻ Việt Nam tại hải ngoại, qua vô số tài liệu ngoại quốc (trình bày cuộc chiến Việt Nam theo cái nhìn chủ quan một chiều hay thiển cận của người viết), có thể sẽ không tránh khỏi một vài nhận định sai lạc về thế hệ cha anh và về Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.

20220416 ALCS1972P35 01

Không! NGƯỜI LÍNH VIỆT NAM CỘNG HOÀ ÐÃ KHÔNG HÈN!

Họ đã chiến đấu dũng mãnh, rất “tới”. Họ đã làm đồng minh khâm phục.

Họ đã làm kẻ thù khiếp sợ! Dù sứ mạng giữ nước đã không tròn. Không tròn chỉ vì họ đã không may sinh không nhằm thời nên bị đặt dưới sự chỉ huy của một vài cấp lãnh đạo “bất tài vô đức” (xin miễn bàn đến yếu tố chính trị thế giới và quyền lợi ngoại nhân).

Họ đã bẻ gẫy Tổng Công Kích Tết Mậu Thân. Họ đã cao ngạo đứng vững trong Mùa Hè Ðỏ Lửa.

Phải! NGƯỜI LÍNH VIỆT NAM CỘNG HOÀ - xin được viết hoa - đã không hèn. Không bao giờ đủ bút mực để viết về gương hào hùng và chiến công đầy dẫy của họ. Chỉ xin góp nhặt một vài trang sách cũ về một địa danh đã đi vào chiến sử thế giới: An Lộc. Ðể vinh danh Người Lính Cộng Hoà và đặc biệt để tưởng niệm Tướng Lê Văn Hưng, người hùng An Lộc, một trong những vị tướng lãnh tài đức của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, đã chấp nhận tự chọn cái chết vào ngày 30 tháng 04 năm 1975 để giữ tròn tiết tháo của người dũng tướng. An Lộc cũng đã cho phép người cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hoà được ngẩng mặt với đời, dù phải lưu lạc xứ người vì sứ mạng giữ nước vẫn chưa tròn.

Một thông tín chiến tranh trẻ của Nga, Konstantine Simonoff từng chứng kiến trận Stalingrad giữa lúc thành phố này bị công hãm đã viết lại rằng “quả đất như lay chuyển dọc chiến tuyến dài 40 dậm kéo dài ngang thành phố Stalingrad. Ðường phố Stalingrad tắc nghẽn. Phụ nữ trẻ em không di tản được khỏi thành phố đã phải trú ẩn trong những hầm hố đào sâu trong các lòng suối dẫn đến con sông Volga. Các oanh tạc cơ của Ðức rơi chất đống trên thành phố… Không có thời gian để chôn người chết … Các bộ chỉ huy trú phòng Stalingrad được đặt sâu dưới lòng đất…

Những ngôn từ diễn tả trận chiến Stalingrad cách đây 30 năm bây giờ lại được người ta mô tả chiến trường An Lộc. Nếu bút mực, phim ảnh trong 30 năm qua vẫn chưa nói lên hết thảm trạng chiến tranh Stalingrad, thì An Lộc cũng vậy. An Lộc nhỏ bé, nhưng chiến thắng An Lộc quá vĩ đại. An Lộc điêu tàn nhưng chiến thắng An Lộc là một hào quang rực rỡ. Vĩ đại đến nỗi một cựu tướng lãnh Pháp tại Ðông Dương, tướng Paul Vanuxem, đã tạm gác công việc tại Paris để bay ngay sang Việt Nam thăm cho được thành phố nhỏ bé này, và sau đó đã ca ngợi trên tờ Carefour xuất bản tại Ba Lê như sau:

“Chiến thắng An Lộc là chiến thắng lịch sử vĩ đại hơn bất cứ một chiến thắng nào trên thế giới. An Lộc đúng ra phải thất thủ ngay từ lúc đầu của cuộc tấn công. Nhưng hai tháng sau An Lộc vẫn còn đứng vững. Trừ Stalingrad người ta coi một cách vẻ vang rằng trong lịch sử chiến tranh cận đại không có một chiến thắng nào tương tự như thế. An Lộc đã trở nên một biểu tượng của sự chịu đựng anh hùng. An Lộc đã đứng vững dưới những trận bão lửa là nhờ ở sự can đảm của chiến sĩ VNCH… An Lộc đã đứng vững cho chúng ta, cho sự tự do của chúng ta, và cho tương lai của chúng ta …”

Càng ngẩn ngơ trước cảnh đổ nát của An Lộc, tướng Vanuxem càng ngưỡng mộ người lính Việt Nam Cộng Hoà, ngưỡng mộ đến nỗi ông ta nói lên ý định đưa con cháu sang đầu quân dưới cờ Việt Nam.

An Lộc, Tỉnh lỵ của Bình Long anh dũng, trước đây là một thị trấn nhỏ gọi là Hớn Quản thuộc Tỉnh Thủ Dầu Một. Thời Ðệ Nhất Cộng Hoà, vì nhu cầu hành chánh, Tỉnh Bình Long được thành lập gồm 3 quận Chơn Thành, Hớn Quản, Lộc Ninh. Từ ngày đó quận Hớn Quản mang tên mới là An Lộc. Quận An Lộc gồm cả thành phố Tỉnh lỵ rộng 740 cây số vuông với khoảng 44 ngàn dân, đa số tập trung vào xã Tân Lập Phú. Tỉnh Bình Long nằm sàt biên giới Kampuchia với diện tích 2,240 cây số vuông, gồm trên 76 ngàn dân. Chung quanh Tỉnh lỵ và quận lỵ là những đồn điền cao su ngút ngàn, vài ngọn đồi thoai thoải. Ðồi Gió, Ðồi 100, Ðồi Ðồng Long là những cứ điểm quân sự quan trọng bảo vệ thị trấn An Lộc. Cộng Sản Bắc Việt nhắm vào An Lộc là vì Tỉnh Bình Long nằm sát biên giới Kampuchia nơi che dấu những căn cứ địa của Cộng Sản Bắc Việt. Thị trấn này về mặt chiến lược còn nắm vai trò chủ yếu phòng thủ cho Bình Dương và sau đó là Thủ Ðô Sài Gòn.

Do đó, tuy An Lộc chỉ là một thị trấn nhỏ bé, nơi đặt cơ sở hành chánh điều hành Tỉnh Bình Long, nhưng đã được Cộng Sản Bắc Việt chọn làm mục tiêu tấn công hy vọng đạt một chiến thắng dễ dàng đồng thời tạo một kinh hoàng, đe doạ thủ đô.

Rạng ngày 05/04/1972, vào lúc bình minh, Bộ Chỉ Huy Hành Quân của CSBV ban ra một mệnh lệnh khô khan: “Phải chiếm được An Lộc bằng mọi giá trước ngày 20-04” với ý đồ sẽ trình diện chính phủ lâm thời của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam vào ngày 08-06 tại đây. Ðể dứt điểm An Lộc, Cộng Sản Bắc Việt tung vào 4 công trường (tương đương với sư đoàn) gồm các công trường 5, 7, 9, tăng cường thêm công trường Bình Long, được yểm trợ bởi 2 trung đoàn 202 và 203 Thiết Giáp và hằng hà sa số pháo đội 105, 155, 130, 107, 122 và các pháo đội phòng không đủ loại. Tính ra, với quân số ít nhất cũng trên 40,000 quân với hoả lực pháo binh hùng hậu, Cộng Sản Bắc Việt tin chắc sẽ nuốt chửng An Lộc chỉ được Sư Ðoàn 5 Bộ Binh bảo vệ.

Ðể duy trì áp lực trên thành phố An Lộc, hoặc ngay cả trước khi mở cuộc “hậu xung”, Cộng Sản Bắc Việt đã dành cho thị trấn nhỏ bé này những trận pháo kích chưa từng thấy trong lịch sử chiến cuộc thế giới. Không còn danh từ nào tượng hình hơn danh từ “mưa pháo” mà người dân và chiến sĩ ở đây đã gọi. Một sĩ quan cao cấp, Ðại Tá Mạch Văn Trường, đã ví những trận pháo kích của Cộng Sản Bắc Việt như một chiêu thức võ hiệp “Mãn Hoa Thiên Vũ” (mưa hoa bay đầy trời). Diện tích An Lộc chừng vài cây số vuông trong 2 tháng trời đã lãnh đủ mọi thứ đạn của Cộng Sản Bắc Việt có lúc đến gần 8,000 quả trong một ngày như ngày 11-05. Tính chung hơn 2 tháng trời bị pháo liên tục, thành phố An Lộc đã chịu đựng hơn 200,000 quả đạn đủ loại.

Ít người được dịp chứng kiến tận mắt thành phố An Lộc hoang tàn sau những cơn mưa pháo bất tận, nhưng ai ai cũng có thể hình dung những đổ nát của thị trấn nhỏ bé này với một tưởng tượng rằng cứ chừng 20 thuớc vuông đất thì bị tàn phá bởi một quả đạn pháo kích của Cộng Sản Bắc Việt. Với “mật độ” này, không có một vật gì ở thị trấn An Lộc không ghi nhận dấu vết tàn phá của đạn pháo kích. Từ cột điện, cây cối cho đến chiếc lon sữa bò vất ngoài đường phố cũng ít nhất bị trúng miểng pháo, đừng nói gì đến nhà cửa …

An Lộc còn có những bi thảm mà thế giới văn minh không ai có thể tin là sự thật. Dưới trận mưa pháo kinh hoàng của đoàn quân xâm lược, thật ít người được chết chỉ 1 lần. Vắng tiếng pháo, người sống vội vã lo cho người chết, đào tạm cái hố, gom vội thi hài để người chết được 1 nơi yên giấc và cũng để tránh cảnh xác người sình thối trước mặt người sống. Thế nhưng giấc ngủ của kẻ chết cũng không yên dưới tay giặc Cộng. Mộ mới đắp được vài phút, đạn pháo kích của quân thù lại rơi vào. Xác người chết vốn không còn nguyên vẹn lại bị sát hại thêm một lần nữa bởi mộng xâm lăng của Cộng Sản Bắc Việt. Người dân còn kẹt ở An Lộc, ngưòi lính quyết tâm tử thủ bảo vệ thành phố này đã cố gắng chịu đựng đến tột cùng của sự cố gắng trước cái kinh hoàng của mưa pháo để thành phố không thất thủ. Những tiếng nổ khủng khiếp liên hồi hàng chục ngày rồi cũng trở thành những âm thanh dịu vợi vì quen thuộc. Cái kinh hoàng bây giờ không còn phải ở hai tai mà đôi mắt khi nhìn thấy những người đi thu lượm chấp nối thi hài của thân nhân bạn hữu được đầy đủ trước khi vùi sâu dưới lòng đất lạnh.

Ngày 15-04 hơn 10 ngàn dân chúng chạy vô khu nhà thờ và nhà thương An Lộc, hy vọng Cộng quân không tấn công hai địa điểm này, bởi nếu còn có chút lòng người không một cấp chỉ huy quân sự nào có thể ra lệnh bắn vào nhà thương và nhà thờ. Chữ “thương” và chữ “thờ” với sự tượng trưng đặc thù, tự nó đã nói lên tất cả ý nghĩa của sự việc dân chúng tìm hai nơi này để lánh nạn. Tuy nhiên Cộng quân vẫn tập trung hoả lực để pháo kích vào hai nơi này. Gần 2 tháng sau, khi kể lại vụ nhà thờ 15-04 cho chúng tôi, người lính tử thủ vẫn còn kinh hoàng và sự ghê tởm cho dã tâm của Cộng Sản Bắc Việt. Anh nói: “Cả chục ngàn người đang ở khu vực nhà thờ, họ cùng các vị lãnh đạo tinh thần chỉ còn biết cầu xin đấng duy linh tối thượng thương xót cho một đám dân lạc loài qua cảnh đao binh. Không ai có thể hình dung cảnh hỗn loạn, thảm khốc khi hơn 10 ngàn người đạp lên nhau chạy thoát khỏi khu nhà thờ. Số thương vong không biết sao kể xiết”. Một thành phố nhỏ như An Lộc dể dàng trở thành mục tiêu tốt cho bất cứ pháo thủ nào chỉnh súng để pháo vào đó, bởi vậy An Lộc đã chẳng còn gì sau hơn 60 ngày bị pháo kích.

Ðiều may mắn còn lại cho những người tử thủ là đạn rơi trúng hầm thì mới chết chứ cách hầm vài thước ít ăn thua gì, vì Cộng quân không có nhiều loại đầu đạn delay, loại đạn nổ chậm, chui sâu khoảng 10 thước mới phát nổ gây tàn phá hầm trú ẩn rất khủng khiếp. Kể cả căn hầm của Tướng Hưng, ở An Lộc hầu như không có công sự nào chịu nổi một phát 130 hay hoả tiễn 122, có điều Thượng Ðế còn “ngó lại” nên phần trên của căn nhà của Tướng Hưng chỉ bị mấy trái cối 82. Ðạn 82 không xuyên phá, khi nổ văng nhiều miểng nhưng chỉ có thể làm sập mái nhà mà thôi. Một vài trái hoả tiễn 122, 107 và cả đạn delay đã rơi chung quanh Bộ Chỉ Huy của Tướng Hưng, rất may mắn không có trái nào trúng hầm và chỉ làm hư hại phần ngoài của khu vực này.

Ðã nói tới pháo kích tức nhiên phải nghĩ đến những tàn phá và thảm cảnh, những điều này mới chính lả biểu trưng vĩ đại nhất cho sự chịu đựng tinh thần kiên quyết của người tử thủ cho dù đó là quân nhân hay những thường dân hoàn toàn không võ trang. Với 200 ngàn trái đạn trong hơn 2 tháng, Cộng quân đã làm An Lộc sụp đổ toàn diện, 4 ngàn binh sĩ và thường dân Việt Nam Cộng Hoà thiệt mạng bên trong thị trấn nhỏ bé. Nhưng tại sao thành phố anh hùng này vẫn đứng vững và trở thành một biểu tượng cho tinh thần chiến đấu của tất cả mọi công dân Việt Nam Cộng Hoà hay nói 1 cách không thậm xưng, một biểu tượng của thế giới tự do trước làn sóng đỏ xâm lăng.

Sau mỗi đợt “mưa pháo”, Cộng Sản Bắc Việt tung chiến xa, những chiếc T.54 bề thế, vừa lầm lì tiến tới, vừa nhả đạn như mưa vào tuyến trú phòng, mở đường cho các đơn vị bộ binh Cộng Sản Bắc Việt “tùng thiết” theo sát phía sau. Người lính An Lộc, không có chiến xa, không còn đại pháo, chỉ còn biết trông cậy vào những khẩu M.72 chống chiến xa với tầm hiệu quả không quá 150 thước. Họ núp mình dưới giao thông hào, chờ tăng địch đến gần, đến thật gần, mới đứng lên khai hoả. Từng chiếc tăng địch bốc cháy, lựu đạn tung ra, lưỡi lê tuốt trần, người lính Việt Nam Cộng Hoà đã phải cận chiến để đánh bật từng đơn vị Cộng quân đã xâm nhập vào thị trấn. Cộng quân dùng xa luân chiến để vùi dập quân trú phòng, nhất định không cho quân ta nghỉ ngơi.

Thiếu đạn, thiếu súng, thiếu ăn, thiếu ngủ, người lính An Lộc, sau này được tăng phái thêm LIên Ðoàn 81 Biệt Kích Dù, đã giữ vững tuyến phòng thủ qua bao ngày vây hãm. Ngày 08-06, Tiểu Ðoàn 6 Nhảy Dù, sau khi bị tan nát tại Ðồi Gió và được tái lập với ¾ lính mới, những người lính chưa kịp được học tác xạ M-16, đã rửa hận, đánh thật tuyệt vời, mở được đường vào “bắt tay” với An Lộc, sau khi vượt qua trùng trùng điệp điệp các đơn vị Bắc quân, chấm dứt 68 ngày vây hãm An Lộc của quân Cộng Sản Việt Nam. Quân phòng thủ An Lộc tung ra mở rộng phòng tuyến, chiếm lại từng điểm chiến lược trong thị trấn, tạo an toàn bãi đáp cho quân tăng viện. Ngày 09-06, lần đầu tiên từ hơn hai tháng nay, một đoàn trực thăng 23 chiếc đã đáp xuống An Lộc, vừa đổ quân, vừa tiếp tế, vừa bốc thương binh về hậu cứ. Ngày 12-06, Liên Ðoàn 81 Biệt Kích Dù chiếm lại Ðồi Ðồng Long, một cao điểm chiến lược bên ngoài Thị Xã. Khi lá cờ Vàng Ba Sọc Ðỏ phất phơ trên đỉnh Ðồng Long, Tướng Hưng ngắn gọn tuyên bố với thông tín viên đài Vô Tuyến Việt Nam: “Thành phố An Lộc đã được hoàn toàn giải toả.” Về sự nhiệm mầu đã giúp cho An Lộc đứng vững, Tướng Lê Văn Hưng, người hùng tử thủ An Lộc, đã viết như sau: “An Lộc đã đứng vững suốt 3 tháng trời cam go nhờ vào tinh thần chiến đấu kiên cường của toàn thể quân dân anh hùng nơi Thị Xã nhỏ bé thân yêu của đất nước.”

CHÂN DUNG NGƯỜI LÍNH VIỆT NAM CỘNG HOÀ

NGUYẼN THỊ THẢO AN

20220416 ALCS1972P35 02

(Lời Ban Biên Soạn: Chúng tôi xin đăng nguyên văn bài này để vinh danh NGƯỜI LÍNH VIỆT NAM CỘNG HOÀ nói chung và để tưởng nhớ đến anh linh những chiến sĩ đã hy sinh vì Đại Nghĩa Quốc Gia Dân Tộc trên khắp các nẻo đường đất nước cũng như tại chiến trường An Lộc).

Không biết bắt đầu từ thuở nào có một quy luật hình thành là ở một thể chế chính trị, đều thành lập một lực lượng để bảo vệ mình, lực lượng đó được gọi là quân đội. Quân đội sinh ra từ chế độ và nó cũng vẽ nên những chân dung của chế độ. Chế độ tốt sẽ xây dựng nên một quân đội tốt. Quân đội tốt sẽ không dung dưỡng một chế độ xấu. Từ hơn hai ngàn năm về trước, Người Lính Việt Nam với chiếc áo trấn thủ, mang gươm giáo ngàn xưa để gồng gánh trên vai những nhiệm vụ giết thù diệt loạn, bảo quốc an dân, giữ gìn cơ nghiệp của tiền nhân. Trải qua bao thăng trầm của đất nước, hình ảnh của Người Lính thay đổi qua bao thời thế, nhưng trách nhiệm không hề thay đổi.

Người thanh niên tuổi trẻ Việt Nam từ khi bước vào quân trường, khoác vội bộ đồ trận, lưng mang vác ba lô cho tới khi Anh đứng nghiêm với lời tuyên thệ Vị Quốc Vong Thân. Người tuổi trẻ đã trở thành Người Lính. Anh trưởng thành hơn bóng dáng của quê hương. Người Lính với chiếc nón sắt xanh đậm tròn tròn như nửa vầng trăng in rõ bóng trên nền trời xanh lơ. Anh đã bước ra, tay ôm súng và chân mang giầy trận, Anh giẫm mòn nửa vòng đất nước đi canh giữ cho quê hương.

Bắt đầu từ thập niên Sáu Mươi, khi kẻ thù phương Bắc, với xe tăng súng cối, với những chủ thuyết ngoại lai, với những xích cồng nô lệ, đã toan tính nhuộm đỏ quê hương, thì từ đó Người Lính đã hiện diện trong tuyến đầu lửa đạn, Anh mang vác hành trang, chiếc ba lô nặng cồng kềnh để chận bước quân thù, để bảo vệ Miền Nam.

Ðất nước hai mươi năm chến tranh, hai mươi năm dài người lính hầu như không ngủ. Hai mươi năm có tới mấy ngàn ngày để Anh đi từ sáng tinh mơ, chân giẫm ướt ngọn sương mai trên cỏ. Hai mươi năm có tới mấy ngàn đêm, bóng Anh mịt mờ trong núi rừng lạnh giá. Hai mươi năm, Anh nghe tiếng đại bác vang trời không nghỉ.

Tiếng mưa bom đạn réo bên mình. Tiếng xe tăng nghiền nát đường quê hương. Hai mươi năm, Anh đã đem sinh mạng của mình đặt trên đường bay của đạn. Ðã đem hy vọng cuộc đời đặt trên khẩu súng thân quen. Hay đã đem tình yêu và nỗi nhớ đặt trên đầu điếu thuốc. Hai mươi năm chiến tranh có bao ngày Anh được ngủ yên trên chiếc giường ngay ngắn. Có bao đêm Anh mơ được trọn giấc bình yên. Hay Anh đã sống thân quen với đời gian khổ và đánh bạn với gian nguy.

Anh với đầu đội súng và vai mang ba lô, lội qua những vũng sình lầy nước ngang tầm ngực. Anh đã đi qua những địa danh xa lạ : Ashau, Ia Drang, Kontum, Pleime, nơi giơ bàn tay cũng không thấy được bàn tay. Hay Anh truy địch ở bờ sông Thạch Hãn lừng lững sương mai, ở phá Tam Giang sóng vỗ kêu gào hay ở Cổ Thành xứ Huế mù sương. Dài dọc xuống Miền Nam với rừng Tràm, rừng Ðước, đến Ðồng Tháp Mười Anh đã nghe tiếng muỗi vo ve như sáo thổi.

Anh đã đến những nơi mà Anh không tưởng, Anh đi diệt địch và Anh đã ngã xuống địa danh chẳng quen dấu chân Anh. Người Lính nằm xuống ở Miền Nam xanh tươi ngọn mạ, ở những vùng trầm se rét Miền Trung, hay ở Miền Ðông xác thân thối rữa. Từ Ấp Bắc, Ðồng Xoài, Bình Giả …cho tới Tống Lê Chân, An Lộc, Bình Long, Người Lính đã căng rộng tấm poncho để che kín bầu trời Miền Nam được yên ấm tự do. Nối gót tiền nhân, Người Lính, mỗi Người Lính đã đem 3.8 lít máu tươi, tưới cho thắm tươi hoa lá ruộng đồng, đã đem mỗi một 208 lóng xương khổ nạn của mình cắm trăm nẻo đường quê hương muôn ngả, để cho Chính Nghĩa Quốc Gia Tự Do được tồn tại. Ðể cho người dân quốc gia được sống no ấm ở hậu phương.

Những người dân Quốc Gia, những người dân Quốc Gia không hề muốn trở thành dân Cộng Sản, những nguời Quốc Gia luôn muốn bỏ chạy khi Cộng Sản tới và núp bóng Người Lính để được sống an nhàn ở chốn hậu phương. Họ hoàn toàn trao trọng trách bảo vệ quốc gia, ngăn thù dẹp loạn như một thứ công việc và trách nhiệm của người làm nghề lính, như thể không liên quan gì tới họ. Và họ tự trấn an lương tâm rằng Người Lính sẽ không bao giờ buông súng và sẽ mãi mãi bảo vệ họ tới cùng. Vì thế, họ luôn yên tâm sống ở hậu phuơng, yên tâm kiếm tiền và tranh đua đời sống xa hoa phè phỡn trên máu xương của Người Lính.

Và ở hậu phương, Người Lính đồng nghĩa với nghèo, đời Lính tức là đời gian khổ, và tương lai Người Lính đếm được trên từng ngón tay. Thế nên, Người Lính về hậu phương, Anh ngỡ ngàng và lạc lõng. Bỗng hình như Anh cảm thấy mình như người Thượng về Kinh. Như vậy thì người ta tội nghiệp Người Lính và yêu Người Lính để thể hiện tình quân dân cá nước trong sách vở, báo chí và truyền hình.

Người Lính bị bắt cóc vào văn chương tiểu thuyết và là những người lính giấy, vào văn chương để tự phản bội chính mình, để thoả mãn cho những kẻ trông con bò để vẽ con nai, và ngồi phòng khách để diễn tả chiến trường đỏ lửa. Người lính trên trang giấy ngang tàng và hung bạo, chửi rủa chính phủ, chống chính quyền và ghét cấp chỉ huy, lính la cà trong quán rượu, ưống rượu chẳng thấy say, và càng say càng đập phá. Người lính xuất hiện trên sân khấu thì phong lưu và đỏm dáng hay trắng trẻo no tròn. Anh mang đồ trận mới toanh còn nguyên nếp gấp, ngọt ngào chót lưỡi đầu môi, anh ca bài ca mời gọi ái tình, và người yêu của anh lính là những cô mắt ướt môi hồng, áo quần xa hoa lộng lẫy, thề non hẹn biển yêu lính trọn kiếp trong ti vi. Như vậy thì quá mỉa mai cho cái gọi là anh trai tiền tuyến, em gái hậu phương. Trong khi đó, ở ngoài đời những Người Vợ Lính là những người chống giữ thầm lặng ở xã hội hậu phương.

Ðó là những người đàn bà bình dị với tấm áo vải nội hoá rẻ tiền, với đôi guốc vông kẽo kẹt, đóng vai vừa là người mẹ vừa là người cha nuôi con nhỏ dại, gói ghém cuộc đời sống bằng lương người chồng lính chỉ vừa đủ mua nửa tháng gạo ăn. Ðó là những người đàn bà tất tả ngược xuôi, lặn lội thăm chồng ở các Trung Tâm Huấn Luyện hay ở những nơi tiền đồn xa xôi với vài ổ bánh mì làm quà gặp mặt. Ðó là những người âm thầm và lặng lẽ, chịu đựng và hy sinh để chồng luôn an tâm chống giữ ngoài trận tuyến với đối phương.

Hạnh phúc của họ mong manh và nhỏ bé, bất chợt như tình cờ. Có thể ở một thỏi son nhỏ bé mà Người Lính mang về để tặng vợ, có thể là một chiếc nón bài thơ, hay chút tình cờ ở một buổi tối Người Lính chợt ghé nhà thăm vợ. Hạnh phúc ở trong chén trà thơm uống vội, hay ở lúc nhìn đứa con bé nhỏ chào đời tháng trước.

Người vợ Lính cũng là những người hằng đêm thức muộn để lắng tai nghe tiếng đại bác thâu đêm, rồi định hướng với lo âu trằn trọc. Ðó là những người đàn bà mà sau mỗi lần đơn vị chồng đụng trận, đi thăm chồng giấu giếm mảnh khăn sô.

Trong nỗi chịu đựng hy sinh, âm thầm và kỳ vĩ, họ vẫn sống và luôn gắng vượt qua để cho người chồng an tâm cầm súng. Ðể Anh, Người Lính, Anh mang sự bất công to lớn, sự bạc đãi phũ phàng, Anh vẫn đi và vẫn sống, vẫn chiến đấu oai hùng giữa muôn vàn thù địch.

Ở chiến trường, Anh đối diện với kẻ thù hung ác, ở hậu phương Anh bị ghét bỏ khinh khi, trên đầu Anh có lãnh đạo tồi, sẵn sàng dẫm xác Anh để cầu vinh cho họ, đồng minh Anh đợi bán Anh để cầu lợi an thân.

Những người dân của Anh, những người Anh hy sinh để bảo vệ từ chối giúp Anh truy lùng kẻ địch, và điềm nhiên để Anh lọt vào ổ phục kích của địch quân. Những người dân bán rẻ linh hồn cho quỷ, tiếp tay cho địch thác loạn ở hậu phương, đó là những kẻ chủ trương đòi quyền sống, trong đó không bao gồm quyền sống của Anh.

Những kẻ để trái tim rung động tiếc thương cho cái chết của kẻ thù nhưng dửng dưng trước sự ngã xuống của Anh. A dua, xu thời là bọn báo chí ngoại quốc thiên tả, lệch lạc ngòi bút, ngây thơ nhận định, mù quáng trong định kiến, tất cả vây quanh Anh để tặng cho Anh những đòn chí tử. Người Lính bi hùng và bi thảm, Anh chống địch mười phương, tận lòng trong đơn độc, Anh vẫn hy sinh và chống giữ tới hơi thở cuối cùng.

Ngày Hoà Bình, 27 tháng Giêng năm 1973, hiệp định Paris được ký kết Hoà Bình thật sự đến trên trang giấy, đến với thế giới tự do. Thế nên, thế giới tự do nâng ly để chúc mừng cho hoà bình của họ và nhận giải Nobel. Nhưng hoà bình đến ở Việt Nam tanh hôi mùi máu, đen ngòm như tấm mộ bia. Và Anh, Anh là vật thụ nạn trong cái hoà bình bi thảm.

Người Lính vẫn tiếp tục ngã xuống, đem xác thân đắp nên thành luỹ để ngăn bước quân thù. Từ Ðông sang Tây, từ Nam chí Bắc, từ ngàn xưa và cho tới ngàn sau, có một quân đội nào mang số phận bi thương và oai hùng như Người Lính?

Những Người Lính chịu uống nước rễ cây và đầu không nhấc thẳng, đi luồn dưới Rừng Sát suốt 30 ngày không thấy ánh sáng mặt trời. Những Người Lính đi hành quân mà không người yểm trợ để hai ngày ăn được bốn muỗng cơm, hay ăn luôn năm trái bắp sống và những lá cải hư mục ruỗng, miệng thèm một cục nước đá lạnh giữa cái nắng cháy da.

Người Lính, người ở địa đạo Tống Lê Chân ăn côn trùng để tử thủ giữ ngọn đồi nhỏ bé. Người nằm xuống ở An Lộc, Bình Long. Và thủ đô, vòm trời thân yêu mà Anh mơ ước để tang truy điệu cho Anh chỉ có ba ngày. Ba ngày cho sinh mạng của năm ngàn người ở lại. Người ta lại tiếp tục vui chơi và quên đi bất hạnh. Bởi bất hạnh nào đó chỉ là bất hạnh của riêng Anh.

Người lãnh đạo Anh còn mè nheo ăn vạ. Và Anh, Anh phải đóng trọn vai trò làm vật hy sinh. Trước nguy nan, lãnh đạo Anh tìm đường chạy trốn thì Anh vẫn còn cầm súng ở tiền phương. Anh đã chống giữ, chịu đựng từng đột xung phong ở Ban Mê Thuột mỗi ngày 24 giờ, không có ai yểm trợ, tiếp tế từ hậu phương. Nhưng ở đó, Anh vẫn phải tử thủ cho con đường tẩu thoát của cấp lãnh đạo Anh tuyệt đối được bình yên.

Và đống minh của Anh, người đồng minh đã từng sát cánh, cùng chia sẻ nỗi gian nguy ở Hạ Lào, Khe Sanh dưới trời mưa pháo, nay lại nghiễm nhiên nhìn Anh đi những bước cuối cuộc đời. Phải chăng nhân loại đang trút những hơi thở cuối cùng nên lương tâm con người đang yên nghỉ?

Cho nên, cả thế giới lặng câm để nhìn Anh chết. Không chỉ cái chết riêng cho mỗi mình Anh, vì bởi dưới đường đạn xuyên qua, xác thân Anh ngã xuống thì đau thương đã vụt đứng lên. Cái bi thương có nhân dáng lớn lên và tồn tại suốt ngang tầm trí nhớ. Và Người Lính, Anh vẫn kỳ vĩ và chịu đựng như vị thần Atlas mang vác quả địa cầu, Người Lính đã mang vác và bảo vệ mấy trăm ngàn người dân trên đường triệt thoái.

Trên những con đường từ Cao Nguyên không thiếu những Người Lính gồng gánh cho những người cô dân chạy loạn. Tay Anh dắt em thơ, tay dắt mẹ già chạy trong cơn mưa pháo. Và Anh đã làm dù, làm khiên đỡ đạn, cho nên thân xác Anh đã căng cứng mấy đường cây số, hay xác làm cầu ở Tỉnh lộ 7B, Anh đã chết ở Cao Nguyên lộng gió và đếm những bước cuối đời ở ngưỡng cửa thủ đô.

Bởi lãnh đạo đầu hàng nên Anh nghẹn ngào vất đi súng đạn. Với nham nhở mình trần, Anh vẫn chưa tin đời đã đổi thay. Có thật không? Hai mươi năm chiến tranh kết thúc? Giã từ những hy sinh và gian khổ của hôm qua, có thật không? Ngày buông rơi vũ khí, Anh mơ ước được về để an phận kẻ thường dân? Và có thật không? Anh được đi, được sống giữa một quê hương rối loạn ngập bóng quân thù?

Anh đã khóc nhiều lần cho quê hương chinh chiến và đã khóc nhiều lần cho những xác bơ vơ. Lính khổ dân cười, dân khổ để Người Lính khóc. Và có ai, từng có ai trong chúng ta đã khóc thương cho đời Lính?

Thương cho Người Lính với trái tim tan vỡ từ lâu. Bởi trái tim Anh đã hơn một lần để lại dưới chân Cổ Thành Quảng Trị, ở một mùa Xuân xứ Huế năm nào, ở Hạ Lào, Tống Lê Chân, hay ở trong cái nồi treo lủng lẳng trên ba lô khi Anh hô xung phong để tiến vào An Lộc? Người Lính thật sự, trái tim Anh tan vỡ từ lâu.

Lịch sử đã sang trang, và loài người đã bắt đầu đi những bước cuối cùng của trái đất? Thế nên thời trang nhân loại là thứ phấn hương tàn nhẫn, và môi tô trét thứ son vô tình. Cả thế giới đồng thanh công nhận và gửi điện văn chúc mừng sự thống nhất ở Việt Nam. Và người ta uống chén rượu mừng để truy điệu Việt Nam đi vào cõi chết, chúc mừng Việt Nam có thêm 25 triệu nô lệ mới nhập tên. Hoà bình đã nở hoa trong cộng đồng thế giới, trong đời người Cộng Sản, nhưng hoà bình không thật sự đến ở Việt Nam.

Người Cộng Sản chân chính có truyền thống là những người không hề biết hoà bình, không sống được trong hoà bình thật sự. Như con giun, con dế sợ ánh sáng mặt trời. Thế nên họ dẫn dắt toàn dân đi xây dựng văn minh thời thượng.

Khởi đầu là việc cày nát nghĩa trang Việt Nam Cộng Hoà và hạ tượng Người Lính Việt Nam Cộng Hoà. Người Lính rơi xuống vỡ tan trong lòng đường phố, nhưng từ đó Anh mới thực sự đứng lên, đứng thẳng và oai hùng hơn trước trong trái tim của người dân Việt Miền Nam.

Bởi từ khi những người bộ đội Cộng Sản bước chân vào thành phố, thì người dân Quốc Gia mới thật sự hiểu được giá trị của Anh. Và những sự lầm lẫn và hối hận hôm nay hình như luôn theo nhau đi vào lịch sử. Vậy thì, khi ta chết trên con đường chạy loạn, khi ta chết ở bãi Tiên Sa, ta vùi thân nơi vùng kinh tế mới hay ta chết chìm dưới đáy biển Ðông, không phải vì khẩu súng rơi trên tay Người Lính, mà ta chết bởi vì viên đạn ích kỷ, viên đạn lãnh đạm và thờ ơ xuất phát từ trái tim bắn ngược lại chính ta. Bởi sự thật về người Cộng Sản đã đi quá tầm tưởng tượng và sự hy sinh của Người Lính vượt quá nỗi bi thương.

Hai mươi năm chiến tranh, hơn hai trăm ngàn Người Lính, hơn năm trăm ngàn Thương Binh đã để lại hai trăm ngàn sinh mạng và năm trăm ngàn những phần cơ thể để lại trên chiến trường khốc liệt. Ðể cho chúng ta có một bầu trời để thở, có một khoảng không gian đi đứng tự do, để cho tuổi thơ của chúng ta không phải đi lượm ve, luợm giấy, không phải đeo khăn quàng đỏ và ngợi ca những điều dối gạt chính mình. Ðể cho bàn tay thiếu nữ không chạm bùn nhơ thuỷ lợi, tuổi thanh xuân không phải vùi chôn ở những gốc mì, để cho bà mẹ già không phải ngồi ước mơ miếng trầu xanh, và những giọt nước mắt thôi không cần tuôn chảy.

Nhưng lịch sử đã sang trang, những trang hồng tươi màu máu cho những người Cộng Sản và cũng là những trang đẫm máu và nhơ bẩn nhất cho cả lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Anh, Người Lính trong thời chiến thành người tù của thời bình. Người Lính chịu số phận bi thương của chiến tranh và cũng chịu luôn số phận tàn nhẫn trong thời bình. Anh người lưu vong trong lòng dân tộc, và lưu dày ở chính quê hương Anh.

Bởi Cộng Sản Việt Nam đã bắt đầu một cuộc chiến tranh mới và đẩy Anh xuống đáy trầm luân. Cũng chính từ Chiến Trường Tù Ngục này mà Cộng Sản đã chứng minh được Chúng và Anh không là đồng loại. Chúng là lũ Cộng Sản cuồng tín, và tàn bạo nhất giữa thế giới Cộng Sản và vô nhân. Chúng lập nên một vương quốc mới mang tên là Lừa Dối, và mở ra một kỷ nguyên mới giết người theo kiểu mới, giết người bằng những mỹ từ đẹp đẽ, bằng lao động vinh quang, bằng thời gian không thể đếm.

Người Lính bước vào trận chiến mới, chiến trường có tên là cải tạo, và Anh, người tù nhân không có án. Ở đây Anh không có lãnh đạo, không có đồng đội, không có hậu phương. Kẻ thù vắt cùng, vắt kiệt sức lực của Anh trong rừng thẳm, đày đọa sỉ nhục Anh dưới hố sí tanh hôi, đem thanh xuân và tài hoa của Anh vùi chôn ở những vồng khoai vớ vẩn. Ðặt hy vọng của Anh vào những mốc thời gian.

Người Lính đã trở thành vật thụ nạn thời bình. Anh chết đói bên những vồng xanh nở rộ do chính tay Anh cầy xới vun trồng. Anh chết khát khi bên ngoài mưa rơi tầm tã. Giữa những trùng vây sóng dữ, giữa bóng tối cô đơn. Anh vượt qua sự chết để đem về nghĩa sống. Anh đã xiếc qua những ranh giới tử sinh để chứng minh được phẩm giá con người. Ðôi mắt Anh cao ngạo và chân đạp chữ đầu hàng.

Từ trong tăm tối hận thù, Anh thắp sáng lên ý nghĩa đời người. Anh đã chiến đấu, để từ trong cõi chết Anh bước ra mà sống. Ðể Anh trở về từ địa ngục trần gian. Bao đồng đội bất hạnh đã ngã xuống trong rừng thẳm, cuối cùng Anh đã trở về.

Ta về cúi mái đầu sương điểm

Nghe nặng từ tâm lượng đất trời

Cám ơn hoa đã vì ta nở

Thế giới vui từ mỗi lẻ loi.

(Tô Thùy Yên)

Nước mắt Anh không rơi trong ngục tù Cộng Sản, nước mắt Anh rơi khi Anh được trả tự do. Anh bước về, Anh đi giữa lòng quê hương. Anh ngỡ ngàng như thức từ cơn mộng. Có thật chăng đất nước Việt Nam, tàn hơn 30 năm chinh chiến và tù đày, để Anh có được một đất nước thanh bình điêu tàn hơn thời chiến?

Và tuổi trẻ, những mầm non đất nước hôm nay xa lạ như người không cùng chung dòng giống. Anh đi trên đường phố xưa, đường đã đổi tên. Anh tìm bạn bè cũ, đứa còn đứa mất. Quê hương này không có chỗ cho Anh?

Hai muơi năm chiến chinh, mười mấy năm tù đày trên chính quê hương để rồi Anh phải tha hương biệt xứ. Người Lính, mười bốn năm lính, mười bốn năm tù, tài sản có, được trị giá vài đô la, và mái đầu sương điểm để Anh bước vào đời lần nữa.

Anh không có quyền bắt đầu, chỉ có quyền tiếp tục trôi theo dòng đời nghiệt ngã. Người Lính cũ ngồi bán nước đá bào cho học trò giờ tan học ở chính quê hương. Hay Anh, Người Lính lưu vong ngồi bán thuốc lá lẻ hằng đêm trong những tiệm Seven Eleven trên đường phố Mỹ.

Ba mươi năm vết thương cũ hầu như chưa lần khép kín. Ôi, hai muơi sáu chữ cái bắt đầu từ a. b. c. đ dẫu sắp xếp khéo léo tới đâu cũng không đủ để viết nên những bi hùng Anh đã đạt. Và cần phải thêm vào bao nhiêu chữ nữa mới diễn tả lên sự xót thương Anh.

Chúng ta đã quá may mắn, quá vinh dự để trang sử Việt Nam có thêm những anh hùng như Người Lính Việt Nam Cộng Hoà, những Anh Hùng Vô Danh và sống đời thầm lặng, những anh hùng bình thường mà ta chưa có dịp vinh danh.

Nhưng cho tới nay, ta đã làm gì để tri ân Người Lính Quốc Gia. Chúng ta, những người dân Quốc Gia, đi chung con thuyền Miền Nam do các Anh chèo chống, đưa qua những cơn sóng dữ Việt Nam. Những người Quốc Gia đã sang thuyền trong cơn quốc nạn, và đã để mặc Anh chìm trong cơn Hồng Thuỷ của Việt Nam.

Chúng ta, những người quốc gia tầm gửi, đã sống nhờ trên máu xương Người Lính, và chưa lần đóng góp nào cho Chính Nghĩa Quốc Gia. Có phải giờ đây, chúng ta tiếc thương Người Lính bằng đầu môi chót lưỡi, bằng những video, nức nở kêu gào, hay chúng ta khóc cho những Người Lính bằng những trang thơ vớ vẩn? Và có ai, có ai trong chúng ta cảm thấy thẹn khi ta đôi lần hãnh diện vì ta nói tiếng Anh trôi chảy hơn họ, xe ta đẹp, nhà ta to?

Ngày nay, Người Cộng Sản ở quê hương với đôi tay đẫm máu của thuở nào cũng nói lời phản Tỉnh. Vậy còn ta, bao nhiêu người Quốc Gia sẽ thức Tỉnh để vẽ chân dung kỳ vị và nhiệm màu của Người Lính chúng ta. Có ai trong chúng ta sẵn sàng chi tiêu những bữa tiệc đắt tiền trong những nhà hàng danh tiếng, mua những tấm vé vào cửa của đại nhạc hội lừng tên, mà ta tiếc bỏ tiền ra để quyên góp xây lại tượng Người Lính ở Thủ Ðô đã ngã xuống hôm nào.

Ðể một mai, khi quê hương không còn giống Cộng Sản, ta đem Anh về trở lại quê hương. Ðể Anh được đứng lên chính nơi Anh ngã xuống như cùng thời với đất nước lúc hồi sinh.

Bao nhiêu chuyên gia nhóm họp nhan đề “xây dựng lại đất nước trong thời hậu Cộng Sản”. Vậy có ai đã đặt kế hoạch tri ân cho Người Lính? Bởi, một ngày nào mà ta chưa biết tri ân Người Lính và đặt họ ở một địa vị xứng đáng mà đáng lẽ họ phải ở từ lâu, thì làm sao ta có thể xây dựng được một xã hội đáng gọi là Nhân Bản.

HÃY VINH DANH NGƯỜI LÍNH VIỆT NAM CỘNG HOÀ.

HÃY GIỮ GÌN VÀ BẢO VỆ TINH THẦN VỊ QUỐC VONG THÂN CỦA HỌ NHƯ GIỮ GÌN NGỌN LỬA THIÊNG LIÊNG TRONG LÒNG DÂN TỘC, THÌ DÂN TỘC TA MỚI MONG CÓ ÐƯỢC NHỮNG TRUYỀN NHÂN XỨNG ÐÁNG VỚI THẾ HỆ TƯƠNG LAI.

VIỆT NAM CỘNG HOÀ MUÔN NĂM!

QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HOÀ MUÔN NĂM!

Nguyễn Thị Thảo An

389/ 421

Ban do VN-Muc luc

https://maps.lib.utexas.edu/maps/topo/vietnam/vietnam_index.html

An Loc-6332-3

https://maps.lib.utexas.edu/maps/topo/vietnam/an_loc-6332-3.pdf

Loc Ninh-6332-4

https://maps.lib.utexas.edu/maps/topo/vietnam/loc_ninh-6332-4.pdf

Xom Ruong-6331-4

https://maps.lib.utexas.edu/maps/topo/vietnam/xom_ruong-6331-4%20.pdf

Khu vuc Xa Mat, Tay Ninh, Cuc R

https://www.chartsandmaps.com/index.php?main_page=popup_image&pID=10497

Xa Mat, Tay Ninh, Cuc R Cambodia # 6132-2

Cambodia #6132-2: Khum Trapeang Phlong: Charts and Maps, ONC and TPC Charts to navigate the world. Detailed topographic Maps to explore the Americas.

https://www.chartsandmaps.com/index.php?main_page=popup_image&pID=10497                                             Xa Mat, Tay Ninh, Cuc R

https://bachvietnhan.blogspot.com/2022/04/20220425-loc-chien-su-1972-phan-36.html 

 

No comments:

Post a Comment