20211018 Cong Dong Tham Luan
VINAGIMEX: Công ty xuất khẩu lao động bê bối và tắc trách nhưng vẫn vô can
Mạch Sống, ngày 17 tháng 10, 2021
Sau gần 3 năm lận đận, cô Mùa Thị La, 23 tuổi, dân tộc Hmong, cuối cùng đã được cảnh sát Ả Râp bảo vệ và đưa vào khu tạm trú ở Thành Phố Jeddah, gần 1000 km về hướng Đông của Thủ Đô Riyadh, Ả Rập Xê Út.
Thứ Sáu 15 tháng 10, cô La được chủ đưa 200 Rials (tương đương 53 USD) trước khi bị đuổi ra khỏi nhà. Với ít tiền trong tay, cô lấy taxi tìm đến các cơ quan xã hội trong thành phố để cầu cứu nhưng tất cả đều đóng cửa nghỉ lễ. Môt nhân sự của BPSOS ở Thái Lan hướng dẫn tài xế taxi chở cô đến đồn cảnh sát gần nhất, nhưng sau đó đã hoàn toàn mất liên lạc với cô La.
“Cô La lúc ấy đã bị khủng hoảng tinh thần và gần như mất khả năng suy nghĩ,” nhân sự của BPSOS ở Thái Lan cho biết. “Trước khi mất liên lạc, cô La đã gọi trên 60 cú điện thoại để cầu cứu trong tình trạng hoảng hốt tột độ.”
Thông qua một tổ chức quốc tế, BPSOS báo động đến chính quyền Ả Rập Xê Út để truy tìm cô La. Cảnh sát quốc gia lập tức gửi thông cáo khẩn đến tất cả các đồn cảnh sát ở thành phố Jeddah.
Hình 1. Cô Mùa Thị La sau một trận đòn chí tử
“Sau nửa ngày chờ đợi trong hồi hộp, chúng tôi được báo là một đồn cảnh sát địa phương đã nhận diện cô La” nhân sự của BPSOS ở Thái Lan thuật lại. “Họ đưa cô vào nơi tạm trú an toàn và sẽ chuyển vào trung tâm bảo trợ xã hội SAKAN ở thủ đô Riyadh trong nay mai.”
Hoàn cảnh của cô Mùa Thị La thật đáng thương tâm. Cô sinh năm 1998, là người sắc tộc H’Mong ở bản Quá Măng, xã Xím Vàng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Cô có một người con trai năm nay 6 tuổi. Là bà mẹ đơn thân nuôi con sau khi hôn nhân đổ vỡ nên cô gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Đầu năm 2019, qua sự môi giới của ông Lầu A Vàng, một người cùng sắc tộc, cô được ông đưa đi gặp người tuyển lao động cho công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp và chuyển giao công nghệ Việt Nam (công ty VINAGIMEX) ở Hà Nội.
Dù cô La không biết tiếng Việt, công ty này vẫn đưa hợp đồng tiếng Việt cho cô ký và đưa cô đi làm công việc giúp gia đình ở Ả-Rập Xê-Út với thời hạn 2 năm. Bố mẹ của cô được VINAGIMEX cấp 5 triệu VND tiền khuyến khích cho người đi lao động ở ngoài nước.
Ngày 21 tháng 01 năm 2019, cô đi từ sân bay quốc tế Nội Bài đến Ả Rập Xê Út. Kể từ đây, những chuỗi ngày cơ cực đã ập xuống thân phận bé nhỏ và yếu thế của cô. Tính đến nay, cô đã phải làm việc với 4 người chủ thuê khác nhau.
Chủ thứ nhất
Cô La sống và làm việc với chủ thứ nhất một năm sáu tháng. Chủ nhà là một người đàn bà độc ác và cay nghiệt. Cô bị bà ta bắt phải làm việc tới 22 giờ mỗi ngày, bị bỏ đói và thường xuyên bị đánh đập. Hình thức đánh đập của nhà chủ hết sức man rợ. Cô bị dìm nước, bóp cổ và đánh tới hôn mê. Có lần cô bị chủ nhà nhốt trong nhà vệ sinh tới 20 ngày chỉ cho ăn đủ để sống. Không được trả lương, mỗi lần cô La nhắc trả lương thì lập tức bị đánh đập, chửi mắng.
Chính vì những trận đòn tàn bạo đó cô đã bị tổn thương thể xác và tâm thần hết sức nặng nề. Có những hôm cô phải dùng kim châm vào các cục máu bầm trên đầu do bị đánh đập để có thể ngủ được. Video trần tình của cô La sau một trận đòn chí tử:
https://www.facebook.com/CAMSA.International/videos/242652597844644
Có một lần cô La chạy thoát được và đến đồn cảnh sát cầu cứu. Khi cảnh sát đưa cô về nhà bà chủ để thu dọn hành lý thì bà chủ giữ cô lại và đuổi cảnh sát đi. Cô La tiếp tục cuộc sống bị bóc lột, hành hung và sỉ nhục.
Sau một năm rưỡi chịu đựng, cuối cùng cô La trốn thoát qua đường cửa sổ. Cô ra đi với 2 bàn tay trắng. Tất cả hành lý và giấy tuỳ thân đều để lại nơi nhà bà chủ. Cô mất luôn 10 tháng làm việc chưa được thanh toán tiền lương. Lần này cô không ra đồn cảnh sát.
Hình 2. Thành Phố Jeddah, nơi cô Mùa Thị La đến làm việc với nhà chủ
Chủ thứ 2
Sau khi bỏ trốn khỏi gia đình người chủ, cô đi lang thang trong thành phố nhiều ngày, không có gì ăn, không nơi nương náu. Cô gặp một người đàn ông tốt bụng đã đưa cô về giúp việc cho mẹ ông ta, không lương. Sau 5 tháng, người chủ cho người nhà đưa cô ra phi trường về nước. Người này dặn cô ngồi đợi họ đi làm thủ tục và mua vé máy bay. Chờ mãi không thấy người ấy trở lại cô mới biết mình bị bỏ rơi. Cô lang thang trong phi trường 3 hôm. Sau đó có người đã đưa cô tới đồn cảnh sát. Thương cảm cho số phận của cô, một viên cảnh sát đã đón về nuôi để giúp việc cho gia đình mình.
Chủ thứ 3
Sau 5 tháng, gia đình viên cảnh sát cho biết họ không có khả năng giúp đỡ cô thêm được nữa. Vì vậy, cô La lại trở thành người vô gia cư. Trong một lần ghé tiệm tạp hóa, cô được người chủ tiệm tốt bụng cho cô truy cập internet để kết nối với ông Lầu A Vàng - người đã môi giới cô với công ty VINAGIMEX. Ông Vàng kết nối cô với một viên chức ở Toà Đại Sứ Việt Nam. Viên chức này cho biết sẽ gửi gắm cô La với một người quen.
Chủ thứ 4
Sáng sớm hôm sau, cô được người chủ thứ tư đón về làm việc cho gia đình họ, không lương. Tình trạng của cô không khá hơn trước vì không có hợp đồng lao động với chủ thuê. Vì vậy, bất cứ lúc nào người chủ cũng có thể đẩy cô ra khỏi nhà.
Trong nỗ lực giải cứu cô La, một người tốt bụng đã nhắn nhà chủ thứ tư giao cô La cho Trung tâm bảo trợ xã hội SAKAN tại thủ đô Riyadh. Người chủ này đồng ý nhưng từ nơi cô La đến Riyadh phải mất nửa ngày di chuyển bằng xe hơi.
Bỗng dưng ngày 15 tháng 10, người chủ đổi ý và đuổi cô ra khỏi nhà mà không hề báo trước. Không quen biết ai ở Ả Rập Xê Út, cô liên tục gọi cho nhân sự của BPSOS ở Thái Lan để lấy ý kiến trong khi chạy ngược chạy xuôi tìm sự giúp đỡ.
Lần này, may mắn cho cô La, cảnh sát Ả Rập vào cuộc và cô đã được đưa vào nơi tạm trú an toàn.
Trách nhiệm của công ty và cơ quan xuất khẩu lao động
Theo quy định của luật pháp Việt Nam, công ty đưa người đi lao động ở nước ngoài phải ký hợp đồng với người lao động và tham dự vào quá trình ký hợp đồng lao động giữa người lao động với chủ sử dụng lao động. Công ty đưa người đi lao động phải giám sát và chịu trách nhiệm trong việc hai bên thực hiện hợp đồng đã ký kết.
Trong trường hợp của cô Mùa Thị La, công ty VINAGIMEX đã bỏ mặc người lao động bị bóc lột sức lao động, bị đối xử tàn nhẫn, không được trả công lao động và trở thành người sống lang thang. Do vậy, song song với việc giải cứu và xúc tiến việc hồi hương thì các hoạt động pháp lý cũng đã được khởi động nhằm đưa những kẻ phạm tội buôn bán người ra trước pháp luật.
Hình 3. Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ Trưởng Bộ LĐ-TB&XH, trả lời báo chí, ngày 15/10/2021
Ngày 15 tháng 10, cùng ngày cô La bị nhà chủ đuổi và được cảnh sát Ả Râp cứu, Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ Trưởng Bộ LĐ-TB&XH trả lời báo chí là có một số doanh nghiệp đưa người đi lao động ở Ả Rập Xê Út chưa tích cực tuân thủ các quy định của nhà nước, chưa nhanh chóng hỗ trợ các người lao động gặp rủi ro. Xem:
https://www.youtube.com/watch?v=Sxqd4Cfx-RU.
Điều mà Ông Diệp nói thiếu là có những công ty xuất khẩu lao động đã và đang vi phạm nghiêm trọng luật pháp, thậm chí tăng tuổi các trẻ em vị thành niên để gửi đi lao động, nhưng không hề bị điều tra, truy tố, và trừng phạt. Cán bộ của Bộ LĐ-TB&XH tại Ả Rập Xê Út cho đến nay chưa góp phần với bất kỳ một cuộc giải cứu người lao động Việt Nam nào trong tình trạng nguy kịch. Ngược lại, chính cán bộ này có nhiều dấu hiệu đã đẩy một số người lao động vào hoàn cảnh buôn người và hăm doạ bỏ tù những ai lên tiếng cầu cứu trên mạng xã hội.
“Chúng tôi kêu gọi nhà nước Việt Nam thực thi nghiêm chỉnh nghĩa vụ bảo vệ công dân tham gia chương trình xuất khẩu lao động của nhà nước và truy tố các công ty xuất khẩu lao động cũng như các cán bộ tắc trách,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, nói.
Năm 2008, BPSOS hình thành Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia, CAMSA). Đến nay CAMSA đã tham gia hoặc hỗ trợ giải cứu tổng cộng 11 nghìn nạn nhân, trong đó khoảng 80% là người Việt, ở 24 quốc gia.
Tin liên quan:
Buôn Người Dưới Danh Nghĩa Xuất Khẩu Lao Động
Thêm nạn nhân buôn người hồi hương từ Ả Rập Xê Út
Thêm nạn nhân buôn người được giải cứu ở Ả Rập Xê Út
A non-profit which rescues children who have been abused or trafficked
1-855-646-5484 http://www.calledtorescue.org/
The Global Magnitsky Human Rights Accountability Act
https://crsreports.congress.gov/product/pdf/IF/IF10576
The Magnitsky Sanctions
No comments:
Post a Comment